Bài viết này có đồng tác giả là Anthony Stark, EMR, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 18 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 2.092 lần.
Tình trạng thoát vị có thể xảy ra ở nhiều bộ phận trong cơ thể. Tình trạng này cũng có thể gây đau và khó chịu. Nguyên nhân là vì khi bị thoát vị, các cơ quan trong cơ thể chèn ép vào các mô hoặc cơ xung quanh. Thoát vị có thể xảy ra ở bụng, xung quanh vùng rốn, vùng háng (đùi hoặc bẹn) hoặc ở dạ dày. Nếu bị thoát vị khe, có lẽ bạn sẽ gặp tình trạng tăng tiết a-xít hoặc trào ngược a-xít. May mắn là bạn có thể kiểm soát đau tại nhà và thay đổi lối sống để giảm sự khó chịu do chứng thoát vị.
Các bước
Phần 1
Phần 1 của 3:Chữa đau do thoát vị tại nhà
-
1Chườm túi đá. Nếu cảm thấy khó chịu ở mức độ tương đối nhẹ, bạn hãy chườm túi đá lên vùng bị thoát vị 10-15 phút. Bạn có thể thực hiện liệu pháp này một hoặc hai lần mỗi ngày sau khi đã hỏi ý kiến bác sĩ. Túi đá lạnh có thể giảm sưng và viêm.[1]
- Không bao giờ chườm đá hoặc túi đá trực tiếp lên da. Nhớ bọc túi đá trong vải mỏng hoặc khăn trước khi áp lên da. Điều này sẽ ngăn ngừa tổn thương cho các mô da.
-
2Uống thuốc để kiểm soát đau. Nếu bị đau ở mức độ trung bình, bạn có thể uống thuốc giảm đau không kê toa như ibuprofen và acetaminophen để giảm đau. Luôn luôn tuân theo hướng dẫn về liều lượng của nhà sản xuất.[2]
- Nếu thấy mình bị lệ thuộc vào thuốc giảm đau không kê toa quá một tuần, bạn nên hỏi bác sĩ. Bạn có thể được bác sĩ kê toa thuốc giảm đau mạnh hơn.
-
3Uống thuốc để trị trào ngược dạ dày. Nếu bị thoát vị khe (dạ dày), có lẽ bạn sẽ bị tăng tiết a-xít, còn gọi là trào ngược a-xít. Bạn có thể uống thuốc antacid và các thuốc không kê toa để giúp cơ thể giảm sản xuất a-xít và các thuốc kê toa như thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp giảm sản xuất a-xít trong dạ dày.[3]
- Nếu các triệu chứng trào ngược a-xít không cải thiện trong vài ngày, bạn nên đến bác sĩ. Nếu không được điều trị, tình trạng trào ngược a-xít có thể làm tổn thương thực quản nghiêm trọng. Bác sĩ có thể kê toa thuốc cho bạn để trị chứng trào ngược a-xít và chữa lành các cơ quan tiêu hóa.
-
4Sử dụng dụng cụ hỗ trợ hoặc đai đeo. Trong trường hợp thoát vị bẹn (vùng háng), bạn có thể cần đeo một dụng cụ hỗ trợ đặc biệt có thể giúp giảm đau. Trao đổi với bác sĩ về việc đeo đai nẹp giống như đồ lót có tác dụng nâng đỡ. Bạn cũng có thể đeo dây đai hoặc nẹp để giữ cố định chỗ thoát vị. Để đeo đai nẹp, bạn hãy nằm xuống và quấn dây đai hoặc nẹp xung quanh chỗ thoát vị sao cho vừa vặn.
- Dây đai chỉ nên đeo trong một thời gian ngắn. Bạn nên biết rằng các đai này không thể giúp bạn chữa lành tình trạng thoát vị.[4]
-
5Thử châm cứu. Châm cứu là một phương pháp y học cổ truyền, giúp điều chỉnh kinh mạch trong cơ thể bằng cách châm những chiếc kim mỏng vào các huyệt đạo đặc biệt. Bạn có thể kiểm soát chứng đau do thoát vị bằng cách kích thích các huyệt có tác dụng giảm đau. Hãy tìm một chuyên gia châm cứu được chứng nhận và có kinh nghiệm trong việc làm giảm đau do thoát vị.[5]
- Liêu pháp châm cứu có thể giảm đau, nhưng bạn vẫn cần được điều trị y tế để chữa chứng thoát vị.
-
6Đến bác sĩ ngay nếu bạn bị đau dữ dội. Nếu nghi ngờ mình bị thoát vị, sờ thấy một khối bất thường ở vùng bụng hoặc vùng bẹn, hoặc bị tăng tiết a-xít hay ợ nóng, bạn hãy hẹn với bác sĩ để đến khám. Đa phần các trường hợp thoát vị đều có thể được bác sĩ chẩn đoán bằng việc thăm khám lâm sàng và xem xét các triệu chứng. Nếu đã đến bác sĩ nhưng các triệu chứng không cải thiện sau một tuần, bạn hãy liên lạc với bác sĩ để đến khám lại.
- Nếu có cơn đau bất thường và đã được chẩn đoán thoát vị thành bụng, thoát vị bẹn hoặc thoát vị đùi, bạn cần gọi ngay cho bác sĩ hoặc nhanh chóng đến phòng cấp cứu – cơn đau có thể là dấu hiệu cần cấp cứu.
-
7Phẫu thuật. Mặc dù có thể kiểm soát cơn đau do thoát vị tại nhà, bạn vẫn không có khả năng chữa khỏi thoát vị. Bạn hãy hỏi bác sĩ về phương án phẫu thuật để đẩy các cơ nhô ra vào đúng vị trí của nó. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể tiến hành thủ thuật ít xâm lấn hơn bằng cách tạo các vết rạch nhỏ để chữa thoát vị với lưới sợi tổng hợp.[6]
- Nếu chỗ thoát vị không thường xuyên gây khó chịu, và bác sĩ khám thấy khối thoát vị có kích thước nhỏ, có thể bạn không cần phải làm phẫu thuật.
Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:Thay đổi lối sống
-
1Ăn các bữa ăn ít hơn. Nếu bị chứng ợ nóng hoặc thoát vị khe, bạn cần giảm áp lực lên dạ dày. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách ăn các khẩu phần nhỏ trong mỗi bữa ăn. Bạn cũng nên ăn chậm để dạ dày có thể tiêu hóa thức ăn nhanh hơn và dễ dàng hơn. Điều này cũng có thể giảm áp lực lên cơ vòng của thực quản vốn đã bị yếu.[7]
- Cố gắng ăn trước giờ đi ngủ 2-3 tiếng. Điều này sẽ ngăn ngừa thức ăn tạo áp lực lên các cơ dạ dày khi bạn đang cố dỗ giấc ngủ.
- Bạn cũng có thể cần thay đổi chế độ ăn để giảm lượng a-xít thừa trong dạ dày. Tránh các thức ăn nhiều chất béo, sô cô la, bạc hà cay, rượu bia, hành, cà chua và hoa quả họ cam quýt.[8]
-
2Giảm áp lực lên thành bụng. Mặc quần áo không thít chặt vào dạ dày hoặc thành bụng. Tránh mặc quần áo chật hoặc đeo thắt lưng. Thay vào đó, bạn hãy chọn áo rộng ở phần eo. Nếu dùng thắt lưng, bạn nên điều chỉnh sao cho không thít chặt vào eo.[9]
- Nếu bạn thít chặt dạ dày hoặc thành bụng, chứng thoát vị có thể tái phát và tình trạng tăng tiết a-xít sẽ nghiêm trọng hơn. A-xít trong dạ dày có thể bị đẩy ngược lại thực quản.
-
3Giảm cân. Nếu bị thừa cân thì nghĩa là bạn đang tạo thêm áp lực lên dạ dày và các cơ bụng. Áp lực này có thể tăng nguy cơ tạo ra thêm khối thoát vị khác, ngoài ra còn khiến cho a-xít trong dạ dày bị đẩy ngược lại thực quản. Tình trạng này có thể gây trào ngược a-xít và tăng tiết a-xít.[10] [11]
- Cố gắng giảm cân dần dần. Đặt mục tiêu mỗi tuần giảm không quá 0,5-1 kg. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh chế độ ăn và chương trình tập thể dục.
-
4Tập luyện cho các cơ quan trọng. Vì không nên nhấc các vật nặng hoặc căng cơ, bạn hãy cố gắng tập các bài tập làm chắc khỏe và hỗ trợ cơ bắp. Nắm ngửa và thử một trong các bài giãn cơ sau đây:
- Nâng cao đầu gối sao cho hai chân hơi gập lại. Đặt một chiếc gối giữa hai chân và dùng các cơ đùi ép vào gối. Thả lỏng các cơ bắp và lặp lại động tác này 10 lần.
- Để hai tay hai bên sườn và nhấc đầu gối lên cao cách mặt sàn. Dùng cả hai chân làm động tác đạp xe trên không khí. Tiếp tục động tác này cho đến khi bạn cảm thấy sức căng của cơ thành bụng.
- Nhấc đầu gối lên sao cho hai chân hơi gập lại. Đặt hai bàn tay sau đầu và gập thân trên với góc 30 độ. Phần thân trên sẽ di chuyển đến gần đầu gối hơn. Giữ yên tư thế này và cẩn thận nằm lại xuống sàn. Bạn có thể lặp lại 15 lần.
-
5Ngừng hút thuốc. Nếu bị trào ngược a-xít, bạn nên cố gắng ngừng hút thuốc. Hút thuốc có thể tăng a-xít dạ dày và khiến chứng trào ngược a-xít trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, nếu bạn đang chuẩn bị làm phẫu thuật để điều trị thoát vị, bác sĩ sẽ khuyên bạn bỏ thuốc lá vài tháng trước khi phẫu thuật.
- Hút thuốc sẽ khiến cho cơ thể khó hồi phục hơn sau phẫu thuật, đồng thời có thể tăng huyết áp trong quá trình phẫu thuật. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ tái phát thoát vị và nhiễm trùng sau phẫu thuật.[12]
Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:Sử dụng các liệu pháp thảo mộc
-
1Dùng cây rau tề. Loại thực vật này (được xếp vào loại cỏ) thường được dùng trong dân gian để giảm sưng và đau. Xoa tinh dầu cây rau tề lên vùng bị đau do thoát vị. Bạn cũng có thể mua thực phẩm bổ sung có chiết xuất cây rau tề để uống. Luôn tuân theo các hướng dẫn về liều dùng của nhà sản xuất.[13]
- Các nghiên cứu đã chứng minh rằng cây rau tề có tác dụng kháng viêm.[14] Ngoài ra loại thảo mộc này cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
-
2Uống trà thảo mộc. Nếu có biểu hiện buồn nôn, nôn và trào ngược a-xít do thoát vị, bạn hãy uống trà gừng. Gừng là một chất kháng viêm và làm dịu dạ dày. Ngâm trà gừng túi lọc hoặc cắt một nhánh gừng tươi. Ngâm gừng tươi trong nước sôi khoảng 5 phút. Trà gừng đặc biệt hữu ích khi được uống trước bữa ăn 30 phút. Trà gừng cũng an toàn cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.[15]
- Cân nhắc uống trà thì là để làm dịu dạ dày và giảm a-xít dạ dày. Nghiền một thìa cà phê hạt thì là và ngâm trong cốc nước sôi khoảng 5 phút. Uống 2-3 cốc mỗi ngày.
- Bạn cũng có thể uống bột mù tạt hòa tan trong nước hoặc uống trà cúc La Mã. Những loại thảo mộc trên đều có tác dụng kháng viêm và có thể làm dịu dạ dày nhờ giảm a-xít.[16]
-
3Uống cam thảo. Tìm mua cam thảo ở dạng viên nhai. Cam thảo đã được chứng minh là có tác dụng chữa lành dạ dày, đồng thời kiểm soát tình trạng tăng tiết a-xít. Đảm bảo tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thông thường liều lượng là 2-3 viên cách mỗi 4-6 giờ.[17]
- Lưu ý rằng rễ cam thảo có thể gây ra tình trạng thiếu kali trong cơ thể, dẫn đến chứng loạn nhịp tim. Hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn sử dụng số lượng lớn cam thảo hoặc dùng quá 2 tuần.
- Cây du trơn là một loại thực phẩm bổ sung thảo mộc khác mà bạn có thể thử dùng ở dạng nước uống hoặc viên uống. Loại thảo mộc này bao bọc và xoa dịu các mô bị kích ứng, an toàn cho phụ nữ mang thai.[18]
-
4Uống giấm táo. Nếu bị trào ngược a-xít nghiêm trọng, bạn có thể thử uống giấm táo. Một số người tin rằng lượng a-xít thừa sẽ báo cho cơ thể giảm sản xuất a-xít trong quá trình gọi là ức chế ngược, mặc dù điều này vẫn còn cần được nghiên cứu thêm. Pha 1 thìa canh giấm táo hữu cơ với 180 ml nước và uống.[19] Nếu thích, bạn có thể thêm vào một chút mật ong để dễ uống hơn.
- Một biến thể của liệu pháp này là nước chanh. Bạn chỉ cần pha vài thìa cà phê nước cốt chanh và thêm nước vào theo khẩu vị. Nếu muốn, bạn có thể cho thêm mật ong. Uống trước, trong và sau bữa ăn.
-
5Uống nước ép lô hội. Chọn nước ép lô hội (không dùng gel) và uống ½ cốc. Mặc dù có thể nhấm nháp nước ép lô hội cả ngày, nhưng bạn nên giới hạn lượng nạp vào mỗi ngày trong khoảng 1-2 cốc. Lý do là vì lô hội có tác dụng nhuận trường.[20]
- Các nghiên cứu đã cho thấy xi-rô lô hội có thể trị các triệu chứng trào ngược a-xít bằng cách giảm viêm và trung hòa a-xít dạ dày.[21]
Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4483
- ↑ http://www.drugs.com/cg/inguinal-hernia.html
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hiatal-hernia/basics/treatment/con-20030640
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/inguinal-hernia/expert-answers/hernia-truss/faq-20058111
- ↑ http://www.home-remedies-for-you.com/remedy/Hernia.html
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/inguinal-hernia/basics/treatment/con-20021456
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/basics/lifestyle-home-remedies/con-20025201
- ↑ http://www.aboutgerd.org/diet-lifestyle-changes/diet-changes-for-gerd.html
- ↑ https://my.clevelandclinic.org/health/diseases_conditions/hic-hernia/hic-hiatal-hernia
- ↑ http://www.med.umich.edu/1libr/Surgery/GenSurgery/HerniaObesity.pdf
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/basics/lifestyle-home-remedies/con-20025201
- ↑ https://www.facs.org/~/media/files/education/patient%20ed/quitsmoking.ashx
- ↑ http://www.home-remedies-for-you.com/remedy/Hernia.html
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3951821/
- ↑ Willetts, K. E., Ekangaki, A. and Eden, J. A. (2003), Effect of a ginger extract on pregnancy-induced nausea: A randomised controlled trial. Australian and New Zealand Journal of Obstetrics and Gynaecology, 43: 139–144.
- ↑ Vemulapall, R. Diet and Lifestyle Modifications in the Management of Gastroesophageal Reflux Disease. Nutr Clin Pract June 2008 vol. 23 no. 3 293-298.
- ↑ Glick, L., Deglycyrrhizinated liquorice for peptic ulcer. Lancet. 1982 Oct 9;2(8302):817.
- ↑ Petry JJ, Hadley SK. Medicinal herbs: answers and advice, Part 2.Hosp Pract (1995). 2001 Aug 15;36(8):55-9.
- ↑ Petry JJ, Hadley SK. Medicinal herbs: answers and advice, Part 2.Hosp Pract (1995). 2001 Aug 15;36(8):55-9.
- ↑ http://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/aloe/evidence/hrb-20058665
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26742306