Bài viết này đã được cùng viết bởi Joshua Ellenhorn, MD. Joshua Ellenhorn là bác sĩ phẫu thuật với chuyên ngành về phẫu thuật ung thư, phẫu thuật ít xâm lấn và phẫu thuật với sự hỗ trợ của rô-bốt. Ông điều hành phòng khám tư tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles, California và là một bác sĩ hàng đầu về phẫu thuật, nghiên cứu ung thư và giảng dạy phẫu thuật. Ellenhorn đã đào tạo hơn 60 bác sĩ phẫu thuật ung thư và có hơn 18 năm hành nghề tại City of Hope National Medical Center, tại đây ông là giáo sư và trưởng khoa phẫu thuật tổng quát và ngoại ung thư. Ellenhorn chuyên thực hiện các thủ thuật sau: phẫu thuật bàng quang, sửa chữa đĩa đệm, ung thư đại trực tràng, ung thư da và ung thư tế bào hắc tố, ung thư dạ dày và ung thư tụy. Ông có bằng bác sĩ y khoa của Trường Y khoa thuộc Đại học Boston, hoàn thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Chicago và Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering và hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú về phẫu thuật tại Đại học Cincinnati.
Có 17 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 9.302 lần.
Cơn đau túi mật thường xảy ra ở phía trên bên phải của bụng, có mức độ từ nhẹ đến nặng. Mặc dù sỏi mật là nguyên nhân phổ biến gây đau túi mật, bạn vẫn cần đi khám để loại trừ các vấn đề khác. Với cơn đau nhẹ, thuốc giảm đau không kê toa có thể giúp giảm đau gần như tức thì. Về lâu dài, việc điều chỉnh chế độ ăn có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi mật. Khi bị đau dữ dội kèm sốt hoặc vàng da, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Các bước
Giảm đau nhanh
-
1Uống thuốc giảm đau không kê toa theo hướng dẫn. Thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen thường là cách tốt nhất và có hiệu quả giảm đau gần như tức thì. Acetaminophen có thể gây tổn thương gan, do đó bạn cần đảm bảo cơn đau không có liên quan đến gan trước khi uống.[1]
- Bạn chỉ nên uống thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen khi có lời khuyên của bác sĩ. Các thuốc này có thể gây khó chịu trong dạ dày và rốt cuộc có thể khiến cơn đau túi mật trầm trọng thêm.
- Nếu thuốc không kê toa không công hiệu, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống co thắt để làm giãn túi mật.[2]
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc.
-
2
-
3Thử chườm ấm bằng gạc nhúng dầu thầu dầu. Để làm gạc chườm, hãy nhúng vải sạch vào dầu thầu dầu tinh khiết, đắp lên chỗ đau, sau đó phủ màng bọc thực phẩm bên trên gạc. Chườm như vậy trong 30 phút để giảm đau và viêm.[4]
- Chườm ấm bằng gạc nhúng dầu thầu dầu mỗi ngày 1 lần trong 3 ngày.
-
4Pha trà nghệ. Cắt lát một mẩu nghệ dài khoảng 5 cm và đun sôi các lát nghệ trong nồi nước để pha trà. Bạn cũng có thể uống viên nghệ 1.000mg -2.500mg mỗi ngày. Ngoài các công dụng khác, nghệ còn giúp giảm nhẹ các vấn đề về túi mật.[5]
- Mặc dù nghệ nói chung là an toàn, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử uống trà nghệ hoặc uống viên thực phẩm bổ sung nghệ.
- Nghệ và một số loại thảo mộc khác có thể nhanh chóng làm cạn túi mật. Mặc dù việc tăng tốc độ dòng chảy của dịch mật có thể giúp giảm đau, nhưng điều này cũng có thể dẫn đến tắc ống mật hoặc các biến chứng khác. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.[6]
-
5Trao đổi với bác sĩ trước khi thử dùng thảo mộc, thực phẩm chức năng và các liệu pháp thanh lọc. Có một số liệu pháp tại nhà để giảm đau túi mật, nhưng hầu hết đều chưa được chứng minh bằng các bằng chứng khoa học. Hơn nữa, một số loại thảo mộc và thực phẩm chức năng có thể khiến bệnh túi mật hoặc các bệnh lý khác trầm trọng hơn, ngoài ra chúng còn có thể tương tác với thuốc.[7]
- Kế sữa (milk thistle), bạc hà cay (peppermint), rau diếp xoăn (chicory) và các một số thảo mộc khác được sử dụng để giảm đau liên quan đến túi mật, nhưng chúng cũng có thể làm tắc ống mật và gây ra các biến chứng khác.
- Có thể bạn cũng nghe đồn rằng liệu pháp thanh lọc bằng giấm táo và dầu ô liu sẽ tốt cho túi mật, nhưng không có gì đảm bảo điều này là đúng. Hơn nữa, việc thay thế thức ăn đặc bằng chất lỏng thanh lọc có thể còn khiến tình trạng sỏi mật trở nặng hơn.[8]
- Một số người uống nước muối để thanh lọc hệ tiêu hóa, nhưng cách này là không an toàn và bạn nên tránh.[9]
-
6Điều trị các vấn đề về tiêu hóa bằng betaine hydrochloride. Mặc dù chất bổ sung hydrochloride không trực tiếp tác động lên túi mật, nhưng nó có thể giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và giảm nhẹ các triệu chứng có liên quan, chẳng hạn như đầy hơi, ợ hơi và buồn nôn. Liều dùng tiêu chuẩn là tối thiểu 600 mg betaine hydrochloride trong mỗi bữa ăn.[10]
- Bạn có thể tìm mua betaine hydrochloride không kê toa qua mạng hoặc các hiệu thuốc.
- Hỏi bác sĩ xem liệu thực phẩm bổ sung hydrochloride có phù hợp với bạn không. Không dùng sản phẩm này nếu bạn có tiền sử ợ nóng, trào ngược axit, viêm dạ dày hoặc loét dạ dày. Ngừng sử dụng nếu cảm thấy bỏng rát trong dạ dày.[11]
Quảng cáo
Điều chỉnh chế độ ăn
-
1Uống ít nhất 8 cốc (2 lit) nước mỗi ngày. Nước rất tốt cho sức khỏe tổng thể và có thể giúp cơ thể phân giải các chất gây sỏi mật. Nếu bị tiêu chảy liên quan đến các vấn đề về túi mật, bạn nhất thiết phải cung cấp đủ nước cho cơ thể.[12]
- 8 cốc nước là khuyến nghị chung, nhưng bạn cần uống nhiều hơn khi thời tiết nóng và trong lúc tập thể dục. Nếu bị đổ mồ hôi nhiều khi làm việc ngoài trời trong thời tiết nóng, bạn nên cố gắng uống 480 ml – 1 lít nước cách mỗi tiếng đồng hồ.
-
2Ăn thêm các thức ăn giàu chất xơ, chẳng hạn như hoa quả, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Chất xơ giúp giảm cholesterol trong dịch mật, từ đó có thể ngăn ngừa sỏi mật hình thành. Các nguồn cung cấp chất xơ dồi dào bao gồm hoa quả và rau tươi (đặc biệt là rau lá xanh), đậu lăng, gạo lứt, các loại ngũ cốc, mì, bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt.[13]
- Nếu bạn vừa trải qua phẫu thuật túi mật hoặc đang áp dụng chế độ ăn kiêng đặc biệt, hãy hỏi bác sĩ về lượng chất xơ an toàn có thể nạp vào.[14]
-
3Ăn thêm hoa quả họ cam quýt và các nguồn cung cấp vitamin C khác. Vitamin C có thể giúp cơ thể hòa tan cholesterol dễ dàng hơn, từ đó cũng giúp ngăn ngừa sỏi mật hình thành. Bạn nên nạp ít nhất 75-90mg vitamin C mỗi ngày. Lượng vitamin C này tương đương với 1 cốc nước cam hoặc một quả cam cỡ vừa nên cũng dễ đạt được.[15]
- Các nguồn cung cấp vitamin C còn bao gồm các loại hoa quả có múi khác, chẳng hạn như bưởi, ngoài ra còn có kiwi, dâu tây, ớt chuông xanh và đỏ.
- Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ về việc uống thực phẩm bổ sung vitamin C hàng ngày. Nhớ rằng cơ thể hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn tốt hơn từ thực phẩm bổ sung.
-
4Hạn chế tiêu thụ carbohydrate tinh chế và đường. Carbohydrate bao gồm ngũ cốc không nguyên hạt như bánh mì trắng, gạo trắng và bột mì trắng. Đường tự nhiên có trong hoa quả và rau là tốt, nhưng bạn nên tránh các thức ăn có chứa đường phụ gia như kẹo, bánh ngọt và nước ngọt.[16]
- Carbohydrate tinh chế và đường phụ gia có liên quan đến tình trạng tăng nguy cơ sỏi mật.
-
5Sử dụng chất béo lành mạnh với lượng vừa phải. Các axit béo omega-3 và chất béo không bão hòa là các lựa chọn tốt hơn các loại dầu hidro hóa và chất béo chuyển hóa. Các nguồn chất béo lành mạnh bao gồm cá hồi, quả bơ và dầu thực vật, chẳng hạn như dầu ô liu và dầu hạt cải canola. Dầu và mỡ nên chiếm 20% lượng calo hàng ngày, hoặc ở mức 44 g cho chế độ ăn 2.000 calo.[17]
- Chất béo lành mạnh có vai trò quan trọng, vì việc loại bỏ chất béo khỏi chế độ ăn có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Trong khi các chất béo lành mạnh có vai trò quan trọng, bạn cần tránh các chất béo có hại như chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, vì chúng có thể tăng nguy cơ tái phát đau túi mật. Thức ăn chiên rán, thức ăn có chứa bơ thực vật, mỡ lợn và bò, da gà và các chất béo có hại khác đều nên tránh.
- Ngoài ra, bạn nên kiểm tra hàm lượng cholesterol trên nhãn thực phẩm. Hầu hết người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ không quá 300 mg cholesterol mỗi ngày. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị hạn chế cholesterol ở mức 100 mg mỗi ngày hoặc ít hơn.
-
6Tránh bỏ bữa hoặc áp dụng chế độ ăn kiêng cấp tốc. Ăn các bữa ăn cách quãng đều đặn là điều quan trọng. Khi cơ thể thiếu thức ăn trong thời gian dài, gan sẽ tiết thêm cholesterol vao dịch mật và có thể hình thành sỏi mật.[18]
- Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân dần dần có thể có lợi cho túi mật. Cố gắng giảm không quá 5-10% trọng lượng ban đầu trong thờ gian 6 tháng.
Quảng cáo
Tìm sự chăm sóc y tế
-
1Đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng dai dẳng hoặc nghiêm trọng. Nếu cơn đau nhẹ ở phần trên bên phải bụng kéo dài quá 3 ngày, bạn hãy gọi cho bác sĩ để hẹn ngày khám. Với các triệu chứng nặng, bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.[19]
- Các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm: đau dữ dội đến mức không thể ngồi dậy hoặc cử động bụng, sốt, ớn lạnh và vàng da hoặc mắt.
- Nếu nghi ngờ có các vấn đề về túi mật, bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi thử tự điều trị.
-
2Trao đổi với bác sĩ để lập kế hoạch điều trị phù hợp. Kể với bác sĩ về các triệu chứng, tiền sử bệnh và mọi loại thuốc bạn đang uống. Đồng ý làm các xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu và chụp hình ảnh. Các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.[20]
- Mặc dù sỏi mật là nguyên nhân phổ biến gây đau ở bụng trên bên phải, các triệu chứng cũng có thể liên quan đến nhiễm trùng, tắc ống mật hoặc các vấn đề khác.
- Các phương pháp điều trị sỏi mật và tắc ống mật bao gồm: phẫu thuật cắt túi mật, nội soi lấy sỏi (không phẫu thuật), các loại thuốc làm tan sỏi mật và điều trị bằng sóng âm để làm tan sỏi mật.[21]
- Nếu bạn bị viêm túi mật, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh. Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể phải cắt bỏ túi mật.[22]
-
3Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật. Nếu phải phẫu thuật, bạn sẽ cần chăm sóc vết mổ theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân sau phẫu thuật có thể phải nằm viện đến 1 tuần, nhưng nhiều người có thể được về nhà sau phẫu thuật 1 ngày.[23]
- Sau phẫu thuật, có thể bạn được bác sĩ cho ăn chế độ ăn chất lỏng để túi mật nghỉ ngơi. Trong cả hai phương pháp điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật, bạn sẽ phải tuân theo chế độ ăn ít cholesterol và không hại cho túi mật.
- Sau phẫu thuật túi mật, bạn có thể đi tiêu thường xuyên hơn và tiêu chảy. Những thay đổi này thường chỉ tạm thời.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Ngoài các lợi ích khác về sức khỏe, việc cai thuốc lá và hạn chế rượu bia cũng có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi mật và bệnh túi mật.
- Nếu có tiền sử đau túi mật, bạn cần tránh các chế độ ăn kiêng và các chương trinh tập luyện giúp giảm cân nhanh, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.
Cảnh báo
- Nếu cơn đau kéo dài quá 6 tiếng mỗi đợt, sốt hoặc nôn, hoặc nếu đau dữ dội đến mức cản trở các chức năng bình thường của cơ thể, bạn hãy đi cấp cứu ngay lập tức.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cố gắng tự giảm đau túi mật. Sỏi mật, nhiễm trùng hoặc tắc ống mật có thể cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Tham khảo
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000196.htm
- ↑ https://www.aafp.org/afp/2014/0515/p795.html
- ↑ http://pennstatehershey.adam.com/content.aspx?productId=107&pid=33&gid=000066
- ↑ http://pennstatehershey.adam.com/content.aspx?productId=107&pid=33&gid=000066
- ↑ https://nccih.nih.gov/health/turmeric/ataglance.htm
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20821233
- ↑ https://www.um.edu.mt/__data/assets/pdf_file/0007/148975/herbalmonographs.pdf
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/expert-answers/gallbladder-cleanse/faq-20058134
- ↑ https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/the-dubious-practice-of-detox
- ↑ http://archive.foundationalmedicinereview.com/publications/14/3/258.pdf
- ↑ https://www.uofmhealth.org/health-library/hn-2808009#hn-2808009-side-effects
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2908954/
- ↑ https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gallstones/eating-diet-nutrition
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000196.htm
- ↑ http://archive.foundationalmedicinereview.com/publications/14/3/258.pdf
- ↑ https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gallstones/eating-diet-nutrition
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/gallstones/treatment/
- ↑ https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gallstones/dieting
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000196.htm
- ↑ https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gallstones/treatment
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/000264.htm
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/000273.htm
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/article/000273.htm