Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Việc bảo vệ phổi là một bước thiết yếu khi bạn muốn giữ gìn sức khỏe lâu dài. Qua thời gian, các độc tố từ nấm mốc và vi khuẩn có thể hủy hoại phổi, thậm chí dẫn đến các bệnh lý đe dọa tính mạng, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). May mắn là bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp tự nhiên để giúp phổi khỏe mạnh và hô hấp dễ dàng hơn. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, bạn đừng ngần ngại đi khám để được chẩn đoán các vấn đề về phổi.

Phần 1
Phần 1 của 5:

Cải thiện sức khỏe tổng thể

  1. 1
    Ăn thực phẩm giàu chất chống ô xy hóa. Một chế độ ăn lành mạnh nói chung có thể tăng cường sức khỏe của phổi, và các thực phẩm giàu chất chống ô xy hóa đặc biệt có lợi. Các chất chống ô xy hóa đã được chứng minh là có khả năng tăng dung tích phổi và cải thiện chất lượng hô hấp ở các bệnh nhân.[1]
    • Quả việt quất, bông cải xanh, rau bina, nho, khoai lang, trà xanh và cá đặc biệt có hàm lượng cao các chất chống ô xy hóa.[2]
  2. 2
    Tập thể dục. Việc thường xuyên vận động sẽ giúp phổi hoạt động hiệu quả nhất. Bạn nên cố gắng chọn một trong hai cách sau:
    • Hoạt động aerobic cường độ trung bình (như đi bộ, bơi hoặc đánh golf) ít nhất 30 phút mỗi lần, 4-5 lần một tuần, HOẶC
    • Hoạt động aerobic cường độ cao (như chạy bộ/chạy, đạp xe hoặc chơi bóng rổ) ít nhất 25 phút mỗi lần và ít nhất 3 ngày mỗi tuần.[3]
  3. 3
    Ngừng hút thuốc. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Hút thuốc cũng có thể gây bệnh khí thũng và ung thư phổi. Các độc tố trong thuốc lá có thể gây viêm phế quản nghiêm trọng dẫn đến khó thở.[4]
    • Để bảo vệ phổi, bạn nên tránh dùng các sản phẩm thuốc lá không khói như thuốc lá nhai hoặc hít. Các loại thuốc lá này làm tăng nguy cơ ung thư miệng cũng như các bệnh về lợi, sâu răng và ung thư tụy.[5]
    • Thuốc lá điện tử cũng có thể gây nguy hại cho phổi [6] Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng một số công ty sử dụng một hóa chất độc gọi là Diacetyl để tạo hương vị trong thuốc lá điện tử. Hóa chất này có liên quan đến bệnh viêm phế quản co thắt, một dạng hiếm và nghiêm trọng của bệnh phổi tắc nghẽn không thể đảo ngược, khi đó phế quản bị chèn ép và co hẹp lại do viêm và/hoặc mô sẹo.[7]
    • Nếu muốn giải độc phổi, bạn không nên sử dụng bất cứ sản phẩm thuốc lá nào.
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 5:

Giảm thiểu các nguy cơ từ môi trường

  1. 1
    Ở nơi thông gió. Đảm bảo môi trường mà bạn thường xuyên ở phải có độ thông gió tốt, chẳng hạn như nơi làm việc và nhà ở. Khi tiếp xúc với các chất độc hại như hơi sơn, bụi bặm tại các công trình xây dựng hoặc các hóa chất từ thuốc nhuộm và xử lý tóc, bạn cần chắc chắn rằng nơi làm việc phải thông thoáng, hoặc sử dụng các phương tiện bảo vệ đường hô hấp phù hợp như mặt nạ chống bụi hoặc mặt nạ phòng hơi độc cá nhân.
    • Đảm bảo trong phòng có các lỗ thông gió và cửa sổ mở để không khí lưu thông.
    • Cân nhắc đeo mặt nạ phòng hơi độc khi làm việc trong không gian nhỏ hẹp.
    • Khi lau rửa bằng các hóa chất mạnh như thuốc tẩy, bạn nhớ mở cửa sổ và thỉnh thoảng ra ngoài để phổi được nghỉ ngơi.
      • Không trộn chung thuốc tẩy và amoniac. Khi được trộn chung với nhau, các chất này sẽ tạo ra hơi độc chloramine gây tổn thương màng phổi.
    • Tránh sử dụng lò sưởi và bếp củi trong phòng, vì điều này có thể khiến chất độc nguy hại xâm nhập vào phổi.
  2. 2
    Lưu ý đến sự nhạy cảm của bạn với cây cối. Một số loài thực vật phát tán bào tử, phấn hoa và các chất gây kích ứng tiềm tàng vào không khí. Bạn cần đảm bảo cây cối trồng trong nhà không gây kích ứng phổi.
  3. 3
    Sử dụng bộ lọc không khí hiệu suất cao HEPA. Bộ lọc không khí HEPA có thể loại bỏ các hạt bụi và các chất gây dị ứng nhỏ li ti trong không khí để giữ cho phổi khỏe mạnh.[8]
    • Máy lọc không khí ozone không có hiệu quả giảm các chất gây dị ứng và các hạt khác trong môi trường, thậm chí còn có thể gây kích ứng phổi.[9]
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 5:

Thở có hiệu quả

  1. 1
    Học cách thở có hiệu quả. Thở đúng cách là một trong những cách tốt nhất để giúp phổi khỏe mạnh một cách tự nhiên. Sử dụng cơ hoành để hít vào, đồng thời giãn và đẩy các cơ bụng dưới ra phía trước. Khi thở ra, các cơ bụng cần phải hóp vào.[10]
    • Trái với việc hít thở từ cổ họng, kỹ thuật hít thở bằng cơ hoành sẽ giúp tăng dung tích phổi và tăng cường sức mạnh của hai lá phổi.
  2. 2
    Theo dõi hơi thở. Hít vào, sau đó thở ra. Trong lúc hít thở, bạn hãy đếm xem mỗi lần hít vào và thở ra mất bao nhiêu giây. Cố gắng tăng dần thời gian hít và thở thêm 1 hoặc 2 tiếng đếm.
    • Nhớ đừng quá căng thẳng và nín thở quá lâu. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng thiếu ô xy lên não, gây chóng mặt hoặc choáng ngất.
  3. 3
    Cải thiện tư thế. Tư thế đứng hoặc ngồi thẳng có thể giúp bạn hít thở hiệu quả hơn, nhờ đó phổi cũng trở nên khỏe hơn.
    • Một bài tập giúp tăng dung tích phổi là ngồi thẳng lưng trên ghế dựa, giơ hai tay bên trên đầu và hít thở sâu.[11]
    Quảng cáo
Phần 4
Phần 4 của 5:

Thử nghiệm các phương pháp điều trị thay thế

Bạn nên nghĩ thoáng một chút. Một số gợi ý sau đây không dựa trên các kiểm chứng khoa học, hoặc chỉ được thử nghiệm trong một số nghiên cứu giới hạn. Bạn nên luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất cứ liệu pháp y học thay thế nào, vì một số loại thảo mộc và chất khoáng tương tác xấu với thuốc kê toa.

  1. 1
    Kết hợp lá kinh giới cay trong chế độ ăn. Lợi ích chính của lá kinh giới cay nằm ở hợp chất carvacrol và a-xít rosmarinic có trong loài thảo mộc này. Cả hai hợp chất này đều là những thành phần tự nhiên có tác dụng thông mũi và ức chế histamine đã được chứng minh là có lợi cho đường hô hấp và sự lưu thông không khí qua hốc mũi.[12]
    • Thymol và carvaco là các chất dầu dễ bay hơi trong lá kinh giới cay, có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hại như staphylococcus aureus và pseudomonas aeruginosa.
    • Lá kinh giới cay được sử dụng ở dạng tươi hoặc khô. Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm 2-3 giọt dầu kinh giới cay vào sữa hoặc nước quả ép mỗi ngày.
  2. 2
    Dùng liệu pháp xông hơi để tận dụng đặc tính làm long đờm của khuynh diệp. Khuynh diệp là một thành phần phổ biến trong các loại kẹo ngậm và xi-rô trị ho. Khuynh diệp có hiệu quả nhờ một hợp chất làm long đờm gọi là cineole, giúp giảm ho, chống nghẹt mũi và xoa dịu các hốc xoang bị kích ứng.
    • Để xông hơi, bạn chỉ cần nhỏ vài giọt dầu khuynh diệp vào nước nóng và hít hơi nước tối đa 15 phút.[13]
    • Lưu ý: Dầu khuynh diệp có thể làm giảm tốc độ xử lý của gan đối với một số loại thuốc. Việc sử dụng dầu khuynh diệp cùng với một số loại thuốc có thể làm tăng hiệu quả và các tác dụng phụ của thuốc. Trước khi sử dụng dầu khuynh diệp, bạn nên trao đổi với chuyên viên y tế để xác định liệu các loại thuốc bạn đang uống có bị ảnh hưởng không.
      • Chú ý đến các loại thuốc như Voltaren, Ibuprofen, Motrin, Celebrex, Warfarin, Allegra, và một số loại thuốc khác.
  3. 3
    Tắm nước nóng để làm sạch phổi. Một buổi xông hơi hoặc tắm nước nóng có tác dụng tăng tiết mồ hôi và giúp phổi tự đào thải các chất độc.
    • Nhớ uống nước sau khi xông hơi hoặc tắm lâu để tránh nguy cơ mất nước.
    • Đảm bảo bồn tắm nước nóng phải được làm sạch đúng mức để tránh nhiễm khuẩn. Nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, và dù trong nước hoặc môi trường xung quanh nồng nặc mùi clo thì cũng rất khó để duy trì mức diệt khuẩn của khí clo hòa tan trong nước nóng. Kiểm nghiệm cho thấy nước bồn tắm có thể có nồng độ clo cao, nhưng phần lớn đều rất kém hiệu quả đối với các vi khuẩn gây bệnh.
  4. 4
    Xoa dịu các cơ hô hấp bằng bạc hà cay. Trong lá và dầu bạc hà cay có chứa menthol, một thành phần có tác dụng xoa dịu và thả lỏng các cơ trong đường hô hấp, giúp dễ thở hơn.
    • Cùng với tác dụng kháng histamine của bạc hà cay, menthol là một chất thông mũi hữu hiệu. Bạn có thể nhai hai hoặc ba lá bạc hà cay (thay vì ngậm kẹo bạc hà cay) để có hiệu quả tức thời.[14]
    • Nhiều người thấy rằng dầu thoa ngực và các ống hít chứa menthol có thể giúp giảm tắc nghẽn.
  5. 5
    Uống trà mullein (cây hoa phổi). Cây mullein được biết là có tác dụng thải chất nhầy và làm sạch phế quản. Cả hoa và lá của cây mullein được dùng để làm chất chiết xuất thảo mộc có tác dụng bổ phổi.
    • Các bác sĩ đông y dùng mullein để tống chất nhầy thừa ra khỏi phổi, làm sạch phế quản và giảm viêm trong đường hô hấp.
    • Bạn có thể pha một tách trà với một thìa cà phê thảo mộc khô và một cốc nước sôi.[15]
  6. 6
    Tìm hiểu về cam thảo. Nếu bị nghẹt mũi, bạn sẽ thấy rễ cam thảo đặc biệt có hiệu quả xoa dịu. Cam thảo được cho là có tác dụng giảm sưng, làm loãng dịch nhầy và giảm ho.[16]
    • Cam thảo có thể làm loãng đờm trong đường hô hấp, giúp tống chất nhầy ra ngoài.
    • Loại thảo mộc này cũng được cho là có tác dụng kháng khuẩn và kháng virus, có thể giúp đẩy lùi tình trạng nhiễm khuẩn và virus.
  7. 7
    Gừng là một chất hữu hiệu để giải độc gan. Hiện đang có các nghiên cứu về vai trò tiềm năng của gừng trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư phổi, và có bằng chứng cho thấy gừng có khả năng ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư có kích thước không nhỏ.[17]
    • Trà gừng pha với chanh có thể cải thiện hô hấp, giúp dễ thở hơn.
    • Gừng tươi hoặc gừng chế biến cũng tốt cho hệ tiêu hóa.
    Quảng cáo
Phần 5
Phần 5 của 5:

Hiểu về các nguy cơ tác động đến phổi

  1. 1
    Phát hiện các triệu chứng. Nếu bạn bị ho kéo dài hơn một tháng hoặc các cơn ho gây khó thở và thở nhanh, bạn cần sớm trao đổi với bác sĩ.[18]
  2. 2
    Tìm hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). COPD bao gồm cả bệnh viêm phế quản mãn tính và khí thũng; phần lớn các bệnh nhân COPD đều đồng thời mắc cả hai bệnh này. COPD đứng hàng thứ tư trong các nguyên nhân gây tử vong ở Hoa Kỳ.[19]
    • COPD tác động đến phổi, đặc biệt là các phế nang (các túi khí nhỏ giữ vai trò trao đổi ô xy và carbon dioxide).
      • Khí thũng là tình trạng các phế quản và tiểu phế quản bị viêm, liên tục sưng và tắc nghẽn, khiến các phế nang sưng lên. Các túi khí mỏng manh này vỡ ra và nhập vào nhau. Tổn thương của các phế nang khiến cho hoạt động trao đổi ô xy và carbon dioxide khó khăn hơn.
      • Bệnh viêm phế quản mãn tính khiến phổi tiết ra nhiều dịch nhầy hơn, gây tắc nghẽn đường thở và bao bọc các phế nang, dẫn đến khó thở.[20]
  3. 3
    Hiểu các đối tượng nào dễ mắc bệnh. Mặc dù bệnh COPD có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng có một số đối tượng dễ mắc bệnh hơn. COPD thường ảnh hưởng đến người trưởng thành hơn là trẻ em, đặc biệt là người trên 40 tuổi.
    • Nam giới và phụ nữ đều có khả năng mắc bệnh tương đương nhau, nhưng những người hút thuốc đặc biệt có nguy cơ cao phát triển bệnh COPD.[21]
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Ủng hộ việc nâng cao chất lượng không khí trong môi trường. Nhiều vùng dân cư có chất lượng không khí rất thấp do ô nhiễm. Cho dù cảm thấy không làm được gì để thay đổi tình trạng này, bạn vẫn có thể tìm hiểu luật về các biện pháp bảo vệ môi trường ở địa phương để xem các quan chức được bầu có quan tâm cải thiện chất lượng không khí hay không.[22]
    • Bạn cũng có thể nghĩ đến việc tham gia các nhóm bảo vệ môi trường trong cộng đồng ở địa phương. Nếu có bệnh hen suyễn, bạn nên cân nhắc tìm những người cùng hoàn cảnh để chia sẻ các kinh nghiệm sống trong môi trường không khí chất lượng thấp.
  1. https://www.rush.edu/health-wellness/discover-health/keeping-your-lungs-healthy
  2. https://www.rush.edu/health-wellness/discover-health/keeping-your-lungs-healthy
  3. Blagojević PD, Radulović NS. Confirmational analysis of antistaphylococcal sesquiterpene lactones from Inula helenium essential oil. Nat Prod Commun. 2012 Nov;7(11):1407-10.
  4. Elaissi A, Rouis Z, Salem NA, Mabrouk S, ben Salem Y, Salah KB, Aouni M, Farhat F, Chemli R, Harzallah-Skhiri F, Khouja ML. Chemical composition of 8 eucalyptus species’ essential oils and the evaluation of their anti-bacterial, anti-funal and anti-viral activities. BMC Complement Altern Med. 2012 Jun 28;12:81. doi: 10.1186/1472-6882-12-81.
  5. Rakover Y, Ben-Arye E, Goldstein LH. The treatment of respiratory ailments with essential oils of some aromatic medicinal plants. Harefuah. 2008 Oct;147(10):783-8, 838.
  6. Turker AU, Camper ND. Biological activity of common mullien, a medicinal plant. J Ethnopharmacol. 2002 Oct; 82(2-3):117-25.
  7. http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-881-licorice.aspx?activeingredientid=881&activeingredientname=licorice
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22043989
  9. https://lunginstitute.com/lung-diseases/copd/
  10. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/copd
  11. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/copd
  12. https://lunginstitute.com/lung-diseases/copd/
  13. http://www.health.com/health/gallery/0,,20488696_3,00.html

Về bài wikiHow này

Zora Degrandpre, ND
Cùng viết bởi:
Bác sĩ liệu pháp thiên nhiên
Bài viết này đã được cùng viết bởi Zora Degrandpre, ND. Tiến sĩ Degrandpre là bác sĩ chuyên về liệu pháp thiên nhiên được cấp phép tại Washington. Cô đã nhận bằng ND của Đại học Y khoa Quốc gia năm 2007. Bài viết này đã được xem 12.108 lần.
Chuyên mục: Y học Thay thế

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm y tế

Nội dung của bài viết này không nhằm mục đích thay thế cho các lời khuyên, kiểm tra, xét nghiệm hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Bạn luôn luôn cần liên hệ với bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế trước khi bắt đầu, thay đổi hoặc ngừng thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Trang này đã được đọc 12.108 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo