Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.
Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Có 7 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 69.015 lần.
Khi bạn cho em bé ợ hơi, bé sẽ dễ “xì hơi” và dễ chịu hơn. Trẻ nhũ nhi còn đang bú mẹ hoặc bú sữa bình ban đêm có thể ngủ thiếp đi trong hoặc sau khi bú nhưng vẫn cần được ợ hơi. Bạn hãy tìm một tư thế giúp bé ợ hơi mà không phải đánh thức bé (hy vọng là thế!). Bạn cũng nên tìm cách giảm đầy hơi cho bé để không phải giúp bé ợ hơi quá thường xuyên vào ban đêm.
Các bước
Bế vác em bé lên vai
-
1Lót một chiếc khăn sạch lên một bên vai hoặc ngực khi bạn cho bé ợ hơi. Lót chiếc khăn lên vai để nó nằm dưới cằm em bé. Chiếc khăn sẽ giúp bạn không bị bẩn quần áo nếu bé ọc sữa. Bạn cũng có thể dùng phần sạch của chiếc khăn để lau miệng và mũi bé sau khi cho bé ợ hơi.[1]
Lời khuyên: Nếu không có khăn lót ợ hơi cho bé, bạn có thể dùng tấm đắp nhỏ, khăn mặt hoặc khăn tắm đều được.
-
2Bế em bé sát vào ngực sao cho cằm bé đặt trên vai bạn. Nếu em bé ngủ trên cánh tay bạn sau khi bú, hãy cẩn thận chuyển bé lên vai. Đặt em bé sao cho cằm bé tựa trên chiếc khăn lót trên vai. Đặt một bàn tay dưới mông để đỡ bé và tay kia đặt sau lưng bé.[2]
- Nếu ngồi trên ghế dựa ngả lưng, bạn có thể ngả ra sau một chút để dễ chuyển tư thế mà không làm bé thức giấc.
- Sẵn sàng đỡ đầu em bé bằng bàn tay đang đặt sau lưng bé nếu em bé chuyển động đột ngột trong khi ngủ.
-
3Vỗ nhẹ vào lưng em bé để giúp bé ợ hơi. Vỗ nhẹ vào lưng em bé bằng bàn tay đang đặt sau lưng bé. Đừng vỗ mạnh hoặc đột ngột, vì bạn làm vậy cũng không giúp bé ợ hơi nhanh hơn mà còn có thể khiến bé thức giấc. Tiếp tục vỗ nhẹ cho đến khi em bé ợ hơi.[3]
- Nếu bạn ngồi ghế đu đưa, hãy đung đưa ghế để xoa dịu và giúp bé tiếp tục ngủ. Nếu ngồi ghế thông thường, bạn có thể đung đưa nhẹ nhàng để xoa dịu bé.
-
4Đặt em bé trở lại giường cũi hoặc nôi sau khi bé đã ợ hơi. Sau khi cho bé ợ hơi, bạn hãy cẩn thận đặt bé nằm lại vào giường cũi hoặc nôi. Đặt chầm chậm để bé khỏi thức giấc.[4]
- Đảm bảo trong nôi chỉ có tấm lót, không để chăn dày, gối hoặc thú nhồi bông vốn có nguy cơ làm ngạt em bé.
Quảng cáo
Đặt em bé nằm trên lòng
-
1Đặt em bé trên lòng sau cho đầu của bé cao hơn bụng. Cẩn thận chuyển em bé đang ngủ lên lòng bạn. Đặt bé nằm sấp sao cho ngực, bụng và chân bé nằm ngang đùi bạn. Nhấc chân ở bên dưới ngực em bé lên khoảng 5 cm để đầu và ngực bé cao hơn bụng.[5]
- Bạn có thể lót mảnh vải thưa lên đùi, chỗ miệng em bé để bảo vệ quần áo, phòng khi em bé bị ọc sữa.[6]
-
2Điều chỉnh đầu em bé sao cho bé thở được dễ dàng. Nếu miệng và mũi bé đặt sát vào đùi bạn, hãy xoay hoặc nhấc đầu bé lên một chút để miệng và mũi bé không bị che chắn. Dùng một bàn tay nhẹ nhàng đỡ đầu bé trong khi điều chỉnh tư thế.[7]
- Không đặt bàn tay lên cổ hoặc gần họng của em bé khi điều chỉnh đầu bé để tránh làm bé khó thở.
-
3Vỗ nhẹ vào lưng em bé cho đến khi bé ợ hơi. Vỗ nhè nhẹ vào lưng em bé và nghe xem bé đã ợ hơi chưa. Tránh vỗ mạnh hoặc đột ngột, vì bạn sẽ không những không giúp bé ợ hơi nhanh hơn mà còn đánh thức bé nếu làm vậy.[8]
- Con bạn có thể ợ hơi ngay hoặc sau vài phút.
-
4Đặt em bé trở lại giường cũi hoặc nôi sau khi cho bé ợ hơi. Sau khi em bé đã ợ hơi, bạn có thể nhẹ nhàng nhấc bé lên và đặt trở lại giường cũi hoặc nôi. Đặt bé nằm ngửa trong nôi hoặc giường cũi chỉ có tấm lót trên nệm.[9]
- Đừng bao giờ đặt chăn dày, gối hoặc thú nhồi bông trong nôi hoặc giường cũi của em bé, vì những thứ này gây nguy cơ làm ngạt trẻ.
Lời khuyên: Nếu con bạn bị đầy hơi và mắc chứng khóc dạ đề (khóc 3 tiếng đồng hồ trở lên mỗi ngày hoặc mỗi đêm), có thể đây là dấu hiệu trẻ đang nuốt không khí trong khi khóc. Hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa để xin lời khuyên về việc chữa chứng khóc dạ đề và giúp trẻ dễ chịu hơn.[10]
Quảng cáo
Giảm nhu cầu phải giúp bé ợ hơi
-
1Cho em bé ợ hơi khi thấy bé giãy giụa hoặc quấy khóc khi bú. Trẻ nhỏ không thể nói với bạn rằng bé cần phải ợ hơi, do đó bạn phải hiểu được ngôn ngữ cơ thể của bé để biết khi nào bé bị đầy hơi và cần phải ợ hơi. Hầu hết trẻ cần phải ợ hơi khi có biểu hiện giãy giụa trong khi bú, quấy khóc và khó chịu thấy rõ.[11]
- Nếu bạn đã cố gắng nhiều phút mà bé vẫn không ợ hơi, có lẽ bé quấy khóc là vì vấn đề khác, chẳng hạn như tã ướt.[12]
- Nếu con bạn có dấu hiệu khó chịu vì đầy hơi, chẳng hạn như ưỡn lưng, bạn hãy thử cho bé nằm ngửa để mát-xa bụng hoặc cho bé đạp chân. Cách này có thể đẩy không khí trong bụng bé ra ngoài.[13]
Bạn có biết? Con bạn có thể tự ợ hơi khi được 4-6 tháng tuổi, vì vậy bạn có thể không phải giúp bé ợ hơi sau độ tuổi này.[14]
-
2Theo dõi những lần trẻ ợ hơi sau khi bú. Ghi chú số lần bé cần được giúp ợ hơi sau mỗi lần bú, chẳng hạn như ghi lại vào sổ những lần cho bé bú và khi bạn phải giúp bé ợ hơi. Nếu con bạn không ợ hơi nhiều vào ban ngày thì có khả năng là bạn cũng không phải lo cho bé ợ hơi vào ban đêm.
- Trẻ bú sữa mẹ thường ít phải ợ hơi hơn trẻ bú bình.[15]
- Nếu bạn cho con bú bình, hãy tìm mua loại bình sữa đặc biệt giúp loại bỏ không khí trong khi bé bú. Loại bình sữa này giảm lượng không khí trong bụng em bé.
-
3Cho em bé ợ hơi sau khi đổi bên vú hoặc sau khi bé bú được 60 – 90 ml sữa. Nói chung, hầu hết trẻ bú sữa mẹ cần được ợ hơi khi bạn đổi bên vú hoặc sau khi bú xong. Trẻ bú bình nói chung cần cho ợ hơi sau mỗi lần bú hết 60-90 ml sữa.[16]
- Cho em bé ợ hơi thường xuyên hơn trong khi bú cũng giảm nhu cầu phải giúp bé ợ hơi khi đã ngủ.
-
4Tránh ép trẻ ợ hơi nếu thấy trẻ có vẻ dễ chịu sau khi bú. Con bạn không cần phải ợ hơi sau mỗi lần bú, miễn là bé có vẻ dễ chịu và không đầy hơi. Bé có thể ợ hơi trong khi bú lần sau hoặc ợ hơi nhiều hơn, và điều này là bình thường.[17]
- Ví dụ, nếu con bạn đang ngủ yên sau khi bú và không có dấu hiệu nào khó chịu vì đầy hơi, bạn có thể cứ để cho bé ngủ.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Bạn có thể nói chuyện hoặc hát ru khe khẽ để xoa dịu và giúp bé thư giãn, thậm chí việc này còn khuyến khích bé ợ hơi.
Tham khảo
- ↑ https://www.nhs.uk/start4life/baby/breastfeeding/how-to-breastfeed/burping-your-baby
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/burping.html
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/burping.html
- ↑ https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=infant-sleep-90-P02237
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/burping.html
- ↑ https://www.nhs.uk/start4life/baby/breastfeeding/how-to-breastfeed/burping-your-baby
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/burping.html
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/burping.html
- ↑ https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=infant-sleep-90-P02237
- ↑ https://kidshealth.org/en/parents/burping.html
- ↑ http://www.babycenter.com/0_how-to-burp-your-baby_10363676.bc
- ↑ https://www.ucsfbenioffchildrens.org/education/your_baby_at_1_week/
- ↑ https://www.nhs.uk/start4life/baby/breastfeeding/how-to-breastfeed/burping-your-baby
- ↑ http://www.babycenter.com/0_how-to-burp-your-baby_10363676.bc
- ↑ https://www.babycenter.com/0_how-to-burp-your-baby_10363676.bc
- ↑ http://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Burping-Hiccups-and-Spitting-Up.aspx
- ↑ https://www.babycenter.com/0_how-to-burp-your-baby_10363676.bc