Bài viết này đã được cùng viết bởi Jeannie McElroy. Jeannie MacElroy là người yêu chó và người nhân giống chó Champion European Boxers, còn có tên là Big Mac Boxers. Với hơn 25 năm kinh nghiệm, bà chuyên huấn luyện, hỗ trợ, hướng dẫn và trao danh hiệu cho chó trong các môn thể thao vòng. Jeannie là người đánh giá AKC và trao danh hiệu chó trị liệu tại Therapy Pets Unlimited. Cô cũng là thành viên của AKC Bred with Heart, Greater Cincinnati Boxer Club và US-BOX Working Boxer Association. Bà yêu thích giống chó này vì thích nuôi thế hệ tiếp theo thông qua việc phối giống chó có di truyền tốt và đã được kiểm tra sức khỏe.
Bài viết này đã được xem 41.864 lần.
Khi chó đến lúc "lâm bồn", bản năng làm mẹ của chúng sẽ tiếp quản mọi việc -- bạn hầu như không phải can thiệp vào. Mặc dù vậy, nếu chó nhà bạn đang mang thai, bạn cần biết những gì sẽ diễn ra trong quá trình sinh nở và cách hỗ trợ khi cần thiết. Một số giống chó thuần chủng nhất định có thể gặp nhiều vấn đề hơn trong quá trình sinh nở. Chẳng hạn, nếu bạn nuôi một cô chó bull hay chó mặt xệ, khâu chuẩn bị là rất quan trọng. Đối với giống chó nào cũng vậy, bạn phải trao đổi với bác sỹ thú y và đem chó mẹ đang mang thai đi kiểm tra sức khỏe.
Các bước
Chuẩn bị
-
1Mang chó đi khám. Nếu dự kiến chó sẽ mang thai, bạn nên mang nó đến phòng khám thú y để kiểm tra trước khi tiến hành gây giống. Sau đó, mang chó đi khám lần nữa vào khoảng ngày thứ 30 trong thai kỳ.[1] Nếu chó mang thai ngoài dự kiến, hãy mang nó đến bác sỹ thú y ngay khi vừa phát hiện.
- Nếu dự định gây giống chó, chúng tôi khuyến cáo bạn nên đợi đến lúc chó cái được 24 tháng tuổi trở lên. Khi đó, chó mới đủ trưởng thành để những bệnh lý liên quan trở nên rõ ràng.
- Một số loài chó thường mắc những căn bệnh do di truyền như vấn đề về răng, trật xương bánh chè, loạn sản khớp háng, dị tật về xương sống, dị ứng, bệnh lý về tim mạch và/hoặc những tình trạng bệnh lý khác. Bạn phải xem xét những tình trạng sức khỏe quan trọng này trước khi tiến hành nhân giống cho chó.
-
2Thận trọng trong việc cho chó đang mang thai dùng thuốc hoặc vắc-xin. Trừ khi có sự chỉ định trực tiếp từ bác sỹ thú y, nếu không, bạn không nên cho chó dùng những loại thuốc men không an toàn đối với thai. Bạn cũng không nên tự ý tiêm vắc-xin cho chó.[2]
- Chó của bạn cần được tiêm vắc-xin trước khi mang thai để có thể truyền kháng thể cho chó con. Nếu không, đừng tiêm vắc-xin cho chó trong thai kỳ vì một số vắc-xin có thể không tốt cho quá trình phát triển của phôi thai.
- Nếu áp dụng các biện pháp kiểm soát bọ chét, bạn cần đảm bảo sử dụng một sản phẩm an toàn cho chó đang mang thai.
- Chắc rằng chó của bạn được xổ giun đều đặn. Chó mẹ chưa được xổ giun có thể truyền các loại giun tròn, giun móc hay ký sinh trùng sống trong tim/mạch máu sang cho chó con.
-
3Hiểu biết về chu trình bình thường của thai kỳ. Thời gian thai nghén trung bình ở chó là khoảng từ 58 đến 68 ngày. Cố gắng xác định chính xác thời điểm thụ thai để bạn có thể dự tính được thời gian chó sinh con.
- Vào ngày thứ 45 của thai kỳ, bác sỹ thú y có thể dùng tia X để dò số lượng cún con trong lứa.
- Ngoài ra, bạn có thể để ý hành vi làm ổ và xu hướng lẩn trốn hay ẩn dật của chó mẹ; điều này là bình thường và đáng để mong đợi.
-
4Trao đổi với bác sỹ thú y về chế độ dinh dưỡng. Hầu hết chó mẹ nếu không tăng cân khi mang thai thì cần được cho ăn thức ăn của cún con trong suốt một phần ba đến nửa cuối thai kỳ.
- Thức ăn cho cún thường chứa nhiều calo hơn so với thức ăn dành cho chó trưởng thành, đây là hàm lượng dinh dưỡng mà chó mẹ cần để chuyển hóa cho phôi thai.
- Không bổ sung thêm can-xi cho chó mẹ trừ khi bác sỹ thú y chỉ định. Sốt sữa (sản giật) là triệu chứng thường gặp ở những giống chó nhỏ vài tuần sau trong lúc sinh. Tình trạng này dễ xảy ra hơn nếu chó mẹ hấp thu một lượng can-xi vượt mức trong thai kỳ.
-
5Yêu cầu bác sỹ thú y chụp X-quang để xem chó con. Bác sỹ sẽ đếm được lượng chó con trong lứa khi chụp X-quang từ ngày thứ 45 trở đi của thai kỳ.
- Nếu chó của bạn thuộc giống chó chăn cừu Đức hay chó Labrador, lứa cún xấp xỉ 10 con là bình thường.
- Nếu chó của bạn thuộc giống chó nhỏ như Chihuahua hay Shih Tzu, 3 hoặc 4 chó con trong một lứa được xem là nhiều.
- Nếu bác sỹ thú y chỉ thấy từ một đến hai chú cún thì có thể xảy ra vấn đề khi sinh. Lượng chó con ít có nghĩa là cún sẽ phát triển to hơn và có thể trở nên quá cỡ để đi qua ống dẫn sinh một cách bình thường. Trong những trường hợp này, sinh mổ là lựa chọn phù hợp nhất.
- Mặc dù sinh mổ có thể tốn kém hơn, nhưng vẫn rẻ hơn so với một ca sinh mổ khẩn cấp. Vì vậy, hãy chuẩn bị trước.
-
6Thu xếp ổ cho chó. Khoảng một tuần trước khi chó sinh, bạn cần chuẩn bị một chiếc thùng đẻ ở khu vực yên tĩnh, riêng tư, nơi chó có thể vào và sinh nở.
- Giúp chó mẹ cảm thấy thoải mái bằng cách đặt chiếc hộp ấm áp ở một nơi cách xa những vật nuôi khác.
- Một chiếc hộp hay thau tắm em bé được lót bằng khăn cũ sạch hay chăn sẽ rất tốt.
-
7Thu xếp nơi ở cho bầy chó con. Ngay khi biết chó đã có thai, cho dù là trong dự tính hay ngoài dự tính, bạn vẫn phải chuẩn bị gia đình mới cho lũ cún con sắp sửa chào đời.
- Nếu không tìm được mái nhà mới cho tất cả chó con, bạn nên chuẩn bị giữ chúng lại cho đến khi tìm được nhà cho chúng. Hàng ngàn con chó phải chen chúc nhau nương náu ở “trại mồ côi” chó mèo cũng vì những người chủ vô tâm gây giống chó của mình mà không hỗ trợ để chó con có gia đình mới. Bạn đừng góp phần vào tình trạng đó.
- Chuẩn bị chung sống với bầy chó con ít nhất 8 tuần trước khi cho chúng rời đi đến gia đình mới. Tại một số vùng nhất định như tiểu bang California ở Mỹ, hành vi bỏ rơi một chú chó con nhỏ hơn 8 tuần tuổi bị xem là phạm pháp.
- Để đảm bảo tương lai tốt đẹp cho bầy cún, bạn nên tiến hành một quy trình tuyển chọn và đặt ra những câu hỏi về mối quan tâm của các bên nhận nuôi. Việc nhận một khoản tiền vừa phải cho mỗi chú cún là một ý hay. Điều này nhằm đảm bảo sự quan tâm của các gia đình là nghiêm túc và họ sẽ cam kết nhận nuôi chó con.
-
8Mua sẵn sữa bột dành cho chó con. Cún mới sinh cần được cho ăn cách 2-4 giờ một lần. Chuẩn bị sẵn sữa bột phòng trường hợp chó con không bú được.
- Bạn có thể mua sữa bột dành cho cún ở hầu hết các cửa hàng vật nuôi.
-
9Cách ly chó mẹ trong thời gian ba tuần trước ngày sinh dự tính. Nhằm bảo vệ chó mẹ và bầy con khỏi bệnh tật hay dịch bệnh (ví dụ như Herpes, bệnh gây loạn sản ở chó), bạn nên tách riêng chó mẹ khỏi những con chó khác trong ba tuần cuối thai kỳ.[3]
- Một điều rất đáng cân nhắc nữa là giữ chó mẹ xa khỏi những con chó khác trong ba tuần kế tiếp sau sinh.
Hỗ trợ lúc chó "lâm bồn"
-
1Giám sát một cách chặt chẽ những dấu hiệu cho thấy chó sắp sinh. Có một số dấu hiệu có thể giúp bạn dự đoán việc sinh nở sắp sửa diễn ra; vì thế, bạn cần đề phòng để có thể ở trong tư thế sẵn sàng khi chó chuẩn bị lâm bồn.
- Đầu vú của chó sẽ trở nên lớn hơn khi gần đến ngày sinh do sữa sắp về. Dấu hiệu này có thể xuất hiện trong vài ngày trước khi sinh hoặc ngay khi việc sinh nở bắt đầu, vì thế, hãy quan sát thật kỹ lưỡng.
- Âm hộ chó sẽ bắt đầu nở ra vài ngày trước lúc sinh.
- Thân nhiệt của chó cũng sẽ giảm một vài độ vào khoảng 24 giờ trước khi sinh. Hãy đo nhiệt độ cơ thể chó mẹ vào mỗi sáng trong một hay hai tuần cuối của thai kỳ để biết được thân nhiệt bình thường của nó. Để tiến hành đo thân nhiệt chó, bôi trơn nhiệt kế trực tràng và đưa đầu nhiệt kế vào sâu khoảng 1 cm trong trực tràng. Để yên trong vòng ba phút để có được số liệu chính xác. Nhiệt độ bình thường của chó mẹ sẽ ở vào khoảng 38,3 đến 39,2 độ C. Nếu thấy thân nhiệt chó giảm đi một vài độ, đây là dấu hiệu cho thấy chó sẽ sinh trong khoảng 24 giờ tới hoặc ít hơn.
- Khi sắp sinh, chó có thể thở hổn hển, rên rỉ, đi quanh quẩn như thể đang khó chịu, hoặc lẩn trốn. Chó cũng có thể bỏ ăn và bỏ uống, nhưng chắc rằng bạn cung cấp nước đầy đủ cho nó.
-
2Chờ đợi những cơn co thắt tử cung. Bạn rất dễ nhận biết khi chó đau đẻ: cơn co thắt sẽ xuất hiện như những đợt sóng gợn lên trên bụng chó.
- Nếu nhận thấy cơn co thắt và dự cảm rằng chó sắp sinh, bạn hãy dẫn chó vào khu vực ổ và giám sát nó từ xa. Nhiều chú chó sẽ sinh con vào ban đêm để có được sự yên tĩnh tuyệt đối. Bạn không cần phải can thiệp, nhưng nên bắt đầu để ý đến thời gian của những cơn co thắt và sự ra đời của cún con.
-
3Giám sát quá trình sinh đẻ. Xin nhắc lại, bạn nên quan sát từ một khoảng cách vừa phải và không nhúng tay vào trừ khi cần thiết.
- Bạn sẽ thấy cơn co thắt của chó mẹ ngày càng thường xuyên và/hoặc rõ rệt ở thời điểm cận sinh. Có thể chó sẽ đứng dậy, điều này là tốt, đừng bắt nó phải nằm xuống.
-
4Lưu ý đến mỗi đợt sinh. Khi chó bắt đầu sinh, bạn cần quan sát kỹ càng mỗi lần sinh và dè chừng những dấu hiệu nếu có vấn đề.
- Chó con có thể chui phần đầu hoặc đuôi ra trước; cả hai tư thế đều bình thường.
- Chó mẹ sẽ kêu ăng ẳng và rên rỉ khi chó con được sinh ra, đây là điều đáng mong đợi. Nhưng nếu chó mẹ bắt đầu tỏ ra đau đớn quá mức hay bất thường, gọi cho bác sỹ thú y của bạn ngay.
- Thông thường, một chú cún sẽ xuất hiện cách nhau ba mươi phút hoặc hơn sau khoảng 10 đến 30 phút co thắt dữ dội, (mặc dù thậm chí thời gian chó mẹ sinh các chó con có thể cách nhau đến 4 giờ). Gọi cho bác sỹ nếu không có chú cún nào xuất hiện trong vòng 30-60 phút diễn ra các co thắt mạnh. Ngoài ra, bạn cũng nên liên lạc với bác sỹ nếu như đã hơn bốn giờ kể từ lần cuối chó mẹ cho ra đời một chó con và bạn biết vẫn còn chó con chưa ra được.
-
5Giám sát từng chú cún ra đời. Tuy không cần thiết phải can thiệp, nhưng hãy để mắt đến mỗi chú cún được sinh ra và dè chừng những dấu hiệu của vấn đề.
- Khi chó mẹ hạ sinh, chó con sẽ nằm trong một bọc ối; chó mẹ sẽ xé bọc nước ra, nhai dây rốn rồi liếm cún con. Tốt nhất là chúng ta nên để chó mẹ thực hiện thiên chức của mình mà không nhúng tay vào, vì đây là một phần trong trải nghiệm gắn bó giữa chó mẹ và chó con.
- Tuy nhiên, nếu chó mẹ không xé bọc ối trong khoảng thời gian từ hai đến bốn phút, bạn cần nhẹ nhàng mở bọc ối bằng tay sạch. Làm sạch chất dịch khỏi mũi và miệng chó con, sau đó xoa mạnh chú chó một cách từ tốn để kích thích hô hấp.
- Chắc rằng thân nhiệt của chó con ấm áp, tuy nhiên xin nhắc lại, đừng can thiệp trừ khi bạn nhận thấy có vấn đề. Tử vong sơ sinh (chẳng hạn như chết lưu hay cún con chỉ sống được vài giờ hoặc vài ngày) là hiện tượng thông thường gắn liền với hầu hết động vật hữu nhũ đẻ con, vì thế hãy chuẩn bị cho khả năng này. Nếu bạn thấy một chú chó con mới sinh nhưng không thở, cố gắng làm sạch miệng của nó và kích thích bằng cách xoa người xem liệu chú chó có thở hay không.
Chăm sóc hậu sản cho chó
-
1Tiếp tục cho chó ăn thức ăn với hàm lượng calo cao. Cung cấp cho chó mẹ khẩu phần ăn với hàm lượng calo cao (ví dụ như thức ăn dành cho chó con) nhằm giúp nó có đủ sức khỏe để chăm con.[4]
- Việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả chó mẹ lẫn chó con là điều quan trọng. Như vậy chó mẹ mới có thể hồi phục và giúp chó con phát triển.
-
2Giám sát chó mẹ vài tuần sau khi sinh. Chó cái rất dễ mắc một số bệnh và biến chứng hậu sản, cụ thể như:[5]
- Quan sát những dấu hiệu của chứng viêm tử cung (dạ con bị sưng viêm), bao gồm sốt, cơ thể đào thải ra dịch có mùi khó chịu, mệt mỏi, chán ăn, giảm tiết sữa và giảm hứng thú với chó con.
- Quan sát những dấu hiệu của chứng sản giật, bao gồm nóng nảy, bồn chồn, giảm hứng thú với chó con và đi đứng cứng nhắc, khó khăn. Nếu không được điều trị, sản giật có thể phát triển thành co thắt cơ, mất khả năng đứng, sốt và tai biến.
- Quan sát những dấu hiệu của chứng viêm vú (tuyến vú bị sưng viêm), bao gồm tuyến vú bị đỏ, cứng và đau. Chó mẹ có thể cố ngăn không cho con bú, tuy nhiên bạn nên thúc giục nó cho chó con bú vì điều này có thể giúp đẩy bệnh nhiễm trùng ra ngoài mà không gây hại gì đến cún con.
-
3Mong đợi mọi thứ tốt đẹp, bên cạnh đó cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu. Kiểm tra để chắc rằng chó mẹ vẫn chăm sóc tốt cho chó con và không có những biểu hiện của bệnh trong giai đoạn hậu sản.[6]
- Nếu có vấn đề xảy ra, hãy gọi cho bác sỹ thú y của bạn và mang chó đi khám khi cần thiết.
Những thứ bạn cần
- Găng tay khám bệnh latex (có bán ở các nhà thuốc tây)
- Khăn sạch và chăn cũ
- Một chiếc hộp cứng
- Chuẩn bị sẵn số điện thoại của bác sỹ thú y (bao gồm một số khẩn cấp) trong tính năng quay số nhanh
- Sữa bột cho chó con (trong trường hợp chó con không bú được)
Cảnh báo
- Chó cái chưa triệt sản có nguy cơ bị nhiễm trùng dạ con, được gọi là chứng bọc mủ tử cung, sau khi diễn ra chu trình nhiệt. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị kịp thời. Theo dõi chó mẹ sau mỗi chu kỳ động dục để đảm bảo rằng nó không có những biểu hiện của bệnh tật như nôn mửa, ăn mất ngon hay khát nước bất thường.[7]
Lời khuyên
- Chắc rằng chó của bạn có đủ không gian để sinh nở.
- Ghi lại số của bác sỹ thú y cũng như số điện thoại khẩn của bệnh viện vật nuôi và giữ bên mình trong những ngày chó sắp sinh.
- Nếu trong nhà có con nhỏ, bạn cần giữ chúng xa khỏi chó mẹ và bầy cún. Chó mẹ có thể tỏ ý muốn bảo vệ con mình và trở nên hưng dữ, điều này là bình thường đối với một số loài chó. Không cho trẻ đến gần chó con mới sinh vì chúng có thể làm những con chó yếu ớt bị thương. Khi chó mẹ sắp sinh, cố gắng đưa nó đến một căn phòng an toàn và xa khỏi trẻ em cũng như những vật nuôi khác nhằm tạo cảm giác an toàn cho nó. Giúp đỡ nếu chó mẹ bắt đầu tỏ ra lo lắng hay căng thẳng. Khi cần thiết, hãy vỗ về hoặc xoa dịu chó mẹ bằng những lời nói dịu dàng.
- Hầu hết chó tự sinh nở mà không gặp trở ngại gì nghiêm trọng; vì thế tốt nhất là bạn nên quan sát quá trình từ xa và chỉ can thiệp khi cần thiết.[8]
Tham khảo
- ↑ http://www.veterinarypartner.com/Content.plx?A=1459
- ↑ http://www.veterinarypartner.com/Content.plx?A=1459
- ↑ http://www.veterinarypartner.com/Content.plx?P=A&S=0&C=0&A=1459
- ↑ http://www.veterinarypartner.com/Content.plx?P=A&S=0&C=0&A=1459
- ↑ http://www.veterinarypartner.com/Content.plx?P=A&A=678&S=0&EVetID=0
- ↑ http://www.veterinarypartner.com/Content.plx?P=A&A=678&S=0&EVetID=0
- ↑ http://www.veterinarypartner.com/Content.plx?P=A&S=0&C=0&A=603
- ↑ http://www.purina.co.uk/content/your-dog/life-changes/pregnancy-in-dogs/labour-and-giving-birth-for-dogs