Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Một cộng đồng sẽ căng tràn sức sống nếu những người sống ở đó đủ yêu thương để cùng chung tay xây dựng. Việc giúp đỡ cộng đồng sẽ giúp bạn bè, gia đình và những người khác nơi bạn sống có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu nhìn quanh và thấy cộng động của mình còn rất nhiều vấn đề tồn tại thì không có thời điểm nào để khắc phục những điều đó tốt hơn là bây giờ. Bạn càng dành nhiều sự quan tâm thì cộng đồng của bạn sẽ càng trở nên tốt đẹp. Hãy tham khảo những ý tưởng trong bài để giúp xây dựng nơi bạn sống thành một cộng đồng vững mạnh và phát triển.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 4:

Làm một công dân tốt

  1. 1
    Dừng lại và giúp đỡ những lúc, những nơi bạn có thể. Đó là một cách đơn giản để xây dựng một cộng đồng tốt đẹp và khiến mọi người cảm nhận được sự an toàn và hạnh phúc. Nếu thấy ai đó cần được giúp đỡ, hãy đưa tay tương trợ thay vì ngoảnh mặt làm ngơ. Hãy giúp đỡ người khác giống như cách bạn muốn họ giúp đỡ mình nếu bạn gặp phải tình cảnh tương tự.
    • Nếu thấy một người mẹ đang xoay sở để mang chiếc xe đẩy xuống cầu thang, hãy đề nghị được mang giúp.
    • Nếu gặp ai đó lạc đường, hãy giúp họ tìm được nơi cần đến.
    • Hãy tìm cách giúp đỡ những người ăn xin trên đường, thay vì lướt qua mà không liếc nhìn.
    • Hãy là người tình nguyện ra tay giúp đỡ trong những tình huống khẩn cấp thay vì nghĩ rằng chắc sẽ có ai đó làm việc này.
    • Hãy chủ động xới cỏ hoặc quét lá nơi đường đi chung. Bạn cũng có thể giúp trông trẻ trong khu hoặc chăm thú cưng của ai đó khi họ đi vắng.
  2. 2
    Hỗ trợ kinh tế địa phương. Nền kinh tế địa phương vững mạnh thì cộng đồng cũng sẽ trở nên vững mạnh. Mọi người nên cùng chung tay để giúp nhau tồn tại và phát triển. Bạn có thể giúp sức cho nền kinh tế địa phương bằng rất nhiều cách, từ việc thay đổi thói quen mua sắm đến bắt đầu tự kinh doanh. Hãy tham khảo một số cách sau:
    • Mua thực phẩm từ nông dân địa phương. Bạn hãy cố gắng đi chợ mua thức ăn, đó là nơi những người nông dân bày bán nông sản mà họ rất vất vả mới trồng cấy được.
    • Mua sắm từ doanh nghiệp địa phương khi có thể. Ví dụ, nếu bạn có thể chọn mua một chiếc quần bò mới ở một chuỗi cửa hàng có chương trình giảm giá hoặc ở một cửa hàng nhỏ của người dân địa phương thì hãy chọn vế sau. Hãy thay đổi tư duy từ việc chọn mua sản phẩm có giá rẻ nhất sang tận dụng việc mua sắm để mang lại nhiều lợi ích nhất cho cộng đồng. Hãy coi việc tiền của bạn sẽ được dùng để thúc đẩy nền kinh tế địa phương và xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ, sôi động là điều đáng để bỏ công sức và chi phí. Hãy trao cho người khác hy vọng và cơ hội để giúp bạn tăng cường khả năng tài chính của cộng đồng địa phương.
    • Cân nhắc bắt đầu tự kinh doanh. Bạn có thể phục vụ cộng đồng bằng cách tạo ra các sản phẩm tốt và thậm chí là thuê nhân công, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
  3. 3
    Tái chế và ủ phân. Rất nhiều cộng đồng đang phải đối mặt với vấn đề với các bãi rác thải đang trở nên quá tải. Việc thải ra quá nhiều rác sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cộng đồng. Bạn có thể góp sức cải thiện việc này bằng cách tái chế và ủ phân từ rác thải sinh hoạt của gia đình nhiều nhất có thể.
    • Nếu muốn lan tỏa nhiều hơn nữa, bạn cũng có thể tuyên truyền để người dân biết cách tái chế rác thải, hoặc tổ chức một chương trình tái chế ở trường học hoặc nơi làm việc.
    • Việc ủ phân từ rác thải sinh hoạt mang lại rất nhiều lợi ích. Bạn vừa có thể xử lý lượng thức ăn thừa mà không phải vứt chúng vào thùng rác, vừa có thể dùng phân đó để chăm bón cây trong vườn. Hãy học cách ủ phân và chỉ cho người khác thấy việc này vô cùng đơn giản.
  4. 4
    Tiết kiệm điện và nước. Việc sử dụng điện và nước quá mức sẽ tạo sức ép lên nguồn tài nguyên của cộng đồng.[1] Tiết kiệm điện và nước vừa giúp ích cho trái đất nói chung, vừa giúp bảo vệ môi trường nơi bạn sinh sống. Hãy cố gắng hết sức để giảm thiểu sử dụng điện nước, đó sẽ là một khoản đầu tư thông minh cho sức khỏe của cả cộng đồng.
    • Hãy tắt các bóng điện khi không sử dụng, dùng các thiết bị tiết kiệm điện, giảm sự phụ thuộc vào điều hòa, giảm nhiệt độ bình nóng lạnh và tắt nguồn máy tính khi không sử dụng đều là những cách giúp bạn tiết kiệm điện.
    • Không tắm quá lâu, đảm bảo vòi nước không bị rò rỉ, hạn chế tưới cỏ, dùng ít nước khi rửa bát đều giúp bạn tiết kiệm nước.
  5. 5
    Giảm phụ thuộc vào xe ô tô. Các cộng đồng phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng xe ô tô cá nhân để đi lại đều có sự gia tăng ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí không chỉ gây hại cho cây cối và động vật mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho con người. Hãy hạn chế sử dụng xe ô tô để giảm thải khí các bon ra môi trường, đó cũng là cách để giúp đỡ cộng đồng. Thay vào đó, bạn có thể:
    • Đi bộ hoặc đạp xe đến nơi cần đi. Dù mất nhiều thời gian hơn một chút, nhưng bạn có thể tự do ngắm nhìn cảnh quan bên đường hơn.
    • Dùng phương tiện giao thông công cộng. Dù nơi bạn ở không có hệ thống tàu điện ngầm hay tàu hỏa thì chắc cũng sẽ có xe bus ở gần.
    • Đi chung xe đến cơ quan hoặc trường học thay vì tự lái xe.
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 4:

Tìm hiểu về cộng đồng

  1. 1
    Gặp gỡ mọi người. Quen biết mọi người ở nơi bạn sống là một cách tuyệt vời để bắt đầu tìm hiểu về việc bạn có thể làm gì để giúp đỡ cộng đồng. Để hiểu hơn về một cồng động nào đó, hãy bắt đầu xây dựng mạng lưới quan hệ của bạn bằng cách ra ngoài và gặp gỡ mọi người. Hãy tham gia các sự kiện ở địa phương, thường xuyên lui tới các quán cà phê trong khu và trò chuyện với hàng xóm. Bạn càng quen biết được nhiều người thì càng tốt.
    • Để bắt làm thân với hàng xóm, bạn có thể làm bánh, mang biếu họ một ít và giới thiệu về mình. Cách này sẽ giúp bạn dễ bắt chuyện với họ hoặc bạn có thể mời họ qua nhà mình dùng bữa tối.
  2. 2
    Tìm kiếm để xác định được nhu cầu của cộng đồng địa phương. Trước khi có thể giúp đỡ, bạn nên dành thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Bước này cực kỳ quan trọng nếu bạn chưa quen với nơi này hoặc không tham gia nhiều hoạt động chung trước đó. Có thể con sông chảy qua thành phố bạn ở đang ô nhiễm nặng nề và không ai có thể bơi lội ở đó. Có thể trường học nơi bạn ở cần kinh phí để mua sách và máy tính. Có thể những người vô gia cư ở đó cần được giúp đỡ. Dù là gì thì bạn cũng sẽ cần dành thời nghiên cứu và tìm hiểu.
    • Hãy tìm kiếm trên mạng internet một vài thông tin cơ bản về tình hình cộng đồng dân cư nơi bạn sinh sống. Bạn hãy thử tìm kiếm tên thành phố cùng một số từ khóa như: “hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ” “hoạt động tình nguyện” và “các vấn đề cần quan tâm giúp đỡ”. Bạn có thể tìm kiếm bằng các từ khóa khác để có nhiều kết quả hơn.
    • Đọc báo địa phương mỗi ngày. Báo địa phương sẽ giúp bạn cập nhật thông tin về cộng đồng và cách người khác đang làm để giải quyết các vấn đề cần quan tâm.
    • Trò chuyện với những người sinh sống lâu năm trong cộng đồng. Bạn có thể hỏi các câu hỏi như: “Theo bác/ông thì vấn đề lớn nhất mà thành phố chúng ta đang phải đối mặt là gì và mọi người đã làm gì để khắc phục nó?”[2]
    • Hãy cố gắng đừng bị choáng ngợp bởi tầm cỡ và phạm vi các vấn đề tồn tại trong cộng đồng của bạn. Hãy chọn một vấn đề mà bạn muốn thay đổi, khơi dậy sự say mê trong bạn và bắt đầu từ đó.
    • Tìm kiếm những người có cùng lý tưởng. Trong cộng đồng có tổ chức nào quan tâm và đang tìm cách khắc phục vấn đề đó không? Bạn có quen biết ai cũng mong muốn và đam mê tạo ra các thay đổi cho cộng đồng không?
  3. 3
    Tìm hiểu về các tổ chức. Bạn hãy tìm hiểu nhiều nhất có thể về các tổ chức phi lợi nhuận và thiện nguyện ở địa phương. Hãy truy cập vào trang web của họ và tìm hiểu về các hoạt động của họ, đối tượng giúp đỡ, mục đích, nguồn kinh phí và các cơ hội tình nguyện. Hãy thường xuyên cập nhật tin tức từ các tổ chức mà một lúc nào đó muốn tham gia. [3]
    • Bạn có thể tìm kiếm bằng google, hoặc nếu ở Mỹ, bạn có thể truy cập các trang như Idealist, Volunteer Match và Serve.gov để tìm kiếm các tổ chức đang tuyển tình nguyện viên.
  4. 4
    Xác định phương thức giúp đỡ mong muốn. Sau khi đã dành thời gian tìm hiểu về cộng đồng nơi mình sống, hãy bắt đầu xác định những cách bạn có thể làm để chung tay giúp đỡ. Hãy nhớ lại những thông tin bạn tìm được, những cuộc trò chuyện với mọi người và nhu cầu của các tổ chức trong cộng đồng. Hãy tự hỏi bản thân một số câu hỏi sau trước khi bạn bắt đầu hành động.
    • Bạn quan tâm đến vấn đề nào nhất?
    • Bạn có thể giúp đỡ bằng cách nào để phát huy được tối đa tiềm lực của mình?
    • Bạn có thể và sẵn sàng cam kết giúp đỡ trong bao lâu?
    • Bạn cần làm gì để bắt đầu?
    Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 4:

Hành động

  1. 1
    Chọn một cách giúp đỡ. Khi đã xác định được vấn đề bạn muốn giúp thay đổi, hãy nghĩ cách để cá nhân mình bắt đầu hành động làm điều đó. Dù bạn không nghĩ là một người có thể thay đổi được thế giới nhưng hãy tin rằng một người có thể tạo nên sự khác biệt - dần dần từng chút một. Bạn sẽ tạo ra khác biệt bằng cách nào?
    • Tìm nơi phù hợp với đam mê và tài năng của mình. Ví dụ, giả sử thành phố của bạn có rất ít cây xanh và bạn muốn thay đổi điều này. Bạn có thể dùng mạng xã hội để lan tỏa nhận thức về vấn đề này bằng cách chia sẻ những hiểu biết của mình đến nhiều người nhất có thể và khuyến khích mọi người trồng nhiều cây hơn.
  2. 2
    Đặt ra một số mục tiêu có thể thực hiện được. Những vấn đề trong cộng đồng mà bạn tìm hiểu được nhiều khi không thể giải quyết một cách dễ dàng mà cần rất nhiều công sức, thậm chí là mất rất nhiều năm. Đôi khi ngay cả sau nhiều năm cố gắng thì vấn đề đó cũng vẫn không thể được khắc phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bạn đặt ra những mục tiêu có thể thực hiện được và cố gắng từng bước một thì cuối cùng bạn có thể nhìn lại và thấy được thành quả mình đã tạo ra.
    • Hãy đặt ra những mục tiêu ngắn hạn. Bạn có thể đặt mục tiêu ngắn hạn là những việc có ý nghĩa và tạo động lực cho mình. Bạn muốn đạt được điều gì trong một tuần? một tháng hoặc một năm nữa?
    • Đặt mục tiêu dài hạn. Trong thời gian 5 năm, bạn muốn cộng đồng của mình có diện mạo thế nào? Trong mười năm tới thì sao? Những việc nào là khả thi trong khoảng thời gian đó?
  3. 3
    Vạch ra một kế hoạch để thực hiện mục tiêu. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, bạn cần một bản kế hoạch. Để thực hiện bản kế hoạch của mình, có thể bạn sẽ cần trợ giúp và tài trợ về kinh phí. Hãy lập ra một bản kế hoạch chi tiết về tất cả mọi thứ bạn cần thực hiện để đạt được một mục tiêu cụ thể, bao gồm những chi tiết sau:
    • Nhân lực - Bao gồm các kỹ năng cần thiết, thời gian làm việc, số lượng tình nguyện viên hoặc đại diện tối thiểu cần thiết để thực hiện mục tiêu.
    • Vật lực - Bao gồm những thứ như: xe đưa tình nguyện viên đến nơi cần dọn dẹp, túi đựng rác, xẻng hót, găng tay bảo hộ và khẩu trang cho tình nguyện viên, đồ ăn, nước uống để phục vụ cho bữa trưa. Hãy cân nhắc đến từng chi tiết nhỏ nhất.
    • Tài chính - Hãy xây dựng ngân sách và kế hoạch chi tiết về các chi phí cần thiết để thực hiện mục tiêu của bạn.
  4. 4
    Kêu gọi mọi người cùng tham gia. Hãy hỏi xung quanh xem có ai hứng thú với mục tiêu của bạn hay không. Hãy cố gắng thành lập một đội nhân sự nòng cốt để cùng thực hiện kế hoạch cải tạo cộng đồng. Tất cả mọi người đều có thể đóng góp ở một mặt nào đấy và cùng nhau mọi người sẽ có thể hoàn thành được các mục tiêu đề ra. Ngay cả việc chỉ nói cho mọi người biết mục tiêu và kế hoạch của bạn cũng đã giúp bạn dần biết nó thành hiện thực rồi.[4]
    • Để tìm được những tình nguyện viên nhiệt huyết và lan tỏa việc làm của bạn tới thế giới, hãy chia sẻ thông tin lên mạng xã hội. Hãy công khai kế hoạch tạo nên sự khác biệt của bạn và cho mọi người biết rằng họ cũng có thể cùng tham gia. Hãy tổ chức các cuộc gặp mặt để trao đổi về cách triển khai kế hoạch.
    • Nhiều người thích giúp đỡ bằng tiền thay vì dành thời gian để tham gia hoạt động. Bạn đừng ngại xin tài trợ hoặc tổ chức các hoạt động gây quỹ để huy động tiền cho kế hoạch của mình.
  5. 5
    Cam kết sẽ thực hiện đến cùng. Bạn đã có các mục tiêu và kế hoạch để đạt được các mục tiêu đó, giờ đã đến lúc chuẩn bị sẵn sàng và thực sự dành thời gian và công sức để tạo ra sự thay đổi. Nếu bạn rút lại kế hoạch thì cộng đồng sẽ không bao giờ được thấy ước vọng của bạn thành hiện thực. Việc khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn không hề dễ dàng, tuy nhiên tất cả những cố gắng của bạn dù là nhỏ nhất cũng sẽ tạo nên sự khác biệt.
    Quảng cáo
Phương pháp 4
Phương pháp 4 của 4:

Chia sẻ kỹ năng và thời gian

  1. 1
    Tham gia tình nguyện cho một tổ chức mà bạn ngưỡng mộ. Tất cả các tổ chức phi lợi nhuận hoặc các tổ chức vì cộng đồng nơi bạn sống có thể đều cần tình nguyện viên.[5] Đóng góp thời gian cũng là một cách tuyệt vời để tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng và để tăng cường gắn kết với các thành viên khác trong cộng đồng. Hãy tìm một tổ chức với các hoạt động mà bạn cảm thấy hứng thú và liên hệ với họ, nhiều khả năng là họ sẽ có nhiều việc cần ngay tới sự giúp đỡ của bạn. Lưu ý rằng trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức là một cam kết nghiêm túc. Các tổ chức cần rất nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo tình nguyện viên, vậy nên hãy chắc chắn là bạn sẽ dành thời gian và sẵn sàng giúp đỡ trong thời gian dài. Dưới đây là một vài ví dụ về những cơ hội tình nguyện ở hầu hết các cộng đồng:
    • Giúp đỡ dọn dẹp ở công viên, sông ngòi hoặc bãi biển.
    • Trực điện thoại trong các sự kiện gây quỹ.
    • Chơi đùa cùng chó mèo tại các trạm cứu hộ động vật.
    • Phát cháo tại các điểm từ thiện hoặc phát cho người vô gia cư.
    • Trực điện thoại đường dây nóng.
    • Tình nguyện hướng dẫn trong các trại hè cho trẻ em.
  2. 2
    Tham dự các sự kiện cộng đồng. Những người khác và các tổ chức khác có thể cũng đang hành động để giúp đỡ xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn. Họ sẽ tổ chức lễ hội, ngày hội dọn rác và các cuộc gặp gỡ với mục đích cải thiện cộng đồng. Bạn có thường xuyên tham dự những sự kiện như vậy không? Hãy bắt đầu tham gia nhiều nhất có thể. Sự hiện diện của bạn cũng chính là một cách để giúp đỡ những người khác trong cộng đồng vì họ biết rằng bạn quan tâm đến họ. Khi cảm thấy đủ thoải mái, bạn hoàn toàn có thể xung phong làm các công việc tình nguyện để giúp đỡ trong các sự kiện này.
    • Ví dụ, nếu một người bạn quen có kế hoạch tổ chức sự kiện “Ngày đi xe đạp đến công sở và trường học” vào các buổi sáng thứ hai và bạn có xe đạp thì tại sao lại không thử? Hãy rủ một người bạn khác cùng tham gia nếu có thể. Hãy cho mọi người thấy là hoạt động đạp xe cực kỳ thú vị.
    • Tham dự các sự kiện đi bộ và chạy để gây quỹ. Rất nhiều tổ chức phi lợi nhuận thường tổ chức các sự kiện đi bộ và chạy cộng đồng để gây quỹ. Phí tham gia sẽ trực tiếp ủng hộ cho các tổ chức này và việc tham dự của bạn sẽ giúp lan tỏa và nâng cao nhận thức về ý nghĩa của sự kiện.
    • Đi xem hòa nhạc, lễ hội và các sự kiện khác tổ chức bởi doanh nghiệp hoặc tổ chức địa phương. Nếu không ai tham dự những sự kiện này thì chúng có thể sẽ không còn được tổ chức nữa.
  3. 3
    Tích cực thể hiện quyền công dân. Một cách tuyệt vời để giúp đỡ cộng đồng là tích cực tham gia đóng góp vào các quyết định liên quan đến cộng đồng. Hãy luôn cập nhật các hoạt động ảnh hưởng đến cộng đồng và đưa ra các quan điểm mang tính xây dựng về các vấn đề quan trọng. Ví dụ, nếu thành phố đang cần nhắc về việc có nên chặt hạ một vài hecta rừng để dành chỗ xây dựng siêu thị hay không, bạn hãy tìm hiểu kỹ và đưa ra quan điểm của mình. Việc giữ rừng sẽ tốt hơn hay cộng đồng của bạn thực sự cần một siêu thị hoạt động tại vị trí đó? Việc bạn đưa ra quan điểm sáng xuất và mạnh dạn lên tiếng sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của cộng đồng. Hãy khuyến khích mọi người cùng tham gia vì sự tham gia của người dân là vô cùng quan trọng cho một nền dân chủ văn minh.[6]
    • Việc bầu cử là một cách ảnh hưởng đến cộng đồng vô cùng quan trọng. Bạn hãy đọc kỹ thông tin của các ứng viên, các chính sách và tham gia bỏ phiếu trong tất cả các cuộc bầu cử ở địa phương.
    • Liên hệ cơ quan có thẩm quyền về những chính sách mà bạn quan tâm. Nếu bạn không muốn rừng bị đốn hạ hoặc bạn cho rằng mở một siêu thị mới sẽ hữu ích cho cộng đồng hơn thì hãy liên hệ hoặc gửi thư cho họ để trình bày quan điểm và lý do của mình.
    • Tham dự các cuộc họp đưa ra các quyết định quan trọng. Hãy nắm bắt cơ hội để lên tiếng về những vấn đề mà bạn quan tâm. Thành phố có nên quy định thêm nơi sang đường cho người đi bộ ở những con đường đông đúc không? Đường xá trong khu dân cư đã xuống cấp và có quá nhiều ổ gà? Cơ quan chức năng cần có những giải pháp gì để đối phó với tỉ lệ tội phạm ngày càng gia tăng? Hãy đưa ra ý kiến và quan điểm về tất cả những vấn đề mà bạn quan tâm.
  4. 4
    Làm đẹp cảnh quan nơi công cộng. Nếu thấy trên đường có nhiều rác và những bức tường nơi công cộng nhem nhuốc vì bị vẽ bẩn thì bạn có thể bắt đầu giúp đỡ từ đó. Việc giúp những nơi sinh hoạt chung trong cộng đồng có diện mạo tươi sáng và sạch sẽ hơn sẽ giúp mang lại cảm giác thoải mái và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Những việc bạn có thể làm sẽ tùy thuộc vào những nhu cầu và vấn đề cụ thể trong cộng đồng.
    • Bạn có thể khiến khu phố của mình đẹp hơn ngay lập tức bằng cách tự thu gom rác. Hãy nhặt rác khi đi trên đường, bỏ chúng vào thùng rác hoặc mang về tái chế. Nếu một mình không làm xuể thì bạn có thể kêu gọi bạn bè cùng tham gia.
    • Làm mới bằng cách cạo hoặc sơn lại những bức tường bị vẽ bẩn. Nếu vẽ đẹp thì bạn còn có thể vẽ những bức tranh tường ở nơi công cộng để mọi người cùng thưởng thức. Bạn nhớ xin phép trước nhé.
    • Chăm chút cảnh quan ở những nơi cỏ dại mọc um tùm. Bạn có thể dùng máy cắt cỏ, phát cổ hoặc nhổ bằng tay. Trồng hoa hoặc trồng cây ở những nơi có thể. Mang nhiều yếu tố thiên nhiên vào không gian đô thị có thể giúp cảnh quan gần gũi, an toàn và đẹp hơn.[7]
    • Xây dựng một khu vườn cho cộng đồng, nơi mọi người có một chỗ để trồng rau, rau thơm hoặc hoa. Hãy kêu gọi mọi người cùng tham dự và đóng góp công cụ cho dự án.
    • Trước khi thay đổi bất kỳ điều gì thuộc đất đai hoặc tài sản của người khác thì bạn lưu ý luôn hỏi ý kiến của họ trước.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Đừng nản chí nếu những nỗ lực của bạn không được người khác ghi nhận. Giúp đỡ cộng đồng là một việc quan trọng và có ý nghĩa dù không ai ghi nhận điều đó. Hãy nhớ rằng bạn đang làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng và tiếp tục cố gắng nhé!

Về bài wikiHow này

Kris Jensen
Cùng viết bởi:
Lãnh đạo Regenerative Communities Collective
Bài viết này đã được cùng viết bởi Kris Jensen. Kris Jensen là Chủ tịch của Regenerative Communities Collective, một nhà tư vấn thiết kế chuyên về thiết kế tái tạo. Trước đây, ông là Giám đốc điều hành của San Bruno Mountain Watch tại California. Ông là nhà hoạt động môi trường trong hơn 25 năm. Bài viết này đã được xem 13.250 lần.
Chuyên mục: Sinh thái học
Trang này đã được đọc 13.250 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo