Bài viết này đã được cùng viết bởi Josh Jones. Josh Jones là CEO và người sáng lập của Test Prep Unlimited, dịch vụ phụ đạo chuẩn bị cho kỳ thi GMAT. Josh đã xây dựng chương trình bảo đảm điểm số đầu tiên và duy nhất trên thế giới áp dụng vào việc phụ đạo cá nhân chuẩn bị cho kỳ thi GMAT. Ông đã thuyết trình tại Triển lãm QS World MBA Tour và thiết kế chương trình giảng dạy môn toán cho các trường công lập tại Chicago. Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm phụ đạo cá nhân và đứng lớp và có bằng cử nhân toán học của Đại học Chicago.
Có 10 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 1.044 lần.
Trở thành một người đọc phê bình và chủ động là cách để ghi nhớ những gì đã đọc. Để trở thành người đọc phê bình, bạn cần biết mục đích khi đọc tài liệu, tạo nên hình ảnh trong tâm trí về ý tưởng và khái niệm quan trọng, đồng thời tự vấn bản thân trong suốt quá trình. Cuối cùng, lưu trữ thông tin trong ngân hàng trí nhớ dài hạn bằng cách thảo luận về tài liệu với người khác, diễn tả lại bằng lời của bạn cũng như đọc lại những khái niệm và ý quan trọng.
Các bước
Tự chuẩn bị để đọc và ghi nhớ
-
1Biết mục đích mà bạn hy vọng đạt được khi đọc tài liệu. Hãy tự hỏi bản thân: “Tại sao mình đọc tài liệu này?” hoặc “Mình mong học được gì từ tài liệu này?” Khi hiểu được mục đích của việc đọc tài liệu này, bạn sẽ có thể duy trì các công việc cần làm và tập trung vào các phần văn bản liên quan nhiều hơn.[1]
- Chẳng hạn, nếu luôn nhớ rằng mình đang đọc tài liệu cho kỳ thi, bạn sẽ tập trung vào những ngày, sự kiện và con người quan trọng.
-
2Làm quen với chủ đề. Tìm hiểu về chủ đề bằng cách tra cứu nhanh trên Internet. Càng hiểu biết về chủ đề cụ thể, khả năng liên tưởng và ghi nhớ thông tin của bạn sẽ tốt hơn.[2]
- Chẳng hạn, nếu bạn sắp đọc về “phong trào Đồng Khởi”, hãy nhập từ khóa này vào công cụ tìm kiếm. Sau đó, nhấp vào một trong các liên kết (ví dụ: bài viết của Wikipedia tiếng Việt) và làm quen với nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của phong trào Đồng Khởi.
-
3Đọc lướt tài liệu để tìm những điểm chính. Trước khi đọc tài liệu, hãy ghi chú các tiêu đề, bảng, lời giới thiệu, biểu đồ và đoạn mở đầu. Tập trung vào thông tin quan trọng sẽ hoàn thành mục tiêu mà bạn đề ra khi đọc tài liệu.[3]
- Quá trình đọc lướt tài liệu sẽ phác thảo nội dung vào trí nhớ, định hướng suy nghĩ để bạn có thể tập trung vào thông tin quan trọng, đồng thời hiện lên một bức tranh toàn cảnh về nội dung giúp bạn dễ ghi nhớ hơn.[4]
-
4Đọc những phân đoạn ngắn. Việc đọc cho đến khi bạn không thể tập trung nữa rất lãng phí thời gian. Thay vào đó, để tận dụng tối đa sự tập trung, hãy đọc những đoạn ngắn. Chẳng hạn, bạn chỉ nên đọc một phần, hoặc đọc trong 10 đến 15 phút mỗi lần mà thôi. Sau khi đọc xong phần đó, bạn có thể rà soát lại những gì vừa đọc trong đầu.[5]
- Tăng thời gian có thể tập trung đọc bằng cách đều đặn tăng thời lượng đọc mỗi ngày hoặc tuần. Chẳng hạn, nếu bạn đọc những đoạn ngắn suốt 10 đến 15 phút trong một tuần, hãy tăng lên 20 đến 25 phút mỗi lần đọc như vậy trong tuần tiếp theo.
Quảng cáo
Trở thành người đọc phê bình
-
1Ghi chú. Khi đọc, hãy ghi lại thông tin liên quan. Cảm giác khi viết sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin tốt hơn. Chẳng hạn, nếu bạn đang đọc về phong trào Đồng Khởi, hãy viết ra 4 diễn biến quan trọng của sự kiện này.[6]
- Bạn cũng có thể gạch dưới những khái niệm hoặc ghi lại các ý tưởng hiện lên trong đầu khi đọc.
- Đây là một hình thức đọc chủ động giúp bạn đối chiếu, đánh giá tài liệu thay vì chỉ tiếp thu một cách thụ động. Đọc chủ động giúp bạn tiếp thu và ghi nhớ tài liệu hiệu quả hơn.[7]
-
2Đánh dấu những khái niệm quan trọng. Cố gắng chỉ đánh dấu thông tin liên quan và quan trọng. Chẳng hạn như đánh dấu vài từ quan trọng trên trang. Trước khi đánh dấu bất cứ nội dung nào, hãy tự hỏi bản thân: “Thông tin này có hoàn thành mục tiêu đọc ban đầu mà mình đã đề ra với tài liệu hay không?” Nếu câu trả lời là không thì tốt nhất bạn không nên đánh dấu.[8]
-
3Liên kết tài liệu với điều mà bạn biết. Liên kết thông tin mới với thông tin mà bạn đã biết. Bằng cách liên kết thông tin mới với hiểu biết trước đó, não bộ sẽ lưu trữ thông tin mới trong ngân hàng trí nhớ dài hạn.[9]
- Ví dụ: ngày kỷ niệm Bến Tre Đồng Khởi 17/1 trùng với sinh nhật mẹ bạn. Bằng cách liên kết mốc thời gian sự kiện lịch sử với sinh nhật của người quen nào đó, bạn sẽ nhớ ngày này dễ dàng hơn.
- Rất khó để hiểu được những khái niệm nâng cao nếu bạn không nắm rõ những nền tảng cơ bản. Nếu bạn cảm thấy khó hiểu về nội dung đang đọc, việc xem lại những điều cơ bản là rất hữu ích.
-
4Nghĩ về những hình ảnh. Khắc họa những bức tranh trong tâm trí về điều mà bạn đọc là cách giúp ghi nhớ nội dung dễ dàng hơn so với việc chỉ đọc mà không liên tưởng đến hình ảnh. Đây là chiếc lược đặc biệt hiệu quả dành cho người học bằng trực quan.[10]
- Chẳng hạn, bạn có thể ghi nhớ mốc thời gian quan trọng như ngày mà phong trào Đồng Khởi bắt đầu nổ ra bằng cách hình dung cuộc biểu tình cùng với ngày thật to trên băng rôn.
- Bạn cũng có thể vẽ nên cảnh biểu tình rồi ghi ngày bắt đầu và kết thúc bên dưới.
-
5Đọc to. Nếu bạn là người học bằng thính giác, hãy thử đọc to tài liệu quan trọng. Hành động đọc và nghe tài liệu sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn. Đặc biệt, hãy đọc thông tin quan trọng mà bạn đã gạch dưới, cũng như trả lời to những câu hỏi.[11]
- Bạn cũng có thể sử dụng lối chơi chữ để ghi nhớ những sự kiện quan trọng. Chẳng hạn như làm thơ hoặc chế lời bài hát.[12]
-
6Đặt câu hỏi cho bản thân về tài liệu. Trong khi đọc, hãy tự hỏi bản thân những câu như: “Tài liệu này củng cố những gì mình đã biết và bổ sung những điều chưa biết như thế nào?”, “Tại sao tác giả lại đề cập đến điều này?”, “Mình có hiểu khái niệm hay từ này không?”, “Bằng chứng cho điều này nằm ở đâu?”, “Ý chính của đoạn này là gì?” hoặc “Mình có đồng ý với kết luận của tác giả hay không?”[13]
- Bằng cách tự hỏi và tự trả lời, bạn sẽ ghi nhớ thông tin liên quan tốt hơn rất nhiều.
Quảng cáo
Củng cố trí nhớ
-
1Trình bày lại những gì đã đọc bằng giọng văn của bạn. Sau khi đọc xong một phiên, hãy viết ra những điều đó theo cách của bạn. Phương pháp này sẽ giúp bạn đánh giá thông tin nào đã được ghi nhớ, thông tin nào chưa. Sau khi xác định, hãy tìm và đọc lại thông tin mà bạn chưa nhớ cũng như cảm thấy khó khăn khi tự trình bày.[14]
- Mục đích của việc này không phải là tái tạo lại toàn bộ đoạn văn bằng lời của bạn. Bạn chỉ cần tóm tắt nhanh hoặc sơ lược những ý chính. Cố gắng trình bày lại trong một vài gạch đầu dòng hay đoạn văn ngắn.
-
2Thảo luận tài liệu với ai đó. Sau khi đọc nội dung nào đó, hãy thảo luận thông tin mới với bạn bè, người thân hoặc bạn học. Hoạt động thảo luận sẽ tạo nên những liên kết mới trong trí nhớ, đồng thời giúp bạn biết thông tin nào bạn đã hiểu và có thể nhớ, thông tin nào chưa.[15]
- Tìm và đọc lại thông tin mà bạn gặp khó khăn khi liên kết và ghi nhớ. Sau đó, thảo luận lại thông tin đó với bạn bè hoặc người thân.
-
3Đọc lại tài liệu. Lặp lại là chìa khóa để ghi nhớ bất cứ loại thông tin nào. Sau khi đọc nội dung nào đó, hãy xem lại những khái niệm và ý quan trọng mà bạn đã đánh dấu hoặc gạch dưới. Đồng thời, bạn cũng cần đọc lại đoạn văn chứa những khái niệm và ý quan trọng đó.[16]
- Sau 1 hoặc 2 ngày, hãy xem lại tài liệu lần nữa. Đọc lại những khái niệm và ý quan trọng rồi tự vấn bản thân.
Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ http://www.csbsju.edu/academic-advising/help/remembering-what-you-read
- ↑ http://www.businessinsider.com/how-to-remember-everything-you-read-2015-9
- ↑ http://sharpbrains.com/blog/2009/05/14/8-tips-to-remember-what-you-read/
- ↑ http://sharpbrains.com/blog/2009/05/14/8-tips-to-remember-what-you-read/
- ↑ http://sharpbrains.com/blog/2009/05/14/8-tips-to-remember-what-you-read/3/
- ↑ http://www.businessinsider.com/how-to-remember-everything-you-read-2015-9
- ↑ https://mcgraw.princeton.edu/active-reading-strategies
- ↑ http://sharpbrains.com/blog/2009/05/14/8-tips-to-remember-what-you-read/2/
- ↑ http://www.csbsju.edu/academic-advising/help/remembering-what-you-read
- ↑ http://www.csbsju.edu/academic-advising/help/remembering-what-you-read
- ↑ http://www.businessinsider.com/how-to-remember-everything-you-read-2015-9
- ↑ http://lawschooltoolbox.com/5-study-tips-for-auditory-learners/
- ↑ http://sharpbrains.com/blog/2009/05/14/8-tips-to-remember-what-you-read/2/
- ↑ https://mcgraw.princeton.edu/active-reading-strategies
- ↑ http://www.businessinsider.com/how-to-remember-everything-you-read-2015-9
- ↑ http://www.csbsju.edu/academic-advising/help/remembering-what-you-read