Bài viết này có đồng tác giả là Chris Parker, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 14 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 44.733 lần.
Ngoài việc gây phiền toái, bọ chét còn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe cho vật nuôi và con người. Nếu phát hiện thấy bọ chét trong nhà nhưng lại lo ngại về các loại thuốc diệt côn trùng tiềm ẩn độc hại, bạn có thể thử áp dụng các biện pháp kiểm soát tự nhiên. Bạn cần chiến đấu với sự xâm nhiễm của bọ chét trên nhiều mặt trận, vì vậy hãy làm vệ sinh nhà cửa, tắm rửa và chải lông cho thú cưng và thực hiện các bước kiểm soát bọ chét trong sân nhà. Quá trình này mất khoảng 3-4 tháng, nhưng với sự nhẫn nại và kiên trì, bạn sẽ loại bỏ được lũ bọ chét mà không cần phải viện đến các hóa chất độc hại.
Các bước
Phần 1
Phần 1 của 3:Làm vệ sinh nhà cửa
-
1Hút bụi sàn nhà, đồ đạc bọc nệm và giường ngủ hàng ngày. Đặc biệt chú ý đến những nơi thú cưng thường chơi, những khu vực ít được ánh nắng mặt trời rọi vào và bất cứ nơi nào bạn trông thấy bọ chét, máu khô hoặc phân bọ chét. Khi hút bụi đồ đạc, bạn hãy tháo nệm ra để có thể xử lý các ngóc ngách và khe hở.[1]
- Nhớ hút bụi dưới gầm đồ đạc, sau cánh cửa, dọc theo ván lát chân tường và ở những khu vực có vấn đề.
- Trong thời gian bọ chét xâm nhiễm, bạn cần hút bụi nhà mỗi ngày. Ngay cả khi không nhìn thấy bọ chét trong nhà, bạn vẫn nên hút bụi kỹ ít nhất mỗi tuần một lần.
- Khi túi rác trong máy hút bụi đã đầy, bạn hãy bỏ vào túi rác buộc kín, sau đó đem vứt vào thùng rác ngoài trời.
-
2Giặt thảm trang trí, ga trải giường và ổ nằm của thú cưng bằng nước nóng. Trong thời gian nhiễm bọ chét, hàng tuần bạn hãy bỏ ga, chăn, vỏ gối, ổ nằm thú cưng và những tấm thảm nhỏ vào máy giặt và sấy khô. Để chế độ giặt nước nóng nhất và nhiệt độ máy sấy cao nhất mà các món đồ có thể chịu được.[2]
- Nếu ổ nằm của thú cưng là loại không giặt được, bạn hãy vứt đi để đảm bảo an toàn.
-
3Làm sạch thảm trải sàn và đồ đạc bọc nệm bằng hơi nước. Nếu không có máy hút bụi hơi nước, bạn có thể thuê ở những cửa hàng cho thuê thiết bị hoặc gọi dịch vụ giặt thảm chuyên nghiệp. Nhớ thử trước dung dịch giặt thảm lên những chỗ khuất trên thảm và đồ đạc.[3]
- Quá trình hút bụi hơi nước sẽ tiêu diệt bọ chét trưởng thành và ấu trùng, nhưng một số trứng vẫn sống sót. Có thể mất 3-4 tháng trứng bọ chét mới nở, vì vậy bạn cần tiếp tục hút bụi hàng ngày. Cân nhắc làm vệ sinh nhà bằng hơi nước cách 1-2 tháng một lần cho đến khi bạn chấm dứt được sự xâm nhiễm của bọ chét.
-
4Thử dùng máy hút ẩm để kiểm soát độ ẩm. Trứng bọ chét cần có độ ẩm tối thiểu 50% để phát triển và nở. Bạn có thể dùng máy theo dõi độ ẩm và máy hút ẩm để tạo môi trường không thuận lợi cho bọ chét. Nhớ rằng bạn vẫn phải hút bụi, giặt ga trải giường và thực hiện các bước khác để kiểm soát sự xâm nhiễm.[4]
- Số lượng máy hút ẩm cần thiết tùy thuộc vào diện tích và cách bố trí của nhà. Một máy hút ẩm cỡ trung bình trong vòng 24 giờ có thể thu được 19 lít nước trong không khí. Cỡ máy này phù hợp với diện tích tối đa 140 m2.
-
5Dùng bẫy bọ chét để theo dõi tiến trình xử lý. Bẫy bọ chét là các băng giấy dính hoặc bát nước đặt dưới bóng đèn. Sức nóng từ bóng đèn thu hút bọ chét đến dính vào giấy hoặc rơi vào bát nước. Khi thực hiện các bước kiểm soát sự xâm nhiễm, dần dần những chiếc bẫy sẽ bắt được ít bọ chét hơn.[5]
- Nếu đã qua 1-2 tháng mà số bọ chét bắt được trong bẫy vẫn như cũ thì đã đến lúc bạn phải gọi dịch vụ chuyên nghiệp.
- Bẫy bọ chét là một cách hiệu quả để theo dõi độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm bọ chét, nhưng chúng chỉ bắt được bọ chét trưởng thành. Bẫy không thể giải quyết được tình trạng bọ chét xâm nhiễm.
-
6Xử lý nhà cửa, thú cưng và sân vườn cùng lúc. Cách duy nhất để kiểm soát vấn đề bọ chét là xử lý mọi mặt. Nếu bạn làm sạch nhà cửa nhưng không xử lý trên thú cưng, căn nhà của bạn cũng sẽ bị tái nhiễm.[6]
- Hãy kiên nhẫn; có thể bạn phải mất 3 hoặc 4 tháng mới kiểm soát được tình hình.
Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:Kiểm soát bọ chét trên thú cưng
-
1Tắm cho thú cưng ít nhất mỗi tuần một lần. Dùng dầu tắm dành cho mèo hoặc chó; đừng bao giờ dùng dầu gội của người để tắm cho thú cưng. Tắm đầu và cổ của thú cưng trước để bọ chét không nhảy lên mắt, miệng và tai chúng.[7]
- Thú cưng có thể bị kích ứng da nếu mỗi tuần nếu bạn tắm cho chúng nhiều hơn một lần. Loại dầu tắm dưỡng ẩm có chứa yến mạch có thể giúp ngăn ngừa khô da.
-
2Chải lông thú cưng hàng ngày bằng lược chải bọ chét. Ít nhất mỗi ngày một lần, bạn hãy dùng lược răng khít chuyên chải bọ chét để chải bộ lông của thú cưng khi khô. Thỉnh thoảng nhúng lược vào cốc nước xà phòng nóng hoặc dung dịch nửa cồn nửa nước để tiêu diệt bọ chét bắt được trên lông thú cưng.[8]
- Cẩn thận với bọ chét từ thú cưng nhảy ra. Mặc dù bạn chải cho thú cưng khi bộ lông của chúng còn khô, nhưng bồn tắm vẫn là nơi thích hợp để làm việc này. Bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra bọ chét trên bề mặt trắng và trơn nhẵn của bồn tắm.
-
3Thử xịt dung dịch cam chanh lên thú cưng. Cắt một quả chanh thành từng lát móng và cho vào nồi với 500 ml nước. Đun sôi nước, tắt bếp, đậy nắp và để qua đêm. Lọc dung dịch và rót vào bình xịt, sau đó xịt lên lông thú cưng, xoa dung dịch cho ngấm vào lông chúng.[9]
- Bạn cũng có thể mua chai xịt cam chanh trên mạng hoặc tại cửa hàng thú cưng.
- Dung dịch này có thể xua đuổi bọ chét trong vòng 24 giờ, nhưng da thú cưng có thể bị kích ứng nếu ngày nào bạn cũng xịt. Hãy thử cách 3 hoặc 4 ngày xịt một lần và tăng dần nếu không có dấu hiệu kích ứng da.
- Tránh xịt gần mặt thú cưng. Ngừng xịt nếu bạn thấy da thú cưng đỏ, khô, hoặc nếu chúng gãi liên hồi.
- Tốt nhất là bạn nên luôn hỏi ý kiến bác sĩ thú y trước khi dùng liệu pháp tại nhà trị bọ chét cho vật nuôi.
-
4Giữ thú cưng ở trong nhà càng nhiều càng tốt. Nếu nuôi mèo, tốt nhất là bạn luôn giữ chúng trong nhà. Nếu nuôi chó, bạn chỉ nên dẫn chúng ra ngoài một lúc để đi vệ sinh. Tránh dẫn chó đến những khu vực râm mát, ẩm ướt, có nhiều cây cỏ.[10]
- Việc hạn chế cho thú cưng ra ngoài sẽ giúp giảm rủi ro chúng tiếp xúc với bọ chét.
Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:Chống bọ chét ngoài trời
-
1Duy trì bãi cỏ luôn cắt ngắn và cào lá trong vườn. Giữ sạch sẽ mọi khu vực ngoài trời mà thú cưng của bạn thường chơi. Cắt tỉa bãi cỏ và cỏ dại để mặt trời có thể rọi vào những khu vực tối, mát và ẩm. Sau khi cắt cỏ, bạn cần thu dọn cỏ vụn, cào lá cây và rác vụn trong sân.[11]
- Bọ chét sinh sôi trong những khu vực ẩm ướt và râm mát. Bạn có thể khiến cho môi trường không còn thuận lợi với bọ chét bằng cách cắt ngắn thảm cỏ, cào lá và loại bỏ rác vụn.
-
2Rải loại giun tròn có lợi vào đầu mùa xuân. Giun tròn là loài giun nhỏ xíu ăn ấu trùng bọ chét. Bạn có thể tìm mua loại giun này ở các trung tâm làm vườn. Tìm sản phẩm có dán nhãn kiểm soát bọ chét, rải vào bãi cỏ và đất vườn theo hướng dẫn.[12]
- Chú ý đặc biệt đến như nơi thú cưng thường lui tới. Thời gian tốt nhất để rải giun tròn là vào đầu mùa bọ chét, hoặc đầu mùa xuân.
- Thông thường, bạn sẽ trộn một gói chứa hàng triệu con giun tròn nhỏ li ti với nước, sau đó cho vào bình phun hoặc bình tưới cây để phun. Trong suốt mùa xuân và mùa hè, bạn cần tưới nước mỗi khi đất bắt đầu khô.
- Đừng lo là giun tròn sẽ khiến bạn nhiễm bệnh! Loài giun này không gây hại cho người và vật nuôi.
-
3Rắc đất tảo cát cách 7-10 ngày một lần. Bạn hãy tìm loại đất tảo cát dán nhãn dùng cho sân vườn tại cửa hàng bán đồ làm vườn. Rắc đất tảo cát trong sân, tập trung vào những khu vực có bóng râm và nơi thú cưng thường hay ra chơi.[13]
- Thời gian tốt nhất để rắc đất tảo cát là vào buổi sáng. Tránh làm việc này vào ngày có gió hoặc mưa, và đừng rắc xung quanh vật nuôi. Đất tảo cát khi hít phải có thể gây kích ứng cho hệ hô hấp.
- Đất tảo cát là một loại bột khoáng chất có thể khiến bọ chét trầy xước và mất nước. Vật liệu này theo thời gian sẽ mất tác dụng, vì vậy bạn sẽ cần phải rắc lại hàng tuần, sau ngày mưa hoặc gió, và sau khi tưới cỏ.
-
4Thử trồng cây bạc hà hăng trong vườn hoặc trong chậu hoa. Bạc hà hăng là một loài trong họ bạc hà đã được dùng để xua đuổi côn trùng hàng thế kỷ qua. Bạn hãy trồng bạc hà hăng trong vườn để chống bọ chét ngoài trời hoặc đặt chậu cây trong nhà. Bạc hà hăng có tính độc đối với chó và mèo, vì vậy bạn cần đảm bảo là mèo nhà mình không tìm cách ăn cây này.[14]
- Tinh dầu bạc hà hăng đôi khi được dùng như chất xua đuổi bọ chét, nhưng cách này không an toàn cho vật nuôi. Đừng xoa tinh dầu lên da thú cưng, không cho vào thức ăn hoặc cho vào ổ nằm của chúng.[15]
- Nếu bạn trồng bạc hà hăng trong vườn, hãy ngắt chồi cây thường xuyên để chúng không lấn chiếm cả khu vực trồng cây. Cũng như các loài khác trong họ bạc hà, bạc hà hăng phát triển rất mạnh. Bạn có thể đặt bộ rễ cây trong chậu hoa và chôn cả chậu xuống đất để kiểm soát sự phát triển của chúng.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Để thử xem khu vực nào đó trong sân có bọ chét không, bạn hãy đi một đôi tất trắng, kéo tất cao lên đến cẳng chân và đi quanh sân. Nếu trong sân có bọ chét, chúng sẽ nhảy lên tất của bạn, và bạn có thể nhìn thấy chúng trên nền tất trắng.
- Nếu các biện pháp kiểm soát bọ chét tự nhiên không có hiệu quả, bạn hãy cân nhắc dùng thuốc ngăn ngừa bọ chét. Có những lựa chọn ít độc hại hơn trên thị trường; bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về các loại thuốc phòng ngừa bọ chét và ve với các nguyên liệu an toàn hơn.
- Mặc dù giá có đắt hơn, nhưng các loại thuốc uống ngăn ngừa bọ chét có chứa lufenuron, nitenpyram, hoặc spinosad an toàn hơn các loại thuốc bôi.
- Nếu buộc phải dùng thuốc bôi, bạn nên chọn sản phẩm có s-methoprene hoặc pyriproxyfen. Tránh các sản phẩm chứa imidacloprid, dinotefuran, tetrachlorvinphos, carbaryl, và propoxur.[16]
Cảnh báo
- Tránh thoa các loại tinh dầu cho thú cưng hay nhỏ tinh dầu vào ổ nằm hoặc thức ăn của chúng. Luôn hỏi bác sĩ thú y trước khi thử dùng bất cứ liệu pháp tại nhà nào để điều trị cho vật nuôi.[17]
Tham khảo
- ↑ https://www.epa.gov/pets/controlling-fleas-and-ticks-around-your-home
- ↑ http://ipm.ucanr.edu/PMG/PESTNOTES/pn7419.html
- ↑ http://healthywa.wa.gov.au/Articles/F_I/Fleas
- ↑ http://www.publichealth.lacounty.gov/eh/docs/Specialized/Vector_Management/fleas.pdf
- ↑ http://www.dph.illinois.gov/topics-services/environmental-health-protection/structural-pest-control/fleas
- ↑ https://www.akc.org/expert-advice/health/flea-tick/flea-and-tick-prevention-tips/
- ↑ https://www.nrdc.org/stories/nontoxic-ways-protect-your-pet
- ↑ https://citybugs.tamu.edu/factsheets/biting-stinging/others/ent-3001/
- ↑ http://www.healthandwelfare.idaho.gov/Portals/0/Health/EnvironmentalHealth/HealthyHomes-SaferAlternatives.pdf
- ↑ https://www.epa.gov/pets/controlling-fleas-and-ticks-around-your-home
- ↑ https://www.aspca.org/pet-care/general-pet-care/fleas-and-ticks
- ↑ https://www.akc.org/expert-advice/health/flea-tick/waging-a-guerrilla-war-against-the-flea/
- ↑ https://www.motherearthnews.com/homesteading-and-livestock/natural-flea-control-zmaz87jazgoe
- ↑ https://www.motherearthnews.com/natural-health/herbal-remedies/pennyroyal-safety
- ↑ https://www.akc.org/expert-advice/health/general-health/are-essential-oils-safe-for-dogs/
- ↑ https://www.nrdc.org/stories/nontoxic-ways-protect-your-pet
- ↑ https://www.akc.org/expert-advice/health/general-health/are-essential-oils-safe-for-dogs/