Bài viết này đã được cùng viết bởi Lena Dicken, Psy.D. Lena Dicken là nhà tâm lý học lâm sàng tại Santa Monica, California. Với hơn tám năm kinh nghiệm, tiến sĩ Dicken chuyên trị liệu cho chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn do chuyển đổi cuộc sống và những khó khăn trong quan hệ tình cảm. Cô sử dụng phương pháp kết hợp các liệu pháp tâm động học, liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp dựa trên chánh niệm. Dicken có bằng cử nhân y học tích hợp của Đại học Hawaii tại Manoa, bằng thạc sĩ tâm lý học tư vấn của Đại học Argosy Los Angeles và bằng tiến sĩ tâm lý học về tâm lý học lâm sàng của Trường Tâm lý học Chuyên nghiệp Chicago tại Westwood. Công việc của Dicken đã được giới thiệu trên GOOP, tạp chí Chalkboard Magazine, cũng như vô số bài báo và podcast khác. Cô là nhà tâm lý học được cấp phép tại bang California.
Có 7 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 5.546 lần.
Nếu ai đó nói với bạn rằng họ cần có không gian của riêng mình thì hẳn bạn sẽ buồn và lo sợ mất đi người ấy. Dù vậy nhưng cách duy nhất giúp bạn duy trì mối quan hệ lúc này là đáp ứng nguyện vọng của họ. Hãy lùi lại một bước, cho người ấy không gian như mong muốn, nhưng hãy nói với họ rằng bạn làm vậy là muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai người. Trong khi cho người ấy không gian, hãy cố gắng điều chỉnh cảm xúc của bản thân, sau đó tìm cách nối lại tình cảm với họ.
Các bước
Tôn trọng mong muốn có không gian riêng của người khác
-
1Nếu có thể, hãy hỏi người ấy xem họ cần không gian riêng ở mức độ nào. Bạn hãy cố gắng đặt ra một khoảng thời gian cụ thể mà hai người sẽ xa nhau, dù chỉ là một ngày rồi lại gặp. Ngoài ra, hãy hỏi cụ thể xem họ muốn bạn làm gì, chẳng hạn như hạn chế giao tiếp hay tránh mặt nhau ở nơi công cộng. Làm vậy sẽ giúp bạn hiểu được nhu cầu của người ấy và tránh những hiểu lầm có thể khiến mối quan hệ của cả hai bị tổn thương.[1]
- Bạn có thể nói rằng: “Anh sẽ cố gắng để em có không gian riêng. Em có thể cho anh biết em muốn không gian riêng như thế nào không?”
- Ví dụ, họ có thể muốn bạn ngừng tất cả mọi liên lạc trong một vài ngày, bao gồm nhắn tin, giao tiếp trên mạng xã hội và gặp mặt trực tiếp, nhưng họ cũng có thể muốn bạn thỉnh thoảng nhắn tin miễn là có thời gian ở một mình.
-
2Cho người ấy biết rằng bạn cho họ không gian riêng vì bạn quan tâm. Một trong những khó khăn khi cho người khác không gian riêng là họ có thể bắt đầu nghĩ rằng bạn không quan tâm đến họ nữa. Lúc này bạn sẽ rất khó xử vì nếu liên lạc thì họ lại cho là phiền và không vui. Để chắc chắn là người ấy không nghĩ sai về bạn thì hãy giải thích rằng bạn sẽ lùi về sau và đợi cho đến khi họ cảm thấy sẵn sàng để tiếp tục ở cạnh bạn.[2]
- Hãy nói rằng: “Đối với anh, thực sự em rất quan trọng. Anh sẽ cho em không gian riêng nếu đó là điều em muốn lúc này. Anh hy vọng điều này sẽ giúp mối quan hệ của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn”.
-
3Ngừng nhắn tin và gọi điện cho người ấy khi cho họ không gian riêng. Thường thì bạn sẽ cần để họ ở một mình khoảng một vài ngày hoặc lâu hơn là một vài tuần, tùy thuộc vào những chuyện đã xảy ra giữa hai người. Trong khoảng thời gian này, đừng gọi điện hay nhắn tin cho họ nhiều hơn mức mà bạn đã đồng ý trước đó. Nếu không, bạn sẽ khiến họ buồn hơn vì cảm thấy nguyện vọng của mình không được tôn trọng.[3]
- Nếu có thể, bạn nên hỏi: “Em có muốn anh ngừng nhắn tin và gọi điện cho đến khi em liên lạc với anh trước không?”
- Cho người khác không gian riêng không có nghĩa là bạn chỉ ở cách xa họ. Nếu bạn liên tục nhắn tin thì không thể gọi là cho họ không gian riêng được.
Lời khuyên: Bạn không được nhắn tin hay gọi điện cho người ấy trong bao lâu sẽ tùy thuộc vào chuyện xảy ra giữa hai người và nguyện vọng của họ.
-
4Không theo dõi tài khoản mạng xã hội của người ấy. Chắc hẳn bạn sẽ rất muốn biết người ấy đang làm gì, điều này rất dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn lúc nào cũng lén theo dõi họ trên mạng xã hội thì sẽ không tốt cho cả hai người. Làm vậy không chỉ khiến bạn lo lắng hơn mà còn khiến họ cảm thấy như đang bị kiểm soát. Hãy giữ khoảng cách an toàn và đừng xem trang cá nhân của họ.[4]
- Không nhấn thích hay bình luận bất kỳ điều gì họ đăng trên mạng. Ngoài ra, đừng hỏi dò người khác xem họ đang làm gì.
Lời khuyên: Đừng đăng bài có ý ám chỉ đến người ấy. Có thể họ sẽ buồn nếu đọc được và nghĩ là bạn đang cố dùng mạng xã hội để liên lạc với họ.
-
5Tránh những nơi bạn biết họ thường đến để không chạm mặt. Bạn sẽ không thể tránh mặt họ một cách tuyệt đối, đặc biệt là khi sống chung hoặc học cùng trường. Tuy nhiên, hãy cố gắng tránh những nơi nhiều khả năng họ sẽ xuất hiện, chẳng hạn như nơi làm việc hay nhà hàng họ yêu thích. Làm vậy sẽ giúp bạn tránh được những tình huống khó xử khi vô tình chạm mặt và khiến họ không thoải mái.[5]
- Ví dụ, bạn biết người ấy ngày nào cũng đến mua cà phê ở một tiệm quen. Nếu vô tình gặp mặt ở đó thì có thể họ sẽ nghĩ là do bạn cố ý.
-
6Đừng hỏi họ đang làm gì hay giám sát hoạt động của họ. Khi người khác yêu cầu được ở một mình, họ cần thời gian để khám phá sự độc lập và quyết định mình muốn gì trong mối quan hệ với bạn. Nếu bạn đòi hỏi được biết mọi thứ họ đang làm thì có nghĩa là bạn không hề để họ được độc lập. Hãy để người ấy làm những gì họ muốn mà không cần phải báo cáo với bất kỳ ai.[6]
- Bạn sẽ rất muốn hỏi những câu kiểu như: “Em định đi gặp ai đấy?”. Những câu hỏi kiểu này sẽ khiến họ cảm thấy bạn không hề coi trọng nhu cầu riêng tư của họ.
- Đừng đặt ra các quy tắc, chẳng hạn như họ có thể gặp ai hay làm gì trong khoảng thời gian hai người không ở cạnh nhau.
Quảng cáo
Tập trung vào bản thân
-
1Cho phép bản thân đón nhận tất cả các cảm xúc, nhưng đừng phản ứng lại với chúng. Xa cách người mình quan tâm là một việc rất khó. Bạn sẽ cảm thấy buồn phiền, bực bội, chán nản và lo lắng. Hãy gọi tên các cảm xúc ấy và biểu đạt chúng một cách lành mạnh, chẳng hạn như bằng nhật ký và nghệ thuật. Tuy nhiên, đừng để những cảm xúc ấy chi phối hành động để tránh khiến mọi việc tệ hơn.[7]
- Ví dụ, bạn có thể tự nhủ rằng: “Lúc này mình đang rất buồn vì An là người bạn thân nhất của mình và mình sợ sẽ đánh mất cô ấy”. Nói vậy sẽ giúp cảm xúc trong lòng bạn nhanh chóng nguôi đi.
- Ngược lại, bạn đừng gọi điện cho An và khóc lóc than phiền với cô ấy nhé.
-
2Phân tán tư tưởng bằng các hoạt động thú vị và tham gia các sự kiện xã hội với bạn bè. Thay vì lo lắng về việc người ấy đang làm gì, bạn hãy dành thời gian tham gia vào các hoạt động quan trọng với mình. Hãy dành thời gian cho bạn bè, cho những sở thích của bản thân, khám phá những điều mới lạ để giúp mình luôn bận rộn trong thời gian rảnh rỗi.[8]
- Ví dụ, bạn có thể đi xem phim vào thứ hai, tổ chức một tối chơi điện tử vào thứ ba, thứ tư vẽ tranh, thứ năm chơi bài và thứ sáu đi xem bóng đá.
Lời khuyên: Giữ bản thân luôn bận rộn sẽ giúp bạn không dễ mất kiểm soát và gọi điện cho người ấy. Hãy cho họ không gian riêng bằng cách tự tận hưởng cuộc sống của chính mình.
-
3Khiến tâm trí bận rộn để không nghĩ về họ. Có thể bạn sẽ thật sự lo lắng về việc sẽ mất đi người ấy, nhưng suy nghĩ nhiều cũng chẳng có tác dụng gì ngoài việc khiến bản thân khổ sở và muốn liên lạc với họ sớm hơn. Hãy tìm cách khiến tâm trí bận rộn, chẳng hạn như đọc sách, chơi điện tử hoặc xem một bộ phim tài liệu. Những hoạt động này sẽ khiến bạn không còn đầu óc để nghĩ vẩn vơ nữa.[9]
- Ví dụ, bạn có thể đọc một cuốn sách vào giờ ăn trưa để không nghĩ nhiều về người ấy.
-
4Trò chuyện với một người thân tín để giải tỏa cảm xúc. Lúc này có thể bạn sẽ rất muộn phiền, tìm ai đó đáng tin cậy để tâm sự có lẽ sẽ khuây khỏa hơn. Hãy cho họ biết là bạn chỉ muốn kể lể chút thôi hay muốn họ cho mình lời khuyên nhé.[10]
- Bạn có thể nói rằng: “Tớ đang có chuyện phiền lòng lắm, cho tớ kể lể chút nhé. Bạn trai tới nói là anh ấy cần không gian riêng, tớ sợ cứ thế này chúng tớ sẽ chia tay mất. Tớ nhớ anh ấy quá.”
Phương án khác: Nếu không muốn cho người khác biết cảm xúc của mình, bạn có thể dốc bầu tâm sự ấy vào nhật ký.
-
5Tự chăm sóc bản thân để sống một cách tốt nhất. Chăm sóc tốt cho bản thân sẽ giúp bạn thấy khá hơn và cũng cho người khác thấy là bạn cũng có thể sống độc lập. Bạn nhớ ăn uống lành mạnh, rèn luyện thân thể đều đặn và tắm mỗi ngày. Bên cạnh đó, hãy chiều chuộng bản thân, chẳng hạn như thưởng mình một cốc cà phê yêu thích, thư giãn trong bồn tắm nước nóng hoặc ra ngoài đi dạo.[11]
- Nếu ở trong tình cảnh này, bạn hãy lập một thời gian biểu cụ thể để việc chăm sóc bản thân dễ dàng hơn.
Quảng cáo
Hàn gắn mối quan hệ
-
1Tìm nguyên do khiến người ấy muốn có không gian riêng. Hãy nghĩ đến những chuyện xảy ra trước khi người ấy nói cần không gian riêng và những gì họ nói khi đề nghị chuyện này. Sau đó, tự hỏi bản thân xem nếu có thể quay lại quá khứ thì bạn sẽ thay đổi điều gì và làm cách nào để mọi chuyện tốt hơn trong tương lai.[12]
- Ví dụ, có thể là do trước đó hai người đã có tranh cãi hoặc họ nghĩ là bạn quá bám dính lấy họ.
- Nếu người ấy đã sẵn sàng, hãy trò chuyện để biết vì sao họ lại cần không gian riêng. Bạn có thể hỏi rằng: “Em có thể cho anh biết anh đã làm gì sai để em cần thời gian một mình như vậy không?”
-
2Xin lỗi vì những chuyện đã qua. Có thể cả hai người cùng có lỗi và làm tổn thương nhau, nhưng bạn chỉ có thể điều khiển được những việc mình làm. Vậy nên hãy nói với người đó rằng, bạn hiểu chuyện gì đã xảy ra và thực sự xin lỗi. Sau đó, giải thích rằng bạn sẽ cố gắng không để chuyện tương tự như vậy lặp lại nữa.[13]
- Bạn có thể nói rằng: “Anh biết là anh đã không tôn trọng việc em cần dành thời gian cùng bạn bè và khiến em cảm thấy mình bị kiểm soát. Anh xin lỗi, anh hứa từ giờ trở đi anh sẽ không can thiệp vào các mối quan hệ khác của em nữa”.
- Bạn cũng có thể nói rằng: “Tớ xin lỗi vì trò chuyện với người yêu cũ của cậu trong bữa tiệc hôm nọ. Tớ biết điều đó khiến cậu tổn thương, tớ hứa sẽ trân trọng tình cảm của chúng mình hơn”.
-
3Sắp xếp một hoạt động thú vị vào ngày gặp lại. Lúc đầu hai bạn có thể sẽ hơi ngượng ngùng và bạn sẽ muốn nói về cảm xúc của mình. Tuy nhiên, cách tốt nhất để các bạn đưa tình cảm về đúng nhịp là cùng nhau làm điều gì đó thú vị. Bạn hãy chọn ra một hoạt động mà cả hai đều thích và mời người ấy cùng tham gia.[14]
- Hãy tìm hoạt động nào đó mà các bạn không cần trải lòng với nhau. Ví dụ, bạn có thể đi chơi bowling, chơi golf, đi leo núi hoặc xem hòa nhạc.
- Hãy chọn hoạt động mà cả hai cùng yêu thích để nhớ lại lý do vì sao hai bạn đến với nhau.
-
4Hãy đảm bảo cả hai bạn đều có thời gian cho riêng mình. Một mối quan hệ lành mạnh sẽ cho phép cả hai người cùng phát triển, theo đuổi đam mê riêng và có những mối quan hệ lành mạnh khác. Hãy trò chuyện để hiểu mỗi người trong các bạn cần gì để cảm thấy hài lòng với mối quan hệ của mình. Sau đó, thay đổi những thói quen cũ để cả hai đều có thể sống độc lập và hạnh phúc.[15]
- Trong tình yêu, có thể mỗi tuần cả hai bạn sẽ cần một vài buổi tối riêng tư để theo đuổi sở thích cá nhân hoặc tụ tập với bạn bè riêng.
- Trong tình bạn, cả hai bạn đều cần tôn trọng việc ngoài mình ra thì bạn của mình còn có những người bạn khác và không hẹn hò với người yêu cũ của bạn.
- Nếu là mối quan hệ trong gia đình, chẳng hạn như anh chị em một nhà, các bạn cần tôn trọng không gian riêng của nhau, cho nhau thời gian ở một mình mỗi ngày và luôn hỏi trước khi dùng đồ của người kia.
-
5Giao tiếp hằng ngày qua tin nhắn, điện thoại hoặc nói chuyện trực tiếp. Nếu thiếu đi sự giao tiếp thì bất cứ mối quan hệ nào cũng không thể tồn tại, vậy nên hãy cố gắng tìm cách để kết nối. Bạn có thể gửi nhãn dán, hỏi thăm tình hình học tập hoặc công việc hoặc sắp xếp thời gian để trò chuyện mỗi tối. Các bạn có thể trao đổi để tìm ra các giao tiếp tốt nhất cho cả hai.[16]
- Ví dụ, các bạn có thể trò chuyện trực tiếp với nhau nhiều hơn nếu sống chung, nếu không có nhiều thời gian ở cạnh nhau thì có thể sẽ nhắn tin nhiều lần trong ngày.
- Nếu họ muốn giao tiếp bớt thường xuyên hơn thì bạn cũng nên tôn trọng điều đó.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Cho người khác không gian riêng cũng là một cách để khiến mối quan hệ của bạn trở nên bền chặt hơn, nên bạn đừng quá lo lắng.
Cảnh báo
- Cũng có thể là người ấy sẽ quyết định rằng họ không muốn duy trì mối quan hệ với bạn nữa. Chắc bạn sẽ rất buồn nhưng hãy luôn nhớ rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi.
Tham khảo
- ↑ https://www.anewmode.com/dating-relationships/how-to-give-someone-space-in-a-relationship/
- ↑ https://www.joinonelove.org/learn/how-to-deal-with-the-silent-treatment/
- ↑ https://www.psychologytoday.com/us/blog/ambigamy/201402/mastering-the-art-giving-and-taking-space
- ↑ https://www.anewmode.com/dating-relationships/how-to-give-someone-space-in-a-relationship/
- ↑ https://www.joinonelove.org/learn/unhealthy-relationship-behaviors-series-jealousy/
- ↑ https://www.joinonelove.org/learn/unhealthy-relationship-behaviors-series-jealousy/
- ↑ https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-forward/201609/four-ways-stop-feeling-insecure-in-your-relationships
- ↑ https://www.anewmode.com/dating-relationships/how-to-give-someone-space-in-a-relationship/
- ↑ https://www.anewmode.com/dating-relationships/how-to-give-someone-space-in-a-relationship/
- ↑ https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-forward/201609/four-ways-stop-feeling-insecure-in-your-relationships
- ↑ https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-forward/201609/four-ways-stop-feeling-insecure-in-your-relationships
- ↑ https://www.anewmode.com/dating-relationships/how-to-give-someone-space-in-a-relationship/
- ↑ https://psychcentral.com/blog/3-ways-to-repair-and-rebuild-your-relationships/
- ↑ https://www.anewmode.com/dating-relationships/how-to-give-someone-space-in-a-relationship/
- ↑ https://www.psychologytoday.com/us/blog/tech-support/201410/6-steps-repairing-your-relationship
- ↑ https://www.psychologytoday.com/us/blog/tech-support/201410/6-steps-repairing-your-relationship