Bài viết này đã được cùng viết bởi Tu Anh Vu, DMD. Vu Tu Anh là nha sĩ được ủy ban chứng nhận, cô điều hành phòng nha khoa tư nhân tại Brooklyn, New York. Tu Anh giúp người lớn và trẻ em mọi lứa tuổi vượt qua nỗi sợ hãi liên quan đến chăm sóc răng. Bác sĩ Tu Anh đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra cách chữa trị ung thư Kaposi Sarcoma và đã trình bày nghiên cứu của cô tại Hội nghị Hinman ở Memphis. Cô nhận bằng tốt nghiệp đại học của Đại học Bryn Mawr và bằng DMD của Trường Nha khoa thuộc Đại học Pennsylvania.
Có 9 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 3.317 lần.
Lở môi thường là hậu quả của tình trạng môi khô và nứt nẻ, nhưng cũng có thể do phản ứng dị ứng hoặc là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Bằng cách dùng sáp chữa nẻ và tránh các hành vi gây tổn hại cho môi, bạn có thể dễ dàng chữa lở môi mà không cần dùng thuốc. Khi môi đã được chữa khỏi, bạn nên nhớ chăm sóc môi và ngăn ngừa tình trạng này tái diễn.
Các bước
Chữa lành môi
-
1Tìm các sản phẩm chăm sóc môi có chứa dầu mỏ. Sản phẩm có tên thương hiệu nổi tiếng nhất là Vaseline, tuy nhiên các sản phẩm ít thông dụng hơn cũng có hiệu quả. Mặc dù trên thị trường châu Âu có những lo ngại về tính an toàn của các sản phẩm từ dầu mỏ, nhưng vấn đề này đã được kết luận, và các sản phẩm dầu mỏ được đánh giá cao về tính an toàn. Dầu mỏ tạo một lớp màng bảo vệ trên da để khóa độ ẩm bên trong, ngăn ngừa khô môi và giảm lở môi.[1]
-
2Dùng các sản phẩm có chứa dimethicone thoa lên môi. Dimethicone là một chất dưỡng ẩm có tác dụng trị bong tróc và kích ứng khi da bị mất nước và xử lý các vấn đề gây lở môi.[2] Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận khi dùng các sản phẩm có chứa dimethicone cho môi, vì chất này có thể gây nguy hiểm khi nuốt phải. Thường thì điều này hiếm khi xảy ra, nhưng những người hay liếm môi cũng cần lưu ý.
-
3Tránh các sản phẩm có chứa các thành phần gây hại. Các loại sáp dưỡng môi đem đến cảm giác mát lạnh có thể rất dễ chịu khi thoa lên môi, nhưng chúng thường góp phần làm khô môi và khiến cho môi bị lở thêm. Nếu thấy sản phẩm có chứa các thành phần khuynh diệp, menthol hoặc long não, bạn nên chọn các sản phẩm khác.[3]
-
4Thoa sáp dưỡng môi trước khi đi ngủ. Như vậy sáp dưỡng môi sẽ cung cấp độ ẩm cho môi suốt đêm, và bạn sẽ thức dậy với đôi môi mềm mại và ít nứt nẻ hơn. Điều này đặc biệt hiệu quả với những bạn thường xuyên dùng son môi, ví các vết nứt nẻ và bong tróc sẽ ít hiện rõ hơn khi bạn thoa son vào buổi sáng.
-
5Nghĩ xem có phải môi của bạn tiếp xúc với các chất gây dị ứng không. Nếu bạn hay bị lở môi dù đã dùng sáp dưỡng môi thường xuyên, có thể bạn đã bị dị ứng.[4] Chất gây dị ứng có thể là thức ăn, chẳng hạn như đậu phộng, hoặc các sản phẩm bạn thoa lên môi. Các chất gây dị ứng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc môi bao gồm sáp ong, bơ hạt mỡ, dầu thầu dầu và dầu đậu nành.[5] Nếu là vậy, bạn hãy đổi các sản phẩm dưỡng ẩm gốc thực vật này sang các sản phẩm gốc dầu mỏ.
- Có thể bạn cần điều trị bằng kem corticosteroid. Dùng ngón tay thoa kem lên môi để giảm kích ứng hoặc trị bệnh viêm da do tiếp xúc dị ứng trên môi, còn gọi là viêm môi.
-
6Uống đủ nước. Cung cấp đủ nước cho cơ thể là một cách để hỗ trợ cho hầu hết mọi chức năng của cơ thể và cải thiện sức khỏe tổng thể. Khi cơ thể bị mất nước, làn da - cơ quan lớn nhất của cơ thể - cũng sẽ khô đi, và điều này có thể dẫn đến lở môi.[6] Viện y học Hoa Kỳ khuyến nghị nữ giới trưởng thành nên uống ít nhất 9 cốc nước mỗi ngày, và nam giới trưởng thành uống ít nhất 13 cốc.[7] Lượng nước này bao gồm mọi chất lỏng như cà phê, nước quả và những thức uống khác, kể cả lượng chất lỏng trong thức ăn.
-
7Tránh các hoạt động có thể khiến môi tổn thương thêm. Nếu bạn chỉ thực hiện các bước chữa lành và cấp nước cho môi thì vẫn chưa đủ. Bạn cần phải tránh các hành vi cản trở quá trình chữa lành môi. Các hành vi gây lở môi phổ biến là bóc hoặc cắn lên vùng da bong tróc và cố tẩy tế bào chết trên môi trong khi đang môi đang bị lở.[8]
-
8Đến gặp bác sĩ da liễu. Nếu môi của bạn không đáp ứng với các liệu pháp kể trên, có lẽ là đã có căn bệnh tiềm ẩn nào đó cần phải điều trị. Ví dụ, môi sưng có thể là một triệu chứng của bệnh Crohn’s gây viêm các ống bạch huyết trong cơ thể.[9] Bác sĩ da liễu có thể cho bạn lời khuyên dựa trên các phân tích chuyên môn về tình trạng của bạn.Quảng cáo
Bảo vệ môi khỏi thương tổn
-
1Áp dụng các biện pháp ngăn ngừa bằng các sản phẩm chăm sóc môi. Đừng chờ cho đến khi môi bị sưng và lở rồi mới điều trị. Ngay cả khi môi vẫn khỏe mạnh, bạn vẫn nên chăm sóc môi bằng sáp môi hoặc thuốc mỡ có tác dụng dưỡng ẩm và khóa độ ẩm để không bao giờ bạn bị lở môi nữa.
-
2Tẩy tế bào chết trên môi khi môi đang khỏe mạnh.[10] Bạn không nên kích ứng môi đang bị nứt nẻ, nhưng việc tẩy tế bào chết cho đôi môi khỏe mạnh là một phần quan trọng của quy trình chăm sóc da. Bạn có thể mua sản phẩm tẩy tế bào chết cho môi ở hầu hết các cửa hàng bán mỹ phẩm; sản phẩm này có dạng như thỏi son, có tác dụng loại bỏ các tế bào chết ở lớp da ngoài cùng của môi. Các sản phẩm gia dụng đơn giản cũng có thể dùng để tẩy tế bào chết cho môi. Bạn chỉ cần trộn một chút đường với dầu ô liu và dùng đầu ngón tay chà nhẹ hỗn hợp lên môi.
- Không chà quá mạnh, vì điều này có thể dẫn đến viêm và lở môi.
- Dưỡng ẩm cho môi bằng son cấp ẩm ngay sau khi tẩy tế bào chết.
-
3Không liếm môi. Nhiều người hay liếm môi mà không để ý điều này. Có thể bạn nghĩ hành vi này là vô hại – dù sao thì môi cũng được dưỡng ẩm từ bên ngoài chứ nhỉ? Thực ra là ngược lại: khi nước bọt bay hơi, nó sẽ làm khô môi, hơn nữa, khi liếm môi là bạn cũng sẽ làm mất đi chất dầu tự nhiên có nhiệm vụ giữ cho làn môi khỏe mạnh.[11] Bạn hãy cố gắng ngừng thói quen liếm môi.
-
4Bảo vệ môi trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Trên môi có rất ít melanin (sắc tố chống lại tia UV gây hại). Vì vậy, môi của bạn sẽ có nguy cơ tổn thương do mặt trời mỗi khi bạn bước ra ngoài, dẫn đến tình trạng khô, nứt và lở môi, trong trường hợp nghiêm trọng còn có thể phát triển bệnh ung thư. Phơi nắng cũng có thể dẫn đến phát bệnh rộp môi. Để tránh các nguy cơ này và các vấn đề khác, bạn hãy nhớ thoa môi bằng sản phẩm có thành phần chống nắng. Hầu hết các sản phẩm chống nắng dành cho môi có chỉ số tương đối thấp là SPF 15 – các sản phẩm này có thể dùng thường xuyên hàng ngày; tuy nhiên, nếu bạn định tắm nắng suốt ngày ngoài bãi biển hoặc làm việc ngoài trời, hãy nhớ bảo vệ môi với sản phẩm có chỉ số chống nắng cao hơn, tương tự như sản phẩm thoa lên da.
-
5Giữ gìn sức khỏe răng miệng tốt. Bạn cần giữ cho môi, răng, lợi và miệng khỏe mạnh bằng cách làm theo các hướng dẫn vệ sinh răng miệng, bao gồm đánh răng mỗi ngày hai lần sau bữa ăn với kem đánh răng có fluoride. Rửa sạch bàn chải đánh răng sau khi sử dụng và đặt ở nơi thoáng khí để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi.[12] Đừng quên dùng chỉ nha khoa và đến nha sĩ cách 6 hoặc 12 tháng một lần để làm sạch răng. Việc duy trì tốt vệ sinh răng miệng sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và có thể ngăn ngừa và/hoặc chữa lành lở môi nhanh hơn.Quảng cáo
Lời khuyên
- Nếu bị đau do rộp môi, bạn hãy chườm đá viên ngay.
- Sử dụng máy tạo ẩm ban đêm và dùng son dưỡng môi trước khi đi ngủ.
- Kem Vaseline được sử dụng ít nhất một tuần có thể giúp chữa lành môi lở và bong vẩy.
- Thoa kem Vaseline lên môi vào ban đêm trước khi ngủ. Kem Vaseline sẽ dưỡng ẩm cho môi, và khi bạn thức dậy vào buổi sáng, đôi môi nứt nẻ phồng rộp của bạn sẽ đỡ hẳn!
- Cố gắng không chạm vào môi. Vi khuẩn trên các ngón tay có thể lan vào môi, khiến môi lở thêm và làm chậm quá trình chữa lành.
- Đừng dùng son môi có hương thơm, vì nó có thể kích ứng môi nhiều hơn!
- Cố gắng tìm sáp dưỡng môi dạng thỏi thay vì dạng đựng trong hộp. Vi khuẩn trên các ngón tay sẽ lan truyền vào môi và có thể làm nhiễm trùng môi.
- Thoa son dưỡng môi không màu hoặc nước đá lên môi.
- Cố gắng không cấu vào môi bị khô.
Cảnh báo
- Không bóc lớp da khô trên môi. Việc này sẽ khiến môi dễ bị chảy máu.
Tham khảo
- ↑ http://www.webmd.com/beauty/lips-smile/end-chapped-lips
- ↑ http://www.webmd.com/drugs/2/drug-18321/dimethicone-top/details
- ↑ http://6abc.com/health/preventing-chapped-lips-in-extreme-cold/525512/
- ↑ http://www.dailymail.co.uk/health/article-7323/What-lips-say-health.html
- ↑ http://www.webmd.com/beauty/lips-smile/end-chapped-lips
- ↑ http://www.webmd.com/beauty/lips-smile/end-chapped-lips
- ↑ http://www.nationalacademies.org/hmd/Reports/2004/Dietary-Reference-Intakes-Water-Potassium-Sodium-Chloride-and-Sulfate.aspx
- ↑ http://www.webmd.com/beauty/lips-smile/end-chapped-lips
- ↑ http://www.dailymail.co.uk/health/article-7323/What-lips-say-health.html