Bài viết này đã được cùng viết bởi Luba Lee, FNP-BC, MS. Luba Lee là bác sĩ gia đình được cấp bằng hành nghề tại Tennessee. Cô đã nhận bằng MSN của Đại học Tennessee năm 2006.
Có 9 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 1.391 lần.
Tình trạng phát ban trên mặt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như tiếp xúc với xà phòng giặt, kem thoa mặt, môi trường, thức ăn hoặc sử dụng thuốc trong 24-48 giờ qua – tuy nhiên những vết phát ban thường tự khỏi sau một hoặc hai ngày. Nếu có biểu hiện nghiêm trọng hoặc không đỡ, bạn nên gọi cho bác sĩ. Nếu bạn mới bị phát ban và muốn tự chữa trị thì có một số liệu pháp tự nhiên mà bạn có thể thử áp dụng.
Các bước
Làm dịu da
-
1Chườm gạc mát lên mặt. Liệu pháp chườm gạc mát có thể giúp giảm ngứa và xoa dịu vết phát ban.[1] Để chườm mát, bạn có thể hứng khăn cotton sạch dưới vòi nước lạnh cho đến khi ướt đẫm, sau đó vắt bớt nước và áp lên mặt. Nếu vết phát ban chỉ ở một vùng da trên mặt, bạn có thể gấp khăn lại và chỉ áp lên vùng da đó.
- Lặp lại bước này trong suốt cả ngày khi cần.
- Không để người khác dùng chung khăn để đề phòng lây nhiễm.
- Sức nóng có thể khiến tình trạng phát ban nặng hơn và tăng kích ứng – bạn nhớ dùng nước mát vốn có tác dụng giảm sưng viêm.
-
2Rửa da bằng nước mát. Nước mát có thể giúp bạn xoa dịu vết phát ban. Mở vòi nước lạnh và điều chỉnh sao cho nhiệt độ nước chỉ mát mà không lạnh như nước đá. Nghiêng người trên bồn rửa, nhắm mắt lại và vỗ nước mát lên mặt vài lần, sau đó dùng khăn thấm khô.
- Lặp lại bước này trong suốt cả ngày nếu cần.
- Bạn cũng có thể dùng một lượng nhỏ sữa rửa mặt để tẩy trang hoặc rửa sạch các sản phẩm khác mà bạn nghi ngờ có thể là nguyên nhân gây phát ban.[2] Chú ý đặc biệt đến các sản phẩm mà bạn vừa bắt đầu sử dụng gần đây.
- Không chà xát lên mặt. Hành động chà xát có thể khiến vết phát ban lan ra và nặng hơn.
-
3Không trang điểm hoặc dùng các sản phẩm khác trên mặt trong vài ngày. Để loại trừ nguyên nhân phát ban do mỹ phẩm hoặc các sản phẩm khác, có thể bạn phải ngừng sử dụng tất cả các loại mỹ phẩm trang điểm, kem, lotion, serum hoặc các hóa chất khác cho đến khi các vết phát ban lặn hẳn.[3]
- Nhớ dùng sữa rửa mặt nhẹ dịu như Cetaphil, hoặc chỉ dùng nước để rửa mặt mỗi ngày vài lần. Không dùng kem dưỡng ẩm hoặc các sản phẩm khác sau khi rửa mặt.
-
4Cố gắng không gãi hoặc chạm vào mặt. Khi gãi hoặc sờ lên mặt, bạn có thể khiến tình trạng phát ban nặng thêm và tăng nguy cơ lây cho người khác trong trường hợp phát ban có khả năng lây nhiễm. Đừng sờ tay lên mặt hoặc để các vật khác chạm vào mặt.[4]Quảng cáo
Sử dụng các liệu pháp tự nhiên
-
1Thoa dầu hạt gai dầu. Dầu hạt gai dầu có tác dụng giảm ngứa và giúp dưỡng ẩm các vùng da phát ban khô.[5] Bạn có thể chấm ngón tay vào dầu hạt gai dầu và thoa lên mặt. Thực hiện bước này mỗi ngày hai lần sau khi rửa mặt.
- Thử thoa dầu hạt gai dầu lên vùng da bên trong khuỷu tay trước khi thoa lên mặt để đảm bảo không bị dị ứng khiến tình trạng phát ban nặng thêm.
- Nhớ rửa tay sau khi chạm vào mặt để ngăn ngừa vết phát ban lan rộng.
-
2Thoa gel lô hội. Gel lô hội có đặc tính kháng khuẩn và có thể giúp xoa dịu vết phát ban.[6] Bạn hãy thử thoa một lớp mỏng gel lô hội lên mặt và để yên đến khi lô hội khô. Lặp lại bước này mỗi ngày vài lần.
- Nhớ rửa tay sau khi thoa gel lô hội.
-
3Dùng keo yến mạch. Liệu pháp ngâm mình trong bồn tắm keo yến mạch có tác dụng xoa dịu các vết phát ban trên cơ thể, nhưng bạn cũng có thể sử dụng keo yến mạch để chữa phát ban trên mặt.[7] [8] Keo yến mạch có bán tại các hiệu thuốc.
- Pha vài thìa canh keo yến mạch vào một bát nước ấm, sau đó nhúng khăn cotton sạch vào dung dịch.
- Dùng khăn chấm nhẹ nước keo yến mạch lên mặt.
- Để dung dịch keo yến mạch lưu lại trên mặt vài phút, sau đó rửa mặt bằng nước ấm.
- Lặp lại liệu pháp này mỗi ngày vài lần cho đến khi các vết phát ban lặn hết.
-
4Làm gạc chườm bằng thảo mộc. Một số loại thảo mộc có đặc tính làm dịu cũng có thể giúp chữa phát ban trên mặt. Để sử dụng thảo mộc, bạn hãy pha trà và dùng thay nước để làm gạc chườm mát.
- Đong một thìa cà phê mao lương hoa vàng, cúc xu xi và cúc dại.[9]
- Cho thảo mộc vào cốc, rót nước sôi vào và ngâm trong khoảng 5 phút, sau đó lọc thảo mộc lấy nước.
- Để trà nguội đến nhiệt độ phòng hoặc cho vào tủ lạnh khoảng một giờ để làm mát dung dịch.
- Nhúng khăn cotton sạch vào dung dịch, vắt bớt nước và chườm lên mặt khoảng 5-10 phút.
- Thực hiện liệu pháp này mỗi ngày 2 lần.
- Nếu tình trạng phát ban trở nặng hơn do các liệu pháp thoa ngoài da “tự nhiên”, bạn hãy ngưng sử dụng. Đôi khi càng thoa nhiều thứ lên mặt thì càng tệ hơn.
-
5Dùng nước cân bằng da với chiết xuất cây phỉ và thoa kem dưỡng ẩm dầu dừa. Nhúng bông gòn vào nước cây phỉ và thoa lên mặt. Nước cây phỉ có tác dụng xoa dịu da. Sau khi thoa nước cây phỉ, bạn hãy thoa dầu dừa lên mặt để bù lại độ ẩm cho da và làm dịu da.
- Bạn có thể mua nước cây phỉ nguyên chất hoặc nước cân bằng da có thành phần chủ yếu là chiết xuất cây phỉ hoặc chỉ chứa chiết xuất cây phỉ.
- Dầu dừa có thể được bày bán cùng với các loại dầu ăn khác ở siêu thị. Bạn hãy họn loại dầu nguyên chất, không tinh chế.
Quảng cáo
Tìm sự giúp đỡ y tế
-
1Đi cấp cứu ngay khi xuất hiện phát ban với các triệu chứng nặng. Trong một số trường hợp, hiện tượng phát ban có thể là triệu chứng của tình trạng dị ứng nghiêm trọng cần phải cấp cứu. Bạn hãy gọi số cứu thương 115 (gọi 911 nếu ở Mỹ) nếu có các triệu chứng sau kèm theo phát ban:[10]
- Thở nhanh hoặc khó thở
- Cổ họng co thắt hoặc khó nuốt.
- Sưng mặt
- Da có màu tím như bị thâm tím
- Nổi mề đay
-
2Đến gặp bác sĩ nếu tình trạng phát ban không cải thiện trong vòng 2 ngày. Các vết phát ban thường tự khỏi, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy có vấn đề cần được điều trị. Nếu tình trạng phát ban không đỡ trong vòng 2 ngày, bạn hãy gọi cho bác sĩ.[11]
- Nếu đang uống thuốc hoặc vừa bắt đầu sử dụng thuốc mới, bạn cần nhanh chóng gọi cho bác sĩ . Phát ban có thể là một tác dụng phụ của thuốc. Không nên ngừng uống thuốc, trừ khi có lời khuyên của bác sĩ hoặc nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng (trường hợp này bạn nên tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp).
- Lưu ý rằng có nhiều dạng phát ban và nhiều nguyên nhân gây phát ban. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây phát ban và tìm phương pháp điều trị tốt nhât để ngăn ngừa phát ban sau này.
-
3Hỏi bác sĩ về việc sử dụng kem hydrocortison. Kem hydrocortisone có bán ở hiệu thuốc không cần toa, có tác dụng giảm phát ban trên mặt. Tuy nhiên, bạn không nên dùng kem hydrocortisone lên vùng da nhạy cảm trên mặt khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.[12]
- Các loại kem cortisone có nhiều hàm lượng khác nhau và được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn vì chúng có thể làm mỏng bề mặt da.
-
4Uống thuốc kháng histamine. Một số trường hợp phát ban là do dị ứng, do đó thuốc kháng histamine có thể giúp ích. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước để biết liệu thuốc kháng histamine có phù hợp với bạn không. Nếu các vết phát ban gây ngứa, bạn hãy cân nhắc uống các thuốc kháng histamine như:[13]
- Fexofenadine (Allegra)
- Loratadine (Claritin)
- Diphenhydramine (Benadryl)
- Cetirizine dihydrochloride (Zyrtec)
-
5Thoa kem kháng sinh. Một số dạng phát ban kèm theo mụn mủ và các mụn này có thể bị nhiễm trùng Nếu thấy các vết phát ban trông như mụn mủ, có thể bạn nên cân nhắc dùng kem kháng sinh thoa ngoài da. Hãy hỏi bác sĩ xem liệu đây có phải là liệu pháp thích hợp cho bạn không. Nhớ đọc và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất..[14]
- Bác sĩ có thê kê toa thuốc kháng sinh như mupirocin (Bactroban) để điều trị tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.[15]
- Nhớ rằng không có loại kem hay thuốc mỡ thoa ngoài da nào có thể chữa được chứng phát ban do virus. Dạng phát ban này thường tự khỏi.
- Dạng phát ban do nấm có thể được điều trị bằng kem bôi ngoài da có chứa clotrimazole (Lotrimin).[16] Bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán nếu hiện tượng phát ban là do nấm.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Nhớ rửa tay sau khi chạm vào mặt để hạn chế rủi ro lây lan trong trường hợp phát ban có khả năng lây nhiễm.
Tham khảo
- ↑ http://www.aaaai.org/conditions-and-treatments/library/at-a-glance/allergic-skin-conditions.aspx
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003220.htm
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003220.htm
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003220.htm
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3931201/
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3931201/
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20865844
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003220.htm
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3931201/
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003220.htm
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003220.htm
- ↑ http://www.webmd.com/drugs/2/drug-10402/hydrocortisone-topical/details
- ↑ http://www.webmd.com/allergies/guide/antihistamines-for-allergies
- ↑ http://www.webmd.com/drugs/2/drug-153859/rash-relief-antibacterial-topical/details
- ↑ http://www.webmd.com/drugs/2/drug-6180/mupirocin-topical/details
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682753.html