Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Bệnh trĩ gây khó chịu và đôi khi còn đau, nhưng nó lại rất phổ biến – cứ 4 người trưởng thành thì có đến 3 người từng bị trĩ vào một thời điểm nào đó trong đời. Búi trĩ xuất hiện khi có nhiều áp lực đè lên trực tràng khiến các mạch máu phình to. Bạn có thể bị trĩ nội hoặc trĩ ngoại, và may mắn là cả hai dạng trĩ này đều có thể chữa được. Chiết xuất cây phỉ là một phương thuốc dân gian rất hữu hiệu trong việc làm dịu da bị kích ứng và sưng tấy.[1] Tuy nhiên, nếu bạn bị đau nhiều, chảy máu hoặc trĩ dai dẳng không khỏi, tốt nhất là hãy đi khám để được điều trị y tế.[2]

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:

Điều trị trĩ ngoại

  1. 1
    Rửa sạch vùng hậu môn trước khi điều trị. Tắm bồn hoặc tắm vòi sen hàng ngày để làm sạch vùng hậu môn. Tắm bồn có lợi hơn tắm vòi sen vì búi trĩ sẽ dịu hơn khi được ngâm trong nước. Hãy nhẹ nhàng khi rửa vì bạn có thể bị đau hoặc khó chịu nếu kỳ cọ mạnh.[3]
    • Bạn không cần dùng xà phòng, nhưng nên rửa bằng nước ấm hoặc nóng.
    • Phân còn sót lại có thể kích ứng búi trĩ, do đó bạn nên dùng khăn ướt dịu nhẹ sau mỗi lần đi vệ sinh. Bạn có thể mua khăn ướt ở các hiệu thuốc, nhiều loại trong số đó còn có chiết xuất cây phỉ có tác dụng làm dịu.
  2. 2
    Thử tắm ngồi với chiết xuất cây phỉ để làm dịu trĩ. Tích nước ấm vào bồn tắm đến mức khoảng 8-10 cm và hòa tan ½ cốc (100g) muối Epsom và 2 thìa canh (30 ml) chiết xuất cây phỉ. Ngồi trong bồn tắm khoảng 10-15 phút, pha thêm nước nóng nếu nước bắt đầu nguội. Thấm khô nhẹ nhàng sau khi ngâm.[4]
    • Bạn cũng có thể mua một chậu tắm ngồi gắn trên bồn cầu.

    Thông tin về chiết xuất cây phỉ: Cây phỉ từ xa xưa đã được dùng để chữa viêm và trĩ. Trong cây phỉ có các thành phần kháng viêm giúp làm dịu da nhạy cảm. Ngoài ra, chiết xuất cây phỉ còn giúp giảm ngứa và sưng, vì vậy nó là lựa chọn tuyệt vời để chữa bệnh trĩ.[5]

  3. 3
    Đắp gạc tẩm chiết xuất cây phỉ lên búi trĩ để làm dịu tức thì. Nhúng một miếng bông gòn vào chiết xuất cây phỉ và ấn nhẹ vào búi trĩ khoàng 60 giây, mỗi ngày tối đa 6 lần. Vứt bông đi sau khi dùng và rửa tay.[6]
    • Nếu muốn, bạn có thể dùng gạc có tẩm sẵn chiết xuất cây phỉ chuyên dành để chữa bệnh trĩ.
  4. 4
    Thử dùng thuốc mỡ cây phỉ để giảm ngứa và sưng. Sản phẩm này có bán trên mạng hoặc ở các hiệu thuốc. Luôn đọc và tuân theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn sản phẩm. Thông thường, bạn sẽ dùng dụng cụ bôi thuốc mỡ để bôi trực tiếp lên búi trĩ và vùng da xung quanh.[7]
    • Luôn luôn rửa tay và dụng cụ bôi thuốc sau khi sử dụng.
    • Thuốc mỡ có thể là lựa chọn tốt vì nó cung cấp thêm một lớp bảo vệ giữa da và quần áo, giúp ngăn ngừa kích ứng.
    • Nếu không thích cảm giác thuốc mỡ dinh dính cả ngày, bạn chỉ cần dùng gạc tẩm chiết xuất cây phỉ.
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:

Dùng thuốc đặt để chữa trĩ nội

  1. 1
    Làm thuốc đặt bằng cồn thuốc cây phỉ và bơ ca cao. Trộn 1 thìa cà phê (5ml) cồn thuốc cây phỉ với 1 thìa cà phê (5 ml) bơ ca cao trong một bát nhỏ. Các nguyên liệu này thường có bán ở hiệu thuốc, nhưng có thể bạn phải đến cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khoẻ để mua cồn thuốc.[8]
    • Cồn thuốc là dạng đậm đặc hơn loại thông thường. Cồn thuốc cây phỉ thường có dạng lọ nhỏ giọt và mạnh hơn nhiều so với chiết xuất cây phỉ thông thường. Điều này là quan trọng, vì thuốc đặt sẽ không có hiệu quả nếu bạn dùng chiết xuất quá loãng.

    Cảnh báo:Nếu quyết định mua thuốc đặt ở hiệu thuốc thay vì tự làm, bạn đừng nhầm lẫn thuốc nhuận tràng và thuốc trị trĩ – kết quả sẽ không giống như bạn mong đợi!

  2. 2
    Nặn hỗn hợp thành viên thuốc nhỏ thon dài. Nếu thấy khó nặn, bạn có thể cho hỗn hợp vào màng bọc thực phẩm và vặn để nặn thành hình viên thuốc. Bỏ viên thuốc vào trong một bát nhỏ và bọc lại bằng màng bọc thực phẩm.
    • Thuốc đặt là dạng rắn của một liều thuốc được đưa vào trực tràng. Thuốc sẽ phóng thích chiết xuất cây phỉ khi tan ra.
  3. 3
    Đông lạnh viên thuốc trong 1-2 giờ cho đến khi đông hẳn. Cho bát đựng viên thuốc vào ngăn đá tủ lạnh, nhớ bọc kín bằng màng bọc. Khi viên thuốc đã cứng và không lõm vào khi bạn ấn xuống là đã dùng được.
    • Viên thuốc phải lạnh vào cứng để có thể nhét hẳn vào trực tràng.
  4. 4
    Rửa tay và đeo găng tay dùng một lần để giữ vệ sinh. Đeo găng tay để giữ tay sạch và ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào dưới móng tay hoặc các nếp gấp trên da.[9]
    • Bạn cũng có thể dùng bao ngón tay, vật dụng tương tự như găng tay dùng một lần nhưng chỉ bao từng ngón tay.
    • Bạn có thể dùng tay trần nếu không có găng tay hoặc bao ngón tay. Nhớ rửa tay thật kỹ cả trước và sau khi đặt thuốc.
  5. 5
    Bôi trơn đầu viên thuốc để đặt thuốc dễ dàng hơn. Chấm một chút chất bôi trơn tan trong nước vào đầu viên thuốc. Chất bôi trơn sẽ giúp bạn không bị khó chịu khi đặt thuốc và giúp viên thuốc đi sâu hơn một chút để chữa trĩ hiệu quả hơn.[10]
    • Nếu viên thuốc có vẻ quá to khi bạn lấy ra khỏi ngăn đá, bạn có thể cắt đôi viên thuốc. Viên thuốc cắt đôi cũng không hề kém hiệu quả.
  6. 6
    Nằm nghiêng bên trái và đưa viên thuốc vào. Nằm nghiêng, với tư thế chân bên trên co lên, chân ở dưới duỗi thẳng. Dùng một tay nhấc phần mông bên trên và nhẹ nhàng đẩy viên thuốc vào hậu môn bằng tay kia. Đảm bảo viên thuốc phải vào sâu khoảng 2,5 cm.[11]
    • Có thể bạn cần phải dùng một ngón tay đẩy viên thuốc vào trong. Bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu, nhưng sẽ qua nhanh thôi!
  7. 7
    Nằm nghiêng khoảng 5-10 phút trong khi thuốc phát huy tác dụng. Bạn có thể phải siết cơ thắt vài giây để giữ viên thuốc trong cơ thể. Cố gắng thư giãn; hy vọng là bạn sẽ sớm cảm thấy dễ chịu hơn.[12]
    • Bạn có thể cảm thấy lạnh khi chờ, thế nên hãy để sẵn chăn bên cạnh.
    • Xem các video vui nhộn trên điện thoại trong khi chờ - cách này có thể giúp bạn phân tâm và cảm thấy thời gian qua nhanh hơn.
  8. 8
    Vứt bỏ găng tay và rửa tay lần cuối. Dùng nước ấm và xà phòng để kỳ cọ tay ít nhất 20 giây, sau đó dùng khăn sạch lau khô. Viên thuốc sẽ tan hết, nhưng có thể bạn cảm thấy nó rỉ ra khi đi lại. Trong trường hợp này, bạn có thể dán miếng lót để bơ ca cao không dính vào quần áo.[13]
    • Bạn có thể dùng thuốc đặt đến 3 lần nếu cần để làm dịu búi trĩ.
    Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:

Tìm sự chăm sóc y tế

  1. 1
    Đến gặp bác sĩ nếu búi trĩ bị chảy máu, đau hoặc không thuyên giảm. Đa số trường hợp trĩ sẽ khỏi trong vòng một tuần mà không cần điều trị y tế, và nếu bạn được như vậy thì tuyệt vời. Tuy nhiên, búi trĩ có thể bị chảy máu và đôi khi rất đau. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị khác.[14]
    • Cho bác sĩ biết rằng bạn đã chữa trĩ tại nhà bằng chiết xuất cây phỉ.
    • Đặc biệt, bạn cần phải báo cho bác sĩ biết nếu bạn trên 40 tuổi và bị chảy máu. Mặc dù khả năng cao là trĩ, nhưng chảy máu cũng có thể là một triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

    Lời khuyên: Bạn có cảm giác ngượng ngùng khi bị trĩ thì cũng bình thường, nhưng hãy nhớ là bệnh này cực kỳ phổ biến, và bác sĩ đã khám và điều trị cho rất nhiều trường hợp như vậy rồi.

  2. 2
    Đi cấp cứu khi bạn bị chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu. Đây có thể là những triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng hơn hoặc có thể là do nhiễm trùng. Bạn cần lập tức đến bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu để kiểm tra. Họ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp để giúp bạn nhanh chóng khoẻ hơn.[15]
    • Đừng tự lái xe nếu bạn bị chóng mặt hoặc choáng váng. Hãy gọi xe hoặc nhờ ai đó đến đón.
  3. 3
    Để cho bác sĩ khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ sẽ khám để xác nhận chẩn đoán của bạn. Nếu bạn bị trĩ nội, bác sĩ có thể khám nhanh bằng cách dùng ngón tay sờ búi trĩ. Bạn có thể ngượng ngùng và có chút không thoải mái, nhưng cuộc thăm khám sẽ rất nhanh.[16]
    • Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể quyết định nội soi đại tràng nếu nghi ngờ bạn có bệnh khác thay vì trĩ. Xét nghiệm này thường không đau mặc dù có thể khó chịu.
  4. 4
    Hỏi bác sĩ về thuốc bôi trĩ. Nếu chiết xuất cây phỉ không có hiệu quả, có thể các loại thuốc mỡ không kê toa, kem và thuốc đặt sẽ giúp ích. Bạn có thể mua kem bôi trĩ và thuốc đặt hydrocortisone ở hiệu thuốc hoặc trên mạng. Nếu trĩ vẫn không khỏi trong vòng 1 tuần, bạn hãy đến gặp bác sĩ để hỏi về các loại thuốc khác.[17]
    • Đọc nhãn thuốc trước khi dùng và luôn tuân theo hướng dẫn sử dụng.
  5. 5
    Trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị khác nếu bệnh trĩ cản trở sinh hoạt hàng ngày của bạn. Nếu các biện pháp trên đều không có tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị bạn thử cách khác. Có nhiều thủ thuật điều trị trĩ, hầu hết đều ít xâm lấn. Bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật sau:[18]
    • Cắt đứt nguồn máu cung cấp đến búi trĩ bằng cách thắt vòng cao su xung quanh búi trĩ. Phương pháp này sẽ làm rụng trĩ.
    • Tiêm hoá chất để làm co búi trĩ
    • Sử dụng nhiệt từ tia laser hoặc tia hồng ngoại để làm co và đông búi trĩ.
    • Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể cắt hoặc kẹp búi trĩ để giảm nhẹ các triệu chứng.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Dùng máy sấy tóc để sấy khô vùng hậu môn. Khăn lau có thể gây kích ứng bũi trĩ nhiều hơn. Bạn có thể dùng máy sấy tóc cầm cách da khoảng 20 cm và di chuyển qua lại cho đến khi khô.
  • Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn và tránh ngồi trong thời gian dài để ngăn ngừa trĩ.[19]
  • Cố gắng đừng rặn khi đi tiêu. Làm vậy có thể gây bệnh trĩ hoặc làm nặng bệnh trĩ sẵn có. Hãy từ từ và cố gắng thư giãn để không tạo áp lực lên các mạch máu.[20]
  • Bệnh trĩ rất phổ biến ở phụ nữ mang thai. Trĩ thường hết sau khi sinh vài tuần, nhưng bạn cần báo cho bác sĩ biết nếu bị đau nhiều.[21]

Cảnh báo

  • Nếu thấy có máu sau khi đi vệ sinh hoặc đau khi đại tiện, bạn nên liên lạc với bác sĩ.[22]
  • Luôn luôn hỏi bác sĩ để xác nhận vấn đề ở bạn là trĩ. Mặc dù bệnh trĩ thường có thể chữa tại nhà, bạn cần biết chắc là bạn không gặp vấn đề nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nếu tình trạng quá tệ, bác sĩ có thể làm một số thủ thuật tại phòng khám để giúp bạn đỡ khó chịu.[23]
  • Nếu chiết xuất cây phỉ gây ngứa hoặc kích ứng, có thể là bạn bị dị ứng và nên ngừng sử dụng ngay lập tức.[24]

Những thứ bạn cần

Điều trị trĩ ngoại

  • Muối Epsom
  • Chiết xuất cây phỉ
  • Thuốc mỡ chiết xuất cây phỉ
  • Khăn tắm
  • Bông y tế

Dùng thuốc đặt để điều trị trĩ nội

  • Bát nhỏ
  • Bơ ca cao
  • Cồn thuốc chiết xuất cây phỉ
  • Thìa đong
  • Màng bọc thực phẩm
  • Chất bôi trơn tan trong nước
  • Găng tay dùng một lần

Về bài wikiHow này

Zora Degrandpre, ND
Cùng viết bởi:
Bác sĩ liệu pháp thiên nhiên
Bài viết này đã được cùng viết bởi Zora Degrandpre, ND. Tiến sĩ Degrandpre là bác sĩ chuyên về liệu pháp thiên nhiên được cấp phép tại Washington. Cô đã nhận bằng ND của Đại học Y khoa Quốc gia năm 2007. Bài viết này đã được xem 2.298 lần.
Chuyên mục: Y học Thay thế

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm y tế

Nội dung của bài viết này không nhằm mục đích thay thế cho các lời khuyên, kiểm tra, xét nghiệm hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Bạn luôn luôn cần liên hệ với bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế trước khi bắt đầu, thay đổi hoặc ngừng thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Trang này đã được đọc 2.298 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo