Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Nấm da bàn chân (dân gian thường gọi là nước ăn chân) là một bệnh nấm da phổ biến, có biểu hiện là các mảng da đỏ có vẩy trên bàn chân. Bệnh thường bắt đầu xuất hiện ở các kẽ ngón chân và từ đó lan rộng ra. Nấm da bàn chân không nguy hiểm nhưng rất khó chịu và ngứa ngáy. Cách điều trị đơn giản và hiệu quả nhất là sử dụng kem trị nấm không kê toa thường có hiệu quả diệt nấm trong vòng 2 tuần.[1] Đáng tiếc là các liệu pháp tại nhà ít có khả năng thành công hơn. Bạn vẫn có thể thử một số liệu pháp tự nhiên xem có tác dụng không. Nếu không, hãy chuyển sang dùng kem trị nấm hoặc đến bác sĩ chuyên khoa chân để được điều trị.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 2:

Các liệu pháp tại nhà có thể hiệu quả

Bệnh nấm da bàn chân có thể khó điều trị, và các liệu pháp tại nhà thường cho thấy các kết quả trái ngược. Bạn có thể thử sử dụng các liệu pháp này xem có tác dụng không. Nếu đã 1-2 tuần trôi qua mà bạn không thấy có cải thiện gì, hãy chuyển sang dùng kem trị nấm không kê toa có chứa miconazole, clotrimazole, terbinafine hoặc tolnaftate, thường là các thuốc có hiệu quả nhất. Bôi thuốc theo hướng dẫn sử dụng.[2]

  1. 1
    Thoa kem dầu tràm trà nồng độ 50% lên các mảng da nhiễm nấm. Dầu tràm trà là một chất kháng khuẩn tự nhiên mạnh và là một phương thuốc tại nhà trị bệnh nấm da bàn chân. Bạn hãy mua kem có chứa dầu tràm trà với nồng độ 50% và bôi lên các mảng đỏ trên da mỗi ngày 2 lần. Tiếp tục liệu pháp này trong 2-4 tuần để trị nấm.[3]
    • Nếu có dầu tràm trà đậm đặc, bạn có thể sử dụng bằng cách pha loãng với nồng độ 50%. Dùng dầu dẫn như dầu jojoba hoặc ô liu. Pha ½ thìa cà phê (2,5 ml) dầu dẫn với ½ thìa cà phê dầu tràm trà để có hỗn hợp 50%.[4]
    • Dầu tràm trà có nồng độ thấp hơn (tối thiểu 10%) có thể giúp cải thiện triệu chứng, nhưng nói chung không tiêu diệt được toàn bộ nấm.[5]
  2. 2
    Thoa chiết xuất tỏi (ajoene extract) để diệt nấm. Ajoene là một hợp chất có trong tỏi mà đã được một số nghiên cứu chứng minh là có khả năng diệt nấm da bàn chân. Bạn có thể mua dầu hoặc gel ajoene nồng độ 1%. Bôi lên các mảng da nhiểm nấm mỗi ngày 2 lần trong 1-2 tuần để xem có hiệu quả không.[6]
    • Bạn cũng có thể dùng tỏi tươi như một phương thuốc trị nấm.[7] Tuy nhiên, tỏi tươi chưa được nghiên cứu kiểm chứng là có tác dụng trị nấm da bàn chân.
  3. 3
    Thử ngâm chân trong giấm để diệt vi khuẩn và khử mùi. Đây cũng là một liệu pháp tại nhà phổ biến để điều trị nấm da chân. Liệu pháp này tuy chưa được nghiên cứu rộng rãi, nhưng nhiều người thấy cũng hữu ích.[8] Pha 2 phần nước ấm với 1 phần giấm trắng hoặc giấm táo và ngâm chân trong 15-20 phút. Cách này có thể diệt được nấm gây ra các mảng đỏ trên bàn chân.[9]
    • Liệu pháp ngâm chân trong giấm chỉ nên thực hiện mỗi tuần một lần, do đó có lẽ bạn phải thử dùng thêm các phương pháp khác.
    • Giấm có tính axit nên có thể gây xót hoặc kích ứng nếu bàn chân của bạn có vết đứt.
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 2:

Ngăn ngừa các mảng da đỏ lan rộng

Nấm da chân có tính lây nhiễm, vì vậy nó có thể lây lan từ người này sang người khác hoặc sang các bộ phận khác của cơ thể. Bất kể là sử dụng các liệu pháp tại nhà hay dùng kem trị nấm không kê toa, bạn cũng phải thực hiện các bước ngăn ngừa nấm lây lan cho đến khi trị khỏi nấm. Các lời khuyên sau đây có thể giúp bạn kiểm soát triệu chứng trong khi chờ thuốc phát huy tác dụng.

  1. 1
    Rửa bàn chân bằng xà phòng và nước ấm mỗi ngày 2 lần. Rửa bàn chân là bước cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa nấm lây lan. Rửa các kẽ ngón chân hoặc bất cứ vùng da nào bị nhiễm nấm bằng xà phòng và nước, sau đó rửa sạch xà phòng. Rửa chân như vậy mỗi ngày 2 lần cho đến khi các mảng đỏ trên da biến mất.[10]
    • Nhớ rửa tay sau khi rửa chân để ngăn ngừa nấm lây lan.
    • Đây cũng là bước quan trọng để phòng tránh bệnh nấm da chân, vì vậy bạn nên rửa chân mỗi khi tắm.
  2. 2
    Lau khô bàn chân mỗi khi ẩm ướt. Nấm sinh sôi trong môi trường nóng ẩm như bàn chân đổ mồ hôi. Mỗi lần chân bị ướt hoặc đổ mồ hôi, bạn hãy dùng khăn lau cho khô. Nhớ lau kỹ các kẽ ngón chân, nơi nấm da chân thường khởi phát.[11]
    • Bạn có thể xoa phấn talc để giữ cho bàn chân khô ráo hơn nữa.[12]
    • Chỉ dùng khăn lau một lần rồi đem giặt để ngăn ngừa nấm lây lan.
  3. 3
    Thay tất và giày hàng ngày. Nấm da chân có thể sống trong tất và giày, vì vậy bạn đừng đi cùng một đôi giày và tất mỗi ngày. Thay tất mỗi ngày 2 lần, đặc biệt là sau khi chân đổ mồ hôi. Bạn cũng không nên đi một đôi giày trong 2 ngày liên tiếp. Như vậy giày sẽ có thời gian để khô trước khi bạn đi lại lần sau.[13]
    • Thử để giày gần cửa sổ hoặc nơi nào đó cho giày dễ khô hơn.[14]
    • Bạn cũng có thể rắc phấn talc hoặc phấn trị nấm vào giày để làm khô giày và diệt nấm còn sót.[15]
  4. 4
    Cởi giày ra khi về nhà. Nếu cứ đi giày trong thời gian dài, bạn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển và lây lan. Khi về đến nhà, bạn hãy cời giày ra để cho bàn chân được khô ráo và mát mẻ.[16]
    • Nếu bạn cởi luôn cả tất, hãy nhớ đi dép vào. Nấm có thể lây lan nếu bạn đi lại bằng chân trần.
  5. 5
    Cố gắng đừng gãi hoặc chạm vào các mảng da đỏ. Nấm da chân có tính lây nhiễm và bạn có thể làm lây lan nấm ra xung quanh nếu chạm vào các mảng da đỏ. Cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu, nhưng bạn nên cố gắng tránh chạm vào vùng da nhiễm nấm. Điều này còn giúp bệnh mau khỏi.[17]
    • Nếu vô tình chạm phải các mảng da đỏ trên bàn chân, bạn cần phải rửa tay ngay để tránh lây lan.
  6. 6
    Dùng riêng khăn tắm, giày và các vật dụng cá nhân. Việc dùng chung khăn tắm, bấm móng tay, giày và các đồ dùng cá nhân chắc chắn sẽ khiến nấm lây lan sang những người khác. Đảm bảo không dùng chung các vật dụng này với những người trong nhà để đề phòng lây nhiễm.[18]
    • Dùng riêng các vật dụng cá nhân nói chung cũng là biện pháp giữ vệ sinh tốt, ngay cả khi bạn không bị bệnh nấm da chân. Như vậy mọi người sẽ không vô tình truyền nấm hoặc vi khuẩn cho nhau.
  7. 7
    Tránh xa các hồ bơi và phòng tắm công cộng cho đến khi khỏi bệnh. Đây là những nơi phổ biến nhất lây lan bệnh nấm da chân. Bạn nên nghĩ cho những người khác và tránh các khu vực này cho đến khi trị khỏi nấm.[19]
    • Nếu phải đến những nơi tương tự, bạn đừng đi chân trần khắp nơi. Luôn mang giày xăng đan hoặc các loại giày dép khác để không làm nấm lây lan.
    Quảng cáo

Điều trị y tế

Nấm da chân là bệnh điều trị được, nhưng các liệu pháp tại nhà không phải lúc nào cũng thành công. Một số có thể có tác dụng, nhưng thường thì không công hiệu bằng các loại kem trị nấm. Nếu muốn dùng các liệu pháp tự nhiên, bạn cần theo dõi các mảng da nhiễm nấm để xem tình trạng có cải thiện không. Nếu không, bạn hãy chuyển sang dùng kem trị nấm không kê toa để tăng khả năng chữa khỏi. Nếu cách này vẫn không hiệu quả sau 2 tuần, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa chân để được điều trị dứt điểm.

Lời khuyên

  • Nhiều sản phẩm trị nấm không kê toa hướng dẫn người dùng tiếp tục bôi thuốc thêm một tuần sau khi các mảng đỏ trên da biến mất để đảm bảo toàn bộ nấm đã bị tiêu diệt.[20]
  • Bác sĩ chuyên khoa chân thường kê toa kem bôi mạnh hơn để trị nấm da chân. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể cho thuốc uống nếu tình trạng nhiễm nấm lan rộng.[21]

Về bài wikiHow này

Zora Degrandpre, ND
Cùng viết bởi:
Bác sĩ liệu pháp thiên nhiên
Bài viết này đã được cùng viết bởi Zora Degrandpre, ND. Tiến sĩ Degrandpre là bác sĩ chuyên về liệu pháp thiên nhiên được cấp phép tại Washington. Cô đã nhận bằng ND của Đại học Y khoa Quốc gia năm 2007. Bài viết này đã được xem 25.018 lần.
Chuyên mục: Y học Thay thế

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm y tế

Nội dung của bài viết này không nhằm mục đích thay thế cho các lời khuyên, kiểm tra, xét nghiệm hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Bạn luôn luôn cần liên hệ với bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế trước khi bắt đầu, thay đổi hoặc ngừng thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Trang này đã được đọc 25.018 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo