Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Cua Hoàng Đế là một trong những loại cua to nhất và ngon nhất trong ẩm thực. Vì đã được sơ chế trước khi đông lạnh nên cua Hoàng Đế rất dễ chế biến ở nhà. Hấp là phương pháp thông dụng nhất để giữ được độ mềm và hương vị của thịt cua. Nếu muốn chế biến cua với chanh và các nguyên liệu khác, bạn có thể nướng trong lò. Nướng vỉ là cách tuyệt vời để thịt cua có hương vị đậm đà hơn trong những ngày trời ấm. Cuối cùng, nếu muốn làm nóng cua nhanh nhất, bạn có thể luộc trong nước. Thưởng thức món chân cua Hoàng Đế khi còn ấm kèm với một ít bơ đun chảy, và bạn sẽ có một bữa ăn ngon.

Nguyên liệu

  • 0,7kg – 1 kg chân cua Hoàng Đế
  • 3 cốc (700 ml) nước
  • 3 quả chanh cắt đôi
  • 1 củ tỏi

Chuẩn bị 2-4 phần ăn

  • 1 kg chân cua Hoàng Đế
  • 1/2 cốc (120 ml) nước đun sôi
  • 1/4 cốc (60 ml) nước cốt chanh
  • 3 thìa canh (15 ml) dầu ô liu
  • 3/4 cốc (170 g) bơ
  • 3 tép tỏi
  • 1 thìa cà phê rau mùi tây

Chuẩn bị 4 phần ăn

Chân cua nướng vỉ

  • 1 kg chân cua Hoàng Đế
  • 1/4 cốc (60 ml) dầu ô liu
  • 1/4 cốc (55g) bơ
  • 1 quả chanh cắt tư

Chuẩn bị 4 phần ăn

  • 1 kg chân cua Hoàng Đế
  • 24 cốc (6 lít) nước
  • 1 thìa canh muối
  • 2 thìa canh gia vị hải sản

Chuẩn bị 4 phần ăn

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 5:

Rửa và rã đông chân cua

  1. 1
    Rã đông chân cua qua đêm trong tủ lạnh trước khi chế biến. Sẽ mất khoảng 8 tiếng để rã đông chân cua Hoàng Đế. Bạn chỉ nên bắt đầu rã đông trước khi chuẩn bị chế biến. Nếu muốn rã đông nhanh, bạn có thể để chân cua dưới vòi nước lạnh đang chảy. Mặc dù hầu như bạn có thể chế biến chân cua khi còn đông lạnh, nhưng cua sẽ chín nhanh hơn và đều hơn nếu được rã đông trước.[1]
    • Chân cua Hoàng Đế hỏng rất nhanh, vì vậy bạn đừng rã đông trước nhiều ngày.
    • Hầu hết chân cua đều được đông lạnh để bảo đảm độ tươi ngon. Bạn sẽ không tìm được nhiều cua sống, trừ khi ở gần biển. Nếu mua cua tươi, bạn nhớ phải rửa cua thật sạch.
  2. 2
    Dùng kéo làm bếp cắt chân cua nếu cần. Thường thì bạn có thể cho nguyên chân cua vào xửng hấp, nồi nước hoặc khay nướng. Tuy nhiên, chân cua Hoàng Đế khá to và có thể không vừa như bạn muốn. Để xử lý việc này, bạn hãy dùng dụng cụ sắc như kéo làm bếp, dao đầu bếp hoặc dao tỉa để cắt chân cua tại các khớp và tách thành nhiều mảnh.[2]
    • Nếu có thể để nguyên chân cua thì bạn đừng cắt ra làm gì. Như vậy chẳng những bạn đỡ mất công mà thịt cua còn giữ được độ mềm và ngọt.
  3. 3
    Dùng dao rạch vỏ để chân cua dễ mở ra hơn. Tuy không bắt buộc, nhưng bước này có thể giúp bạn xử lý lớp vỏ cứng bọc ngoài chân cua. Lật mặt sau của chân cua lên (mặt màu trắng) và dùng dao tỉa sắc có răng cưa để rạch dọc giữa chân cua. Cẩn thận đừng rạch vào thịt cua.[3]
    • Đừng tách vỏ chân cua khi chưa chín. Sau khi cua chín, bạn có thể tách vỏ tại đường cắt vừa rạch. Bạn sẽ mở ra dễ dàng theo cách này.
    • Đừng tách vỏ ra hoặc rạch quá sâu. Thịt cua bị lộ ra sẽ dễ bị khô hơn trong khi chế biến. Cẩn thận đừng cắt đứt vỏ trong khi rạch.
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 5:

Chân cua hấp

  1. 1
    Đổ 3 cốc (700 ml) nước vào nồi lớn. Nhiệt độ của nước không quan trọng, nhưng bạn nên chú ý chỉ đổ nước đầy 1/3 nồi. Chuẩn bị xửng hấp vừa với nồi nước nhưng đừng đặt vào nồi vội. Xửng hấp về cơ bản là rổ kim loại nhỏ đặt vào nồi bên trên mực nước để làm chín thức ăn. Đảm bảo nước không chạm đến xửng hấp hoặc chân cua.[4]
    • Nếu không có xửng hấp, bạn có thể thay thế bằng rổ kim loại. Bạn cũng có thể dùng dụng cụ nào đó như giá làm nguội bánh hoặc giấy thiếc đặt khít bên trong nồi.
    • Lượng nước đổ vào nồi không cần chính xác. Điều quan trọng nhất là lượng nước phải đủ để không bị cạn trong suốt quá trình hấp mà vẫn đảm bảo không ngập cua.
  2. 2
    Cho chanh cắt đôi và tỏi vào nước nếu bạn muốn nêm gia vị. Tuy rằng không bắt buộc, nhưng bước này sẽ giúp tăng hương vị cho món cua hấp. Cắt đôi 3 quả chanh và thả vào nước, sau đó bóc vỏ 1 củ tỏi, cắt đôi và thả tiếp các tép tỏi vào nồi.[5]
    • Bạn có thể dùng ít chanh và tỏi hơn theo ý thích. Bạn cũng có thể mua tỏi băm sẵn hoặc tự cắt nhỏ tỏi nếu muốn.
  3. 3
    Đun nước trên lửa lớn cho đến khi bọt sủi lăn tăn. Đun nước đến 100 độ C, Khi nước bắt đầu nổi bong bóng là lúc bạn có thể bỏ cua vào. Phương pháp này không dùng nhiều nước nên bạn không phải bận tâm vì nước không sôi mạnh. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo lượng nước phải đủ để đun trong 5 phút.[6]
    • Kiểm tra nước lần cuối. Nước không được chạm đến xửng hấp khi bạn đặt xửng vào nồi. Nếu mực nước quá cao, bạn hãy chờ cho nước nguội rồi đổ bớt vào bồn rửa.
  4. 4
    Đặt xửng hấp và cua vào nồi. Xếp chân cua vào xửng hấp bên trong nồi nhiều nhất có thể bằng cách đặt nằm xuống. Bạn có thể xếp chồng các chân cua lên nhau, miễn là vẫn ở trong nồi. Thường thì bạn có thể hấp được khoảng 0,7 kg-1 kg chân cua một lần, nhưng còn tùy vào kích cỡ nồi và xửng hấp.[7]
    • Nếu có nhiều cua, bạn nên cân nhắc hấp thành nhiều mẻ. Điều này sẽ đảm bảo có nhiều hơi nước và tất cả các chân cua đều có thời gian hấp như nhau. Cua có thể sẽ không chín đều nếu bạn nhồi nhét quá nhiều để hấp một lần.
  5. 5
    Đậy vung và đun trong 5 phút. Kiểm tra tất cả chân cua khi đã hết thời gian. Khi hấp xong, cả gian bếp của bạn sẽ ngào ngạt mùi cua. Chân cua sẽ chuyển thành màu đỏ đồng nhất và nóng đều.[8]
  6. 6
    Đun chảy bơ nếu bạn muốn làm sốt chấm cua. Làm sốt cơ bản rất dễ, vì bạn chỉ việc đun chảy ít bơ để chấm thịt cua. Đun chảy 1/2 cốc (120 g bơ) trong xoong đặt trên bếp. Nếu muốn nêm gia vị, bạn hãy thêm 2 thìa canh (30 ml) nước cốt chanh và 2 thìa cà phê bột tỏi. Bạn có thể rưới sốt lên thịt cua hoặc chấm thịt cua vào sốt.[9]
    • Bạn có thể làm sốt hoặc không cần làm, vì chân cua vốn đã ngon mà không cần gia vị.
    Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 5:

Chân cua nướng lò

  1. 1
    Làm nóng trước lò nướng đến 177 độ C. Chuẩn bị chân cua trong khi làm nóng lò nướng. Chờ ít nhất 5-10 phút để lò đạt đến nhiệt độ mong muốn. Nhớ đóng cửa lò nướng cho đến khi bạn sẵn sàng cho cua vào lò.[10]
    • Bạn nên chú ý đến các mức nhiệt khác nhau. Nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến thời gian nướng cua. Nhiệt độ cao cũng có thể khiến thịt cua bị khô.
  2. 2
    Rải chân cua thành một lớp trên khay nướng nông. Chọn khay nướng rộng có nhiều chỗ để xếp cua. Đừng dùng khay nướng có thành cao, vì nó có thể làm cua chín không đều. Xếp chân cua nằm trên khay. Thường thì bạn có thể xếp được đến 1 kg chân cua trong một khay.[11]
    • Nếu không thể xếp hết chân cua, bạn nên chia làm nhiều mẻ hoặc xếp vào nhiều khay. Đừng cố xếp chồng chất lên nhau, vì như vậy cua sẽ không chín đều.
  3. 3
    Đun sôi ½ cốc (120 ml) nước và rót vào khay nướng. Bạn có thể đun nước trong lò vi sóng hoặc ấm đun. Cẩn thận khi rót nước kẻo bỏng. Rót nước trực tiếp vào khay sao cho mực nước dưới đáy khay cao khoảng 0,3 cm. Có thể bạn cần dùng ít hoặc nhiều nước hơn tuỳ vào kích thước khay nướng.[12]
    • Đeo găng tay cao su làm bếp để tránh tiếp xúc với nước nóng.
    • Bạn cũng không nhất thiết phải rót nước vào khay nướng, nhưng nước sẽ giúp giữ ẩm cua trong khi nướng. Nếu không có nước, thịt cua có thể sẽ bị khô và dai.
  4. 4
    Trộn nước cốt chanh, tỏi và các loại gia vị khác để nêm vào cua. Ưu điểm của phương pháp nướng là bạn có thể nêm vào cua đủ loại nguyên liệu khác. Với công thức đơn giản, bạn có thể thử rót ¼ (60 ml) nước cốt chanh vào một bát riêng, pha thêm 3 thìa canh (45 ml) dầu ô liu, ¾ cốc (170 g) bơ, 3 tép tỏi và 1 thìa cà phê rau mùi tây.[13]
    • Bạn có thể pha trộn gia vị theo ý muốn. Ví dụ, bạn có thể thêm vào các gia vị khác như muối, gia vị cajun hoặc các loại rau thơm khác như thìa là. Nếu thích ăn cua nguyên chất, bạn không cần phải cho bất cứ thứ gì.
  5. 5
    Dùng cọ phết hoặc rưới gia vị lên chân cua nếu bạn muốn nêm gia vị. Dùng cọ làm bếp quét một lớp gia vị bao bọc tất cả các chân cua. Nếu không có cọ, bạn có thể rưới hỗn hợp lên khay nướng, cố gắng rưới đều khắp tất cả các chân cua.[14]
    • Cân nhắc để dành một nửa hỗn hợp sốt bơ để ăn với cua sau khi nướng xong. Bạn không nhất thiết phải làm vậy, nhưng cách này sẽ giúp món cua nướng thêm đậm đà.
  6. 6
    Bọc một lớp giấy bạc lên khay cua. Dùng giấy bạc để giữ độ ẩm và hương vị của cua trong khay. Phủ kín khay nướng, nhớ bọc mép giấy bạc qua thành khay. Khi bỏ khay nướng vào lò, bạn hãy cẩn thận đừng để nước trong khay sánh ra ngoài.[15]
  7. 7
    Nướng cua trong lò khoảng 15 phút. Đặt đồng hồ hẹn giờ và chờ. Khi hết thời gian, bạn hãy mở lớp giấy bạc để kiểm tra. Chân cua khi chín sẽ có màu đỏ tươi. Bạn có thể sờ vào xem chân cua có nóng đều không. Mùi cua cũng sẽ toả ra đầy căn bếp của bạn.[16]
    • Lưu ý rằng thời gian nướng sẽ khác nhau tuỳ vào loại lò nướng và chế độ nhiệt.
    Quảng cáo
Phương pháp 4
Phương pháp 4 của 5:

Sử dụng vỉ nướng

  1. 1
    Làm nóng trước vỉ nướng ở nhiệt độ khoảng 163 độ C. Sử dụng chế độ lửa thấp vừa nếu bạn có lò nướng vỉ. Chờ 15 phút để vỉ nướng đạt đến nhiệt độ thích hợp. Bạn có thể chuẩn bị chân cua trong khi chờ vỉ nướng nóng.[17]
    • Nếu lò nướng vỉ có mức nhiệt độ giới hạn, bạn có thể dùng mức nhiệt trung bình. Nhớ canh chừng cua cẩn thận để khỏi bị quá lửa.
  2. 2
    Phết dầu lên chân cua nếu bạn định đặt trực tiếp lên vỉ nướng. Rót khoảng ¼ cốc (60 ml) dầu ô liu vào bát. Dùng cọ làm bếp phết dầu lên chân cua. Dầu sẽ giúp cho cua không bị dính vào vỉ nướng.[18]
    • Nếu không có cọ làm bếp, bạn có thể dùng tay xoa dầu lên chân cua hoặc lăn chân cua trong dầu.
    • Bạn cũng có thể bọc chân cua trong giấy bạc. Đây là cách an toàn để nướng trên vỉ và chống dính. Nếu định ướp gia vị trước khi nướng cua, bạn nên dùng giấy bạc thay vì phết dầu.
  3. 3
    Gói chân cua trong giấy bạc nếu bạn định ướp gia vị. Trải 4 tờ giấy bạc lên bàn bếp và rải chân cua cách đều nhau trên giấy bạc. Thường thì bạn có thể gói được khoảng 1,5 kg chân cua, vì vậy bạn cần dùng thêm giấy bạc nếu cần gói nhiều hơn. Lấy thêm 4 tờ giấy bạc nữa để gói chân cua.[19]
    • Bạn không cần gói giấy bạc nếu định nướng cua không ướp gia vị. Bạn chỉ cần phết dầu để chân cua khỏi dính vào vỉ nướng.
  4. 4
    Phết bơ và gia vị lên cua để tăng thêm hương vị. Ví dụ, bạn có thể dùng 1/4 cốc (55 g) bơ và dùng tay xoa bơ lên chân cua, sau đó cắt quả chanh làm tư và vắt nước cốt chanh lên trên.[20]
    • Để tăng hương vị cho cua, bạn có thể băm 5 tép tỏi và rắc lên cua. Thêm vào 1/2 cốc rau mùi tây, 1 thìa cà phê muối biển và 1 thìa cà phê tiêu đen.
    • Bạn cũng có thể đun chảy ít bơ và rưới lên cua khi đã nướng chín.
  5. 5
    Nướng chân cua trên vỉ khoảng 5 phút. Đặt chân cua gần rìa vỉ nướng, tránh đặt chỗ than nóng hoặc nhiệt trực tiếp để khỏi bị quá lửa. Bạn nên để chân cua cách xa nhiệt khoảng 13 cm, đậy nắp vỉ nướng và để nguyên như vậy.[21]
    • Nếu nướng chân cua trong giấy bạc, bạn nên nhớ bọc kín để giữ gia vị bên trong. Bơ và các gia vị khác sẽ thành vô dụng nếu bị chảy ra ngoài!
  6. 6
    Lật cua và nướng đến 5 phút. Dùng kẹp gắp lật chân cua và vẫn để ở vị trí cũ. Đậy nắp vỉ lại sau khi lật xong, Khi chín, chân cua sẽ có màu đỏ tươi và thơm mùi cua. Toàn bộ chân cua cũng sẽ nóng đều.[22]
    • Lưu ý rằng thời gian nướng có thể thay đổi đáng kể, tuỳ vào vỉ nướng và chế độ nhiệt. Mỗi lò nướng đều có tốc độ nướng khác nhau. Bạn cần trông chừng chân cua khi nướng để khỏi bị cháy.
    Quảng cáo
Phương pháp 5
Phương pháp 5 của 5:

Chân cua luộc

  1. 1
    Đổ nước lạnh vào đầy nửa nồi hầm cỡ lớn. Lượng nước cần dùng sẽ tuỳ thuộc vào nồi mà bạn đang sử dụng. Nồi hầm trung bình có thể chứa được khoảng 6 lít nước, nhưng bạn có thể điều chỉnh nếu cần. Lượng nước này là đủ để luộc 1,8 kg chân cua.[23]
    • Đảm bảo chân cua ngập hoàn toàn trong nước; nếu không, cua có thể chín không đều. nếu nồi quá nhỏ, bạn sẽ phải luộc thành nhiều mẻ hoặc dùng nhiều nồi.
  2. 2
    Nêm muối hoặc gia vị vào nước nếu bạn muốn cua đậm đà hơn. Ví dụ, hãy bắt đầu với 1 thìa canh muối khuấy tan trong nồi nước, sau đó thêm vào 2 thìa canh gia vị hải sản. Bạn có thể trộn thêm rau thơm như mùi tây hoặc thìa là, thả tỏi và chanh vào nồi, hoặc cho bất cứ thứ gì bạn thích.[24]
    • Muối là gia vị hữu ích để luộc chân cua và giúp cua chín đều hơn. Cho dù bạn không định dùng các gia vị khác thì cũng nên nêm muối.
  3. 3
    Vặn lửa lớn cho đến khi nước bắt đầu sôi. Vặn lửa lớn và chờ nước sôi. Chú ý khi nước nổi bong bóng liên tục. Sẽ mất thời gian một chút, do đó bạn đừng vội vặn nhỏ lửa.
    • Nước phải đang sôi khi bạn thả cua vào nồi. Nếu nước không sôi, bạn sẽ khó xác định được khi nào cua chín.
  4. 4
    Thả cua ngập trong nước. Thả chân cua vào nước, nhớ cẩn thận để nước nóng khỏi bắn tung toé. Dùng kẹp gắp nhấn chân cua xuống nước càng nhiều càng tốt. Cố gắng sắp xếp sao cho chân cua ngập hoàn toàn trong nước trước khi luộc chín.[25]
    • Những phần không ngập nước sẽ không chín. Nếu muốn cua chín đều, bạn cần để cua ngập nước.
    • Nếu không thể cho hết chân cua vào nồi, bạn hãy để lại luộc sau.
  5. 5
    Giảm lửa xuống mức trung bình và chờ nước sôi trở lại. Khi chân cua được thả vào nồi, nước sẽ giảm nhiệt độ nên sẽ không nổi bong bóng nữa. Chờ vài phút cho đến khi nước bắt đầu sủi nhanh trở lại. Khi đã đạt đến nhiệt độ này, nước sẽ luộc chín chân cua nhanh và đều.[26]
    • Chuẩn bị đun chân cua liu riu cho đến khi chín. Chờ cho nước liên tục nổi bong bóng li ti và bay hơi. Đặt đồng hồ hẹn giờ khi nước đạt đến độ này.
  6. 6
    Luộc cua trong 5-7 phút cho đến khi chín. Mở vung khi luộc và chú ý quan sát chân cua đổi màu. Chân cua sẽ chuyển màu đỏ đều và mùi cua sẽ ngào ngạt khắp căn bếp. Khi cua có vẻ đã chín, bạn hay dùng kẹp gắp cua ra đặt lên đĩa và ăn khi còn ấm.[27]
    • Thử dọn món chân cua nóng kèm với bơ đun chảy và nước cốt chanh. Bạn cũng có thể thưởng thức cua nguyên chất nếu thích.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Chân cua Hoàng Đế thường được chế biến sẵn, vì vậy bạn hầu như chỉ cần hâm lại ở nhà. Kiểm tra cua khi hết thời gian hẹn giờ để tránh quá lửa!
  • Bạn không cần nêm thêm gia vị vào thịt cua khi đã chín, nhưng cua sẽ rất ngon khi chấm bơ đun chảy.
  • Chân cua có thể luộc chung với các loại hải sản khác, chẳng hạn như tôm để làm món hải sản luộc.

Những thứ bạn cần

Rửa và rã đông chân cua

  • Tủ lạnh
  • Dao có răng cưa

Chân cua hấp

  • Bếp
  • Nồi
  • Xửng hấp hoặc rổ
  • Kẹp gắp
  • Cốc đong
  • Dao

Chân cua nướng lò

  • Lò nướng
  • Khay nướng
  • Cốc đong
  • Cọ làm bếp

Chân cua nướng vỉ

  • Vỉ nướng
  • Gas hoặc than
  • Kẹp gắp
  • Giấy bạc (tuỳ ý)
  • Cọ làm bếp (tuỳ ý)

Chân cua luộc

  • Nồi
  • Cốc đong
  • Kẹp gắp

Bài viết wikiHow có liên quan

Làm cáLàm cá
Nhận biết cá hồi không còn tươiNhận biết cá hồi không còn tươi
Phân biệt giới tính cá bảy màuPhân biệt giới tính cá bảy màu
Chế biến sò điệp đông lạnh
Nấu tôm không bị cong
Chế biến HàuChế biến Hàu
Biết khi nào cá hồi được nấu chín
Ăn món cá hồi xông khóiĂn món cá hồi xông khói
Chế biến tôm hùm đông lạnhChế biến tôm hùm đông lạnh
Chế biến vẹmChế biến vẹm
Ăn cá mòi đóng hộpĂn cá mòi đóng hộp
Chế biến tôm đã hấp chín
Chế biến bít tết cá ngừChế biến bít tết cá ngừ
Nhận biết cá không còn tươiNhận biết cá không còn tươi
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Ashley Crawford
Cùng viết bởi:
Đầu bếp riêng
Bài viết này đã được cùng viết bởi Ashley Crawford. Ashley Crawford là đầu bếp riêng, kiêm người sáng lập A Taste of Chef Ash. Đầu bếp Ashley bắt đầu sự nghiệp từ năm 14 tuổi. Cô chuyên ẩm thực Creole và Cajun, nhưng có kinh nghiệm chế biến mọi trường phái ẩm thực. Dịch vụ ẩm thực của cô dành cho các vận động viên đã được giới thiệu trên ESPN và Sports Illustrated. Bài viết này đã được xem 2.071 lần.
Trang này đã được đọc 2.071 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo