Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Candida là một loại nấm men sống trong cơ thể một cách tự nhiên bên cạnh các lợi khuẩn, bình thường vẫn được kiểm soát bởi hệ miễn dịch. Tuy nhiên, đôi khi sự cân bằng giữa nấm men và vi khuẩn bị phá vỡ, dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm men. Số lượng nấm men quá cao có thể dẫn đến tình trạng gọi là nhiễm trùng nấm men, vốn có thể xảy ra ở nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm, da, miệng, cổ họng, và phổ biến nhất là âm đạo.[1] Nhiễm trùng nấm men không phải là điều đáng xấu hổ; có đến 75% phụ nữ bị nhiễm nấm men ít nhất một lần trong đời. Căn bệnh này thường rất khó chịu, vì vậy quan trọng là bạn phải chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Để chẩn đoán nhiễm trùng nấm men, bạn cần nhận biết các triệu chứng của bệnh.

Phần 1
Phần 1 của 4:

Nhận biết các triệu chứng

  1. 1
    Tìm các đốm đỏ. Nhiễm trùng nấm men có thể xuất hiện ở những vùng như háng, các nếp gấp ở mông, giữa hai vú, trong miệng và đường tiêu hóa, gần các ngón tay ngón chân, trong rốn. Nói chung, nấm men phát triển mạnh ở những vùng ẩm hơn và có nhiều khe rãnh hoặc ngóc ngách hơn các bộ phận khác trên cơ thể.[2]
    • Các đốm đỏ có thể nổi lên và trông giống như các mụn đỏ nhỏ. Bạn đừng gãi: nếu các đốm đỏ vỡ ra, tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan ra các bộ phận khác trên cơ thể.
    • Lưu ý rằng trẻ nhũ nhi thường bị nhiễm nấm men khiến trẻ bị hăm tã, biểu hiện là các đốm đỏ nhỏ như mô tả bên trên. Tình trạng này thường xảy ra ở các nếp gấp của da, đùi, vùng sinh dục và thường do độ ẩm tích tụ trong tã bẩn khi để quá lâu.[3]
  2. 2
    Để ý cảm giác ngứa. Các vùng da và bộ phận trên cơ thể bị nhiễm nấm men sẽ có cảm giác ngứa và cực kỳ mẫn cảm khi chạm vào. Những vùng da nhiễm nấm cũng có thể bị kích ứng do cọ xát vào quần áo hoặc các dị vật khác.[4]
    • Bạn cũng có thể cảm thấy bỏng rát bên trong và xung quanh vùng da bị nhiễm nấm men.
  3. 3
    Xem xét các triệu chứng điển hình của các dạng nhiễm trùng nấm men. Có ba dạng nhiễm trùng nấm men: nhiễm nấm âm đạo, nhiễm nấm da và nhiễm nấm cổ họng. Mỗi dạng nhiễm trùng nấm men có các biểu hiện đặc trưng bên cạnh các triệu chứng kể trên.
    • Nhiễm nấm âm đạo: Khi bị nhiễm trùng nấm men âm đạo, dạng nhiễm trùng thường được ám chỉ khi nhắc đến bệnh nhiễm trùng nấm men, bạn sẽ có biểu hiện là âm đạo và âm hộ sưng đỏ, ngứa và kích ứng. Người bệnh cũng có cảm giác bỏng rát hoặc đau khi đi tiểu hoặc giao hợp. Nhiễm trùng nấm men âm đạo cũng thường (nhưng không luôn luôn) kèm theo chất dịch đặc, trắng và không mùi bên trong âm đạo. Lưu ý rằng 75% số phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng nấm men âm đạo tại một thời điểm nào đó trong đời.[5]
    • Nhiễm nấm da: Tình trạng nhiễm nấm da trên bàn tay hoặc bàn chân có thể gây phát ban, các mảng và mụn rộp giữa các kẽ ngón chân hay ngón tay. Bạn cũng có thể nhận ra các đốm trắng xuất hiện trên móng bị nhiễm nấm.
    • Nhiễm nấm miệng: Nhiễm trùng nấm men trong cổ họng còn gọi là bệnh nấm miệng. Bạn sẽ thấy họng đỏ lên và có thể kèm theo các nốt như mụn rộp hoặc các mảng hình thành sâu trong miệng gần cổ họng và trên lưỡi. Bạn cũng có thể bị nứt nẻ ở khóe miệng (viêm môi vùng mép) và có cảm giác khó nuốt.[6]
  4. 4
    Mua bộ thử độ pH tại nhà. Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm trùng nấm men âm đạo (dạng nhiễm nấm men phổ biến nhất) và trước đây đã từng mắc, bạn có thể mua bộ thử độ pH và tự chẩn đoán tại nhà. Độ pH bình thường trong âm đạo vào khoảng 4, tức là có tính axit nhẹ. Sử dụng theo hướng dẫn đi kèm sản phẩm.[7]
    • Khi thử độ pH âm đạo, bạn cần giữ mảnh giấy thử áp sát vào thành âm đạo vài giây. So sánh màu của mảnh giấy với biểu đồ kèm theo bộ thử. Con số trên biểu đồ tương ứng với màu gần giống nhất với màu trên mảnh giấy chính là độ pH trong âm đạo của bạn.
    • Nếu kết quả là trên 4, bạn hãy đi khám. Kết quả này không phải là triệu chứng của nhiễm trùng nấm men nhưng có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng khác.
    • Nếu phép thử cho kết quả dưới 4, có thể bạn đang bị nhiễm trùng nấm men.
Phần 2
Phần 2 của 4:

Nhận biết các triệu chứng và biến chứng của bệnh nhiễm trùng nấm men

  1. 1
    Theo dõi hình dạng phát ban. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng nấm men có thể phát triển thành vòng tròn trông như chiếc nhẫn, có màu đỏ hoặc không có sự biến đổi màu rõ rệt. Hiện tượng này có thể xảy ra ở cả hai dạng nhiễm nấm âm đạo và nhiễm nấm da.[8]
    • Các vòng tròn nấm da có thể làm rụng lông tóc nếu xuất hiện trên các vùng da có lông tóc trên cơ thể (chẳng hạn như râu ở nam giới, da đầu, hoặc ờ vùng kín).
  2. 2
    Kiểm tra xem móng tay có bị nhiễm nấm không. Bệnh nhiễm nấm da có thể lan đến giường móng nếu không được kiểm soát. Nếu tình trạng nhiễm nấm da ảnh hưởng đến móng tay, xung quanh móng tay sẽ bắt đầu sưng, đỏ và đau. Cuối cùng, móng tay có thể bong ra, để lộ giường móng đã chuyển màu trắng hoặc vàng nhạt.[9]
  3. 3
    Xác định xem bạn có thuộc nhóm nguy cơ không. Một số nhóm nguy cơ có rủi ro cao mắc nhiễm trùng nấm men biến chứng, bao gồm:[10]
    • Người mắc nhiễm trùng nấm men 4 lần trở lên trong một năm
    • Phụ nữ mang thai
    • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát
    • Người có hệ miễn dịch suy yếu (do dùng thuốc hoặc cách bệnh lý như HIV)
  4. 4
    Lưu ý rằng bệnh nhiễm trùng không do nấm Candida albicans được xếp vào loại biến chứng. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng nấm men là do chúng nấm candida có tên Candida albicans gây ra. Tuy nhiên, đôi khi các chủng nấm candida khác cũng có thể gây nhiễm trùng. Điều này khiến tình trạng trở nên phức tạp, vì hầu hết các loại thuốc kê toa hoặc không kê toa đều có công thức trị nhiễm trùng nấm Candida albicans. Do đó, bệnh nhiễm trùng không do nấm Candida albicans thường đòi hỏi các phương pháp điều trị mạnh hơn.[11]
    • Lưu ý rằng cách duy nhất để chẩn đoán các chủng nấm candida khác nhau là lấy mẫu xét nghiệm.
Phần 3
Phần 3 của 4:

Biết về các yếu tố rủi ro

  1. 1
    Biết rằng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm men. Các đợt sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài không chỉ tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh mà còn giết chết cả các “lợi khuẩn” trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến sự mất cân bằng hệ thực vật trong miệng, trên da và âm đạo khiến nấm men phát triển quá mức.[12]
    • Có thể bạn đã nhiễm trùng nấm men nếu bị ngứa và bỏng rát trong thời gian sử dụng thuốc kháng sinh.
  2. 2
    Hiểu rằng phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nấm men. Thai nghén làm tăng lượng đường trong dịch tiết âm đạo (do tác động của estrogen và progesterone) và tạo điều kiện cho nấm men sinh sôi. Tình trạng nấm men tăng trưởng mạnh gây mất cân bằng hệ thực vật bình thường trong âm đạo, từ đó dẫn đến nhiễm trùng nấm men.[13]
  3. 3
    Giảm thiểu yếu tố nguy cơ bằng một số thay đổi trong lối sống. Bệnh tật, béo phì, thói quen ngủ không tốt và stress có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men.[14]
    • Đặc biệt, béo phì là một yếu tố nguy cơ vì người béo phì có các nếp gấp rộng trên da, vốn ấm hơn và ẩm ướt hơn so với những nếp gấp da bình thường. Những nếp gấp rộng trên da tạo nên môi trường lý tưởng cho nấm men sinh sôi.
    • Béo phì còn liên quan đến sự phát triển bệnh tiểu đường, và điều này khiến phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng nấm men cao gấp đôi.
  4. 4
    Lưu ý rằng thuốc tránh thai cũng là một yếu tố nguy cơ. Thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc tránh thai "khẩn cấp" có thể gây ra sự thay đổi hoóc môn – chủ yếu là mức estrogen, dẫn đến nhiễm trùng nấm men.
    • Hàm lượng estrogen trong thuốc tránh thai càng cao thì nguy cơ phát triển nấm men càng tăng.[15]
  5. 5
    Hiểu rằng chu kỳ kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm trùng nấm men. Phụ nữ thường có nguy cơ nhiễm trùng nấm men cao khi đến kỳ kinh nguyệt. Trong suốt kỳ kinh nguyệt, estrogen tạo ra glycogen (một loại đường hiện diện trong tế bào) trong niêm mạc âm đạo. Khi mức progesterone tăng vọt, các tế bào trong âm đạo bong ra, cung cấp đường cho nấm men nhân lên và phát triển.
  6. 6
    Nhớ rằng thụt rửa quá nhiều cũng có thể gây nhiễm trùng nấm men âm đạo. Thụt rửa là phương pháp thường được sử dụng để làm sạch âm đạo sau kỳ kinh nguyệt, nhưng việc này thường không cần thiết , thậm chí có thể gây hại. Theo trường đại học sản phụ khoa Hoa Kỳ, việc thụt rửa thường xuyên có thể thay đổi sự cân bằng của hệ thực vật và độ axit trong âm đạo, từ đó phá vỡ sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại. Mức cân bằng vi khuẩn giúp duy trì môi trường axit, và khi môi trường này bị phá hủy, vi khuẩn gây hại có thể sẽ phát triển mạnh, dẫn đến nhiễm trùng nấm men.[16] [17]
  7. 7
    Biết rằng các vấn đề về sức khỏe cũng là yếu tố nguy cơ. Một số bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe có liên quan đến bệnh nhiễm trùng nấm men.
    • Ví dụ, tình trạng hệ miễn dịch suy giảm do HIV hoặc cấy ghép nội tạng cũng có thể gây nhiễm trùng nấm men.[18]
    • Rối loạn tuyến giáp hoặc rối loạn nội tiết và bệnh tiểu đường không kiểm soát cũng tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nấm candida trong cơ thể.[19]
Phần 4
Phần 4 của 4:

Biết khi nào cần tìm sự chăm sóc y tế

  1. 1
    Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đây là lần đầu bạn bị nhiễm trùng nấm men. Nếu trước đây bạn chưa từng bị nhiễm trùng nấm men lần nào, hãy trao đổi với bác sĩ để xác nhận lại chẩn đoán của bạn. Bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác vấn đề và cho bạn lời khuyên hoặc kê toa thuốc để giúp bạn điều trị nhiễm trùng nấm men.[20]
    • Bệnh nhiễm trùng nấm men đôi khi có các triệu chứng giống như một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, do đó bạn nên đến gặp bác sĩ để biết bạn có thực sự bị nhiễm trùng nấm men không.
    • Bệnh nhiễm trùng đường tiểu hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể có biểu hiện tương tự như các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng nấm men.
  2. 2
    Tìm sự chăm sóc y tế nếu bạn bị sốt. Nếu bạn bị nhiễm trùng nấm men kèm theo sốt, có thể đó là một dấu hiệu của một vấn đề phức tạp hơn mà bạn cần trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và kê toa thuốc điều trị nhiễm trùng nấm men.[21]
    • Nếu bị ớn lạnh và đau nhức mình, bạn cũng cần báo cho bác sĩ biết.
  3. 3
    Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn liên tục bị nhiễm trùng nấm men. Thỉnh thoảng bị nhiễm trùng nấm men không phải là vấn đề lớn, miễn là sau đó bạn khỏi bệnh. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng tái đi tái lại nhiều lần có thể là dấu hiệu của một vấn đề sâu xa hơn. Hãy báo với bác sĩ về tình trạng của bạn. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và kê toa thuốc điều trị.[22]
    • Nhiễm trùng nấm men tái đi tái lại có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường hoặc ung thư.
    • Nếu nghi ngờ mình có nguy cơ nhiễm HIV hoặc AIDS và bị nhiễm nấm men tái phát nhiều lần, bạn hãy nói với bác sĩ.
  4. 4
    Đến gặp bác sĩ nếu tình trạng nhiễm trùng nấm men không khỏi sau 3 ngày. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng nấm men sẽ khỏi sau khoảng 1 ngày điều trị. Nếu bệnh kéo dài quá 3 ngày, bạn hãy báo cho bác sĩ biết. Bác sĩ có thể khám lại hoặc kê toa thuốc cho bạn.[23]
    • Tình trạng nhiễm trùng nấm men kéo dài có thể là dấu hiệu của vấn đề phức tạp hơn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo an toàn.
  5. 5
    Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị nhiễm nấm men khi mang thai. Nhiễm trùng nấm men là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai và thường thì không nguy hiểm. Tuy nhiên, một số thuốc điều trị nhiễm trùng nấm men có thể gây hại cho thai nhi. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn trước khi tự điều trị.[24]
    • Không sử dụng bất cứ loại kem không kê toa nào khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
  6. 6
    Tìm sự điều trị y tế nếu bạn bi nhiễm trùng nấm men khi đang có bệnh tiểu đường. Nhiễm trùng nấm men có thể dẫn đến biến chứng khi bạn có bệnh tiểu đường. Trước khi tự điều trị hoặc chẩn đoán nhiễm trùng nấm men, bạn nên nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể đề xuất một số lựa chọn hoặc kê toa thuốc để giúp bạn điều trị.
    • Hiện tượng nhiễm trùng nấm men tái đi tái lại có thể cho thấy phác đồ điều trị bệnh tiểu đường cần phải thay đổi.

Lời khuyên

  • Để ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men, bạn nên cố gắng giữ cho các nếp gấp da càng khô ráo càng tốt.

Cảnh báo

  • Một điều quan trọng cần nhớ là, phụ nữ lần đầu bị nhiễm trùng nấm men âm đạo cần được bác sĩ khám và chẩn đoán. Một số bệnh nhiễm trùng âm đạo có các phương pháp điều trị khác nhau nhưng lại thường bị nhầm lẫn với nhau. Sau khi được chẩn đoán ban đầu, bệnh nhiễm trùng nấm men có thể được điều trị tại nhà (nếu không nghiêm trọng hoặc bị biến chứng).

Bài viết wikiHow có liên quan

Hút Thuốc lá
Kích thích đi tiểuKích thích đi tiểu
Tỉnh cần saTỉnh cần sa
Đào thải ma túy ra khỏi cơ thểĐào thải ma túy ra khỏi cơ thể
Nhịn đại tiện trong tình huống khó xửNhịn đại tiện trong tình huống khó xử
Ngừng hút cần saNgừng hút cần sa
Nôn sao cho dễ chịu nhấtNôn sao cho dễ chịu nhất
Khỏi đau tay khi viết nhiềuKhỏi đau tay khi viết nhiều
Làm dịu họng đau rát sau khi nônLàm dịu họng đau rát sau khi nôn
Bẻ Đốt sống Lưng
Rút chỉ khâu vết thươngRút chỉ khâu vết thương
Kích thích ợ hơiKích thích ợ hơi
Lấy tóc ra khỏi họngLấy tóc ra khỏi họng
Loại bỏ vụn thức ăn trong hốc răng khôn mới nhổLoại bỏ vụn thức ăn trong hốc răng khôn mới nhổ
  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/yeast-infection/basics/symptoms/con-20035129
  2. http://www.emedicinehealth.com/vaginal_infections/page7_em.htm
  3. https://msu.edu/~eisthen/yeast/causes.html
  4. Aguin TJ, Sobel JD.Vulvovaginal candidiasis in pregnancy.Curr Infect Dis Rep. 2015 Jun;17(6):462.
  5. http://youngwomenshealth.org/2013/06/19/yeast-infection/
  6. Aguin TJ, Sobel JD.Vulvovaginal candidiasis in pregnancy.Curr Infect Dis Rep. 2015 Jun;17(6):462
  7. http://www.medicinenet.com/vaginal_douche_douching/article.htm
  8. Shubair M, Stanek R, White S, Larsen B.Effects of chlorhexidine gluconate douche on normal vaginal flora.Gynecol Obstet Invest. 1992;34(4):229-33.
  9. Fidel PL Jr, Barousse M, Lounev V, Espinosa T, Chesson RR, Dunlap K. Local immune responsiveness following intravaginal challenge with Candida antigen in adult women at different stages of the menstrual cycle. Med Mycol. 2003 Apr;41(2):97-109.
  10. Sakakura K, Iwata Y, Hayashi S. tudy on the usefulness of povidone-iodine obstetric cream with special reference to the effect on the thyroid functions of mothers and the newborn.Postgrad Med J. 1993;69 Suppl 3:S49-57.
  11. https://www.webmd.com/women/guide/yeast-infections-should-you-treat-yourself-or-see-a-doctor
  12. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vaginitis/symptoms-causes/syc-20354707
  13. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/yeast-infection/basics/symptoms/con-20035129
  14. https://www.womenshealthmatters.ca/feature-articles/feature-articles/yeast-infections-when-to-see-a-doctor
  15. https://www.webmd.com/women/guide/yeast-infections-should-you-treat-yourself-or-see-a-doctor

Về bài wikiHow này

Lacy Windham, MD
Cùng viết bởi:
Bác sĩ sản khoa
Bài viết này đã được cùng viết bởi Lacy Windham, MD. Tiến sĩ Windham là bác sĩ sản khoa & phụ khoa được chứng nhận của Hội đồng quản trị ở Tennessee. Cô theo học trường y tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Tennessee ở Memphis và hoàn thành chương trình nội trú tại Trường Y Đông Virginia năm 2010 và cô được trao giải Bác sĩ nội trú xuất sắc nhất về Y học sản khoa, Bác sĩ nội trú xuất sắc nhất về Ung thư và Bác sĩ nội trú xuất sắc nhất. Bài viết này đã được xem 3.530 lần.
Chuyên mục: Sức khỏe Tổng quan

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm y tế

Nội dung của bài viết này không nhằm mục đích thay thế cho các lời khuyên, kiểm tra, xét nghiệm hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Bạn luôn luôn cần liên hệ với bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế trước khi bắt đầu, thay đổi hoặc ngừng thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Trang này đã được đọc 3.530 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?