Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Chạy bộ là cách hữu hiệu để gìn giữ vóc dáng và còn vui nữa -- bộ môn này thật ra đang trở nên thịnh hành hơn. Tuy nhiên, quan trọng là phải nắm được kỹ thuật chạy sao cho đúng. Chạy bộ là bộ môn phổ biến, nhưng cũng có kỹ thuật riêng phải tuân theo. Bạn có thể tham khảo bài hướng dẫn này để tăng sức bền và phòng tránh chấn thương. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghiên cứu hướng dẫn ở các chuyên trang thể thao khác.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 4:
Cách chạy đúng

  1. 1
    Thiết lập cấp độ tập luyện sơ khởi. Nếu bạn là người hoàn toàn mới tập mà đã muốn chạy 10 km thì sẽ sớm gục ngã, bực bội và đau nhức đến mức không chạy nữa. Nói cách khác, cố quá sẽ thành quá cố. Nếu trước đó bạn chưa có thói quen tập luyện hằng ngày mà đã chạy ngay thì sẽ gặp chấn thương và sớm bỏ cuộc khi còn chưa thật sự bắt đầu hành trình.
    • Việc đơn giản nhất bạn có thể làm là đi bộ trước. Nhưng bạn cũng có thể thay thế bằng hình thức khác -- miễn nó giúp bạn vận động thân thể thường xuyên, để cơ thể có dịp làm quen với những chấn động khi chạy. Hãy đi leo núi, bơi lội, hay tập nhảy. Sẽ tốt hơn nếu hoạt động đó khiến bạn phấn khởi.
  2. 2
    Chuẩn bị một đôi giày chạy tốt. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chạy bộ bằng chân trần là hình thức giảm thiểu chấn thương tốt hơn cả giày chạy, cho dù là loại giày đắt tiền nhất.[1] Tuy nhiên bạn không nên chạy bộ bằng chân trần ngoài đường, trừ phi là khi phải rượt theo một đứa nhóc hay nhặt thịt viên vừa bị rơi. Thế nên hãy chọn một đôi giày có thể tạo hiệu ứng như khi chạy chân trần. Nếu bạn sẵn sàng chi cho những đôi giày xỏ ngón như Vibrams thì tốt, nhưng ngoài ra còn có những loại giày tối giản không xỏ ngón khác. Một đôi giày tốt sẽ không gây gián đoạn dù bạn chạy kiểu nào.

    Tyler Courville, vận động viên chạy địa hình, cho biết: “Chọn đúng loại giày bạn thích rất quan trọng. Nó tạo nên sự khác biệt đấy. Nhiều cửa hàng thể thao có hỗ trợ quan sát cách bạn chạy rồi chọn giày phù hợp với bạn. Hãy thử chạy một, hai vòng để thử xem đôi nào hợp với bạn nhất.”

  3. 3
    Khởi động. Để tránh đau cẳng chân, căng cơ đùi sau hay một số chấn thương khác, hãy dành 5-10 phút để khởi động. Tuy nhiên, đừng khởi động bằng cách giãn cơ. Thực tế, bài khởi động dãn cơ tĩnh có thể khiến bạn đau.[2]
    • Thay vào đó, hãy khởi động cơ bằng các bài nâng tạ, đá chân, chùng chân, và các bài tương tự khác giúp dãn cơ bắp và đưa chúng vào guồng. Hãy để dành bài dãn cơ tĩnh sau khi chạy.
  4. 4
    Đứng thả lỏng. Đảm bảo cơ thể bạn đã linh hoạt và thư giãn, không bị gù. Cố giữ cho vai và tay được thả lỏng nhưng lưng phải thẳng.
    • Nhớ giữ cho cả đầu và cổ thư giãn. Nếu bạn gồng những bộ phận đó, cột sống và toàn bộ cơ thể sẽ bị tác động, khiến bạn sớm mệt.[3]
  5. 5
    Thở đều và sâu. Điều quan trọng là bạn phải thở với nhịp điệu có thể giúp oxy được bơm đều khắp cơ thể. Thay vì thở căng lồng ngực, bạn hãy thở bằng bụng. Hãy thở một cách có ý thức và hít hơi đầy bụng, sử dụng cơ hoành. Bằng cách thở này bạn sẽ nhận được nhiều oxy hơn, và cơ bắp (bao gồm cả tim) sẽ đỡ mệt.[4]
    • Đừng bận tâm việc thở bằng miệng hay mũi. Nhiều người chạy bộ thấy thở bằng miệng sẽ hít được nhiều oxy hơn, trong khi người khác thấy hít vào đường mũi, thở ra đường miệng lại hiệu quả nhất. Hãy thử và chọn cách phù hợp với bạn.[5]
    • Nếu chạy vừa sức, bạn sẽ có thể nói chuyện đơn giản với bạn cùng chạy mà không thở gấp. Nếu không làm được vậy thì tức là bạn đang chạy quá nhanh hoặc quá xa.
  6. 6
    Nhìn về phía trước. Giữ đầu thẳng, không nhìn lên hay nhìn xuống. Phóng tầm mắt xa 10m về phía trước nếu bạn định chạy khoảng 400m.[3] Nếu chạy trên máy tập, hãy cố gắng không nhìn xuống chân hay bảng điều khiển nhiều quá vì như vậy sẽ gây áp lực lên lưng.[6]
  7. 7
    Cử động cánh tay đúng. Giữ khuỷu tay gập một góc 90 độ, gần thân người. Nếu chạy đường xa thì giữ một góc 110 độ (ngoại trừ khi chạy lên dốc). Đánh tay trước và sau theo phía đối nghịch với chân chạy, tư thế này cung cấp xung lượng và tránh cơ thể bị xoắn khi chạy.
    • Đừng nắm chặt bàn tay. Điều này chỉ khiến bạn phí năng lượng và đổ mồ hôi lòng bàn tay. Hãy tưởng tượng bạn đang cầm vật gì đó rất mỏng manh và nếu bạn nắm chặt tay lại chúng sẽ vỡ.
    • Đừng đánh tay về phía trước bụng, tư thế này gây ra chuyển động xoắn, có thể gây chuột rút.[7]
  8. 8
    Tăng nhịp bước. Đặt mục tiêu 180 nhịp chân một phút. Cách đơn giản nhất để đạt được điều này là giảm quãng thời gian chân trên đất. Dù bạn đang đi bộ nhẹ nhàng hay đang chạy, điều này tùy thuộc vào bạn -- đừng ép bản thân, nếu không, bạn sẽ bị đau.
    • Tập vừa sức. Nếu bạn chưa thể chạy suốt 8 phút, cũng đừng tự ép mình. Tập luyện đòi hỏi thời gian. Điều tuyệt vời là bạn đã chịu xỏ giày và tập chạy. Bạn chỉ cần đặt mục tiêu tiến bộ từng chút một mỗi ngày thôi.
  9. 9
    Kiểm soát cách chân tiếp đất. Chân bạn nên tiếp đất ngay dưới thân người.[1] Hãy cố thực hiện động tác này khi chạy bằng máy ở gym hay chạy ngoài trời.
  10. 10
    Bắt đầu đi bộ tại chỗ, sau đó nghiêng người từ trục hông. Và thế là bạn bắt đầu chạy rồi đấy.
  11. 11
    Thư giãn và dãn cơ. Trước khi kết thúc buổi tập, bạn hãy từ từ chậm bước chạy, chuyển thành đi bộ, toàn bộ quá trình khoảng 5 phút. Bước này giúp tuần hoàn và hơi thở của bạn trở lại trạng thái bình thường sau khi chạy, giảm cường độ hoạt động của tim.
    • Bây giờ là lúc dãn cơ. Tập trung vào cẳng chân, cơ mông, cơ đùi sau vì đây là những bộ phận làm việc nặng nhất. Dãn cơ sau khi chạy là việc tối quan trọng, vì trong quá trình chạy, cơ bắp có xu hướng căng lên. Dãn cơ giúp cơ bắp thư giãn và trở lại trạng thái bình thường cho ngày hôm sau.
    Quảng cáo

Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 4:
Chạy nước rút (Tập ngắt quãng)

  1. 1
    Khởi động. Nếu bạn đã chạy được một vòng, hãy đi bộ một vòng rồi chạy thư giãn một vòng nữa. Lúc này tâm trí và cơ thể bạn đang được làm dịu để chuẩn bị cho vòng chạy nước rút.
    • Như đã nói ở phần trên, đừng dãn cơ ngay mà hãy để sau khi chạy. Khởi động các cơ bắp chủ chốt và chân, nhưng không được dãn cơ mà hãy tập các bài chùng chân, nâng tạ.
  2. 2
    Chạy hết tốc lực. Chiều dài quãng chạy nước rút tùy thuộc vào sức của bạn -- bạn muốn đo bằng quãng đường hay thời gian? Nếu bạn tập luyện ngắt quãng (một cách tập luyện hay) thì hãy nhắm mục tiêu nước rút khoảng 30 giây.
    • Tập ngắt quãng là cách tập phổ biến. Nếu bạn đang tìm cách tiêu hao calo nhanh trong thời gian ngắn hoặc nếu bạn có ít thời gian tập luyện thì đây là cách hữu hiệu. Tất cả những gì bạn cần làm đó là chạy NHANH HẾT MỨC trong vòng 30 giây, chạy chậm lại trong một phút rồi lặp lại bài chạy. Cứ tiếp tục như thế trong 15 phút, tự điều chỉnh tùy theo sức của mình.[8] Sau đó bạn được phép kết thúc buổi chạy và nạp năng lượng.
  3. 3
    Chạy nhanh hơn bằng cách vận dụng toàn thân. Có hai cách để chạy nhanh hơn: dùng trục thân thể và dùng cánh tay. Bạn có thể dùng toàn thân làm lợi thế khi đến vòng chạy nhanh hơn.
    • Bạn sẽ thấy rằng việc ngả người một chút về phía trước sẽ giúp bạn chạy nhanh hơn nhằm cân bằng với trọng lượng cơ thể. Cách này hữu hiệu khi chạy đường dốc, nhưng có thể dẫn đến chấn thương. Bạn có thể nghe theo lời khuyên này nhưng hãy cân nhắc điều kiện của mình.[9]
    • Để giúp trục cơ thể nghiêng về trước, hãy dùng cánh tay để tạo xung lượng. Giữ hai cánh tay đánh thẳng về phía trước, ngược chiều với chân chạy. Đừng gồng tay hoặc nâng vai.[9]
  4. 4
    Chạy chậm lại. Sau khi chạy nước rút, hãy chậm lại dần rồi đi bộ. Bước này nhằm đưa mức oxy về lại bình thường, chuẩn bị cho đường nước rút tiếp theo.
    • Nếu thấy đau, hãy dừng lại. Cơ thể bạn đang kháng cự rằng không nên tiếp tục chạy như vậy dù bạn muốn. Thà biết dừng đúng lúc để giữ sức khỏe về sau còn hơn cố quá sẽ thành quá cố.
  5. 5
    Uống nước. Nếu bạn cần tiếp nước giữa mỗi đợt nước rút, hãy nhấp từng ngụm nhỏ thôi. Đừng nốc vội hoặc uống ngụm to, uống quá nhiều nước giữa buổi chạy sẽ gây xóc hông.
    • Như đã nói, cấp nước rất quan trọng khi chạy. Nếu thiếu nước, bạn sẽ chóng mặt hoặc thậm chí xỉu. Nếu bạn không uống nước giữa đường chạy thì hãy đảm bảo uống đủ trước và sau khi chạy.
  6. 6
    Thư giãn và dãn cơ. Nhẹ nhàng dãn cơ sau khi chạy nước rút để tránh chuột rút và đau cẳng chân. Bạn có thể thực hiện lại bài khởi động nhưng ở mức nhẹ nhàng hơn kèm bài dãn cơ.
    • Đi bộ một chút ngoài đường chạy hoặc đi bộ trên máy thêm khoảng 1 phút. Trái tim bạn sẽ phải làm việc cật lực để cơ thể tăng tốc cả khi chậm lại, nên để nó giảm nhịp đập từ 140 xuống 60 cũng khó khăn như tăng nhịp từ 60 lên 140 vậy. Chúng ta chạy bộ để được khỏe mạnh, nên hãy thực hiện đúng cách.
    Quảng cáo

Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 4:
Chạy đường trường

  1. 1
    Chọn đôi giày vừa chân. Đảm bảo giày chạy của bạn vừa chân và không quá chặt. Bạn sẽ không muốn bị mất tập trung vì những vết rộp giữa đường chạy. Càng chạy xa, bạn càng cần đôi giày tốt.
    • Nếu chạy mỗi ngày, giày của bạn sẽ chỉ duy trì được 4-6 tháng. Nếu đột nhiên thấy chân đau, đó là lúc bạn cần thay giày. Để tăng tuổi thọ của giày, bạn nên có hai đôi mang thay đổi, điều này giúp giày được thoát hơi ẩm cũng như giải nén đệm giày.
    • Có nhiều hiệu giày nhận đặt giày thiết kế riêng. Nếu có khả năng chi trả, bạn hãy cân nhắc đặt một đôi khít với đường cong và hình dáng bàn chân bạn.
  2. 2
    Nạp thêm carb. Nếu bạn định chạy 10 km hoặc hơn, tốt nhất nên nạp thêm carb một hoặc hai ngày trước đó. Nhưng phải nạp đúng cách nhé. Bạn không nên ăn nhiều chất xơ, đạm, hay béo. Và những gì bạn ăn cần dễ tiêu để tránh buồn nôn khi đang chạy.
    • Tortillas, bột yến mạch, bánh mì, bánh kếp, bánh quế, bánh mì, sữa chua, và nước trái cây đều là những lựa chọn tốt, hàm lượng carb cao, dễ tiêu hóa. Trái cây cũng có carb, nhưng lại nhiều chất xơ, nên nhớ gọt vỏ trước khi ăn.[10] Đừng cảm thấy tội lỗi, bạn sẽ đốt hết calo ngay sau đó mà.
    • Nhiều người chạy nghiêm túc có thói quen nạp năng lượng dạng gel (hay còn gọi là Gu, theo thương hiệu gel năng lượng). Cơ bản đó là đường và carb dạng gel, một số cũng có thể nhai. Nó bổ sung glucose và khiến bạn dồi dào năng lượng chỉ sau 20 phút. Nhiều người đã thử và xác nhận hiệu quả.[11]
      • Dùng gel khi bạn đang trong quá trình luyện tập. Bạn sẽ không muốn bao tử nhộn nhạo khi đang tham gia một đường đua dài đâu.
  3. 3
    Khởi động. Chạy với tốc độ thong thả trong vòng 10 phút và nhanh hơn trong 5 phút. Sau đó tập các bài khởi động (nâng gối, gót chạm mông, nhảy dây). Các bài tập này sẽ giúp bạn tuần hoàn tốt mà không tiêu hao năng lượng quá sớm. Khởi động thế này giúp bạn sẵn sàng và nhịp tim bắt đầu tăng dần lên.
    • Tập vùng cơ trung tâm. Dù bạn tập chạy nước rút hay đường trường, tầm quan trọng của khởi động các nhóm cơ này là như nhau.
  4. 4
    Kiểm soát tốc độ. Khởi đầu đường chạy dài, bạn thường đã sẵn sàng và háo hức lên đường. Bạn phóng như tên bắn… để rồi mất sức nhanh chóng. Thay vì chạy hết sức (như khi nước rút), bạn nên kiểm soát tốc độ sao cho có thể chạy đều, giúp bạn trụ lại đường đua lâu hơn.
    • Tự bạn biết sức của mình đến đâu. Trong quá trình luyện tập, nếu bạn thấy bản thân hoàn thiện thể lực và kỹ năng một cách từ tốn, tức là bạn đang tập luyện đúng cách. Mỗi người đặt mức kỳ vọng và tiến bộ khác nhau. Tốt nhất bạn nên thiết lập mục tiêu và nhắm đến nó.
  5. 5
    Đừng bỏ cuộc dù mỏi mệt. Khi thấy mệt, hãy cố tập trung vào mục tiêu khác, như chạy thêm nửa dặm nữa, hoặc tự thưởng bản thân sau khi hoàn thành.
    • Đối với những người mới tập chạy, đó là chạy được suốt 10 phút. Nếu bạn đo mục tiêu bằng thời gian, hãy thử đo quãng đường chạy được trong khoảng thời gian đó và nhắm đến mục tiêu thời gian cụ thể.
  6. 6
    Cấp nước. Điều quan trọng nhất là giữ cơ thể đủ nước trong suốt quá trình chạy. Nếu bạn chạy hơn 50 phút vào một ngày nóng bức, hãy dừng lại để uống. Tuy nhiên nếu bạn có đeo theo bình nước, thì chỉ nên nhấp từng ngụm nhỏ. Nốc nhiều nước khi đang chạy sẽ gây xóc hông và buồn tiểu.
    • Ướp lạnh nước nếu được. Nước càng lạnh càng dễ hấp thụ.[12] Bởi bạn sẽ đổ nhiều mồ hôi, nên bổ sung nước là điều cần thiết!
  7. 7
    Làm nguội. Kết thúc đường chạy, hãy chậm lại và đi bộ. Nhịp tim bạn nên xuống thấp gần bằng mức nghỉ ngơi sau khi dừng bước hoàn toàn. Nếu bạn đột ngột dừng lại như bị đâm vào tường, tim và cơ bắp sẽ rơi vào tình trạng báo động, xung đột. Đây là kiểu vận động dẫn đến chấn thương. Đừng thường xuyên lặp lại thói quen này khi tập luyện. Nếu bạn chạy 30 phút, thì hãy chạy đúng 30 phút và đi bộ thư giãn.
    • Và ở lần chạy sau, hãy đặt mục tiêu chạy lâu hơn hoặc nhanh hơn.
    Quảng cáo

Phương pháp 4
Phương pháp 4 của 4:
Tạo thói quen chạy bộ lâu dài

  1. 1
    Xem lại thực đơn. Về kỹ thuật thì nếu chọn chạy bộ, bạn có thể ăn bất cứ thứ gì bạn thích. Tuy nhiên, sẽ dễ chạy hơn và cảm thấy sảng khoái trong khi và sau khi chạy, nếu bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh. Dễ hình dung nhất đó là ăn uống như người tiền sử ấy, càng thuận tự nhiên càng tốt.
    • Cố hết sức tránh thực phẩm chế biến sẵn. Khẩu phần của bạn nên có lượng lớn rau và trái cây, với thịt nạc, sữa ít béo, cùng ngũ cốc nguyên hạt.[13] Nếu bạn muốn thấy sự biến đổi tích cực trong cơ thể, đây là bước cần thực hiện theo.
  2. 2
    Tập thể lực nếu mục tiêu của bạn là giảm cân. Nói thẳng ra, chạy bộ không giúp cơ thể bạn có 3 vòng mơ ước. Đúng là chạy bộ giúp giảm cân, đốt mỡ -- nhưng không may nó đốt cả cơ bắp. Nếu bạn chỉ chạy thôi thì sẽ có bộ dạng "ốm tích mỡ cục bộ".[14]
    • Bạn không cần phải tập thể lực quá mức và có khi không cần đến gym. Chỉ cần tập bài tập cơ trung tâm như plank cũng giúp bạn săn chắc phần thân trên. Duy trì lịch tập mỗi tuần 2-3 lần, cơ bắp bạn cần được phục hồi sau khi bị kéo căng vì chạy và còn phải tạo thêm sợi cơ mới.
  3. 3
    Tìm hiểu đường chạy. Khi bắt đầu chạy bộ, điều quan trọng là không được nản chí sớm. Nếu bạn thấy quá khó hay không vui, bạn sẽ sớm bỏ cuộc. Nếu chọn chạy trong gym, hãy chọn phòng gym nào tiện nghi và có thiết bị tốt.
    • Nếu chạy ngoài trời, hãy cân nhắc địa hình, cảnh quan, và mức độ. Bạn chạy trên nền đất, sỏi, hay đường nhựa. Khung cảnh có đủ đẹp cho bạn thư giãn? Nó là địa hình bằng phẳng hay phải lên dốc xuống đồi?
  4. 4
    Sắm sửa trang bị. Bạn cần một đôi giày tốt để chạy. Nếu ngân sách không cho phép mua một đôi đắt đỏ, về mặt kỹ thuật thì bạn cũng không cần lo. Bạn không cần giày đắt vẫn chạy được. Còn phái nữ thì cần mặc áo lót thể thao. CoolMax hay Dri-Fit là hai hãng sử dụng vải tổng hợp hút ẩm tốt (mồ hôi đấy) nếu bạn quan tâm vấn đề đó, còn nếu không bạn có thể chạy với trang phục khiến bạn thoải mái nhất.
  5. 5
    Tham gia câu lạc bộ. Nếu gần nhà bạn có câu lạc bộ chạy bộ, ba môn phối hợp, hay marathon, hãy tham gia. Việc được tiếp xúc với những người cùng chí hướng sẽ khiến bạn có thêm hứng thú -- và nhất là giữ bạn đi đúng hướng nếu bạn có bị nhụt chí. Đồng thời bạn sẽ có thêm bạn đồng hành mà không phải chạy một mình.
    • Nếu không biết tìm đâu câu lạc bộ như thế, hãy thử tra cứu trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ có những hội nhóm với những người chạy bộ nghiêm túc như bạn.
  6. 6
    Đăng ký một cuộc thi chạy. Giờ bạn đã là người chạy bộ thực thu, nên hãy đạt thành tựu gì đó cho sở thích mới này. Có rất nhiều cuộc thi chạy 5 và 10 km ngoài kia, chỉ cần dành ra 2 phút tra cứu là bạn có thể tìm được.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Nếu có thể, hãy tập chạy trên bề mặt mềm; chạy bộ trên đường ảnh hưởng không tốt cho đầu gối nếu bạn chạy mỗi ngày.
  • Nếu mục tiêu là cự ly, đừng bắt đầu chạy quá nhanh; bạn sẽ chóng mệt.
  • Nếu bạn muốn tăng sức bền, đừng đi bộ mà hãy chạy thong thả.
  • Vui là chính! Chạy bộ nên khiến bạn thấy vui nếu bạn thường xuyên chạy. Còn nếu không hãy thử môn thể thao khác để xem bạn thích gì hơn.
  • Tập trung vào hơi thở. Cố gắng thiết lập kiểu thở của mình. Ví dụ, hít vào 3 bước, thở ra 2 bước. Cố tránh thở kiểu hít vào 2 bước, thở ra 2 bước, bởi cách thở này khiến bạn tiếp đất bằng cùng một chân khi thở ra, gây sốc cho một bên cơ thể.
  • Đảm bảo nạp nước 10-20 phút trước khi chạy để tránh xóc hông.
  • Nếu bị chuột rút, hãy đi bộ. Giơ tay qua đầu và hít thở. Điều quan trọng là cơ bắp được kéo căng. Chuột rút xảy ra do nhiều yếu tố (mệt mỏi là một trong số đó), nhưng nguyên nhân trực tiếp là cơ bắp bị kích thích và co bóp quá mức. Xoa và massage vùng cơ đó để giảm chuột rút. Chú ý thúc đẩy lưu thông máu để kiểm soát sự mất cân bằng gây ra chuột rút.
  • Thay đổi lịch trình cũng như địa điểm chạy. Nếu không bạn sẽ dễ bị chán, từ đó thiếu năng lượng và đam mê để chạy.
  • Nếu bị đau cơ bắp, hãy thử phương pháp R.I.C.E, đó là viết tắt cho rest (nghỉ ngơi), ice (chườm đá), compression (băng bó), elevation (kê chân bị nhức lên cao hơn). Nếu bạn không thích ngồi một chỗ chườm đá thì hãy thử bật vòi sen chế độ nước lạnh và xịt vòi vào chỗ cơ bị đau khoảng một phút sau khi tập.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có kế hoạch chạy bộ nghiêm túc nếu cơ thể chưa quen vận động.
  • Nếu chạy trên địa hình cát, hãy thử chạy chân trần, điều này sẽ giúp chân khỏe mạnh.
  • Khi chạy lên dốc, hãy nghiêng người theo con dốc. Chạy bước ngắn, đánh tay nhiều hơn vá nâng đầu gối cao hơn.
  • Lập mục tiêu cho bản thân.
  • Hít vào đường mũi và thở ra đường miệng. Bước này giúp miệng không bị khô. Nếu uống quá nhiều nước trước khi chạy, bạn sẽ bị xóc hông. Hãy hớp từng ngụm nhỏ.
  • Chạy theo lối cạnh tranh sẽ rất căng thẳng. Hãy tập trung vào bản thân và cố hết sức thay vì lo lắng việc người khác đang làm.

Cảnh báo

  • Đừng uống nước tăng lực, cà phê, hay mọi đồ kích thích trước khi chạy. Ngay cả trà cũng không tốt. Cà phê làm bạn háo nước và tăng nguy cơ ngưng tim/sốc nhiệt. Đừng quá sức, sẽ gây hại cho bản thân.
  • Đừng dùng một đôi giày chạy lâu quá 3-4 tháng nếu bạn chạy thường xuyên. Điều này khiến bạn dễ bị chấn thương, bởi chất liệu của đôi giày bị xuống cấp dần dần nếu bạn chạy càng nhiều.
  • Cẩn thận người xung quanh khi chạy. Bạn có thể vô tình tông phải người khác hoặc thậm chí làm bản thân bị thương.
  • Nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi điều độ để tránh chuột rút và đau nhức.
  • Đừng căng cơ quá đà. Dãn cơ quá đà sẽ khiến bạn khó đi lại hay chạy trong vòng 24 tiếng.
  • Luôn luôn dãn cơ sau khi chạy, nhất là khi chạy nước rút.

Về bài wikiHow này

Kai Ng
Cùng viết bởi:
Huấn luyện viên chạy bộ
Bài viết này có đồng tác giả là Kai Ng, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể. Bài viết này đã được xem 2.080 lần.
Ngôn ngữ khác
Trang này đã được đọc 2.080 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo