Bài viết này đã được cùng viết bởi Pippa Elliott, MRCVS. Elliott là bác sĩ thú y với hơn ba mươi năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thú y và điều trị bệnh cho thú cưng. Cô tốt nghiệp Đại học Glasgow năm 1987 với bằng bác sĩ phẫu thuật thú y. Cô đã làm việc tại một phòng khám thú y tại quê nhà hơn 20 năm.
Có 9 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 3.071 lần.
Những chú thỏ lùn trông rất đáng yêu, nhưng bạn sẽ có nhiều việc phải làm khi muốn nuôi chúng làm thú cưng. Cũng như nuôi bất cứ loài vật nào khác, công sức bạn bỏ ra sẽ đem lại phần thưởng xứng đáng cho bạn và thỏ cưng của bạn. Khi nuôi thỏ lùn, bạn cần cho chúng một chỗ ở thoải mái và thức ăn phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng phải luyện cho thỏ dùng khay vệ sinh, biết cách bế thỏ, chải chuốt cho chúng thường xuyên và tìm trò tiêu khiển cho chúng. Cuối cùng, chú thỏ của bạn cũng cần được triệt sản và chăm sóc thú y thường xuyên.
Các bước
Cung cấp chỗ ở và thức ăn cho thỏ
-
1Mua chuồng thỏ đặt trong nhà hoặc ngoài trời. Một số người thích cho thỏ tự do lang thang khắp nơi trong nhà, nhưng có thể đây không phải là lựa chọn phù hợp với bạn. Dù gì thì chú thỏ của bạn cũng cần có chuồng. Chuồng thỏ phải được đặt ở nơi an toàn và không bị quấy rầy, có kích thước tối thiểu 0,6m x 1,2m. Đáy chuồng có thể làm bằng nhựa hoặc gỗ (không dùng lưới sắt vì nó sẽ làm tổn thương chân thỏ). Rải một lớp lót dày khoảng 5 cm dưới đáy chuồng.
- Mỗi chú thỏ cần có một khay vệ sinh, hộp trú ẩn, bát ăn, máng cỏ và chai nước đặt trong chuồng. Mỗi vật dụng cần có số lượng nhiều hơn một để thỏ khỏi phải tranh giành nhau. Trong chuồng thỏ cũng luôn luôn phải có cỏ khô Timothy và nước sạch.
- Cho thỏ ăn viên nén cỏ khô Timothy và rau mỗi ngày một lần tuỳ theo kích thước, độ tuổi và cân nặng của thỏ.
-
2Dựng hàng rào quây cho thỏ vận động. Bạn có thể dựng hàng rào quây trên bãi cỏ ngoài trời không dùng phân bón và không có các động vật khác cùng sử dụng bãi cỏ. Bạn cũng có thể thiết kế một khu vực kín trong nhà để cho thỏ chơi. Nếu sử dụng hàng rào quây trong nhà, bạn nên tìm đọc cách cải tạo nhà để bảo vệ thỏ và đồ đạc trong nhà.
- Nếu cho thỏ ra ngoài trời chơi, bạn đừng bao giờ để thỏ một mình mà không trông chừng. Nhiều động vật săn mồi có thể dễ dàng bắt được thỏ.
- Tắm nắng đôi chút sẽ có lợi cho thỏ, vì khi đó cơ thể chúng sẽ tạo ra vitamin D vốn rất cần thiết để xương được chắc khoẻ. Tuy nhiên, bạn đừng để thỏ ngoài trời quá lâu khi trời nắng nóng, vì thỏ có thể bị quá nhiệt.
-
3Đặt khay vệ sinh trong chuồng thỏ. Thỏ có thói quen đi tiêu tiểu ở cùng một khu vực chứ không đi lung tung khắp nơi. Bạn hãy đặt khay vệ sinh vào chuồng thỏ ở nơi mà bạn thấy có phân và nước tiểu của thỏ nhiều nhất. Như vậy, chuồng thỏ sẽ sạch hơn, và việc dọn rửa chuồng cũng dễ dàng hơn cho bạn.
- Chọn vật liệu hữu cơ làm từ cỏ linh lăng, yến mạch hoặc giấy để cho vào khay vệ sinh của thỏ.
- Không dùng vỏ bào các loại gỗ mềm, vì vật liệu này có thể gây tổn hại cho gan của thỏ.
- Rửa khay vệ sinh bằng giấm.
- Chú thỏ của bạn sẽ dễ dàng chịu dùng khay vệ sinh hơn nếu nó đã được triệt sản và khay vệ sinh đặt ở nơi yên tĩnh, an toàn.[1]
-
4Liên tục cung cấp cỏ khô cho thỏ. Cỏ khô là thành phần chính trong chế độ ăn của bất cứ loài thỏ nào. Chú thỏ của bạn phải luôn luôn được tiếp cận nguồn cỏ khô mới và không giới hạn. Đừng dùng cỏ linh lăng vì nó không tốt cho thỏ. Bạn nên chọn cỏ khô Timothy hoặc một số loại cỏ khô khác cho thỏ ăn.
-
5Cho thỏ ăn thức ăn viên của thỏ mỗi ngày. Chọn thức ăn viên dành cho thỏ nhãn hiệu chất lượng cao, không trộn thêm các loại hạt hoặc đường. Tránh dùng thức ăn viên dạng trộn nhiều thứ khác nhau, vì chú thỏ của bạn sẽ chỉ chọn món nó thích, lâu dần có thể dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất. Bạn nên cho thỏ ăn ¼ cốc (15 g) thức ăn viên cho mỗi 2,3 kg trọng lượng thỏ. Cỏ khô Timothy là thích hợp cho thỏ trên 7 tuần tuổi.
- Thay thức ăn của thỏ mỗi ngày hai lần để thức ăn được tươi mới.
-
6Cho thỏ ăn rau quả tươi. Bạn nên cho thỏ ăn 2 cốc (70 g) rau xanh mỗi ngày. Một mẩu cà rốt, táo (bỏ hạt), chuối, hoặc dâu là những món phần thưởng tuyệt vời cho chú thỏ lùn của bạn. Nhớ tìm xem loại hoa quả hoặc rau củ nào an toàn cho thỏ, vì một số rau quả có thể gây độc.Quảng cáo
Huấn luyện thỏ đi vệ sinh
-
1Sử dụng vật liệu vệ sinh dành cho thỏ. Sản phẩm này thường làm từ ngũ cốc hoặc giấy, có dạng viên. Vật liệu này không chỉ hút nước tiểu và phân thỏ mà thỉnh thoảng thỏ cũng có thể gặm nhấm được.[2]
- Bạn có thể mua sản phẩm này ở tiệm thú cưng hoặc mua trên mạng.
Lời khuyên: Thỏ có thể nghịch khay vệ sinh và làm văng tung toé ra ngoài. Mặc dù có phiền toái, nhưng bạn đừng quên là chú thỏ của mình chỉ đang vui chơi.
-
2Đặt khay vệ sinh ở nơi thỏ đã đi tiểu. Chú thỏ của bạn theo bản năng sẽ chọn một chỗ để đi tiểu, vì vậy bạn hãy đặt khay vệ sinh ở đó. Thông thường vị trí này sẽ góc chuồng cách xa chỗ để thức ăn. Nếu bạn đặt khay vệ sinh vào chỗ thỏ đã đi vệ sinh thì nó sẽ muốn đi vào đó.[3]
- Bạn nên đặt khay vệ sinh trong chuồng và cả trong sân chơi của thỏ để khuyến khích nó luôn luôn dùng khay vệ sinh.
- Nếu chú thỏ của bạn không dùng khay vệ sinh, bạn cần tìm xem nó đi vệ sinh ở đâu, sau đó chuyển khay đến đó.
-
3Cho một ít chất thải của thỏ vào khay vệ sinh. Xúc một ít phân và nước tiểu của thỏ cho vào khay vệ sinh. Thỏ sẽ ngửi thấy mùi nước tiểu trong khay và biết là có thể đi vệ sinh trong đó.[4]
- Bạn chỉ cần một chút chất thải của thỏ là đủ để hướng dẫn nó.
Quảng cáo
Bế thỏ
-
1Tiếp cận thỏ chậm rãi và hạ người xuống thấp. Trong môi trường hoang dã, thỏ là con mồi bị săn đuổi, do đó chúng rất dễ hoảng sợ. Bạn đừng làm thỏ giật mình hoặc lờn vờn bên trên nó. Thay vào đó, hãy hạ người thấp xuống ngang với thỏ và từ từ tiến lại gần nó. Khi tiếp cận thỏ, bạn nên nói chuyện bằng giọng dịu dàng để nó biết là bạn đang đến.[5]
- Bạn có thể nói “Chào thỏ cưng. Đừng sợ nhé.”
-
2Hạn chế nhấc thỏ lên. Loài thỏ không thích bị nhấc lên cho lắm, cũng không thích được bế ẵm hoặc vuốt ve, vậy nên bạn càng ít làm vậy càng tốt. Chú thỏ của bạn thường sẽ nhảy ra, nhưng dần dần khi đã tin tưởng, nó có thể chịu ngồi yên trong lòng bạn. Nếu có nhấc thỏ lên, bạn nên làm cho nó yên tâm bằng cách dùng một tay đỡ hai chân sau của thỏ, tay kia áp nhẹ nó vào ngực bạn.
- Đừng bao giờ nhấc lên thỏ lên bằng cách túm tai nó.[6]
-
3Đặt tay dưới bụng và mông thỏ khi nhấc thỏ lên. Nhớ đỡ mông thỏ để nó không giãy đạp. Thỏ có bản năng đạp hai chân sau để thoát ra khi bạn nhấc nó lên, nhưng động tác này có thể làm tổn thương cột sống của thỏ, dẫn đến nguy cơ chấn thương nặng.[7]
- Luôn đặt một tay dưới mông thỏ khi bế nó.
-
4Bế thỏ sát vào người bạn để nó có cảm giác an toàn. Đừng quên, chú thỏ của bạn vốn bé nhỏ và nhút nhát. Thường thì nó sẽ sợ hãi khi bạn nhấc nó lên khỏi mặt đất. Hãy áp sát chú thỏ vào người bạn để nó cảm thấy an toàn và bớt quẫy đạp.[8]
Lời khuyên: Đừng cố bế thỏ lên khi bạn chưa biết chắc là nó đã tin tưởng bạn. Nếu chú thỏ của bạn hoảng sợ, bản năng sẽ thúc giục nó làm đủ mọi cách để thoát thân, bất chấp nguy cơ chấn thương.
-
5Ngồi xổm để đặt thỏ xuống. Đừng giơ cánh tay xuống, vì chú thỏ của bạn có thể rất hoảng sợ khi bị thả xuống như vậy. Ôm thỏ sát vào người và ngôi xổm xuống sát mặt đất, sau đó từ từ hạ cánh tay xuống và thả thỏ trên mặt đất sao cho an toàn.[9]
- Tránh để thỏ nhảy ra khỏi cánh tay bạn, kể cả khi ở dưới thấp. Điều này làm tăng nguy cơ làm thỏ bị thương.
Quảng cáo
Chải chuốt cho thỏ
-
1Kiểm tra vùng đuôi thỏ hàng ngày. Quan sát lông thỏ xem có dính nước tiểu hoặc phân không, vì ruồi có thể đẻ trứng vào đó và nở thành giòi, nhất là khi thời tiết ấm áp. Dùng giẻ ẩm lau sạch cho thỏ nếu thấy bẩn, sau đó kiểm tra xem có cần thay khay vệ sinh của thỏ không.[10]
- Nếu thấy phân thỏ mềm hoặc lỏng, bạn hãy đem thỏ đến bác sĩ thú y.
-
2Chải lông cho thỏ 2-3 lần mỗi tuần bằng bàn chải mềm. Mỗi giống thỏ lùn có một kiểu lông khác nhau, do đó việc chải lông có thể rất quan trọng hoặc không bắt buộc, tuỳ vào loại lông của chú thỏ bạn đang nuôi. Nếu là thỏ lông dài, bạn cần làm sạch và gỡ rối lông cho nó thường xuyên để thỏ khỏi bị nhiễm bệnh. Nếu là thỏ lông ngắn, bạn vẫn nên chải lông cho nó để thỏ cảm thấy dễ chịu và gắn bó.[11]
-
3Làm vệ sinh tai cho thỏ hàng tuần bằng cách loại bỏ các mẩu vụn và lau sạch. Kiểm tra xem tai thỏ có các mẩu vụn như cỏ khô hoặc lớp lót đáy chuồng không. Dùng tay hoặc lược khít nhẹ nhàng loại bỏ các mẩu vụn, sau đó dùng khăn sạch và ẩm lau tai cho thỏ, cả bên trong và bên ngoài. Cuối cùng là lau khô tai cho thỏ bằng vải mềm, sạch.[14]
- Nhặt hết các mẩu vụn trong tai thỏ mỗi lần bạn trông thấy.
-
4Cắt móng chân cho thỏ. Cắt móng chân cho thỏ bằng dụng cụ bấm móng sắc chuyên dành cho thỏ khi móng mọc dài. Dùng khăn bọc thỏ lại trong khi cắt móng để bạn có thể giữ chặt nếu nó giãy giụa. Nếu không chắc phải bấm móng cho thỏ như thế nào mới đúng, bạn hãy đem thỏ đến bác sĩ thú y.
- Chú thỏ của bạn có thể bị tổn thương nghiêm trọng nếu bạn cắt móng cho nó mà chưa được học cách làm. Hãy nhờ bác sĩ thú y hướng dẫn trước khi bạn tự bấm móng cho thỏ. [15]
- Tuyệt đối không tự mài răng thỏ khi chúng mọc quá dài. Bạn có thể làm thỏ bị thương nặng nếu lỡ tay mài quá nhiều. Bạn cần đưa thỏ đến bác sĩ thú y để họ mài răng cho thỏ bằng đá mài chuyên dụng.
Quảng cáo
Cung cấp trò tiêu khiển cho thỏ
-
1Cho thỏ các món đồ chơi của thỏ, đồ chơi dành cho chim hoặc đồ chơi nhựa cứng của em bé. Thỏ là loài vật thông minh nên chúng cũng dễ buồn chán. Bạn có thể mua vui cho chúng bằng các loại đồ chơi thú vị như lục lạc, chùm chìa khoá nhựa và bóng nhựa. Chọn những món đồ chơi có thể lăn trong chuồng cũng như đồ chơi treo trên nóc chuồng và cạnh chuồng.[16]
- Giữ các bộ đồ chơi để xoay tua hàng tuần. Như vậy, chú thỏ của bạn lúc nào cũng có đồ chơi khác nhau để chơi mà bạn không cần phải liên tục mua mới.
-
2Cho thỏ đồ chơi gỗ để gặm nhấm. Răng thỏ sẽ liên tục mọc dài ra, và bản năng của chúng là phải gặm nhấm thứ gì đó để mài cho ngắn bớt. Những món đồ chơi gỗ không độc là giải pháp hay cho việc này, vì chú thỏ của bạn sẽ có thứ để vừa tiêu khiển vừa chăm sóc răng.[17]
- Tìm mua đồ chơi gỗ tại cửa hàng thú cưng hoặc trên mạng. Chọn loại gỗ được dán nhãn dành cho động vật nhỏ để đảm bảo an toàn cho thỏ.
-
3Cung cấp các ống và hộp các-tông cho thỏ xé. Thỏ thích xé bìa các-tông, vì vậy bạn có thể mua vui cho chúng hàng giờ với các lõi cuộn khăn giấy và hộp giấy. Nhồi cỏ khô vào lõi giấy vệ sinh hoặc chỉ cần bỏ các lõi giấy vào chuồng cho thỏ chơi. Bạn cũng có thể làm một hộp trú ẩn cho thỏ bằng cách cắt rời đáy của hộp các-tông, sau đó cắt các cửa ra vào và cửa sổ.[18]
- Dọn dẹp các mẩu bìa cũ khi chúng bắt đầu lấm bẩn.
-
4Làm quả trứng nhồi gạo. Nhồi gạo vào quả trứng nhựa, dùng keo nóng gắn lại và cho thỏ chơi. Nó sẽ thích thú lăn quả trứng cho kêu lạo xạo. Tuy nhiên, có lẽ ban đêm bạn nên cất món đồ chơi này đi, vì chú thỏ của bạn sẽ lăn quả trứng kêu lọc xọc khiến bạn mất ngủ cả đêm.Quảng cáo
Triệt sản cho thỏ
-
1Hiểu về lợi ích của việc triệt sản thỏ. Cho dù chỉ nuôi một chú thỏ, bạn vẫn nên triệt sản cho nó để cải thiện sức khoẻ và tính khí của thỏ. Nếu nuôi nhiều hơn một con thỏ, bạn cần phải triệt sản cho từng con. Triệt sản cho thỏ đem lại các lợi ích như sau:[19]
- Giảm rủi ro thỏ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư cơ quan sinh sản
- Thỏ bớt hung hăng
- Thỏ gắn bó với người hơn
- Dễ huấn luyện cho thỏ dùng khay vệ sinh hơn
- Ngăn chặn hành vi xịt nước tiểu của thỏ đực
- Các cặp thỏ chung sống an toàn hơn
- Ngăn ngừa thỏ con ra đời ngoài ý muốn.
Lời khuyên: Trừ khi bạn có kế hoạch nhân giống thỏ, tốt nhất là bạn nên đem chúng đi triệt sản. Thỏ triệt sản sẽ hiền hơn và giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh. Lợi ích lớn nhất khi triệt sản thỏ cái là ngăn ngừa ung thư tử cung, một bệnh rất phổ biến.[20]
-
2Triệt sản cho thỏ lùn đực khi thỏ được 8-12 tuần tuổi. Tinh hoàn của thỏ bắt đầu tụt xuống khi chúng được 2-3 tháng tuổi. Đến lúc này, bạn có thể đem thỏ đến bác sĩ thú y để triệt sản. Việc triệt sản sớm giúp ngăn thỏ phát triển tính hung hăng và các hành vi chiếm hữu lãnh thổ như cắn, gầm gừ hoặc xịt nước tiểu.[21]
- Tách riêng thỏ đực và thỏ cái khi tinh hoàn của thỏ đực bắt đầu tụt xuống. Đừng cho chúng ở chung với nhau trở lại khi vết thương triệt sản của thỏ đực chưa lành.
-
3Triệt sản cho thỏ cái khi chúng được 4-8 tháng tuổi. Thỏ cái đạt đến tuổi trưởng thành giới tính khi được 4 tháng tuổi. Ttuy nhiên, bác sĩ thú y có thể khuyên bạn chờ đến khi thỏ được 6 tháng tuổi mới đem đi triệt sản để phẫu thuật an toàn hơn. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ để có quyết định đúng đắn cho thú cưng của mình.[22]Quảng cáo
Chăm sóc thú y
-
1Tìm một bác sĩ thú y chuyên về động vật nhỏ. Chú thỏ của bạn có nhu cầu khác với nhu cầu của chó và mèo, vì vậy bạn cần một bác sĩ thú y biết chăm sóc thỏ. Hãy tìm một bác sĩ chuyên điều trị động vật nhỏ, vì họ có kỹ năng chuyên môn cần thiết để chăm sóc thỏ. Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi bác sĩ thú y về bằng cấp và kinh nghiệm để đảm bảo họ có khả năng điều trị thỏ.
- Đừng ngại đặt câu hỏi với bác sĩ. Bác sĩ thú y cũng là người yêu động vật, do đó họ sẽ hiểu rằng bạn muốn tìm một bác sĩ giỏi nhất cho thú cưng của mình.
-
2Đưa thỏ đi tiêm phòng. Virus gây bệnh bại huyết ở thở là một loại virus có thể gây tử vong đã được đem đến các khu vực khác nhau để giữ cho số lượng thỏ khỏi vượt khỏi tầm kiểm soát. Để đảm bảo chú thỏ của bạn sẽ không nhiễm loại virus này, bạn cần cho thỏ tiêm vắc xin khi được 4 tuần tuổi, sau đó tiêm nhắc lại cách 6 tháng một lần đến suốt đời.[23]
-
3Loại bỏ ký sinh trùng. Thỏ thường chỉ bị nhiễm ký sinh trùng như bọ chét và ve/rận. Thuốc trị bọ chét không kê toa như Advantage hoặc Revolution là loại thuốc dễ sử dụng mà bạn có thể mua về trị bọ chét cho thỏ. Nếu chú thỏ của bạn thường gãi tai hoặc da vùng xung quanh vai bị khô thì có lẽ là nó có ve. Bạn hãy đem thỏ đến bác sĩ thú y để điều trị ve.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước khi cho thỏ uống bất cứ loại thuốc nào để biết liều lượng đúng. Nếu cho uống quá nhiều thuốc, bạn có thể gây hậu quả tai hại cho thỏ.[24]
- Chú thỏ của bạn sẽ nhiều nguy cơ nhiễm bọ chét hơn nếu bạn cũng nuôi các thú cưng khác (như chó hoặc mèo) đã nhiễm bọ chét trước đó.[25]
Quảng cáo
Cảnh báo
- Trẻ em dưới 9 tuổi cần được trông chừng mỗi khi chơi với thỏ.
- Đừng gây tiếng động lớn khi ở gần thỏ. Thỏ có đôi tai rất nhạy cảm.
- Đừng để thỏ ở gần các lỗ nhỏ và dưới gầm đồ đạc kẻo nó bị mắc kẹt hoặc đi mất.
- Cẩn thận với mọi thứ trong nhà có thể gây nguy hiểm cho thỏ lùn, chẳng hạn như dây điện và các khoảng trống nhỏ mà nó có thể bị mắc kẹt trong đó.
Những thứ bạn cần
- Chuồng thỏ rộng
- Lớp lót chuồng
- Hàng rào quây /khu vực kín dành cho thỏ
- Khay vệ sinh
- Cỏ khô
- Thức ăn viên cho thỏ
- Hoa quả và rau tươi
- Đồ chơi cho thỏ
- Dụng cụ bấm móng cho thỏ
- Bàn chải mềm
Tham khảo
- ↑ http://rabbit.org/faq-litter-training-2/
- ↑ https://rabbit.org/faq-litter-training-2/
- ↑ https://rabbit.org/faq-litter-training-2/
- ↑ https://rabbit.org/faq-litter-training-2/
- ↑ https://myhouserabbit.com/rabbit-care/handling-your-rabbit-correctly/
- ↑ https://pethelpful.com/rabbits/dwarf-rabbit-care
- ↑ https://myhouserabbit.com/rabbit-care/handling-your-rabbit-correctly/
- ↑ https://myhouserabbit.com/rabbit-care/handling-your-rabbit-correctly/
- ↑ https://myhouserabbit.com/rabbit-care/handling-your-rabbit-correctly/
- ↑ https://therabbithaven.org/rabbit-grooming-basics
- ↑ https://therabbithaven.org/rabbit-grooming-basics
- ↑ https://therabbithaven.org/rabbit-grooming-basics
- ↑ https://pethelpful.com/rabbits/dwarf-rabbit-care
- ↑ https://therabbithaven.org/rabbit-grooming-basics
- ↑ https://pethelpful.com/rabbits/dwarf-rabbit-care
- ↑ https://www.pdsa.org.uk/taking-care-of-your-pet/looking-after-your-pet/rabbits/preventing-boredom-in-rabbits
- ↑ https://www.pdsa.org.uk/taking-care-of-your-pet/looking-after-your-pet/rabbits/preventing-boredom-in-rabbits
- ↑ https://www.pdsa.org.uk/taking-care-of-your-pet/looking-after-your-pet/rabbits/preventing-boredom-in-rabbits
- ↑ https://rabbit.org/faq-spaying-and-neutering/
- ↑ https://www.vetwest.com.au/pet-library/rabbit-care
- ↑ https://rabbit.org/faq-spaying-and-neutering/
- ↑ https://rabbit.org/faq-spaying-and-neutering/
- ↑ https://www.wikihow.com/Preserve-Flowers
- ↑ https://therabbithaven.org/rabbit-grooming-basics
- ↑ https://www.vetwest.com.au/pet-library/rabbit-care