Bài viết này đã được cùng viết bởi Jeff Jensen. Jeff Jensen là chuyên gia về loài bò sát và chủ sở hữu của The Reptile Zone ở ngoại ô thành phố Bend, Oregon. Với hàng chục năm kinh nghiệm về bò sát và động vật hoang dã, Jeff chuyên tư vấn và hướng dẫn về cách chăm sóc bò sát. Vốn là một giáo viên dạy môn khoa học, nhân viên của Sở thú San Antonio và chuyên gia nghiên cứu bò sát, kiến thức Jeff cùng với việc kinh doanh bò sát một cách có đạo đức đã giúp The Reptile Zone được Intrepid Marketing trao giải thưởng “Mark of Excellence” vào năm 2018.
Bài viết này đã được xem 1.931 lần.
Trong vòng đời của mình, loài rắn cần thường xuyên lột xác để tiếp tục phát triển. Quá trình lột xác của rắn thường diễn ra trong vòng từ một đến hai tuần. Dù đây là một quá trình hoàn toàn tự nhiên, nhưng bạn cũng cần tuân thủ một số bước nhất định để chăm sóc cho rắn. Hãy cung cấp cho rắn một môi trường lý tưởng bằng cách bổ sung nước và tăng độ ẩm trong chuồng. Đặt thêm một chậu nước và vật liệu thô vào chuồng để hỗ trợ rắn thay da. Nếu phát hiện bất cứ biến chứng nào, chẳng hạn như rắn lột xác không sạch thì bạn cần nhờ bác sĩ thú y can thiệp.
Các bước
Tạo môi trường hỗ trợ rắn lột xác
-
1Tìm hiểu dấu hiệu rắn sắp thay da. Bạn cần tiến hành chuẩn bị trước khi quá trình lột xác của rắn bắt đầu. Để làm vậy, hãy chú ý quan sát rắn và để ý các dấu hiệu rắn sắp lột xác. Khi các dấu hiệu bắt đầu xuất hiện cũng chính là lúc bạn cần bắt đầu chuẩn bị.[1]
- Quan sát mắt rắn. Mắt rắn sẽ chuyển sang màu xanh đục trước khi bắt đầu lột xác.
- Bạn cũng cần lưu ý tới bộ da hiện tại của rắn. Khi chuẩn bị lột xác, da rắn sẽ trắng hơn.
-
2Tạo hộp lột xác ẩm ướt. Rắn cần một lượng lớn độ ẩm để lột xác thuận lợi. Bạn có thể cung cấp hộp lột xác để tăng độ ẩm trong môi trường sống của rắn. Hãy chuẩn bị một chiếc hộp, chẳng hạn như hộp đựng giày, sau đó chọc lỗ thông khí và đặt khăn giấy ẩm vào trong hộp.[2]
-
3Xịt nước ấm vào chuồng rắn. Bạn cũng có thể dùng bình xịt và xịt một ít nước ấm vào chuồng rắn để tăng độ ẩm hoặc xịt nước lên mình rắn ngay trước khi rắn lột xác nếu có thể.[3]
-
4Kiểm soát độ ẩm trong chuồng. Hãy theo dõi độ ẩm môi trường trong chuồng rắn. Bạn có thể dùng máy đo độ ẩm mua ở cửa hàng thú cưng hoặc cửa hàng thiết bị điện. Trong quá trình lột xác, độ ẩm trong chuồng rắn cần duy trì ở mức từ 50 đến 70%.[4] Nếu độ ẩm trong chuồng thấp hơn mức này, bạn có thể tăng độ ẩm bằng nhiều cách.[5]
- Đặt một đĩa nước lớn vào chuồng.
- Che nóc chuồng. Nếu chuồng rắn có nắp đậy bằng kính thì bạn có thể đậy một nửa để làm tăng độ ẩm.
- Rải giá thể vỏ thông trồng lan xuống đáy chuồng. Vỏ thông trồng lan thường giữ ẩm tốt hơn các loại sản phẩm khác.
Quảng cáo
Hỗ trợ rắn trong quá trình lột xác
-
1Đặt một chậu nước ấm vào chuồng rắn. Khi rắn bắt đầu lột xác, bạn sẽ thấy từng mảng da trên mình nó bong ra. Trong quá trình này, hãy thêm một chậu nước ấm vào chuồng rắn. Rắn có thể ngâm mình trong nước để da bong ra nhanh hơn.[6]
- Dùng chậu đủ to để rắn có thể nằm cả thân mình trong đó.
- Dùng lượng nước vừa đủ để rắn có thể làm ướt toàn bộ thân mình, tuy nhiên không quá nhiều để rắn không ngập cả cơ thể khi bò vào trong chậu.
-
2Thêm vật liệu thô vào chuồng rắn. Rắn có thể cọ cho lớp da bong ra bằng cách bò lên vật liệu nhám ráp. Các loại vật liệu thô ráp như cành cây và đá sẽ rất hữu ích cho quá trình lột xác của rắn. Bạn cũng có thể dùng vỏ cây, quả thông và các vật liệu thô dễ tìm khác.[7]
- Nếu rắn cọ mũi vào các vật thể trong chuồng thì có nghĩa là nó đang cọ cho lớp da bong ra. Khi phát hiện hành vi này thì bạn hãy nhanh chóng cho thêm vật liệu thô vào chuồng rắn.
-
3Cho rắn nằm giữa nhiều lớp khăn giấy. Nếu quá trình tự lột xác của rắn không thuận lợi, bạn có thể trợ giúp nó. Hãy làm ẩm nhiều lớp khăn giấy, sau đó đặt rắn nằm vào giữa. Để rắn trườn và vặn mình giữa các lớp khăn. Độ ẩm và sự cọ xát sẽ giúp rắn lột xác dễ dàng hơn.[8]
-
4Dọn dẹp chuồng rắn sau lột xác. Sau khi rắn lột xác xong, lớp da rắn bong ra sẽ rải khắp chuồng. Da rắn có thể chất thành nhiều đống nhỏ rải rác hoặc khô lại thành từng ống. Việc bạn cần làm là dọn sạch chúng.[9]
- Rắn thường sẽ bài tiết sau khi lột xác, vậy nên bạn hãy đi găng tay khi dọn chuồng rắn vì có thể bạn sẽ phải dọn cả chất thải của nó nữa.
-
5Cung cấp nhiều nước cho rắn. Sau khi lột xác, rắn cần một lượng nước rất lớn. Hãy chú ý đến đĩa nước của rắn và thêm nước thường xuyên. Bạn sẽ cần bổ sung nước cho rắn thường xuyên hơn trong khoảng một vài ngày sau khi nó lột xác.[10]Quảng cáo
Xử lý các biến chứng
-
1Đến gặp bác sĩ thú y nếu rắn lột xác không hoàn toàn. Dù nỗ lực hỗ trợ hết sức nhưng có thể rắn vẫn sẽ không lột được hết lớp da cũ. Nếu rắn không hoàn tất quá trình này trong vòng từ một đến hai tuần thì bạn hãy đưa nó đi khám thú y. Bác sĩ thú y sẽ giúp loại bỏ phần da chết còn lại và kiểm tra sức khỏe cho rắn. Các vấn đề gặp phải trong quá trình lột xác thường là do thiếu độ ẩm, tuy nhiên việc kiểm tra y tế sẽ giúp loại bỏ được các nguyên nhân sức khỏe tiềm ẩn khác.[11]
- Bạn đừng bao giờ tự mình bóc lớp xác còn sót lại trên mình rắn, đặc biệt là ở vùng quanh mắt và miệng.
-
2Tạo cho rắn môi trường không căng thẳng. Căng thẳng cũng là một nguyên nhân có thể dẫn đến sự lột xác không hoàn toàn. Nếu rắn lột xác không thuận lợi, bạn có thể thử giảm bớt căng thẳng cho nó. Hãy thiết kế cho rắn một môi trường sống chất lượng và hạn chế chạm vào nó.[12]
- Giữ độ ẩm ở mức độ thoải mái. Bạn cũng cần tạo cho rắn nhiều chỗ ẩn nấp trong chuồng. Rắn là loài thích sống một mình và khao khát một không gian riêng. Hãy để vào lồng rắn một vài chiếc hộp hoặc rào quây kín để nó có thể ở một mình.
- Không chạm vào rắn quá thường xuyên. Rắn có thể không thích bị đụng vào và nếu bị đụng chạm quá thường xuyên thì rắn sẽ cho rằng bạn là thú săn mồi. Đừng bế rắn quá 30 phút một lần, tối đa khoảng vài lần một tuần.
-
3Cho rắn khám thú y thường xuyên. Việc đi khám thường xuyên có thể giúp rắn lột xác thuận lợi hơn trong tương lai. Trong một vài tình huống hiếm gặp, tình trạng rắn khó lột xác có thể là do vấn đề nào đó về sức khỏe. Nếu cho rắn đi khám định kỳ, bác sĩ thú y sẽ giúp chẩn đoán và can thiệp kịp thời trước khi các vấn đề về lột xác xuất hiện. [13]Quảng cáo
Cảnh báo
- Tránh làm phiền rắn trong quá trình lột xác - bế và can thiệp không chỉ khiến rắn căng thẳng hơn mà còn có thể làm gián đoạn quá trình này. Rắn cũng sẽ trở nên hung hăng hơn khi đang lột xác.
- Rắn sẽ ốm yếu trong quá trình lột xác - không ăn, thay đổi về màu sắc và ngoại hình, và ẩn nấp nhiều hơn bình thường, tuy nhiên bạn chưa cần vội lo lắng mang nó đi gặp bác sĩ, lột xác là một quá trình tự nhiên và tất yếu mà rắt phải trải qua để tiếp tục phát triển.
Tham khảo
- ↑ http://www.animalhospitals-usa.com/reptiles/snakes/snake-shedding.html
- ↑ http://www.drsfostersmith.com/pic/article.cfm?aid=813
- ↑ http://www.drsfostersmith.com/pic/article.cfm?aid=813
- ↑ http://www.drsfostersmith.com/pic/article.cfm?aid=813
- ↑ http://www.lllreptile.com/articles/99-increasing-cage-humidity
- ↑ http://animals.mom.me/snake-shes-shedding-10413.html
- ↑ http://animals.mom.me/snake-shes-shedding-10413.html
- ↑ http://www.drsfostersmith.com/pic/article.cfm?aid=813
- ↑ http://www.animalhospitals-usa.com/reptiles/snakes/snake-shedding.html