Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Thật buồn là rất nhiều loài thú cưng nhỏ (đặc biệt là loài gặm nhấm) có vòng đời không dài, vậy nên chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để một ngày nào đó nói lời tạm biệt với chúng. Trung bình, chuột lang có thể sống từ 5 đến 8 năm nếu không bị bệnh hoặc bị thương nghiêm trọng.[1] Nếu chuột lang của bạn đang dần đi đến những phút cuối đời, có nhiều việc bạn có thể làm để giúp nó sống những giây phút cuối cùng này thoải mái nhất có thể.

Phần 1
Phần 1 của 3:

Nhận biết chuột lang sắp chết

  1. 1
    Đánh giá hành vi của chuột lang. Có một vài dấu hiệu có thể cho thấy thời gian sống của chuột lang sắp hết. Tuy nhiên, không có dấu hiệu về hành vi nào là chính xác 100%. Nhiều chuột lang không có biểu hiện hành vi nào bất thường, một số khác lại tỏ ra sắp chết nhưng vẫn sống thêm một thời gian khá dài sau đó. Một số dấu hiệu tiềm năng bao gồm:[2]
    • Chán ăn
    • Chậm chạp hoặc ít vận động
    • Bài tiết không kiểm soát
    • Hành vi kém hoạt bát
    • Thở nặng nhọc
  2. 2
    Ước lượng tuổi của chuột. Trừ khi bạn nuôi chuột lang từ khi mới sinh (hoặc nhận từ người nuôi nó từ nhỏ) thì nhiều khả năng bạn không biết chính xác nó bao nhiêu tuổi. Các dấu hiệu lão hóa thường xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong vòng đời của chuột lang, dựa vào đó, chúng ta có ước lượng được tuổi của chúng (và suy ra thời gian sống còn lại). Việc ước lượng này tốt nhất nên được thực hiện bởi bác sĩ thú y. Một số dấu hiệu lão hóa bao gồm:[3]
    • Ngón chân dày, vẹo vọ
    • Xuất hiện cườm mắt (mắt đục)
    • Xuất hiện khối u trên cơ thể hoặc đầu
    • Cứng khớp
  3. 3
    Chú ý dấu hiệu chậm chạp và mệt mỏi. Khi già đi (đặc biệt là khoảng một vài tuần trước khi chết), chuột lang thường trở nên ít lanh lợi và vận động chậm chạp hơn. Chuột lang không thể leo lên dốc hoặc đứng hay đi lại nhiều là dấu hiệu cho thấy cơ thể của nó đã rất yếu.[4]
    • Bạn cần luôn để ý tới mức năng lượng của chuột lang so với lúc nó còn trẻ và khỏe mạnh hơn. Một số chuột lang lúc nào cũng lười vận động; nếu thú cưng của bạn cũng vậy thì sự chậm chạp không phải là dấu hiệu cho thấy nó sắp chết.
    • Bị thừa cân cũng khiến chuột mệt mỏi. Bạn cần kiểm soát thức ăn, phần thưởng và giữ lượng thức ăn chuột nạp vào ở mức bình thường để giúp nó luôn khỏe mạnh.
  4. 4
    Gặp bác sĩ thú y. Nếu nghi ngờ chuột bị ốm, bị thương hoặc sắp chết, bạn hãy đưa nó đi khám thú y để được chăm sóc y tế. Ngoài việc điều trị để bảo vệ tính mạng cho chuột lang bị ốm, bác sĩ thú y sẽ đưa ra các ý kiến chuyên môn về tình trạng sức khỏe của chuột và những việc cần làm để giúp nó sống khỏe mạnh.
    • Đôi khi, chuột lang già hoặc bị bệnh giai đoạn cuối có thể phải chịu rất nhiều đau đớn (tùy vào loại bệnh); nếu bác sĩ thú y nói với bạn rằng chuột đang ở trong tình trạng như vậy, hãy cân nhắc xem cho chuột cái chết êm ái có phải là lựa chọn nhân đạo nhất hay không.[5]
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:

Giúp chuột lang thoải mái

  1. 1
    Cho chuột lang ở gần đồng loại. Chuột lang là loài vật có tính xã hội, vậy nên nếu nuôi nhiều hơn một chú chuột thì bạn cần tránh tách chúng ra khi một trong số chúng sắp chết. Làm vậy có thể khiến cả hai chú chuột lo lắng hoặc buồn bã, chắc chắn đó không phải là điều bạn muốn làm cho chú chuột cưng đang dần rời xa cõi đời.[6]
    • Bạn nên tách chuột lang đang ốm khỏi đồng loại nếu nó bị đau hoặc bị những chú chuột lang khác làm phiền. Bạn cần tự mình đưa ra quyết định cho phù hợp với từng tình huống cụ thể.
  2. 2
    Quấn chuột lại. Bạn hãy đặt một chiếc khăn nhỏ, nhẹ hoặc một mảnh vải lên mình, hoặc quấn quanh mình chuột lang để giúp nó giữ ấm và thư giãn. Khi cơ thể sắp ngừng hoạt động, chuột lang có thể sẽ không kiểm soát được việc bài tiết, do vậy bạn cần thay chăn thường xuyên để chuột luôn sạch sẽ và thoải mái.[7]
    • Rất nhiều loài vật (và cả con người) thường nhạy cảm hơn với cái lạnh khi già đi và cận kề với cái chết, vậy nên bạn hãy giữ nhiệt độ trong lồng chuột lang già ấm hơn trước đó một chút để chúng thoải mái hơn.
    • Hãy dùng chăn hoặc khăn quen thuộc với chuột lang để nó dễ chịu hơn.
  3. 3
    Hỗ trợ chuột thực hiện các nhu cầu cơ bản. Khi sắp chết, chuột lang sẽ rất yếu và không thể tự ăn hoặc uống. Bạn có thể giúp nó đi nốt chặng đường còn lại nhẹ nhàng hơn bằng cách cho chuột uống nước bằng thìa, ống tiêm hoặc chai nước; làm "sinh tố" cho chuột ăn bằng cách xay hoặc trộn đều cỏ khô, nước và cám viên.
    • Không ép chuột ăn hoặc uống nếu nó không muốn. Bạn chỉ cần giúp chuột tiếp cận với thức ăn và nước uống nếu nó không tự lấy được.
    • Đảm bảo thức ăn cho chuột được xay nhỏ để nó không phải dùng hết chút sức lực quý giá còn lại để nhai (mà có thể nó cũng chẳng nhai nổi).
  4. 4
    Thể hiện tình yêu thương. Bạn có thể nhẹ nhàng vuốt ve chuột lang để khiến nó dễ chịu và cảm thấy được yêu mến. Điều này sẽ giúp chuột biết rằng nó không cô đơn và không cần sợ hãi hay lo lắng. Nếu cầm chuột lang trên tay, bạn hãy đảm bảo là chuột lang thích điều đó và không khiến nó bị thương hay khó chịu.
    • Nhiều chuột lang thích được vuốt ve nhẹ nhàng ở trán. Nếu biết chuột lang của mình thích điều này, bạn hãy nhẹ nhàng vuốt ve như vậy khi nó dần lìa xa cõi đời.
    • Hãy để ý tới ngôn ngữ cơ thể hoặc âm thanh mà chuột phát ra để điều chỉnh hành động của bạn cho phù hợp, đừng để chuột bị đau.
  5. 5
    Tạo không khí yên bình. Chuột lang sẽ thoải mái chất trong không gian ấm áp và yên lặng với một chút ánh sáng dịu nhẹ, không quá sáng hay quá tối. Những âm thanh nhẹ nhàng, khoan thai, tự nhiên (chẳng hạn như tiếng chim hót hoặc tiếng suối chảy rì rào) sẽ giúp chuột thư giãn. Nhiều khi, cách tốt nhất là bạn nên cho chuột không gian một mình để nó có thể ra đi thanh thản. Đừng quên ghé thăm chuột thường xuyên để cho nó thức ăn và nước uống.
    • Nếu chuột đặc biệt yêu thích một món đồ chơi hay đồ vật gì đó, hãy đặt chúng ở cạnh chuột. Sự hiện diện của món đồ yêu thích này sẽ giúp chuột cảm thấy yên bình hơn.
    • Hãy chăm sóc chuột lang như thể chăm sóc một em bé đang ngủ, bất cứ thứ gì có thể khiến một em bé đang ngủ thức giấc cũng có thể sẽ khiến chuột lang khó chịu.
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:

Đối mặt với sự mất mát

  1. 1
    Quyết định cách xử lý thi thể chuột. Khi chuột lang chết đi, bạn cần chọn một cách để xử lý thi thể của nó, cách nào cũng được, miễn là đảm bảo vệ sinh và tránh xa tầm tay của trẻ em cũng như các thú cưng khác.[8]
    • Kết hợp xử lý thi thể chuột với các nghi lễ tưởng niệm và chôn cất có thể sẽ giúp bạn bớt đau buồn hơn.
    • Đảm bảo việc này không vi phạm pháp luật hoặc các quy tắc đảm bảo sức khỏe/an toàn. Ví dụ, bạn không được đào mộ cho chuột trên đất của người khác hoặc đốt lửa hỏa thiêu chuột ở nơi không được phép.
  2. 2
    Cho bạn của chuột biết là nó đã chết. Nếu chuột lang có bạn (chẳng hạn như một chú thỏ hoặc một chú chuột lang khác) bạn nên để chúng thấy thi thể của chuột. Rất nhiều loài động vật có thể nhận biết được là bạn của chúng đã chết, điều này đôi khi sẽ giúp chúng đối mặt với việc này một cách nhẹ nhàng hơn.
    • Nếu bạn mang chuột lang sắp chết ra khỏi chuồng và không bao giờ đưa nó trở lại, những thú cưng khác có thể trở nên lo lắng hoặc buồn rầu vì bị bạn của mình "bỏ rơi".
    • Nếu không cần thiết phải để thi thể của chuột lang đã chết một mình với những thú cưng khác, bạn chỉ cần cho chúng thấy và ngửi thi thể của bạn mình một chút là đủ.
  3. 3
    Tưởng niệm chuột lang. Bạn có thể làm điều này bằng nhiều cách; việc tưởng niệm sẽ vừa giúp bạn thừa nhận rằng chuột cưng của mình đã mất, vừa để trân trọng thời gian chuột đã ở bên mình. Bạn có thể làm những nghi lễ này riêng biệt hoặc thường xuyên để tưởng nhớ chuột lang, dù là cách nào thì điều quan trọng nhất là bạn cần cảm nhận được sự bình yên trong tâm trí. Bạn có thể tham khảo một vài cách sau:
    • Tổ chức chôn cất chuột lang
    • Chia sẻ những câu chuyện hài hước về chuột lang với gia đình và bạn bè.
    • Xem lại những bức ảnh cũ của chuột.
    • Trồng hoa hoặc cây để tưởng nhớ chuột.
  4. 4
    Biết rằng việc đau buồn là bình thường. Việc bạn đau khổ vì sự ra đi của con vật mà mình yêu mến là cảm xúc hoàn toàn tự nhiên. Bạn sẽ dễ dàng chấp nhận sự mất mát này hơn nếu cho phép bản thân mình đau buồn. Việc này thực sự không khác gì so với khi bạn phải đối mặt với sự ra đi của một người bạn hay người thân trong gia đình.
    • Hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ bạn bè, người thân hoặc những người đã từng trải qua sự việc tương tự; tránh tiếp xúc với những người không thấu hiểu được sự đau khổ của bạn hoặc coi nhẹ cảm xúc của bạn lúc đó.
    • Cho phép bản thân được buồn và đừng nghĩ rằng cảm xúc của bạn là "ngốc nghếch" hay "vô nghĩa".
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Hãy đưa chuột lang đi khám thú y khi nghi ngờ nó bị ốm hoặc bị thương. Bạn không nên viện lý do là nghi ngờ chuột cưng của mình sắp chết mà không cho nó được chăm sóc y tế và sống thoải mái hơn.
  • Chuột lang kêu rúc rích có thể là do nó không được quan tâm đầy đủ. Bạn hãy toàn tâm toàn ý quan tâm đến nó khi có thể.
  • Chuột kêu rừ rừ có thể là do nó đang giận giữ bạn của mình. Bạn có thể cho chuột ăn trên đùi mình và cho chuột thời gian cần thiết để bình tĩnh lại.

Cảnh báo

  • Đừng bao giờ nhận nuôi thú cưng khi bạn chưa tìm hiểu về những nhu cầu riêng biệt của chúng. Ví dụ, chuột lang cần rất nhiều vitamin C trong chế độ ăn vì chúng không thể tự tạo ra loại vitamin này.[9]

Bài viết wikiHow có liên quan

Chữa bệnh bong bóng ở cáChữa bệnh bong bóng ở cá
Nuôi nòng nọcNuôi nòng nọc
Chăm sóc cá bảy màuChăm sóc cá bảy màu
Cứu cá vàng sắp chếtCứu cá vàng sắp chết
Xác định Gà trống hay Gà máiXác định Gà trống hay Gà mái
Xác định ong chúa trong đàn ong mậtXác định ong chúa trong đàn ong mật
Nhận biết cá mang thaiNhận biết cá mang thai
Nuôi bọ ngựaNuôi bọ ngựa
Phân biệt cá vàng đực và cáiPhân biệt cá vàng đực và cái
Phân biệt giữa cóc và ếchPhân biệt giữa cóc và ếch
Chăm sóc rùa tai đỏChăm sóc rùa tai đỏ
Xác định Loại Thức ăn dành cho RùaXác định Loại Thức ăn dành cho Rùa
Nhận biết cá betta mắc bệnhNhận biết cá betta mắc bệnh
Loại bỏ ếch nháiLoại bỏ ếch nhái
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Pippa Elliott, MRCVS
Cùng viết bởi:
Bác sĩ thú y tại Royal College of Veterinary Surgeons
Bài viết này đã được cùng viết bởi Pippa Elliott, MRCVS. Bác sĩ Elliott là bác sĩ thú y với hơn ba mươi năm kinh nghiệm. Cô tốt nghiệp Đại học Glasgow năm 1987 và làm bác sĩ phẫu thuật thú y trong 7 năm. Sau đó, bác sĩ Elliott làm bác sĩ thú y tại một phòng khám trong hơn một thập kỷ. Bài viết này đã được xem 10.001 lần.
Chuyên mục: Động vật
Trang này đã được đọc 10.001 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo