Bài viết này có đồng tác giả là Robert Rybarski, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 13 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 1.089 lần.
Bếp là một trong các phòng thường được sử dụng nhiều nhất trong nhà, vì vậy việc giữ cho căn bếp sạch sẽ và an toàn cho bạn bè và gia đình là điều cần thiết. Cách tốt nhất để bếp luôn sạch sẽ là tạo thói quen lau rửa trong khi làm bếp và chú ý dọn dẹp hàng ngày để những thứ bừa bộn không dồn lại thành đống. Có nhiều việc cần làm để giữ an toàn trong bếp, bao gồm giữ vệ sinh tốt và xử lý thực phẩm đúng cách, cẩn thận khi nấu nướng và sử dụng đồ dùng nhà bếp.
Các bước
Phần 1
Phần 1 của 4:Dọn dẹp và sắp xếp căn bếp
-
1Lau dọn sạch sẽ sau mỗi bữa ăn. Căn bếp của bạn có thể sẽ rất bừa bộn sau khi nấu nướng và ăn uống. Một trong những cách tốt nhất để giữ sạch bếp là lau dọn thức ăn rơi vãi và rửa bát đĩa khi ăn xong. Như vậy, mọi thứ sẽ không bị chất đống, và bạn sẽ có căn bếp sạch sẽ khi bắt tay vào nấu nướng cho bữa sau. Dưới đây là những việc bạn cần làm sau mỗi bữa ăn:[1]
- Dọn dẹp bàn ăn
- Cho thức ăn thừa vào hộp có nắp đậy kín và cất trong tủ lạnh hoặc tủ đông
- Rửa, lau khô và cất hết bát đĩa
- Chạy máy rửa bát khi đã đầy
- Lau dọn vụn thức ăn rơi vãi, nước tràn đổ và những thứ dây bẩn trên bếp, bàn bếp, bàn ăn và sàn nhà
- Rửa sạch bồn rửa
-
2Lau chùi ngay khi đồ ăn thức uống rơi vãi. Một cách đơn giản khác để giữ cho bếp sạch và ngăn ngừa các vết ổ bẩn, nấm mốc và các vấn đề khác là xử lý ngay khi có sự cố tràn đổ. Nếu thức ăn bị đổ, bạn hãy dùng thìa hoặc khăn để xúc đi, sau đó lau sạch chất lỏng hoặc nước sốt còn lại bằng giẻ lau. Xịt nước tẩy rửa đa năng lên bề mặt vừa dọn và lau khô.
- Nếu những thứ bị đổ có cả thịt sống, bạn nên xịt nước khử trùng để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.
- Lau sạch chất lỏng bị tràn đổ trên sàn cũng là điều quan trọng để giữ an toàn, vì sàn ướt trơn trượt có thể gây nguy cơ té ngã.[2]
-
3Lấy bát đĩa ra khỏi máy rửa bát khi đã rửa xong. Máy rửa bát đựng đầy bát đĩa cũng có thể dẫn đến việc bồn rửa chất đầy bát đĩa bẩn, và thế là căn bếp trông sẽ rất bừa bộn. Để tránh cảnh tượng này, bạn hãy lấy hết bát đĩa trong máy cất vào chỗ của chúng. Như vậy, bạn có thể bỏ bát đĩa bẩn từ bồn rửa vào máy rửa bát để căn bếp được ngăn nắp gọn gàng.[3]
-
4Dọn sạch bàn làm bếp. Bàn làm bếp thoáng đãng cũng giúp cho căn bếp có vẻ gọn gàng, hơn nữa bạn cũng sẽ có chỗ rộng rãi để chuẩn bị thức ăn và làm những việc khác.[4] Sau đây là một vài gợi ý để giúp bạn dọn bàn làm bếp:
- Cất những thiết bị nhỏ như máy nướng bánh mì và máy pha cà phê vào tủ bếp
- Đựng những thứ không cần bảo quản lạnh trong bát đựng hoa quả và đặt trên bàn bếp.
- Dành một ngăn kéo để cất những thứ linh tinh thường dùng trong bếp như bút, giấy và thư từ
- Tim một nơi cố định cho mọi thứ như nồi niêu xoong chảo và dụng cụ làm bếp
- Cất tất cả các nguyên liệu nấu nướng trong tủ bếp, bao gồm những thứ thường dùng như bột và đường
-
5Thường xuyên làm vệ sinh máy huỷ rác. Máy huỷ rác thực phẩm có thể là nơi trú ngụ của các vi khuẩn nguy hại và bốc mùi kinh khủng, nhưng bạn có thể ngăn ngừa được điều này bằng cách làm vệ sinh định kỳ. Hãy thực hiện việc này mỗi tuần ít nhất một lần như sau:[5]
- Rót giấm trắng đầy khay làm đá viên
- Đổ muối nở xuống máy huỷ rác
- Mở vòi nước và cho máy huỷ rác chạy
- Đổ giấm trắng đã đông thành đá xuống máy huỷ rác
- Cho máy chạy đến khi muối nở và các viên giấm đông lạnh trôi đi hết
-
6Gắn các tấm lót ngăn tủ bếp trong tủ đựng bát đĩa và ngăn kéo. Các tấm lót ngăn tủ bếp là sản phẩm rất tiện lợi để giữ sạch bếp nhờ dễ dàng lau rửa và thay thế. Sản phẩm này không những đặc biệt quan trọng cho tủ đựng thức ăn mà còn giúp bảo vệ các ngăn kệ trong tủ bếp.[6]
- Để làm sạch các tấm lót, bạn cần dọn hết các thứ đựng trên kệ và xịt nước tẩy rửa đa năng lên bề mặt tấm lót, sau đó lau bằng giẻ sạch. Chờ cho tấm lót khô trước khi cất lại đồ lên kệ.
-
7Làm vệ sinh tủ lạnh và tủ đông. Tủ lạnh là nơi cất trữ hầu hết các loại thực phẩm, do đó bạn phải giữ cho vật dụng này được an toàn và sạch sẽ. Lau dọn ngay đồ ăn thức uống tràn đổ. Mỗi tháng một lần, bạn cần lấy hết thực phẩm trong tủ lạnh và ngăn đá ra để lau sạch các kệ, ngăn kéo và bề mặt bên trong bằng nước tẩy rửa đa năng. Lau khô các bề mặt và cất lại thức ăn vào tủ lạnh.[7]
- Để hút mùi trong tủ lạnh, bạn hãy cho một hộp muối nở mở nắp hoặc một bát đựng hạt cà phê vào tủ.
-
8Quét sàn nhà hàng ngày. Sàn nhà bếp rất nhanh bẩn vì bụi đất, vụn bánh, thức ăn và các thứ khác. Để sàn bếp được sạch sẽ, bạn hãy quét hoặc hút bụi mỗi tối sau bữa ăn cuối trong ngày, hoặc mỗi buổi sáng trước khi ăn bữa sáng.[8]
- Quét dọn thường xuyên cũng là cách để giảm thiểu bụi bặm và các tác nhân gây dị ứng trong nhà.
-
9Lau sàn nhà hàng tuần. Ngoài vệc quét dọn hàng ngày, bạn cũng nên lau sàn mỗi tuần cho sạch sẽ. Những thứ như bụi bẩn, vệt nước đổ, những chỗ dính và những vết bẩn khác trên sàn sẽ sạch trở lại sau khi lau. Bạn hãy pha nước xà phòng trong xô và dùng miếng bọt biển hoặc cây lau nhà để lau sạch sàn bếp.
- Chờ cho sàn khô hẳn trước khi bước trên mặt sàn để tránh trượt ngã hoặc để lại dấu chân. Đảm bảo sàn nhà không có thứ gì gây rủi ro vấp ngã khi đi lại, chẳng hạn như thay tấm trải sàn nếu nó bị rách.
Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 4:Chú ý xử lý rác
-
1Chọn thùng rác và thùng đựng vật liệu tái chế có kích thước phù hợp. Mỗi gia đình có nhu cầu riêng về thùng đựng rác và vật liệu tái chế. Hãy thay thùng rác lớn hơn nếu bạn thấy rác nhà mình thường đầy tràn, các thứ trong thùng tái chế hay rơi ra ngoài và dễ gây va đụng, hoặc bạn phải vứt rác hàng ngày.[9]
-
2Đem rác và vật liệu tái chế ra ngoài khi đã đầy thùng. Để giữ cho căn bếp sạch sẽ, không có giòi bọ và không bị bốc mùi, bạn hãy buộc kín túi rác và đem ra ngoài sân hoặc khu vực nào đó trong khi chờ thu gom rác.[10]
- Sau khi đem rác ra ngoài, bạn hãy lau sạch cả bên trong và bên ngoài thùng rác bằng nước tẩy rửa đa năng trước khi thay túi rác mới.
-
3Rửa và khử trùng thùng rác thường xuyên. Thùng rác là nơi chứa những thứ bỏ đi và rác thực phẩm nên thường phát sinh nấm mốc, vi khuẩn và bốc mùi hôi. Bạn cần phải rửa sạch và khử trùng thùng rác mỗi tháng một lần để thùng rác được sạch sẽ và vệ sinh. Để thùng rác thật sạch, bạn cần thực hiện các bước sau:[11]
- Dùng vòi xịt rửa thùng rác ngoài sân hoặc rửa trong bồn tắm
- Xịt bên trong và bên ngoài thùng rác bằng nước tẩy rửa enzyme hoặc chai xịt khử trùng
- Đeo găng tay vào và chà sạch thùng rác cả trong lẫn ngoài
- Rửa lại thùng rác bằng nước sạch
- Lau hoặc phơi thùng rác cho khô
Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 4:Giữ an toàn vệ sinh thực phẩm
-
1Bảo quản thịt cá sống và sữa trong tủ lạnh. Các thực phẩm nhạy cảm với nhiệt độ này rất dễ nhiễm khuẩn và ôi thiu. Bạn luôn luôn phải bảo quản thịt, cá và sữa trong tủ lạnh nếu chưa dùng đến trong vài ngày, hoặc cất trong tủ đông nếu muốn bảo quản lâu hơn.[12]
- Đựng thịt và cá trong các hộp kín hoặc túi đông lạnh trước khi bảo quản để giữ tươi lâu hơn. Điều này cũng là để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan sang các thức ăn khác.
-
2Rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn. Để rửa tay đúng cách, bạn cần rửa dưới vòi nước. Xoa xà phòng trong 30 giây, nhớ rửa dưới móng tay và giữa các kẽ ngón tay. Xả lại dưới vòi nước và thấm khô bằng khăn sạch.
- Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn là để ngăn ngừa vi khuẩn và các chất bẩn lây sang thức ăn.
- Việc rửa tay sau khi nấu ăn sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn từ thức ăn lan sang các thứ khác trong nhà. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi bạn sơ chế thịt.[13]
-
3Khử trùng sau khi chuẩn bị thức ăn. Khi chuẩn bị bữa ăn xong, bạn hãy lau dọn nơi nấu nướng để diệt vi khuẩn có thể hiện diện trong thực phẩm sống. Rửa sạch dao thớt bằng xà phòng và nước nóng. Xịt nước khử trùng bếp khắp mặt bàn làm bếp, bồn rửa và các bề mặt khác. Dùng giẻ sạch lau lại.[14]
-
4Cho thức ăn thừa vào tủ lạnh ngay. Thức ăn thừa của bữa tối có thể làm bữa trưa ngon lành cho ngày hôm sau, nhưng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, bạn cần phải cất vào tủ lạnh ngay để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi. Ngay khi thức ăn ngừng bốc hơi, bạn hãy cho vào hộp kín và cất trong tủ lạnh hoặc tủ đông.[15]
-
5Hâm lại thức ăn đúng cách. Vi khuẩn có thể phát triển trong thức ăn nếu gặp điều kiện thích hợp, do đó quan trọng là bạn phải hâm lại thức ăn thừa ở nhiệt độ tối thiểu là 74 độ C trước khi ăn. Cách này sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.[16]
- Cách dễ nhất và hiệu quả nhất là để xác định nhiệt độ của thức ăn là dùng nhiệt kế thực phẩm.
-
6Rã đông thức ăn an toàn. Để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi trong thức ăn đã đông lạnh, bạn cũng phải rã đông sao cho an toàn. Rã đông bằng cách để thức ăn trên bàn trong nhiệt độ phòng là không nên, vì vi khuẩn sẽ phát triển nhanh chóng. Cách rã đông an toàn như sau:[17]
- Để trong tủ lạnh trong 24 tiếng
- Cho vào lò vi sóng và bật nút rã đông
- Ngâm trong nước lạnh, cách 30 phút thay nước một lần
-
7Sử dụng nhiều thớt khác nhau. Để chống nhiễm khuẩn chéo, bạn cần dùng dao thớt cắt thịt và cắt rau riêng. Điều này quan trọng vì các thực phẩm như rau không phải lúc nào cũng được nấu chín kỹ như thịt. Nếu vi khuẩn từ thịt lây sang rau, nó có thể gây bệnh nghiêm trọng.
- Để việc nấu nướng được dễ dàng hơn, bạn hãy thử dùng các màu sắc khác nhau cho các vật dụng sơ chế thịt và rau.[18]
Quảng cáo
Phần 4
Phần 4 của 4:Giữ an toàn trong bếp
-
1Dùng tấm chắn chống văng dầu mỡ khi chế biến thức ăn với dầu. Dầu nóng thường văng tung toé và sẽ gây bỏng khi bắn vào da. Bạn nên đậy tắm chắn dầu lên chảo khi chiên rán những thứ như thịt lợn muối xông khói hoặc khi chiên thức ăn ngập dầu.[19]
- Vết dầu văng trong bếp là ác mộng cho công việc dọn dẹp. Tấm chắn dầu sẽ giúp bạn giữ sạch bếp và tránh những vết bỏng nhỏ.
-
2Thay khăn lau bát và khăn ăn hàng ngày. Vi khuẩn có thể phát triển rất nhanh trên khăn và các miếng bọt biển cọ rửa. Để phòng chống vi khuẩn lây lan, bạn cần giặt khăn trong máy giặt sau một ngày sử dụng. Chuẩn bị nhiều bộ khăn để bạn luôn có khăn mới để dùng trong khi giặt khăn bẩn.[20]
- Những miếng bọt biển không giặt được có thể tẩy bằng dung dịch thuốc tẩy và nước. Pha 180 ml thuốc tẩy với 4 lít nước và ngâm miếng bọt biển trong dung dịch 5 phút.[21]
-
3Cất các vật sắc nhọn trong một ngăn kéo. Không để dao, kéo, dao gọt rau củ và các dụng cụ làm bếp sắc nhọn khác trên bàn làm bếp để đề phòng tai nạn. Dùng nắp đậy dao và cất các dụng cụ sắc nhọn trong một ngăn kéo nhất định.[22]
- Để giữ dao sắc và an toàn, bạn hãy cất dao vào đồ cắm dao thay vì ngăn kéo.
-
4Xoay cán xoong vào phía trong bếp. Điều này đặc biệt cần thiết nếu trong nhà có trẻ nhỏ, đồng thời cũng giúp bạn tránh tai nạn. Mỗi lần nấu nướng trên bếp, bạn nên cố gắng đặt nồi lên họng bếp bên trong. Luôn luôn xoay cán xoong sao cho nó ở xa rìa bếp.
- Xoay cán xoong vào phía trong là để ngăn trẻ nhỏ kéo chiếc xoong nóng về phía mình, hơn nữa như vậy cũng đỡ vướng và giúp bạn không vô tình va phải và làm xê dịch xoong khi nấu nướng.[23]
-
5Để sẵn bình chữa cháy trong bếp. Các đám cháy trong bếp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây hoả hoạn trong nhà. Việc trang bị bình chữa cháy trong bếp sẽ giúp bạn ứng phó nhanh và dập tắt các đám cháy nhỏ nếu chẳng may có sự cố và ngăn đám cháy lan rộng.
- Để bình chữa cháy gần bếp, dưới bàn làm bếp hoặc cạnh cửa thoát hiểm trong bếp. Cân nhắc chuẩn bị thêm chăn cứu hoả.
- Đảm bảo tất cả mọi người trong nhà biết cách sử dụng bình chữa cháy.
-
6Luôn luôn để mắt đến những thứ đang nấu trên bếp. Các đám cháy trong bếp thường xảy ra khi người ta lơ đãng. Khi đang nấu nướng, bạn đừng bỏ ra khỏi bếp vì bất cứ lý do nào, ngay cả để trả lời điện thoại hoặc làm các việc vặt khác.[24]
- Nếu phải rời khỏi bếp hoặc ra khỏi nhà khi đang nấu nướng, bạn hãy tắt bếp và lấy thức ăn ra khỏi bếp trước khi đi.
-
7Dùng khoá ngăn ngừa trẻ em. Tạo môi trường an toàn cho trẻ em trong bếp là điều quan trọng nếu bạn có con nhỏ hoặc thường có trẻ nhỏ đến chơi. Khoá ngăn ngừa trẻ em có thể lắp đặt trên ngăn kéo, tủ đựng bát đĩa và các thiết bị để trẻ nhỏ (và thú cưng) không tiếp cận được những thứ mà chúng không nên đụng vào.[25]
- Khoá ngăn ngừa trẻ em đặc biệt quan trọng đối với các ngăn kéo đựng các vật sắc nhọn, ngăn tủ đựng hoá chất và những nơi cất các vật nguy hiểm khác.
-
8Thực hiện việc bảo dưỡng các thiết bị điện trong bếp định kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn ở nhà thuê. Quy trình kiểm tra an toàn về ga và điện phải được thực hiện định kỳ ở nhiều căn nhà cho thuê. Giữ sạch lỗ thông hơi của nồi cơm điện, đảm bảo các thiết bị như máy phát hiện khói, chuông báo cháy, máy phát hiện khí carbon monoxid, v.v… đều hoạt động tốt.Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ http://www.household-management-101.com/kitchen-cleaning-tips.html
- ↑ http://www.safewise.com/blog/ways-to-stay-safe-in-the-kitchen/
- ↑ http://www.household-management-101.com/kitchen-cleaning-tips.html
- ↑ http://www.thekitchn.com/10-ways-to-clean-your-kitchen-less-often-and-enjoy-it-way-more-195852
- ↑ https://www.realsimple.com/home-organizing/cleaning/cleaning-kitchen/keeping-kitchen-clean-longer
- ↑ https://www.realsimple.com/home-organizing/cleaning/cleaning-kitchen/keeping-kitchen-clean-longer
- ↑ https://www.cleanipedia.com/me-en/bathroom-kitchen/how-should-i-clean-my-refrigerator
- ↑ http://www.household-management-101.com/kitchen-cleaning-tips.html
- ↑ http://www.thekitchn.com/10-ways-to-clean-your-kitchen-less-often-and-enjoy-it-way-more-195852
- ↑ http://www.household-management-101.com/kitchen-cleaning-tips.html
- ↑ https://www.realsimple.com/home-organizing/cleaning/worst-cleaning-jobs-made-easy/cleaning-kitchen-trash-can
- ↑ http://www.dummies.com/food-drink/cooking/kitchen-safety/basic-rules-of-kitchen-safety/
- ↑ http://www.wakehealth.edu/Health-Central/NMR/Kitchen-Safe-and-Clean/
- ↑ http://www.safewise.com/blog/ways-to-stay-safe-in-the-kitchen/
- ↑ http://www.aarp.org/home-family/your-home/info-2016/kitchen-safety-tips.html
- ↑ http://www.wakehealth.edu/Health-Central/NMR/Kitchen-Safe-and-Clean/
- ↑ https://www.fsis.usda.gov/wps/portal/fsis/topics/food-safety-education/get-answers/food-safety-fact-sheets/safe-food-handling/the-big-thaw-safe-defrosting-methods-for-consumers/CT_Index/
- ↑ http://www.wakehealth.edu/Health-Central/NMR/Kitchen-Safe-and-Clean/
- ↑ https://www.realsimple.com/home-organizing/cleaning/cleaning-kitchen/keeping-kitchen-clean-longer
- ↑ http://food.unl.edu/how-often-should-you-change-your-dishrag
- ↑ http://www.goodhousekeeping.com/home/cleaning/a18731/how-to-clean-a-sponge/
- ↑ http://www.dummies.com/food-drink/cooking/kitchen-safety/basic-rules-of-kitchen-safety/
- ↑ http://www.dummies.com/food-drink/cooking/kitchen-safety/basic-rules-of-kitchen-safety/
- ↑ http://www.straighten-up-now.com/kitchen-safety-tips.html
- ↑ http://www.straighten-up-now.com/kitchen-safety-tips.html