Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Cảm giác hạnh phúc với cuộc sống đôi khi không dễ dàng có được. Chúng ta thường bị phân tâm bởi bổn phận, công việc, công nghệ và các vấn đề về sức khỏe. Nếu bạn không hài lòng với khía cạnh nào đó trong cuộc sống hiện tại, hãy tự hứa với lòng rằng năm nay bạn sẽ thay đổi thói quen để sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn. Bạn sẽ tìm thấy niềm vui sống bằng cách chú ý chăm sóc bản thân, công việc, thú tiêu khiển và đời sống xã hội.

Phần 1
Phần 1 của 4:

Đánh giá cuộc sống của bản thân

  1. 1
    Xác định quan niệm của bạn về cuộc sống. Khái niệm “cuộc sống” tùy thuộc vào cách nhìn nhận chủ quan của mỗi người. Hãy suy ngẫm về những gì bạn xem là quan trọng. Bạn mong muốn đạt được điều gì trong cuộc sống? Điều gì đem đến niềm vui cho bạn? Chỉ khi đã có lời đáp cho những câu hỏi trên thì bạn mới có thể hiểu được làm cách nào để tìm thấy cuộc sống hạnh phúc.
    • Đừng để bất cứ ai áp đặt lên bạn quan niệm của họ về một cuộc sống có ý nghĩa. Người ta thường nghĩ về một “cuộc sống đáng mơ ước” dựa trên nhu cầu của phần đông mọi người trong chúng ta, chẳng hạn như gia đình, con cái, những trải nghiệm thú vị hay một công việc có ý nghĩa. Tuy nhiên những gì mà bạn coi trọng mới là điều cốt yếu.[1]
  2. 2
    Viết nhật ký. Ghi lại những buồn vui xảy ra trong cuộc sống của bạn, những sự việc khiến bạn buồn bực hay phấn khích. Viết nhật ký là một liệu pháp giúp người ta cảm thấy hạnh phúc hơn và tìm ra những thói quen của bản thân trong cuộc sống, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nói cụ thể hơn, viết nhật ký là cơ hội để bạn làm rõ những suy nghĩ và cảm giác của mình, cho phép bạn hiểu mình hơn, giải tỏa căng thẳng hoặc giải quyết các vấn đề bằng cách xem xét sự việc dưới một ánh sáng mới. [2]
    • Xác định kiểu nhật ký nào có hiệu quả nhất đối với bạn. Bạn có thể viết bằng giấy bút hoặc tạo nhật ký trong máy tính. Điều quan trọng nhất là ghi ra những gì trong tâm trí bạn và suy ngẫm về nó.
  3. 3
    Chia sẻ với người khác về cuộc sống của bạn. Đôi khi bạn sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn về mong muốn và nhu cầu của mình bằng cách tâm sự với ai đó. Hơn nữa, người ngoài cuộc có thể nhìn thấy được những điều mà người trong cuộc không nhận ra.
    • Cân nhắc đến gặp chuyên gia trị liệu tâm lý nếu bạn không muốn nói chuyện với người thân hoặc bạn bè. Liệu pháp trò chuyện không những có tác dụng điều trị các vấn đề tiềm ẩn về cảm xúc mà còn giúp bạn giãi bày và thấu hiểu suy nghĩ của bản thân về cuộc sống.[3]
  4. 4
    Phân chia cuộc sống của bạn thành từng lĩnh vực. Liệt kê những mảng chính trong cuộc sống của bạn, chẳng hạn như đời sống xã hội, tâm linh, sự nghiệp, gia đình, thú tiêu khiển, sức khỏe, hoạt động cộng đồng và từ thiện. Hãy xét xem bạn có hài lòng với những lĩnh vực đó không. Thường thì tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc cũng là tìm sự cân bằng giữa các lĩnh vực mà bạn cho là quan trọng.[4]
    • Ghi nhớ phương châm “mọi thứ nên có chừng mực”. Bạn nên giảm bớt những hoạt động thái quá để cân bằng lại cuộc sống.
  5. 5
    Nghĩ cách để có nhiều thời gian hơn cho các mảng còn thiếu. Giả sử, nếu bạn thấy rằng mình chưa hoạt động cộng đồng và chăm sóc sức khỏe đúng mức, vậy thì hãy tìm cách dành thêm thời gian cho các hoạt động trong lĩnh vực đó.
    • Ví dụ, bạn có thể liệt kê một vài hoạt động từ thiện mà bạn quan tâm.
    • Về việc chăm sóc sức khỏe, bạn có thể cân đối lại tài chính để mua thẻ thành viên phòng gym hoặc tìm kiếm các đội thể thao ở địa phương mà bạn có thể tham gia.
    • Nếu thực sự quá bận rộn, có lẽ bạn phải nghĩ xem nên cắt bớt những hoạt động nào để có thêm thời gian và nguồn lực dành cho những việc khác. Nơi bắt đầu thích hợp nhất là các lĩnh vực mà bạn cảm thấy chúng chiếm quá nhiều thời gian (như công việc chẳng hạn).
  6. 6
    Vài tháng một lần, bạn hãy đánh giá lại cuộc sống của mình. Nhìn lại quãng thời gian vừa qua (cuốn nhật ký sẽ giúp bạn một phần) và ngẫm xem cuộc sống của bạn có được cải thiện hơn với những thay đổi mà bạn đã tạo ra không. Cách hay nhất là tự hỏi rằng bản thân bạn có cảm thấy hạnh phúc hơn không. Đừng suy nghĩ quá nhiều về việc người ngoài nhìn cuộc sống của bạn như thế nào. Xét cho cùng, cuộc sống này là của bạn chứ không phải của ai khác. [5]
    • Hãy cho bản thân thời gian để thay đổi cuộc sống, bởi điều này không hề dễ dàng. Cố gắng tập trung vào những thay đổi nhỏ trong một năm. Sau thời gian một năm, bạn sẽ hiểu rõ hơn điều gì đem lại hạnh phúc cho mình.
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 4:

Hoạch định cuộc sống

  1. 1
    Tập buông bỏ những thứ mà bạn không thể kiểm soát. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta khó mà tránh khỏi những tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát Sự thật này là một phần của cuộc sống. Đành rằng có những điều không thể thay đổi, nhưng bạn có thể điều chỉnh thái độ của mình trước hoàn cảnh. Việc cố gắng kiểm soát mọi thứ nằm ngoài khả năng sẽ chỉ gây phản tác dụng và vắt kiệt sức lực của bạn.[6]
    • Mỗi khi trăn trở với một điều không thể kiểm soát, bạn hãy viết lên giấy. Cất mẩu giấy vào hộp và quên đi. Hãy buông bỏ những tình huống hoặc những con người gây căng thẳng và dành sức lực cho những thứ nằm trong tầm tay của bạn.
  2. 2
    Sống trong hiện tại. Nghĩ về việc bạn sẽ làm gì để khiến hôm nay hạnh phúc hơn thay vì không ngừng gắng sức vươn tới các mục tiêu trong tương lai. Bạn sẽ bỏ lỡ nhiều điều trong cuộc sống nếu lúc nào cũng chỉ trông về một tương lai xa vời phía trước. Cuộc sống chỉ diễn ra trong khoảnh khắc hiện tại. Nói như vậy không có nghĩa là bạn nên sống mỗi ngày như ngày cuối cùng của cuộc đời, bởi đó không phải là sự thực, nhưng mỗi ngày dành một khoảng thời gian để tận hưởng giây phút hiện tại luôn là ý hay. Để làm được điều này, bạn có thể:[7]
    • Mỗi lúc chỉ thực hiện một nhiệm vụ, không ôm đồm nhiều việc cùng lúc.
    • Đặt ra một khoảng nghỉ giải lao giữa các nhiệm vụ hàng ngày để có thời gian nhìn lại và không cảm thấy quá vội vã.
    • Hàng ngày dành ra 5-10 phút hoàn toàn không làm gì mà chỉ ngồi yên lặng.
    • Ăn chậm rãi, tập trung thưởng thức hương vị và kết cấu của thức ăn.
  3. 3
    Mỗi tuần làm một việc mới. Mua sách hướng dẫn về các hoạt động trong thành phố, hỏi bạn bè hoặc lướt mạng để tìm những điều thú vị gần nhà. Hãy mạo hiểm và thử nghiệm những hoạt động không quen thuộc với bạn. Đi một mình hay rủ người yêu hoặc bạn thân cùng khám phá. Quan trọng nhất là bạn đang trải nghiệm điều mới lạ và mở lòng với nó. Điều này đem lại cho bạn một số lợi ích như:[8]
    • Cho bạn sự can đảm đối mặt với những điều chưa biết.
    • Chống lại sự nhàm chán.
    • Giúp bạn trưởng thành thông qua các trải nghiệm mới.
  4. 4
    Học một kỹ năng mới. Đăng ký một lớp học trên mạng, hoặc ngoài đời, hoặc xem những bài giảng miễn phí trên mạng. Có nhiều trung tâm giáo dục mở ra các lớp học với mức học phí phải chăng dạy những bộ môn như nhiếp ảnh, truyền thông xã hội hoặc các kỹ năng khác mà có thể trước giờ bạn vẫn luôn muốn thành thạo. Thử vào các website sau để tìm các lớp học hoặc bài giảng mà bạn cảm thấy hứng thú:
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 4:

Đặt giới hạn cho công việc

  1. 1
    Ngừng làm việc vào ngày cuối tuần. Dành riêng hai ngày cuối tuần cho bản thân và/hoặc gia đình. Tự nhắc mình rằng làm việc vào ngày cuối tuần chỉ là ngoại lệ. Nếu cắt bớt thời gian trong công việc thì bạn sẽ có thêm thời gian cho các lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc sống.
    • Hãy hình dung công việc như không khí, nó sẽ giãn nở không ngừng nếu bạn cho phép và sẽ càng ngày càng chiếm nhiều thời gian của bạn. Bạn luôn có thể làm việc nhiều hơn nữa. Sẽ không bao giờ thiếu việc để bạn làm. Hãy để công việc cho những ngày trong tuần!
  2. 2
    Tắt các thiết bị điện tử khi trở về nhà. Khuyến khích mọi người cũng làm như vậy mỗi ngày vài tiếng đồng hồ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi ít kiểm tra emai hơn, thế nên hãy tắt điện thoại và dành toàn bộ thời gian cho những người mà bạn yêu thương.[9]
  3. 3
    Can đảm dấn thân trong công việc. Xung phong làm một việc gì đó hoặc tiến xa thêm chút nữa trong một dự án. Bạn sẽ có cảm giác thành công hơn trong công việc bằng hành động khởi xướng và vận dụng trí não nhiều hơn.[10]
    • Mặt khác, bạn đừng quên rằng sự cân bằng trong cuộc sống cũng rất quan trọng. Hãy tự hỏi bản thân rằng liệu có xứng đáng không nếu bạn ưu tiên cho công việc để hoàn thành một thứ gì đó, đồng nghĩa với việc bạn phải cắt xén thời gian dành cho những lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc sống? Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi này.
  4. 4
    Hãy nhớ về động lực nào đã thúc đẩy bạn vào những ngày đầu đi làm. Phần đông chúng ta làm việc để tận hưởng cuộc sống. Nếu bạn dành toàn bộ thời gian mình có để làm việc và không để lại chút nào cho gia đình hoặc cho những điều mình yêu thích, vậy thì đã đến lúc bạn nên tìm cách điều chỉnh lại.
    • Tuy nhiên, nếu bạn tìm được nhiều ý nghĩa trong công việc và cảm thấy công việc cho bạn cuộc sống như mơ ước, vậy thì bạn có thể ra sức làm việc. Điều cốt yếu là bạn biết điều gì làm nên cuộc sống của mình.
    Quảng cáo
Phần 4
Phần 4 của 4:

Sống khỏe mạnh hơn

  1. 1
    Tập thể dục thể thao. Việc tập luyện cho tim và cơ bắp mỗi ngày ít nhất 30 phút sẽ thực sự giúp bạn khỏe mạnh và sống lâu hơn.[11] Hãy thử làm theo một số gợi ý sau đây để cải thiện sức khỏe:
    • Lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời và những chuyến phiêu lưu cùng gia đình. Dành ra vài tối vui vẻ tập thể dục vào những ngày trong tuần hoặc cuối tuần. Đi bộ đường dài, đạp xe, đi bộ khám phá quanh thành phố hoặc chơi một môn thể thao.
    • Gia nhập một đội thể thao hoặc một nhóm đồng sở thích. Nếu muốn trở thành thành viên của một đội, bạn có thể tham gia một đội bóng đá, bóng chuyền hoặc đá cầu. Hầu như thành phố nào cũng có nhiều lựa chọn, và họ thường tổ chức các trận đấu sau giờ làm việc hoặc cuối tuần.
    • Thử những môn thể thao mới. Nếu hàng ngày bạn vẫn đều đặn đến phòng tập gym, hãy thử học những lớp học mới hoặc chuyển sang đi bộ hoặc chạy bộ vài ngày mỗi tuần. Hãy phá vỡ lịch trình.
  2. 2
    Dạo bộ ngoài trời. Vẻ tráng lệ của thiên nhiên có thể khiến bạn ngạc nhiên đến sững sờ, và cảm giác sẽ càng tuyệt vời hơn.[12] Vậy thì, còn chờ gì mà bạn không ra ngoài trời tận hưởng thiên nhiên mỗi khi có dịp, vì sức khỏe và vì cảm giác diệu kỳ mà nó mang lại?
  3. 3
    Dành nhiều thời gian để ngủ. Hãy cho bản thân mỗi ngày tám tiếng để ngủ, cộng thêm một tiếng chuẩn bị cho giấc ngủ và một tiếng để tỉnh giấc. Kết quả đem đến sẽ là cảm giác thư thái và hạnh phúc hơn. Nhớ giữ đúng thông lệ; thói quen ngủ đúng giờ có thể giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ mỗi đêm.[13]
    • Nhớ dành ra một căn phòng tối và yên tĩnh có thể giúp bạn dễ ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh uống caffeine khi gần đến giờ ngủ, bằng không nó sẽ khiến bạn khó ngủ.
  4. 4
    Tham gia làm từ thiện. Dành thời gian của mình để kết nối với những người cần được giúp đỡ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng công việc từ thiện có thể giúp chúng ta hạnh phúc hơn, đồng cảm hơn và có cảm giác thỏa mãn hơn.[14]
    • Để tìm nơi làm từ thiện, bạn có thể lên mạng, đọc báo địa phương hoặc hỏi thăm quanh khu phố để tìm các cơ hội làm việc tình nguyện.
  5. 5
    Xây dựng các mối quan hệ và hệ thống hỗ trợ. Dành ra một tiếng đồng hồ mỗi tuần để gặp gỡ với những người mà bạn quý mến mà không bị phân tâm vì công việc. Điều này sẽ giúp bạn vui sống hơn và bớt đi căng thẳng; sự hỗ trợ xã hội rất quan trọng đối với sức khỏe.[15]
    Quảng cáo

Bài viết wikiHow có liên quan

Tập Thiền cho Người mới bắt đầuTập Thiền cho Người mới bắt đầu
Vượt qua Ham muốn Dục vọngVượt qua Ham muốn Dục vọng
Bỏ Chứng nghiện Xem SexBỏ Chứng nghiện Xem Sex
Vượt qua Cơn nghiện Sử dụng Điện thoại Di đôngVượt qua Cơn nghiện Sử dụng Điện thoại Di đông
Kiềm chế Cơn đói Nhanh chóngKiềm chế Cơn đói Nhanh chóng
Ngừng Suy nghĩ về Tình dụcNgừng Suy nghĩ về Tình dục
Trở thành người hữu ích và đóng góp cho xã hộiTrở thành người hữu ích và đóng góp cho xã hội
Đối phó với việc không có bạn bèĐối phó với việc không có bạn bè
Trở thành Người hướng nội Nếu bạn là Người hướng ngoạiTrở thành Người hướng nội Nếu bạn là Người hướng ngoại
Vượt qua chứng nghiện InternetVượt qua chứng nghiện Internet
Thay đổi toàn bộ tính cáchThay đổi toàn bộ tính cách
Ký tên lên thẻ tín dụngKý tên lên thẻ tín dụng
Lập thời gian biểuLập thời gian biểu
Sống Thoải máiSống Thoải mái
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Guy Reichard
Cùng viết bởi:
Huấn luyện viên cuộc sống
Bài viết này đã được cùng viết bởi Guy Reichard. Guy Reichard là huấn luyện viên cuộc sống và người sáng lập của Coaching Breakthroughs, một công ty hành nghề huấn luyện cuộc sống nghề nghiệp tại Toronto, Ontario, Canada. Ông làm việc với khách hàng để tạo ra ý nghĩa, mục đích và sự yên bình trong cuộc sống của họ. Guy có hơn 10 năm huấn luyện phát triển cá nhân và nâng cao sự kiên cường, giúp khách hàng khám phá con người thật của họ và kết nối với những giá trị sâu bên trong. Ông là huấn luyện viên nghề nghiệp được Adler và Liên đoàn Huấn luyện viên Quốc tế chứng nhận. Ông có bằng cử nhân tâm lý học của Đại học York năm 1997 và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học York năm 2000. Bài viết này đã được xem 1.638 lần.
Trang này đã được đọc 1.638 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo