Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm, nhưng dường như nó cũng trôi qua nhanh nhất trong bốn mùa. Tuy rằng không thể ngăn được thiên nhiên chuyển mùa, bạn vẫn có thể giữ lại một chút gì đó của mùa thu bằng cách phơi khô, ép hoặc phong kín vài chiếc lá trước khi mùa đông tới.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 6:
Phủ keo decoupage

  1. 1
    Chọn các lá cây tươi tắn đầy sức sống. Nhặt các lá cây mới rụng, màu sắc tươi sáng và còn dẻo. Lá cây có thể hơi khô một chút, nhưng không được khô đến mức giòn hoặc quăn lại ở đầu lá. Đừng dùng các lá bị tưa rách hoặc có các đốm mục rữa.
    • Lá cây sẽ phai màu đôi chút khi chúng khô đi, do đó những chiếc lá càng rực rỡ thì càng ít bị xuống sắc sau khi xử lý.
  2. 2
    Phủ keo decoupage lên cả hai mặt của từng chiếc lá. Keo decoupage là một chất dính màu trắng mà khi khô đi sẽ trở nên trong suốt. Bạn có thể tìm mua loại keo này ở các cửa hàng vật liệu thủ công. [1] Dùng cọ mút xốp cẩn thận phết keo decoupage lên một mặt của từng chiếc lá. Để những chiếc lá trên một tờ giấy cho khô.
    • Thường thì bạn nên phủ keo ngay vào ngày bạn nhặt lá về. Những chiếc lá sẽ bị khô, chuyển màu nâu và giòn nếu để quá lâu.
    • Tuy nhiên, nếu lá còn quá ẩm hoặc nếu bạn hái lá tươi trên cành thay vì chờ lá rụng, bạn nên làm khô bớt một chút bằng cách ép trong cuốn sách nặng vài ngày.
  3. 3
    Chờ cho keo khô hẳn. Keo sẽ trở nên trong suốt và không còn dính.
  4. 4
    Lặp lại thao tác với mặt lá bên kia. Lật chiếc lá lại và phết keo vào mặt bên kia. Khi mặt thứ hai đã khô là chiếc lá đã hoàn thành. Phương pháp này giúp giữ màu sắc và hình dạng lá trong thời gian dài.
    Quảng cáo

Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 6:
Phủ sáp paraffin

  1. 1
    Chọn những chiếc lá tươi. Tìm những chiếc lá tươi mới rụng. Phương pháp phủ sáp sẽ giúp giữ được màu sắc rực rỡ của lá. Dùng khăn giấy lau khô lá trước khi phủ sáp.
  2. 2
    Đun chảy sáp paraffin trong xoong dùng một lần. Bạn có thể mua một hộp sáp paraffin (450 g) tại cửa hàng thủ công hoặc tiệm tạp hoá. Đun chảy sáp trong khay nướng bánh dùng một lần bằng cách đặt trên bếp vặn nhỏ lửa.[2]
    • Để sáp paraffin chảy nhanh hơn, bạn nên cắt sáp thành từng mẩu nhỏ và rải đều dưới đáy xoong.
    • Nếu không có xoong dùng một lần, bạn có thể dùng khay nướng bánh không định dùng nữa. Sáp có thể làm hỏng xoong, do đó bạn không nên dùng xoong nồi thường dùng để nấu nướng.
  3. 3
    Nhấc nồi sáp đã đun chảy khỏi bếp. Hãy cẩn thận, vì sáp đã đun chảy rất nóng. Nhấc nồi sáp ra khỏi bếp và đặt xuống bàn. Nhớ thật cẩn thận để sáp không bị đổ, nhất là nếu nhà bạn có trẻ con hoặc thú cưng.
  4. 4
    Nhúng từng chiếc lá vào sáp đun chảy. Cầm cuống lá nhúng chiếc lá vào sáp lỏng vài lần. Đảm bảo cả hai mặt lá đều được phủ sáp. Đừng để tay quá gần sáp. Lặp lại thao tác cho tất cả những chiếc lá còn lại.
  5. 5
    Hong lá cho khô. Đặt những chiếc lá đã phủ sáp lên tờ giấy sáp cho đến khi sáp cứng lại. Hong những chiếc lá ở nơi không có gió lùa trong vài tiếng. Khi lá đã khô, bạn sẽ dễ dàng nhấc chúng lên khỏi giấy sáp. Phương pháp này giúp bảo quản màu sắc và hình dạng của lá trong thời gian dài.
    • Để an toàn hơn, bạn hãy lót một lớp giấy in báo lên mặt bàn trước khi trải lớp giấy sáp lên trên. Hai lớp giấy lót bên dưới sẽ giúp giảm rủi ro sáp rỏ xuống mặt bàn. Sáp khi đã rớt xuống mặt bàn thì cực kỳ khó làm sạch.
    Quảng cáo

Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 6:
Ngâm dung dịch glycerin

  1. 1
    Chọn những chiếc lá tươi hoặc một cành nhỏ có lá. Nếu bạn thích giữ lại cả cành lá mùa thu thì phương pháp bảo quản này dễ làm hơn phương pháp phủ sáp. Chọn một cành cây có những chiếc lá tươi và dính chắc vào cành.[3]
    • Phương pháp này sẽ giúp cho màu lá thêm rực rỡ. Những chiếc lá vàng sẽ vàng rực hơn, lá đỏ và cam cũng đậm màu hơn.
    • Tìm những cành cây vừa rơi xuống thay vì bẻ trên cây. Bạn có thể làm tổn thương cây khi bẻ cành của nó.
    • Đừng lấy các cành có lá nhiễm sâu bệnh hoặc đã qua một mùa sương giá. Phương pháp này không có hiệu quả cho các lá đã trải qua mùa sương giá.
  2. 2
    Đập dập đầu dưới của từng cành cây. Dùng búa đập đầu dưới của cành cây cho phần gỗ sống bên trong lộ ra. Phần gỗ sống này có thể hấp thụ dung dịch glycerin một cách hiệu quả; nếu không, dung dịch sẽ không đến được lá cây.
    • Nếu chỉ muốn bảo quản từng chiếc lá riêng lẻ, bạn có thể bỏ qua bước này.
  3. 3
    Pha dung dịch glycerin. Bạn có thể mua glycerin thực vật ở các cửa hàng bán vật liệu thủ công hoặc cửa hàng phụ gia thực phẩm. Pha 530 ml glycerin thực vật với 2 lít nước trong xô hoặc bình hoa để tạo thành dung dịch.
    • Glycerin là sản phẩm tự nhiên chiết xuất từ thực vật, vậy nên đây cũng là một lựa chọn hữu cơ để bảo quản lá cây.
    • Nếu muốn bảo quản cành cây to đã hoá gỗ, bạn cần trộn thêm 4-5 giọt nước xà phòng rửa bát nhẹ dịu vào dung dịch. Xà phòng đóng vai trò là chất hoạt động bề mặt, phá vỡ sức căng bề mặt của glycerin, nhờ đó các phân tử có thể xâm nhập vào gỗ dễ dàng hơn. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên dùng nước rửa bát không màu, không mùi. Bạn cũng có thể dùng chất hoạt động bề mặt dạng lỏng có bán tại các cửa hàng làm vườn.
  4. 4
    Ngâm cả cành cây và lá cây vào dung dịch trong 3-5 ngày. Để cho cành lá ngấm glycerin trong ít nhất 3-5 ngày. Đặt chiếc xô cắm cành cây ở nơi có bóng mát trong quá trình ngâm.
    • Nếu muốn bảo quản từng chiếc lá rời, bạn sẽ phải dùng vật nặng đè những chiếc lá xuống cho ngập trong dung dịch. Rót dung dịch vào chiếc chảo phẳng, đặt lá cây vào và dùng đĩa hoặc nắp nồi chặn lên trên sao cho lá chìm xuống.
  5. 5
    Lấy cành và lá cây ra khỏi dung dịch. Lá cây sẽ có màu sắc rực rỡ hơn và dẻo hơn. Bạn có thể dùng cả cành cây để làm đồ thủ công hoặc ngắt những chiếc lá để dùng riêng.
    Quảng cáo

Phương pháp 4
Phương pháp 4 của 6:
Sấy khô bằng vi sóng

  1. 1
    Kẹp những chiếc lá tươi trong khăn giấy. Đây cũng là một cách hay để làm khô lá cây, nhưng màu sắc sẽ bị phai đi đôi chút. Đặt những chiếc lá tươi lên trên 2 tờ khăn giấy, sau đó phủ một lớp khăn giấy khác lên trên.
    • Dùng những chiếc lá mới rụng, vẫn còn tươi và dẻo. Tránh dùng lá quăn ở đầu lá hoặc những chiếc lá rách hoặc có đốm mục rữa.
    • Bạn nên đặt những chiếc lá cách nhau một khoảng nhỏ để chúng khỏi dính vào nhau khi sấy khô.
  2. 2
    Bật lò vi sóng để sấy khô lá. Cho lá vào lò vi sóng và bật lò trong 30 giây. Tiếp tục sấy lá theo từng đợt 5 giây.
    • Lá mùa thu thường được sấy trong lò vi sóng khoảng 30 –180 giây cho khô hoàn toàn.
    • Hãy thật cẩn thận trong khi sấy lá trong lò vi sóng. Lá cây có thể bắt lửa nếu sấy quá lâu.
    • Những chiếc lá bị sém thường là do bạn sấy quá lâu trong lò vi sóng, còn những chiếc quăn ở đầu lá sau khi lấy ra khỏi lò là lá chưa được sấy đủ thời gian.
  3. 3
    Để lá bên ngoài qua một đêm. Cất những chiếc lá ở nơi không có gió lùa và trong bóng mát. Để như vậy tối thiểu một đêm hoặc tối đa hai ngày. Nếu thấy lá đổi màu, bạn cần phải phủ lá ngay.
  4. 4
    Dùng chai xịt acrylic xịt kín lá. Phủ cả hai mặt lá bằng chai xịt acrylic trong suốt để giữ màu của lá. Chờ cho lá khô trước khi dùng làm đồ trang trí hoặc làm thủ công.
    Quảng cáo

Phương pháp 5
Phương pháp 5 của 6:
Ép lá trong sách

  1. 1
    Đặt những chiếc lá vào giữa 2 tờ giấy. Phương pháp này làm khô lá cây nhưng không giữ được màu sắc của lá. Kẹp những chiếc lá thu của bạn giữa 2 tờ giấy in dày màu trắng.[4]
    • Dùng loại giấy dày ít nhất bằng giấy in, đừng dùng giấy mỏng như giấy can. Nếu không, những chiếc lá của bạn có thể thấm ướt giấy và tạo nên các vết ố.
    • Xếp từng chiếc lá thành một lớp. Không xếp lá chồng lên nhau để ngăn ngừa chúng dính vào nhau.
    • Dùng những chiếc lá còn tốt. Chọn lá mới rụng và còn ẩm. Đầu lá cũng không được khô hoặc quăn.
  2. 2
    Chặn một cuốn sách nặng lên trên tờ giấy kẹp lá. Bạn cần một cuốn sách to, nặng. Để tránh rủi ro làm ố sách hoặc vật chặn và mặt bàn, bạn nên lót vài tờ giấy thấm hoặc khăn giấy giữa tờ giấy kẹp lá và cuốn sách. Khăn giấy hoặc giấy thấm sẽ hút độ ẩm trong lá cây ngấm ra.
  3. 3
    Ép lá trong sách theo cách khác: Ép lá cây trực tiếp trong cuốn sách. Dùng một cuốn sách cũ mà bạn không tiếc nếu lá cây làm hỏng các trang sách. Bạn chỉ cần kẹp những chiếc lá giữa các trang sách. Ép mỗi chiếc lá cách nhau ít nhất 20 trang để có kết quả tốt nhất.
    • Nếu bạn có cuốn danh bạ điện thoại thì tốt, vì nó rất phù hợp cho việc này.
    • Chặn vật nặng lên trên cuốn sách. Lực ép sẽ loại bỏ hơi ẩm và ép phẳng lá. Bạn có thể dùng một cuốn sách khác, viên gạch hoặc bất cứ vật nặng nào.
  4. 4
    Kiểm tra lá sau một tuần. Những chiếc lá ép xong phải khô; nếu thấy lá còn dẻo, bạn cần ép thêm vài ngày nữa.
    Quảng cáo

Phương pháp 6
Phương pháp 6 của 6:
Ép lá trong giấy sáp

  1. 1
    Chọn lá tươi. Dùng những chiếc lá mới rụng, còn ẩm và tươi. Phương pháp ép trong giấy sáp sẽ giữ được màu sắc rực rỡ nhất của lá.
  2. 2
    Thấm khô lá. Xếp những chiếc lá ướt thành một lớp giữa 2 tờ khăn giấy để thấm khô. Nhớ đừng xếp lá chồng lên nhau vì chúng có thể dính vào nhau. Dùng bàn là ở mức nhiệt trung bình là lên từng mặt lá, mỗi mặt là 3-5 phút để hút hơi ẩm trong lá.
    • Làm khô lá trước là để giữ màu sắc và chất lượng lá sau khi ép trong giấy sáp.
    • Không dùng chế độ là hơi của bàn là, vì hơi nước sẽ giữ độ ẩm trong lá. Chỉ dùng chế độ là khô.
    • Sờ thử lá sau khi là 3-5 phút. Nếu thấy chiếc lá chưa khô, bạn sẽ phải là cả hai mặt lá thêm vài phút nữa.
  3. 3
    Kẹp lá giữa 2 tờ giấy sáp. Mặt nào của giấy sáp úp vào lá đều được, vì hai mặt giấy đều được phủ sáp như nhau. Xếp một lớp lá khô giữa hai tờ giấy sáp, chừa một khoảng trống nhỏ giữa những chiếc lá. Hai tờ giấy sáp phải dính được vào nhau.
  4. 4
    Kẹp giấy sáp giữa 2 tờ giấy in. Bạn cũng có thể dùng giấy nâu gói hàng hoặc một loại giấy dày khác. Đảm bảo lớp giấy in phải phủ kín giấy sáp để bàn là không dính vào sáp. Nhớ xếp lá cây thành một lớp, lá này cách lá kia một khoảng.
  5. 5
    Phong kín giấy sáp bằng bàn là. Để bàn là ở mức nhiệt trung bình, là cả hai mặt giấy để sáp dính vào nhau. Liên tục di chuyển bàn là để sáp khỏi cháy. Là trước một mặt trong 3 phút, sau đó cẩn thận lật toàn bộ giấy, giấy sáp và lá lại để là mặt bên kia.
    • Không dùng chế độ là hơi nước; chỉ dùng chế độ là khô.
    • Cầm giấy nóng thật cẩn thận. Nếu có làn da nhạy cảm, bạn nên đeo găng tay để bảo vệ tay.
  6. 6
    Chờ sáp nguội. Sáp sẽ hơi lỏng xung quanh những chiếc lá và sẽ dính vào lá khi nguội đi. Hãy chờ cho sáp nguội trước khi cầm lên.
  7. 7
    Cắt viền quanh lá. Sau khi mọi thứ đã nguội, bạn có thể tách lớp giấy ra khỏi giấy sáp. Dùng kéo hoặc dao trổ cẩn thận cắt viền xung quanh từng chiếc lá.
    • Chừa một đường viền nhỏ giấy sáp quanh mép từng chiếc lá để giữ cho nó dính giữa hai lớp giấy sáp.
    • Bạn cũng có thể bóc giấy sáp ra khỏi lá thay vì cắt viền quanh lá. Một lớp sáp còn lại trên lá là đủ để bảo quản chiếc lá.
    Quảng cáo

Những thứ bạn cần

Ép lá trong giấy sáp

  • Lá tươi mùa thu
  • Giấy sáp
  • Khăn giấy
  • Giấy nâu gói hàng
  • Bàn là
  • Kéo

Phủ sáp paraffin

  • Lá tươi mùa thu
  • Sáp paraffin
  • Khay nướng bánh dùng một lần
  • Bếp
  • Giấy sáp
  • Giấy in báo

Ngâm glycerin

  • Lá mùa thu tươi hoặc cành cây có lá
  • Glycerin lỏng
  • Nước
  • Nước rửa bát
  • Búa
  • Xô hoặc bình hoa lớn

Phủ keo decoupage

  • Lá tươi mùa thu
  • Keo decoupage
  • Cọ mút xốp

Sấy trong lò vi sóng

  • Lá tươi mùa thu
  • Khăn giấy
  • Lò vi sóng
  • Chai xịt acrylic thủ công

Ép lá trong sách

  • Lá tươi mùa thu
  • 2 tờ giấy in
  • 2 tờ khăn giấy hoặc giấy thấm
  • Sách to nặng hoặc vật nặng

Bài viết wikiHow có liên quan

Làm Thuyền Giấy
Gấp trái tim bằng tờ 1 đô la
Làm nước xà phòng thổi bong bóng
Gập hạc giấy
Gấp Phi tiêu Ninja
Làm khô lá câyLàm khô lá cây
Làm ảo thuật với bộ bài
Thổi bong bóng bằng kẹo cao su
Làm phẳng giấy bị vò nhàu
Vẽ một Bông hoaVẽ một Bông hoa
Làm ô tô bằng bìa các tông
Giữ hoa tulip tươi lâu sau khi cắtGiữ hoa tulip tươi lâu sau khi cắt
Làm cứng đất sét sau khi nặnLàm cứng đất sét sau khi nặn
Làm slime bằng dầu gội và kem đánh răng
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Lana Starr, AIFD
Cùng viết bởi:
Nhà thiết kế hoa & Chủ sở hữu của Dream Flowers
Bài viết này có đồng tác giả là Lana Starr, AIFD, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể. Bài viết này đã được xem 3.023 lần.
Trang này đã được đọc 3.023 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo