Bài viết này đã được cùng viết bởi Mark Co, DPM. Mark Co là chuyên gia chữa bệnh chân, điều hành phòng khám tư tại San Francisco, California. Co chuyên điều trị biến dạng ngón chân cái, móng chân mọc quặp, nấm móng chân, mụn cóc, viêm cân gan chân và các nguyên nhân khác gây đau bàn chân. Ông cũng cung cấp dịch vụ chỉnh hình để điều trị và phòng ngừa các vấn đề ở bàn chân và mắt cá chân. Bác sĩ Co có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học New York và bằng thạc sĩ về Kỹ thuật điện và Khoa học Máy tính của Đại học Johns Hopkins. Ông lấy được bằng bác sĩ bộ khoa của Trường Y học Bộ khoa California, hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú và thực tập tại Trung tâm Y tế Kaiser Permanente, Santa Clara, California. Co được trao giải thưởng "Top 3 Podiatrists" của San Francisco vào các năm 2018, 2019 và 2020. Co cũng là thành viên của Hiệp hội Y học Bộ khoa Hoa Kỳ.
Có 8 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 5.601 lần.
Băng chung ngón bị thương vào ngón bên cạnh là một phương pháp hữu ích và đơn giản để điều trị ngón chân hoặc ngón tay bị bong gân, trật khớp hoặc gãy xương.[1] Thường thì việc này do bác sĩ chuyên khoa y học thể thao, chuyên gia vật lý trị liệu và bác sĩ nắn chỉnh xương khớp thực hiện, nhưng bạn cũng có thể dễ dàng học được để làm tại nhà. Nếu được băng đúng cách, biện pháp này có thể nâng đỡ, bảo vệ và chỉnh lại các khớp. Tuy nhiên, đôi khi có một số biến chứng liên quan đến việc băng chung ngón chân bị thương và ngón chân lành, chẳng hạn như giảm tuần hoàn máu, nhiễm trùng và mất khả năng vận động khớp.
Các bước
Băng chung ngón chân bị thương với ngón bên cạnh
-
1Nhận biết ngón chân bị thương. Các ngón chân rất dễ bị thương, thậm chí bị gãy, do chấn thương đụng giập, chẳng hạn như vấp phải đồ đạc hoặc đá phải các thiết bị thể thao. Thường thì rất dễ nhận biết ngón chân bị thương, nhưng đôi khi bạn cần phải kiểm tra kỹ lưỡng các ngón chân để nắm được tình trạng chấn thương. Các dấu hiệu chấn thương nhẹ đến trung bình bao gồm: đỏ, sưng, viêm, đau cục bộ, bầm tím, giảm khả năng cử động và có thể hơi vẹo nếu ngón chân bị trật khớp hoặc gãy xương. Ngón cái và ngón út dễ bị thương và gãy hơn các ngón khác.[2]
- Biện pháp băng chung ngón bị thương với ngón bên cạnh có thể áp dụng với hầu hết các dạng chấn thương, ngay cả rạn xương, mặc dù các trường hợp gãy nghiêm trọng hơn sẽ cần phải bó bột hoặc phẫu thuật.[3]
- Đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu ngón chân bị vẹo sang hướng khác, đau dữ dội hoặc sưng đến mức tê cứng.
- Các trường hợp nứt xương, mẻ xương, đụng giập (bầm tím) và bong gân không bị xem là vấn đề nghiêm trọng, nhưng ngón chân bị nghiến mạnh (giập và chảy máu) hoặc bị gãy hở (chảy máu và xương đâm ra ngoài da) cần được can thiệp y tế khẩn cấp, đặc biệt khi liên quan đến ngón chân cái.
-
2Xác định những ngón chân cần băng. Khi đã biết ngón chân nào bị thương, bạn sẽ phải quyết định băng nó với ngón chân nào. Nói chung, bạn nên cố gắng băng các ngón có kích thước gần bằng nhau – nếu ngón thứ hai bị thương thì băng với ngón thứ ba sẽ dễ hơn là băng với ngón cái, do hai ngón có kích thước tương đương nhau. Hơn nữa, ngón cái thường phải tách ra mỗi khi bước đi, do đó nó không phải là lựa chọn tốt để băng chung. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo ngón chân băng chung không bị thương, vì hai ngón bị thương băng với nhau sẽ khiến tình trạng thêm tồi tệ. Trong các trường hợp này, có lẽ bó bột hoặc đi giày ép là biện pháp tốt hơn.
- Nếu ngón áp út bị thương, bạn nên băng chung với ngón thứ ba thay vì với ngón út, vì chúng có kích thước tương đương hơn.
- Không băng chung các ngón chân nếu bạn bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh động mạch vành, vì tình trạng suy giảm tuần hoàn máu do băng quá chặt sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ hoại tử (chết mô).[4]
-
3Băng lỏng hai ngón chân với nhau. Khi đã xác định hai ngón chân cần băng với nhau, bạn hãy lấy băng dính y tế hoặc băng phẫu thuật băng lỏng ngón bị thương với ngón không bị thương, có lẽ nên băng theo hình số 8 để cho chắc chắn nhất. Nhớ đừng băng quá chặt, bằng không bạn sẽ khiến chỗ bị thương sưng thêm, thậm chí ngăn chặn máu lưu thông đến ngón chân bị thương.[5] Cân nhắc lót một miếng gạc cotton giữa hai ngón chân để ngăn ngừa trầy da và/hoặc phồng rộp. Nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng đáng kể nếu da bị trầy hoặc phồng rộp.
- Đừng quấn quá nhiều băng đến mức bạn không xỏ chân vào giày được. Hơn nữa, lớp băng quá dày cũng dẫn đến quá nóng và đổ mồ hôi.
- Bạn có thể dùng băng y tế/băng phẫu thuật, băng thun tự dính, băng dính điện, miếng dán Velcro nhỏ và băng co giãn.[6]
- Để tăng khả năng hỗ trợ cho ngón chân bị trật khớp, bạn có thể dùng nẹp gỗ hoặc kim loại kèm với băng. Que kem có tác dụng tốt đối với các ngón chân, chỉ cần bạn nhớ kiểm tra để đảm bảo không có các cạnh sắc hoặc dằm có thể đâm vào da.
-
4Thay băng sau khi tắm. Nếu ban đầu bạn được bác sĩ hoặc chuyên gia y tế băng, có thể là họ dùng băng chống thấm nước, do đó bạn có thể tắm mà không sợ vào nước, ít nhất là một lần. Tuy nhiên, theo hướng dẫn chung, bạn cần băng lại các ngón chân sau mỗi lần rửa chân để có thể kiểm tra các dấu hiệu kích ứng da hoặc nhiễm trùng.[7] Các vết trầy da, phồng rộp và chai sần làm tăng rủi ro nhiễm trùng da, vậy nên hãy rửa sạch và lau khô kỹ các ngón chân trước khi băng. Bạn có thể dùng khăn tẩm cồn để sát trùng.
- Các dấu hiệu nhiễm trùng da bao gồm sưng, đỏ, đau nhói và tiết dịch hoặc mủ.
- Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng, ngón chân bị thương có thể cần phải băng chung với ngón bên cạnh đến 4 tuần mới lành, thế nên bạn sẽ học được cách băng lại rất thành thục.
- Nếu ngón chân bị thương đau nhiều hơn sau khi băng lại, bạn cần tháo ra băng lại, và nhớ quấn lỏng hơn một chút.
Quảng cáo
Hiểu về những biến chứng tiềm ẩn
-
1Kiểm tra dấu hiệu hoại tử. Như đã đề cập ở trên, hoại tử là tình trạng chết mô do thiếu lưu thông máu và ô xy. Ngón chân bị thương, nhất là trật khớp hoặc gãy xương, có thể kèm theo tổn thương mạch máu, do đó bạn sẽ phải thật cẩn thận khi băng để tránh tắc nghẽn dòng máu lưu thông đến các ngón chân. Nếu bạn băng quá chặt, ngón chân sẽ bắt đầu bị đau nhói và chuyển màu đỏ sẫm, sau đó là xanh sẫm.[8] Phần lớn các mô có thể sống sót mà không có ô xy trong vài tiếng (tối đa), nhưng bạn bắt buộc phải quan sát kỹ các ngón chân sau khi băng trong khoảng nửa tiếng để đảm bảo chúng nhận được đủ máu.
- Người bị tiểu đường có cảm giác ở bàn chân và ngón chân của rất kém, và khả năng lưu thông máu của họ cũng kém. Đó là lý do vì sao họ nên tránh băng ngón chân bị thương vào ngón bên cạnh.
- Nếu các ngón chân có hiện tượng hoại tử, bạn sẽ phải trải qua phẫu thuật loại bỏ phần hoại tử để nhiễm trùng không bị lan sang phần còn lại ở bàn chân hoặc chân.
- Nếu bạn bị gãy xương hở, bác sĩ có thể đề nghị liệu trình uống kháng sinh phòng ngừa 2 tuần để chống nhiễm khuẩn.
-
2Không băng ngón chân bị gãy xương nghiêm trọng. Mặc dù phần lớn các dạng tổn thương ngón chân đều đáp ứng tốt với biện pháp băng chung ngón bị thương với ngón lành, nhưng có một số trường hợp nằm ngoài phạm vi này. Khi các ngón chân bị nghiến và gãy nát (gãy vụn xương) hoặc bị gãy đến mức xương bị lệch hoàn toàn và đâm ra ngoài da (còn gọi gãy xương hở) thì phương pháp băng chung các ngón chân hoàn toàn không có tác dụng. Thay vào đó, bạn cần phải nhanh chóng đến phòng cấp cứu để được chăm sóc y tế và có thể phải làm phẫu thuật.
- Các triệu chứng thường gặp khi ngón chân bị gãy bao gồm: Đau dữ dội, sưng, cứng đờ, và thường bị bầm tím ngay lập tức do chảy máu trong. Bước đi khó khăn, và chạy hoặc nhảy gần như không thể vì đau đớn tột độ. Bạn cũng có thể nhìn thấy ngón chân bị vẹo sang hướng khác với bình thường.
- Ngón chân gãy có thể liên quan đến các bệnh gây yếu xương, chẳng hạn như ung thư xương, nhiễm trùng xương, loãng xương hoặc tiểu đường.[9]
- Ngón chân có thể trông như không bị vẹo ngay cả khi gãy xương. Cách duy nhất để biết ngón chân bị gãy hay bong gân là chụp X-quang, do đó bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bị chấn thương ngón chân.
-
3Bảo vệ ngón chân để tránh tổn thương nặng thêm. Khi ngón chân đã bị thương thì nó sẽ càng dễ bị tổn thương và gặp các vấn đề khác. Do đó, bạn cần đi giày thoải mái và có chức năng bảo vệ trong khi băng ngón chân (mất khoảng 2-6 tuần). Hãy chọn đôi giày bít mũi vừa vặn, rộng rãi ở mũi giày để có khoảng trống cho băng/gạc và ngón chân sưng. Giày đế cứng, có khả năng nâng đỡ và chắc chắn là an toàn nhất. Tránh đi dép kẹp và dép lê mềm. Tuyệt đối không đi giày cao gót ít nhất là vài tháng sau khi chấn thương, vì chúng bó chặt các ngón chân và hạn chế lưu thông máu.[10]
- Bạn cũng có thể đi giày xăng đan hở ngón nếu ngón chân bị sưng quá to, nhưng đừng quên là giày kiểu này không bảo vệ được các ngón chân, vì thế hãy thật cẩn thận.
- Nếu bạn làm nghề xây dựng, lính cứu hoả hoặc cảnh sát, hãy cân nhắc sử dụng giày bảo hộ mũi sắt để tăng khả năng bảo vệ cho đến khi ngón chân lành hẳn.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Bạn không nhất thiết phải ngưng hoạt động hoàn toàn khi bị chấn thương ngón chân, nhưng nên chọn các hoạt động ít tạo áp lực lên bàn chân, chẳng hạn như bơi lội, đạp xe hoặc nâng tạ.
- Băng chung ngón chân là biện pháp hiệu quả với phần lớn các trường hợp chấn thương ngón chân, nhưng bạn đừng quên nâng cao và chườm đá. Cả hai liệu pháp này đều giúp giảm đau và viêm.
Cảnh báo
- Đến gặp bác sĩ nếu bạn nghi ngờ ngón chân bị gãy. Băng chung các ngón chân là biện pháp tốt trong thời gian ngắn đối với hầu hết các dạng chấn thương ngón chân, nhưng trường hợp gãy xương luôn luôn cần được chăm sóc y tế.
Tham khảo
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3942599/
- ↑ https://www.aofas.org/footcaremd/conditions/ailments-of-the-big-toe/Pages/Toe-and-Forefoot-Fractures.aspx
- ↑ http://www.medicinenet.com/broken_toe/page5.htm
- ↑ http://www.uofmhealth.org/health-library/aa4924spec
- ↑ http://www.medicinenet.com/broken_toe/page5.htm
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3942599/
- ↑ http://www.emedicinehealth.com/broken_toe/page8_em.htm
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1125886/
- ↑ https://www.aofas.org/footcaremd/conditions/ailments-of-the-big-toe/Pages/Toe-and-Forefoot-Fractures.aspx