Bài viết này đã được cùng viết bởi Anthony Stark, EMR. Anthony Stark là nhân viên cấp cứu y tế được chứng nhận tại British Columbia. Ông hiện đang làm việc cho Dịch vụ xe cứu thương British Columbia.
Có 9 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 6.637 lần.
Gãy ngón chân là một chấn thương phổ biến, nhất là ngón út (ngón nhỏ nhất) vì nó dễ bị vấp và đụng giập nhiều hơn.[1] Khác với ngón chân cái bị gãy thường phải bó bột hoặc bó nẹp, việc xử lý gãy ngón chân út thường chỉ cần đến kỹ thuật băng cố định vào ngón chân bên cạnh và có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, các trường hợp ngón chân bị vẹo, giập, lệch hoặc xương đâm ra ngoài da cần phải được cấp cứu.
Các bước
Băng ngón chân gãy
-
1Xác định xem phương pháp quấn băng có phù hợp không. Hầu hết các trường hợp gãy xương ngón chân, kể cả ngón út, thuộc loại “gãy xương do mỏi”, còn gọi là rạn xương, với biểu hiện là các vết nứt nhỏ trên bề mặt xương.[2] Rạn xương thường gây đau, kèm theo sưng và/hoặc bầm tím ở phần mũi bàn chân, nhưng xương không bị vẹo, giập hoặc đâm ra ngoài da. Như vậy, trường hợp rạn xương đơn giản có thể được xử lý bằng cách quấn băng, còn các trường hợp gãy phức tạp hơn sẽ đòi hỏi các thủ thuật y khoa khác, chẳng hạn như phẫu thuật, bó bột hoặc nẹp.
- Đến bệnh viện để chụp x-quang bàn chân nếu tình trạng đau không thuyên giảm đáng kể sau vài ngày. Các vết rạn xương có thể khó thấy trên phim chụp x-quang nếu chỗ gãy bị sưng nặng.
- Nếu ngón chân không bị sưng nhiều, bác sĩ có thể đề nghị chụp hình xương để xác định tình trạng rạn xương.
- Trường hợp rạn xương có thể xảy ra với ngón chân út do tập luyện quá gắng sức (chạy bộ hoặc tập các bài tập aerobics quá nhiều chẳng hạn), thực hiện sai kỹ thuật khi tập gym, chấn thương do vấp ngón chân hoặc bị vật nặng rơi trúng, và do mắt cá chân bị bong gân nặng.
-
2Rửa bàn chân và các ngón chân. Bất cứ khi nào xử lý vết thương với băng dính, bạn cũng nên rửa sạch chỗ bị thương trước. Bước này giúp loại bỏ vi khuẩn và các vi sinh vật khác có thể gây nhiễm trùng (chẳng hạn như nấm), đồng thời làm sạch đất cát và các mảnh vụn có thể khiến băng không dính chặt vào ngón chân.[3] Nước ấm và xà phòng thông thường là đủ để rửa sạch bàn chân và các ngón chân.
- Nếu muốn làm vệ sinh thật kỹ bàn chân/ngón chân và loại bỏ dầu tự nhiên trên da, bạn có thể dùng gel hoặc nước rửa tay có chứa cồn.
- Nhớ lau thật khô các ngón chân và kẽ ngón chân trước khi đặt gạc hoặc băng.
-
3Lót gạc hoặc vải nỉ vào kẽ ngón chân. Khi bạn đã xác định ngón chân út bị gãy nhưng không quá nghiêm trọng, bước đầu tiên của kỹ thuật quấn băng cố định vào ngón bên cạnh là lót một miếng gạc, vải nỉ hoặc một mảnh vải cotton vào giữa ngón út và ngón bên cạnh (ngón áp út).[4] Bước này giúp chống kích ứng da và phồng rộp khi băng cố định 2 ngón chân với nhau. Việc ngăn ngừa kích ứng da/phồng rộp cũng là để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Dùng đủ gạc, vải nỉ hoặc vải cotton vô trùng lót vào giữa ngón út và ngón áp út sao cho nó không dễ dàng rơi ra trước khi quấn cố định bằng băng dính.
- Nếu da nhạy cảm với băng y tế (dễ bị kích ứng hoặc ngứa vì keo dính), bạn hãy quấn gạc xung quanh ngón út và ngón áp út cho kín trước khi băng lại.
-
4Băng ngón út và ngón áp út với nhau. Sau khi lót gạc hoặc vải vào giữa hai ngón chân, bạn sẽ dùng băng y tế hoặc băng phẫu thuật băng lỏng hai ngón với nhau. Đây là kỹ thuật băng dính hai ngón chân với nhau, trong đó ngón chân áp út được dùng như thanh nẹp để hỗ trợ, giữ ổn định và bảo vệ ngón chân út bị gãy.[5] Quấn băng từ gốc ngón chân lên đến cách đầu ngón chân khoảng 0,5 cm. Quấn 2 lớp băng với 2 mảnh băng riêng để không bị quá chặt.
- Băng quấn quá chặt sẽ ngăn chặn tuần hoàn máu, khiến cho đầu ngón chân bị xanh tím. Các ngón chân sẽ bị tê hoặc có cảm giác châm chích nếu bị quấn quá chặt.
- Lưu lượng máu dẫn đến ngón chân suy giảm cũng sẽ làm chậm quá trình hồi phục, do đó bạn cần đảm bảo quấn sao cho chắc nhưng đủ lỏng để máu có thể lưu thông bình thường.
- Nếu không có sẵn băng y tế hoặc băng phẫu thuật (có bán ở các hiệu thuốc), bạn có thể dùng băng dính vải, băng dính điện hoặc băng dính gai Velcro nhỏ (bản mỏng).
- Hầu hết các trường hợp rạn xương ngón chân cần khoảng 4 tuần mới lành được bình thường, do đó bạn cần chuẩn bị tinh thần quấn băng trong phần lớn thời gian này.
-
5Thay băng và gạc hàng ngày. Băng hai ngón chân với nhau để nâng đỡ và giúp ngón chân mau lành là một quá trình liên tục, không chỉ là một lần. Nếu ngày nào cũng tắm, bạn cần phải băng lại mỗi ngày, vì gạc hoặc vải ướt sẽ không cón hiệu quả ngăn ngừa phồng rộp, và nước sẽ làm tan keo của băng dính.[6] Do đó, bạn cần tháo băng và gạc sau khi tắm và dùng băng gạc khô để băng lại sau khi bàn chân đã sạch và khô.
- Nếu tắm cách ngày, bạn có thể để thêm một ngày trước khi băng lại ngón chân, trừ khi bàn chân bị ướt vì nguyên nhân nào đó, chẳng hạn như bị mắc mưa hoặc ngập lụt.
- Bạn có thể dùng băng dính y tế/phẫu thuật chống nước để đỡ phải thay băng nhiều lần, nhưng bạn vẫn phải băng lại mỗi khi gạc/vải lót bị ướt (cho dù chỉ bị ẩm).
- Nhớ đừng băng quá dày (ngay cả khi băng lỏng) vì bàn chân có thể khó xỏ vừa vào giày. Băng quá nhiều lớp cũng khiến ngón chân dễ bị quá nóng và đổ mồ hôi.
Quảng cáo
Áp dụng các biện pháp chăm sóc ngón chân gãy tại nhà
-
1Chườm đá hoặc chườm lạnh. Ngay cả trước khi được bác sĩ chẩn đoán là rạn xương ngón chân, bạn nên chườm nước đá hoặc chườm lạnh khi bị chấn thương cơ xương khớp để giảm viêm và gây tê nhằm giảm đau. Dùng đá đập vụn bọc trong chiếc khăn mỏng (để chống bỏng lạnh) hoặc túi chườm đông lạnh đắp lên phần trước bàn chân.[7] Những túi rau củ đông lạnh cũng có tác dụng như túi chườm lạnh.
- Chườm lạnh không quá 20 phút mỗi lần lên má ngoài của bàn chân. Áp dụng liệu pháp này mỗi ngày 3-5 lần trong vài ngày đầu tiên sau chấn thương.
- Dùng băng thun để quấn túi đá hoặc túi gel lạnh xung quanh phần mũi bàn chân để có hiệu quả hơn, vì lực ép cũng giúp giảm sưng.
-
2Nâng cao bàn chân để giảm viêm. Trong khi chườm đá vào má ngoài bàn chân để giảm sưng, bạn cũng nên kê cao bàn chân lên.[8] Việc nâng cao bàn chân sẽ giảm lưu lượng máu đến ngón chân, nhờ đó cũng giảm viêm ở vết thương. Hãy kê cao chân bất cứ khi nào có thể (trước, trong và sau khi chườm đá) sao cho cao hơn tim để có kết quả tốt nhất.
- Khi ngồi ghế sofa, bạn nên dùng ghế gác chân hoặc vài chiếc gối để kê chân/bàn chân cho cao hơn tim.
- Khi nằm trên giường, bạn có thể dùng gối, chăn gấp lại hoặc gối ôm để kê cao chân.
- Cố gắng kê cao cả hai chân cùng lúc để khỏi gây đau hoặc khó chịu ở hông, xương chậu và/hoặc thắt lưng.
-
3Bớt đi bộ, chạy bộ và các bài tập vận động khác. Một yếu tố quan trọng trong việc chăm sóc ngón chân gãy tại nhà là nghỉ ngơi và thư giãn. Thực tế, phương pháp điều trị chủ yếu và được khuyến cáo trong mọi trường hợp rạn xương ở bàn chân là để cho chân nghỉ ngơi. Vì vậy, hãy tránh hoạt động đã gây ra rạn xương và tất cả các bài tập chịu sức nặng khác (đi bộ, chạy bộ, đi đường dài) buộc phải đặt trọng lượng lên má ngoài bàn chân trong khoảng 3-4 tuần.[9]
- Đạp xe vẫn là một lựa chọn tốt để tập luyện và duy trì dáng vóc, miễn là bạn có thể đặt phần gần gót chân lên bàn đạp và tránh xa ngón chân.
- Bơi lội là bài tập không chịu sức nặng và phù hợp trong trường hợp gãy ngón chân khi đã bớt sưng và đau. Đừng quên băng lại ngón chân sau khi bơi.
-
4Uống thuốc giảm đau không kê toa trong thời gian ngắn. Gãy ngón chân luôn gây đau, cho dù chỉ là rạn xương, và việc kiểm soát đau là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục. Vì vậy, bên cạnh liệu pháp chườm lạnh để làm tê cảm giác đau, bạn cũng nên cân nhắc uống thuốc giảm đau không kê toa như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol).[10] Để giảm thiểu các tác dụng phụ như kích thích dạ dày, bạn chỉ nên uống thuốc trong thời gian ngắn dưới 2 tuần nếu uống mỗi ngày. Trong các trường hợp gãy xương đơn giản nhất, bạn chỉ cần uống thuốc 3-5 ngày là đủ.
- Nhóm thuốc NSAID bao gồm ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve, Naprosyn), và aspirin (Excedrin). Thuốc NSAID có hiệu quả hơn trong các trường hợp gãy xương nhờ tác dụng giảm sưng, mà thuốc giảm đau không có. Tuy nhiên, các thuốc NSAID như naproxen có thể làm chậm quá trình hồi phục, do đó nó cần được sử dụng một cách thận trọng.[11]
- Aspirin không nên dùng cho trẻ em, còn ibuprofen không dùng cho trẻ sơ sinh – bạn chỉ nên cho trẻ uống acetaminophen nếu trẻ cần giảm đau.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Nếu bạn đi chụp x-quang và được chẩn đoán là rạn xương ngón chân út, có thể bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn băng hai ngón chân với nhau trước khi bạn rời phòng khám.
- Bạn không nên sử dụng kỹ thuật băng chung hai ngón chân nếu bạn bị tiểu đường tiến triển nặng hoặc có bệnh động mạch ngoại biên, vì việc giảm lưu lượng máu do băng chân có thể làm tăng nguy cơ hoại tử hoặc chết mô.
- Trong thời gian băng ngón chân gãy, bạn nên đi giày có đế rộng và cứng để có nhiều không gian hơn và bảo vệ ngón chân tốt hơn. Tránh đi giày xăng đan hoặc giày chạy trong ít nhất 4 tuần.
- Khi các triệu chứng thuyên giảm sau khoảng 1 tuần, bác sĩ có thể cho chụp x-quang lại để xem xương đã lành chưa.
- Trường hợp gãy xương không biến chứng có thể lành trong khoảng 6 tuần, tuỳ vào độ tuổi và thể trạng của từng người.
- Sau khi đã đỡ đau và sưng (1-2 tuần), bạn có thể từ từ tăng khả năng chịu sức nặng bằng cách mỗi ngày đứng và đi lại nhiều hơn một chút.
Tham khảo
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000520.htm
- ↑ https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/toe-and-forefoot-fractures
- ↑ http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3942599/
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/broken-toe/basics/treatment/con-20034500
- ↑ http://www.nhs.uk/conditions/broken-toe/Pages/Introduction.aspx
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000520.htm
- ↑ https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000520.htm
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/broken-toe/basics/lifestyle-home-remedies/con-20034500
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/broken-toe/