Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.
Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Có 9 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 102.878 lần.
Có phải bạn muốn đến tiệc bể bơi mà bạn bè đều tham dự vào mùa hè này, nhưng lại lo sợ rằng bạn không thể vì đến kỳ kinh nguyệt? Đừng lo - bạn vẫn có thể đi bơi vào ngày “đèn đỏ”! Bạn sẽ cảm thấy thoải mái nhất nếu dùng tampon hoặc cốc nguyệt san thay cho băng vệ sinh khi đi bơi, vì hai sản phẩm trên giúp bạn tạm quên sự bất tiện của kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu chỉ có băng vệ sinh, bạn vẫn ổn khi đi bơi. Bạn không cần phải bận tâm nhiều nếu chỉ định vui chơi cạnh hồ bơi hoặc nghịch nước mà không làm ướt đồ bơi.
Các bước
Dùng băng vệ sinh
-
1Dán băng vệ sinh vào đồ bơi khô. Lấy băng vệ sinh ra khỏi bao bì và dán vào đáy quần bơi. Hãy chọn loại băng vệ sinh siêu mỏng để đáy quần không bị phình ra và đảm bảo đồ bơi của bạn ôm sát cơ thể. Băng vệ sinh bị ướt sẽ không còn độ dính, nên việc mặc đồ bơi ôm sát sẽ góp phần giữ chặt băng vệ sinh.
-
2Thay băng vệ sinh thường xuyên khi đi bơi. Vì có tính thấm nước, băng vệ sinh sẽ phần nào giảm hiệu quả khi bạn đi bơi. Ngoài ra, bạn cũng cảm thấy khó chịu vì sự ẩm ướt. Mỗi khi ra khỏi hồ bơi, bạn nên thay băng vệ sinh để tránh gặp sự cố. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng bạn có thể gặp khó khăn khi dán băng vệ sinh mới vào đồ bơi đang ướt.[1]
Lưu ý: Mặc dù kinh nguyệt không dừng lại khi bạn ở trong nước, nhưng việc thiếu trọng lực và áp lực trong hồ bơi giúp cho kinh nguyệt được giữ trong cơ thể. Kinh nguyệt thường lưu thông khi bạn ra khỏi hồ bơi. Vì vậy, hãy quấn khăn quanh cơ thể và đi vào nhà vệ sinh càng nhanh càng tốt.
-
3Chọn đồ bơi tối màu. Màu tối có khả năng “ngụy trang” tốt hơn màu sáng. Do đó, nếu bạn lỡ gặp sự cố với băng vệ sinh, đồ bơi tối màu có thể giúp bạn tránh được tình huống ngượng ngùng.[2]
- Tuy nhiên, băng vệ sinh có cánh thường lộ ra bên ngoài đồ bơi. Nếu bạn không định mặc thêm quần bơi lửng, hãy chọn băng vệ sinh không cánh.
-
4Mặc thêm quần bơi lửng. Như vậy, bạn sẽ dễ dàng che đi việc dùng băng vệ sinh vì phần cánh không bị lộ ra ngoài. Hơn nữa, băng vệ sinh cũng được giữ cố định khi bạn di chuyển.[3]Quảng cáo
Áp dụng các lựa chọn khác
-
1Mặc đồ bơi có khả năng thấm hút và chống tràn tương tự như khi dùng băng vệ sinh. Loại đồ bơi này ôm sát cơ thể nên có thể chống tràn. Ngoài ra, phần đáy quần với miếng lót thấm hút giúp cho kinh nguyệt không tràn ra ngoài. Đây là lựa chọn phù hợp khi bạn chưa sẵn sàng để dùng tampon hay cốc nguyệt san hoặc không thể dùng hai sản phẩm này.[4]
- Bạn có thể mua loại đồ bơi này trên mạng.
-
2Dùng tampon nếu bạn thích sản phẩm dùng một lần. Tampon là lựa chọn hoàn hảo để đi bơi trong nước, vì loại sản phẩm này được giữ cố định và chỉ bị thấm một ít nước. Bạn nhớ nhét dây tampon thật khéo sao cho nó không lộ ra ngoài đồ bơi. Ngoài ra, hãy nhớ thay đổi tampon sau mỗi 4-8 tiếng.[5]
- Để sử dụng tampon, trước tiên bạn gỡ bao bì bọc quanh sản phẩm nhưng vẫn giữ lại dụng cụ hỗ trợ (nếu có). Bạn có thể ngồi xổm hoặc kê một chân lên cao nếu tư thế này đem đến cảm giác thoải mái. Ấn đầu nhỏ của tampon vào âm đạo, mở môi âm đạo nếu cần. Đầu tampon có sợi dây đang ở bên ngoài và bạn chỉ cần tiếp tục đẩy tampon vào vị trí thoải mái trong âm đạo. Đảm bảo lúc này chỉ còn sợi dây của tampon ở bên ngoài.
- Nếu tampon của bạn có dụng cụ hỗ trợ, hãy ấn ống đẩy của dụng cụ đến khi tampon được đưa vào âm đạo. Giữ dụng cụ hỗ trợ bằng hai ngón tay và ấn ống đẩy trên dụng cụ để tampon được đưa vào âm đạo. Lấy dụng cụ hỗ trợ ra và lúc này bạn chỉ thấy sợi dây của tampon ở bên ngoài.[6]
- Kể cả khi chưa từng quan hệ tình dục, bạn vẫn có thể dùng tampon. Hãy chọn loại tampon có kích cỡ nhỏ nếu bạn chưa từng dùng sản phẩm này. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, việc sử dụng tampon không làm rách màng trinh. Màng trinh căng xung quanh một phần cửa âm đạo chứ không bít cửa âm đạo. Hoặc, bạn có thể dùng bao cao su dành cho nữ.
-
3Thử dùng cốc nguyệt san nếu bạn muốn lựa chọn có thể tái sử dụng và chống tràn. Cốc nguyệt san là chiếc cốc nhỏ, có độ đàn hồi cao và vừa vặn với âm đạo. Thay vì thấm hút như tampon và băng vệ sinh, cốc nguyệt san giữ lượng kinh nguyệt trong cốc. Sản phẩm này được giữ cố định bằng cách tạo một vòng kín khít trên thành âm đạo, do đó kinh nguyệt thường không tràn ra ngoài khi bạn đã biết cách sử dụng. Cốc nguyệt san rất thích hợp để dùng khi đi bơi. Để sử dụng, bạn sẽ gấp cốc nguyệt san làm đôi theo chiều dọc, rồi lại gấp làm đôi thêm một lần nữa để tạo thành chữ "C" ở phía trên miệng cốc. Bước tiếp theo là đẩy cốc vào âm đạo. Khi cốc đã ở trong âm đạo, bạn sẽ xoay nhẹ để cốc mở ra.[7]
- Bạn có thể mua cốc nguyệt san trên mạng, tại các siêu thị hoặc cửa hàng như Guardian hay Medicare.
- Tương tự như tampon, bạn có thể dùng cốc nguyệt san kể cả khi chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bạn nên chọn sản phẩm có kích cỡ nhỏ.
-
4Không dùng sản phẩm nào cả nếu bạn có lượng kinh nguyệt ít và không lo bị tràn trong nước. Một bộ phận nữ giới có kinh nguyệt ít đến mức không cần dùng băng vệ sinh, tampon hay cốc nguyệt san. Bên cạnh đó, việc lưu thông kinh nguyệt của nhiều người còn chậm lại khi ở trong nước vì áp lực của nước đối với âm đạo. Bạn chỉ cần chuẩn bị sẵn khăn quấn quanh cơ thể khi ra khỏi hồ bơi để tránh bị lộ phần không cần thiết.[8]
- Chất clo sẽ thay bạn xử lý lượng kinh nguyệt nhỏ trong nước, nên những người khác sẽ không bị ảnh hưởng.
- Tuy nhiên, bạn nên tránh lựa chọn này nếu kinh nguyệt ra nhiều vì kinh nguyệt có thể tràn ra trong nước.
-
5Tránh đi bơi trong kỳ kinh nguyệt nếu điều đó khiến bạn không thoải mái. Không ai bắt buộc bạn phải bơi vào ngày “đèn đỏ” nếu bạn cảm thấy bất tiện. Nếu bạn còn nhỏ tuổi, hầu hết người lớn đều thông cảm khi bạn cho họ biết điều này. Bạn chỉ cần nói rằng bạn không khỏe nếu cảm thấy ngượng ngùng khi nói về kỳ kinh nguyệt.[9]Quảng cáo
Cảnh báo
- Tránh sử dụng băng vệ sinh khi đi bơi nếu kinh nguyệt ra nhiều. Hãy thử lựa chọn khác hoặc không bơi.
Tham khảo
- ↑ https://www.refinery29.com/en-us/swimming-on-period
- ↑ https://hellogiggles.com/lifestyle/stay-comfortable-beach-period/
- ↑ https://www.glamour.com/story/4-ways-to-deal-with-your-perio
- ↑ https://helloclue.com/articles/cycle-a-z/can-you-swim-on-your-period
- ↑ https://www.pennmedicine.org/updates/blogs/womens-health/2016/june/swimming-and-your-period-5-myths-debunked
- ↑ https://www.plannedparenthood.org/learn/health-and-wellness/menstruation/how-do-i-use-tampons-pads-and-menstrual-cups
- ↑ https://www.glamour.com/story/4-ways-to-deal-with-your-perio
- ↑ https://www.shape.com.sg/fitness/yes-you-can-swim-during-your-period/
- ↑ https://www.knixteen.com/blogs/the-rag/swimming-on-your-period