Bài viết này đã được cùng viết bởi Jonas DeMuro, MD. Tiến sĩ DeMuro là bác sĩ phẫu thuật chăm sóc sức khỏe trẻ em được cấp bằng hành nghề tại New York. Ông đã nhận bằng MD của Trường Y khoa Đại học Stony Brook vào năm 1996. Ông đã hoàn thành chương trình nghiên cứu về Chăm sóc khẩn cấp trong phẫu thuật tại Hệ thống Y tế Do Thái North Shore-Long Island và từng là thành viên của Trường Đại học Phẫu thuật Hoa Kỳ (ACS).
Có 8 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 30.545 lần.
Viêm gân là tình trạng tổn thương gân, vốn là phần kéo dài của cơ bám vào xương. Gân vận động mỗi khi cơ bắp co rút và kéo theo chuyển động của xương, chính vì vậy viêm gân thường xảy ra khi phải làm việc quá nhiều, chẳng hạn như thao tác lập đi lập lại trong công việc. Về lý thuyết, gân tại mọi vị trí trên cơ thể đều có thể viêm, nhưng phổ biến nhất là ở cổ tay, khủy tay, vai, hông và gót chân (gân Achilles).[1] Viêm gân gây đau nhiều và giảm khả năng vận động, tuy nhiên viêm gân sẽ từ từ hết sau vài tuần, đặc biệt khi được chăm sóc tại nhà phù hợp. Trong một số trường hợp viêm gân trở nên mãn tính và đòi hỏi phải can thiệp y khoa.
Các bước
Cách điều trị đơn giản
-
1Ngừng sử dụng gân/cơ quá nhiều. Gân bị viêm khi có chấn thương đột ngột, nhưng nguyên nhân phổ biến của bệnh này chủ yếu do lập đi lập lại các thao tác nhỏ trong thời gian dài ngày, thậm chí hàng tuần hay hàng tháng.[2] Chuyển động lập lại tạo áp lực lên gân, từ đó gây ra các vết rách nhỏ và viêm cục bộ. Bạn phải nhận diện động tác nào đang gây ra vấn đề, sau đó tạm thời nghỉ ngơi (ít nhất vài ngày) hoặc tìm cách thay đổi động tác này chút ít. Nếu viêm gân do công việc gây ra, bạn phải nói chuyện với quản lý để được tạm thời chuyển sang làm việc khác. Nếu viêm gân liên quan đến quá trình tập luyện thể thao, điều đó chứng tỏ bài tập quá sức hoặc thao tác không đúng, bạn nên nhờ huấn luyện viên cá nhân tư vấn.
- Quần vợt và gôn là hai môn thể thao dễ gây viêm gân khủy tay, do đó trong tiếng Anh người ta có thuật ngữ "tennis elbow" (đau khuỷu tay khi chơi quần vợt) và "golfer's elbow" (đau khuỷu tay khi chơi côn cầu).
- Viêm gân cấp tình thường tự lành sau một thời gian nghỉ ngơi, nếu bạn không nghỉ ngơi bệnh sẽ trở thành mãn tính và rất khó điều trị.
-
2Chườm đá vào vùng bị viêm gân. Triệu chứng đau của bệnh này chủ yếu do viêm gây ra, là phản ứng của cơ thể để chữa lãnh phần mô bị tổn thương. Tuy nhiên, phản ứng gây viêm thường xảy ra quá mức và thực sự góp phần gây ra vấn đề, vì vậy kiểm soát viêm là chìa khóa để giảm đau. Bạn nên chườm túi đá, túi gel hay củ quả đông lạnh vào chỗ gân bị viêm để giảm viêm và bớt đau.[3] Cứ sau vài giờ lại chườm lạnh một lần cho đến khi hết đau và viêm.
- Nếu viêm xảy ra ở phần cơ/gân nhỏ, lồi ra ngoài (như ở cổ tay và khủy tay), bạn nên chườm trong 10 phút. Với những chỗ cơ/gân rộng hoặc nằm sâu bên trong (như ở vai và hông) thì thời gian chườm là gần 20 phút.
- Trong khi chườm bạn cần nâng cao và bó chặt khu vực đó bằng băng - cả hai phương pháp đều có thể điều trị viêm rất hiệu quả.
- Nhớ quấn túi nước đá bằng tấm vải mỏng trước khi chườm để tránh bị phỏng lạnh.
-
3Uống thuốc kháng viêm. Một cách khác để điều trị viêm gân là sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID).[4] Các thuốc NSAID như aspirin, ibuprofen (Mofen-400) và naproxen (Naproxen 275mg) có thể kiểm soát viêm, giảm đau và sưng. Thuốc NSAID tác động tiêu cực lên dạ dày (cả gan và thận nhưng ở mức độ nhẹ hơn), vì vậy tốt nhất bạn không nên uống lâu hơn hai tuần đối với bất kì chấn thương nào.
- Thay cho thuốc uống bạn có thể cân nhắc thoa kem hay gel kháng viêm/giảm đau, đặc biệt khi gân nằm gần bề mặt da để dễ dàng hấp thu thuốc.
- Tránh dùng thuốc giảm đau (acetaminophen) hoặc thuốc giãn cơ (cyclobenzaprine) vì chúng không giải quyết được tình trạng viêm.
Quảng cáo
Cách điều trị tương đối
-
1Kéo giãn nhẹ chỗ gân bị viêm. Viêm gân nhẹ tới trung bình và căng cơ thường phản ứng tốt với phương pháp kéo giãn vì nó làm giảm sức căng trong cơ, tăng tuần hoàn máu, cải thiện sự dẻo dai và phạm vi vận động.[5] Kéo giãn cơ nên áp dụng cho viêm gân cấp tính (nếu đau và viêm không nghiêm trọng) và viêm gân mãn tính, đây cũng là biện pháp đề phòng chấn thương này. Trong khi kéo giãn bạn phải thao tác chậm nhưng chắc, giữ yên vị trí trong 20-30 giây, lập lại từ ba tới năm lần mỗi ngày, đặc biệt trước và sau khi hoạt động nhiều.
- Đối với viêm gân mãn tính hoặc khi muốn đề phòng chấn thương, bạn phải chườm khăn ẩm nóng vào chỗ viêm trước khi kéo giãn, để cơ/gân được hâm nóng và trở nên linh hoạt hơn.
- Nên nhớ viêm gân thường gây đau nhiều hơn vào ban đêm và sau khi vận động.
-
2Đeo nẹp hỗ trợ. Nếu viêm gân xảy ra ở đầu gối, khủy tay hoặc cổ tay, bạn nên cân nhắc đeo đai quấn cổ tay bằng cao su neoprene hay loại nẹp dán bằng nylon/Velcro để bảo vệ và hạn chế cử động ở đó.[6] Mang nẹp hỗ trợ cũng có tác dụng nhắc bạn nhớ hoạt động vừa phải khi làm việc và tập luyện thể thao.
- Tuy nhiên bạn không được giữ chỗ chấn thương bất động hoàn toàn vì gân, cơ và khớp xương gần đó cần cử động đôi chút để đảm bảo tuần hoàn máu cho quá trình lành.
- Ngoài việc đeo nẹp, bạn nên xem xét cách thiết kế của đồ dùng tại nơi làm việc để đảm bảo chúng phù hợp với vóc dáng và kích thước cơ thể mình. Nếu cần bạn hãy điều chỉnh ghế ngồi, bàn phím và máy tính để bàn sao cho loại bỏ áp lực đè nặng lên khớp xương và gân.
Quảng cáo
Điều trị chuyên nghiệp
-
1Khám bác sĩ. Nếu viêm gân không khỏi hoặc không phản ứng tốt với việc nghỉ ngơi và tự chăm sóc, bạn cần tới bệnh viện để được thăm khám. Bác sĩ sẽ đánh giá độ nặng của viêm gân, đôi khi bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị chẩn đoán như siêu âm hoặc MRI, và sau đó cho bạn lời khuyên. Nếu gân bị bong khỏi xương, bác sĩ có thể giới thiệu bạn sang bác sĩ ngoại chỉnh hình để phẫu thuật chỉnh sửa.[7] Đối với các ca ít nghiêm trọng, tập phục hồi chức năng và/hoặc tiêm steroid thường phù hợp hơn.
- Phẫu thuật điều trị viêm gân nặng được thực hiện bằng phương pháp nội soi khớp, nghĩa là người ta sẽ lồng một camera và các dụng cụ nhỏ qua vết cắt ngắn gần khớp xương.[8]
- Đối với viêm gân mãn tính, kỹ thuật hút mô sẹo tập trung (FAST) là thủ thuật ít xâm lấn giúp loại bỏ mô sẹo khỏi gân mà không tác động đến mô khỏe mạnh.[9]
-
2Tập phục hồi chức năng. Nếu bạn bị viêm gân mãn tính nhưng mức độ không nghiêm trọng lắm, bác sĩ thường yêu cầu bạn tập phục hồi chức năng, nghĩa là vật lý trị liệu. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn một số động tác kéo giãn và bài tập tăng cường sức khỏe cho gân bị viêm và hệ thống cơ xung quanh. Ví dụ, tập tăng cường cơ bắp bằng cách giãn cơ là kỹ thuật đòi hỏi phải co cơ/gân trong giai đoạn nó bị kéo dài - hiệu quả trong điều trị viêm gân mãn tính.[10] . Để viêm gân mãn tính cải thiện thì bạn phải tập vật lý trị liệu từ hai tới ba lần mỗi tuần trong thời gian bốn tới tám tuần.
- Chuyên gia vật lý trị liệu cũng có thể điều trị viêm gân bằng kỹ thuật siêu âm trị liệu hoặc dùng công nghệ tạo dòng điện cực nhỏ, cả hai cách đều có hiệu quả trị viêm và tăng cường phục hồi chấn thương.
- Một số chuyên gia trị liệu (và các chuyên gia y tế khác) sử dụng sóng ánh sáng năng lượng thấp (tia hồng ngoại) để giảm viêm và đau trong những chấn thương cơ xương nhẹ tới trung bình.[11]
-
3Tiêm steroid. Nếu bác sĩ thấy cần thiết họ sẽ tiêm steroid trực tiếp hoặc gần chỗ gân bị viêm. Các steroid như cortisone điều trị viêm tạm thời rất hiệu quả, do đó có thể loại trừ đau và phục hồi khả năng vận động (ít nhất trong thời gian ngắn), nhưng cũng có một số rủi ro bạn cần chú ý.[12] Trong những ca rất hiếm, tiêm corticosteroid có thể làm cơ bị tổn thương yếu hơn và khiến rách cơ. Vì vậy corticosteroid không được khuyến cáo tiêm đi tiêm lại để điều trị viêm gân kéo dài trên ba tháng, vì nó tăng nguy cơ làm rách gân.[13]
- Tiêm steroid có thể giảm đau tạm thời nhưng không chắc thành công lâu dài.[14]
- Bên cạnh tác dụng làm yếu gân, các tác dụng phụ khác liên quan đến steroid bao gồm nhiễm trùng, teo cơ cục bộ, tổn thương dây thần kinh và giảm chức năng miễn dịch.
- Nếu tiêm steroid vẫn không trị khỏi viêm gân, đặc biệt khi song song đó cũng tập vật lý trị liệu, bạn phải cân nhắc khả năng phẫu thuật.
-
4Tham khảo ý kiến bác sĩ về công nghệ PRP (huyết tương giàu tiểu cầu). Công nghệ PRP tương đối mới và vẫn còn được nghiên cứu, theo đó họ sẽ lấy mẫu máu và xoáy ly tâm để tách tiểu cầu và các nhân tố phục hồi khác khỏi tế bào hồng cầu.[15] Sau đó hỗn hợp huyết tương được tiêm vào gân viêm mãn tính, có tác dụng giảm viêm và tăng cường phục hồi mô tế bào.
- Nếu thành công, công nghệ PRP là phương pháp thay thế tốt hơn nhiều cách tiêm corticosteroid vì không gây ra tác dụng phụ.
- Cũng như bất kì thủ thuật xâm lấn nào, luôn luôn có rủi ro nhiễm trùng, chảy máu nhiều và/hoặc tích tụ mô sẹo.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Phòng tránh viêm gân luôn dễ hơn điều trị, vì vậy bạn nên hạn chế sử dụng quá nhiều bất kì chỗ cơ nào khi mới làm quen với thao tác đó.
- Cai thuốc lá vì nó tác động xấu đến tuần hoàn máu, gây ra tình trạng thiếu ôxi và chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ, gân và nhiều mô khác.
- Nếu một bài tập/hoạt động làm cơ hoặc gân đau, bạn thử thay thế bằng cách tập khác. Tập luyện đan xen với các hoạt động khác nhau giúp đề phòng viêm gân gây ra do sự lập đi lập lại.
Tham khảo
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001229.htm
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tendinitis/basics/causes/con-20020309
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tendinitis/basics/lifestyle-home-remedies/con-20020309
- ↑ http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00026
- ↑ http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/fitness/in-depth/stretching/art-20047931
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001229.htm
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tendinitis/basics/treatment/con-20020309
- ↑ http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00026
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tendinitis/basics/treatment/con-20020309
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tendinitis/basics/treatment/con-20020309
- ↑ http://www.practicalpainmanagement.com/unique-use-near-infrared-light-source-treat-pain
- ↑ http://emedicine.medscape.com/article/809692-treatment
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tendinitis/basics/treatment/con-20020309
- ↑ http://emedicine.medscape.com/article/809692-treatment
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tendinitis/basics/treatment/con-20020309