Bài viết này có đồng tác giả là Alan O. Khadavi, MD, FACAAI, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Có 9 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 5.375 lần.
Nếu bạn thấy ngứa khắp người sau khi chạm vào cây có chùm 3 lá khi đi dã ngoại ở các vùng thuộc châu Á hoặc Bắc Mỹ thì đừng lo! Thường xuân độc là loài cây có thể gây phát ban và ngứa dai dẳng, vì chất dầu urushiol trong cây gây phản ứng ở hầu hết mọi người. Bạn có thể bị phát ban do cây thường xuân độc khi tiếp xúc trực tiếp với cây hoặc với dầu của cây. Cây thường xuân độc có thể khiến bạn rất khó chịu, nhưng tình trạng này có thể thuyên giảm! Bạn có thể chữa tại nhà hoặc tìm sự chăm sóc y tế khi bị phát ban do thường xuân độc. Tuy nhiên, nếu bị khó thở khi hít phải khói cây thường xuân độc, bạn cần phải đến bác sĩ ngay lập tức.
Các bước
Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 4:Nhận biết phát ban do thường xuân độc
-
1Theo dõi các vệt phát ban ngứa xuất hiện sau khi bạn tiếp xúc với cây thường xuân độc 24-48 giờ. Tình trạng này có thể xảy ra sớm hơn nếu bạn tiếp xúc với lượng lớn dầu urushiol. Phát ban chỉ xuất hiện ở những vùng da có dính dầu nên thường nổi thành vệt. Phần lớn các trường hợp phát ban kéo dài khoảng 2-3 ngày.[1]
- Phát ban có thể lan rộng do gãi nếu dầu vẫn còn trên da, do đó vệt phát ban có thể không thẳng. Nếu bạn bị phát ban lan rộng sau khi gãi thì có thể đó là cây thường xuân độc hoặc một trong các họ hàng của nó, sồi độc và sơn độc. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các loại phát ban khác cũng có thể lan rộng.
-
2Tìm các vết phát ban sau khi chạm vào thú cưng hoặc đồ vật bị nhiễm. Dầu của cây thường xuân độc có thể dính trên lông thú cưng hoặc quần áo tiếp xúc với cây, và không may là nó cũng gây phát ban. Nếu nghi ngờ thú cưng hoặc các vật khác dính cây thường xuân độc, bạn hãy tìm các vệt phát ban đỏ trên da.[2]
- Lập tức giặt riêng quần áo dính cây thường xuân độc. Cố gắng chạm vào quần áo càng ít càng tốt.
- Nếu thú cưng của bạn quẹt vào cây thường xuân độc, hãy tắm cho chúng ngay. Chất dầu gây kích ứng này có thể bám lại trên lông thú cưng và lan sang những vật chúng chạm vào. Bạn cũng nên giặt rửa mọi thứ mà bạn biết là chúng đã chạm vào, vì dầu có thể dính trên các bề mặt đồ vật.
- Thú cưng thường không bị phát ban sau khi tiếp xúc với cây thường xuân độc. Thường thì bạn sẽ không biết thú cưng của bạn quẹt phải cây thường xuân độc trừ khi bạn trông thấy hoặc bị phát ban sau khi chạm vào lông thú cưng.[3]
-
3Để ý các nốt phồng và sưng xung quanh vùng da bị phát ban. Các nốt phồng rộp thường xuất hiện cùng với phát ban do thường xuân độc, có kích thước từ cỡ đầu đinh ghim cho đến cỡ to hơn khuy áo. Các nốt này có thể vỡ ra và tiết dịch trong, nhưng hiện tượng này là bình thường và không làm phát ban lan rộng. Bạn cũng có thể bị viêm do phát ban và bị sưng.[4]
- Các nốt phồng rộp thường xuất hiện trong vòng 1- 14 ngày sau khi chạm vào cây thường xuân độc.[5]
- Đừng bao giờ tự làm vỡ các nốt phồng!
- Phát ban do thường xuân độc thường gây sưng nhiều hơn các loại phát ban khác.
- Để ý mủ rỉ ra từ các nốt phồng. Nếu có mủ chảy ra thì khả năng là vết phát ban đã bị nhiễm trùng, và bạn cần đi khám để điều trị càng sớm càng tốt.
Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 4:Sơ cứu
-
1Rửa vùng da nghi ngờ dính dầu cây thường xuân độc ngay lập tức. Để vòi nước lạnh chảy lên vùng da dính dầu vài phút, nhưng đừng ngâm nước. Dùng xà phòng không mùi rửa sạch dầu. Rửa càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ phát ban hoặc dầu lan rộng.[6]
- Tốt nhất là bạn nên dùng khăn mặt để xoa xà phòng lên da, nhưng nếu phải dùng tay thì cũng không sao, vì bọt xà phòng sẽ bảo vệ da tay khỏi bị dính dầu.
- Bạn cần dùng nước chảy để loại bỏ dầu. Nếu bạn ngâm trong nước, dầu sẽ loang vào nước và ảnh hưởng đến các vùng da khác.
- Tránh dùng nước nóng, vì nước nóng sẽ làm nở lỗ chân lông và khiến da hấp thụ dầu nhiều hơn.
-
2Chấm cồn tẩy rửa lên da để loại bỏ dầu. Bạn có thể dùng tăm bông nhúng cồn tẩy rửa hoặc khăn giấy ướt tẩm cồn. Tốt nhất là nên lau sạch dầu trong vòng 10 phút sau khi tiếp xúc với cây để tránh phát ban, nhưng bạn cũng có thể làm việc này sau đó để loại bỏ dầu còn dính trên da.[7]
- Không lau vào vùng da không dính dầu để tránh vô tình làm dầu lan ra. Sau khi dùng 1 miếng gạc hoặc tăm bông xong, bạn hãy vứt nó đi ngay.
-
3Nghiền nát vài lá cây bông móng tay nếu bạn đang ở ngoài trời. Cây bông móng tay thường được gọi là phương thuốc tự nhiên chữa phát ban do thường xuân độc. Nó là loài cây bụi mọc thấp, có hoa hình chuông màu vàng hoặc màu cam. Bạn có thể nghiền vài lá cây bông móng tay thành bột nhão và đắp lên vùng da bị phát ban. Để yên như vậy cho đến khi khô, sau đó rửa sạch bằng nước mát.
- Cây bông móng tay có thể khử được dầu của cây thường xuân độc. Nó sẽ giúp bạn tránh phát ban hoặc giảm các mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
- Bạn chỉ nên dùng bột nhão nghiền ra từ cây bông móng tay. Đừng dựa vào chiết xuất hoặc xà phòng làm từ cây bông móng tay, vì những sản phẩm này không có hiệu quả.[8]
- Đắp thêm cây bông móng tay nghiền nếu muốn.
- Nếu không tìm thấy cây bông móng tay, bạn có thể đặt mua trên mạng.
Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 4:Giảm các triệu chứng tại nhà
-
1Bôi kem corticosteroid không kê toa trong 1-3 ngày. Dùng tăm bông chấm một lượng nhỏ kem lên vết phát ban. Bạn chỉ nên dùng lượng vừa đủ, vì kem corticosteroid có thể gây ra các tác dụng phụ nếu sử dụng trong thời gian dài. Nếu cần, bạn có thể bôi cách 4 tiếng một lần.[9]
- Chỉ nên dùng kem corticosteroid tối đa 3 ngày sau khi vết phát ban xuất hiện.
- Nhớ đọc nhãn thuốc và tuân theo mọi hướng dẫn. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sản phẩm.
-
2Thoa lotion calamine để trị ngứa, nếu cần. Bạn có thể mua lotion calamine không kê toa để làm dịu ngứa. Dùng tăm bông chấm lotion calamine lên vết phát ban và để cho khô. Cứ cách 3-4 tiếng bạn có thể thoa lại một lần nếu muốn.[10]
- Tuân theo mọi hướng dẫn trên nhãn thuốc. Tốt nhất là bạn nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc không kê toa nào.
- Lưu ý rằng lotion calamine có thể làm ố bẩn quần áo và ga trải giường.
-
3Uống thuốc kháng histamine hàng ngày theo hướng dẫn. Bạn có thể chọn diphenhydramine (Benadryl), cetirizine (Zyrtec), loratadine (Claritin), hay fexofenadine (Allegra). Thuốc kháng histamine cóo công dụng giảm phản ứng của cơ thể với tình trạng phát ban. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi uống thuốc kháng histamine, mặc dù thuốc có bán không cần toa.[11]
- Đọc nhãn thuốc để biết liều lượng của thuốc kháng histamine. Diphenhydramine (Benadryl) thường uống cách 4 tiếng một lần, còn các thuốc khác chỉ uống một lần mỗi ngày.
- Lưu ý rằng, một số thuốc kháng histamine gây buồn ngủ, và thức uống có cồn sẽ làm tăng tác dụng phụ này. Bạn hãy đọc nhãn thuốc để biết thuốc có gây buồn ngủ không. Nếu có, bạn cần tránh các hoạt động như lái xe hoặc vận hành máy móc.
-
4Làm dịu ngứa bằng liệu pháp ngâm bồn tắm yến mạch với nước mát. Mở vòi nước mát cho chảy vào bồn tắm và hoà keo yến mạch (yến mạch xay nhuyễn) vào nước.[12] Hòa 1 cốc (85g) yến mạch vào nước ngâm khoảng 20 phút, sau đó tắm lại cho sạch yến mạch và lau khô người.
- Keo yến mạch thường có bán tại khu vực bán sản phẩm tắm ở các cửa hàng bách hoá lớn.
- Bạn cũng có thể nghiền yến mạch cán kiểu truyền thống trong máy xay để hoà vào nước tắm,[13] nhưng mua keo yến mạch để pha nước tắm là lựa chọn dễ dàng hơn nhiều.
-
5Chườm gạc ướt, mát trong 15-30 phút để giảm sưng. Bạn có thể nhúng khăn sạch vào nước mát và chườm nhiều lần trong ngày. Nhớ dùng khăn sạch cho mỗi lần chườm.[14]
- Bạn cũng có thể ngâm khăn trong dung dịch có tính làm se như trà đen ướp lạnh hoặc hỗn hợp giấm táo/nước pha theo tỷ lệ 50/50. Một số người cảm thấy dịu hơn khi chườm các dung dịch này. Nếu dùng giấm, bạn nên thử trước lên một chỗ nhỏ trên da trước để đảm bảo da của bạn không mẫn cảm với giấm.
- Không giặt chung khăn chườm với quần áo.
-
6Dùng muối nở để trị ngứa. Bạn có thể trộn muối nở với nước thành bột nhão, hoặc pha 1 cốc (130 g) muối nở vào nước tắm. Muối nở có thể rút chất độc ra và làm dịu tình trạng phát ban. Nếu dùng hỗn hợp bột nhão, bạn cần chờ cho khô và rửa sạch bằng nước mát.[15]
- Bạn có thể đắp muối nở mỗi ngày vài lần nếu muốn.
-
7Thoa lô hội lên vết phát ban để giảm ngứa. Mặc dù có bề ngoài giống cây xương rồng, nhưng lô hội không có gai nhọn. Chất gel trong lá cây lô hội có công dụng giảm ngứa. Bạn chỉ cần bẻ một lá lô hội, ép phần gel trong lá ra hoặc mua hộp gel lô hội ở hiệu thuốc và xoa lên vết phát ban.[16]
- Nếu mua gel lô hội, bạn nhớ đọc nhãn sản phẩm để chắc chắn trong đó không có chất phụ gia.
Quảng cáo
Phương pháp 4
Phương pháp 4 của 4:Điều trị y tế
-
1Tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu xuất hiện các triệu chứng nặng hoặc bị phát ban dai dẳng. Trong hầu hết các trường hợp, bạn không cần phải đến bác sĩ để chữa trị phát ban do cây thường xuân độc. Chỉ cần điều trị tại nhà là đủ! Tuy nhiên, bạn có thể phải đến bác sĩ nếu vùng phát ban lan rộng, có các triệu chứng gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày hoặc tình trạng phát ban không khỏi sau 2-3 ngày.[17]
- Ví dụ, toàn bộ vùng da bắp chân hoặc cẳng tay được xem là diện tích rộng.
- Bạn luôn luôn nên đến gặp bác sĩ nếu bị phát ban trên mặt hoặc bộ phận sinh dục.
-
2Hỏi bác sĩ về thuốc corticosteroid dạng uống để điều trị tình trạng ngứa nghiêm trọng. Bác sĩ có thể kê toa thuốc corticosteroid dùng đường uống (chẳng hạn như Prednisone) cho các trường hợp ngứa dữ dội. Đây có thể là một lựa chọn nếu bạn bị phát ban nhiều chỗ trên người. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp với thuốc này, do đó bác sĩ có thể khuyến nghị dùng thuốc không kê toa.[18]
- Thuốc corticosteroid có thể gây tác dụng phụ, do đó bạn chỉ nên uống khi thực sự cần. Các tác dụng phụ ngắn hạn thường gặp nhất là khó ngủ, chán ăn và thay đổi tâm trạng.[19]
- Tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc.
-
3Sử dụng thuốc kháng sinh nếu xảy ra tình trạng nhiễm trùng. Thường thì bạn không cần dùng thuốc kháng sinh, nhưng bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh nếu các vết phát ban bị nhiễm trùng. Bạn có thể bị nhiễm trùng nếu da bị rách, vì vậy hãy đến bác sĩ nếu xảy ra tình trạng này.[20]
- Nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng nếu bạn gãi vào vết phát ban, vì khi đó da sẽ dễ bị rách. Cố gắng đừng gãi!
Quảng cáo
Lời khuyên
- Bạn có thể tránh bị phát ban do cây thường xuân độc bằng cách mặc quần dài và tất cao cổ khi đi dã ngoại.
Cảnh báo
- Tình trạng phát ban sẽ còn tệ hơn khi bị gãi, thậm chí nó còn lan rộng! Nếu bạn hoặc con bạn khó kìm chế gãi, hãy đeo găng tay liền ngón. Bạn cũng có thể dùng gạc vô trùng phủ lên vết phát ban.
- Tuyệt đối không đốt cây thường xuân độc, vì khói của nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở phổi. Nếu bạn đã ở gần cây thường xuân độc đang cháy, hãy đi khám ngay lập tức.
- Hầu hết các trường hợp phát ban có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu bị phát ban trên mặt hoặc bộ phận sinh dục, các nốt phồng có mủ (dịch màu vàng), sốt cao trên 38 độ C, và phát ban kéo dài không khỏi.[21]
Tham khảo
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/symptoms-causes/syc-20376485
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/symptoms-causes/syc-20376485
- ↑ http://www.vetstreet.com/our-pet-experts/what-pet-owners-should-know-about-poison-ivy-oak-and-sumac
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/symptoms-causes/syc-20376485
- ↑ https://healthcenter.indiana.edu/answers/poison%20ivy.shtml
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/symptoms-causes/syc-20376485
- ↑ https://www.medicalnewstoday.com/articles/318059.php
- ↑ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22766473
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/diagnosis-treatment/drc-20376490
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/diagnosis-treatment/drc-20376490
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/diagnosis-treatment/drc-20376490
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/diagnosis-treatment/drc-20376490
- ↑ https://www.almanac.com/blog/home-health/natural/oatmeal-soothe-skin-poison-ivy-swimmers-itch-and-sunburn-relief
- ↑ https://www.medicalnewstoday.com/articles/318059.php
- ↑ https://www.medicalnewstoday.com/articles/318059.php
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/diagnosis-treatment/drc-20376490
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/diagnosis-treatment/drc-20376490
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/diagnosis-treatment/drc-20376490
- ↑ https://www.nhs.uk/conditions/steroids/
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/diagnosis-treatment/drc-20376490
- ↑ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poison-ivy/diagnosis-treatment/drc-20376490