Bài viết này đã được cùng viết bởi Lydia Shedlofsky, DO. Lydia Shedlofsky là bác sĩ nội trú chuyên khoa da liễu, tham gia Affiliated Dermatology vào tháng 7 năm 2019 sau khi hoàn thành chương trình thực tập xoay vòng truyền thống tại Bệnh viện Cộng đồng Larkin ở Miami, Florida. Cô có bằng cử nhân sinh học của Đại học Guilford tại Greensboro, Bắc Carolina. Sau khi tốt nghiệp, cô dọn nhà đến Beira, Mozambique, làm trợ lý nghiên cứu và thực tập sinh tại một phòng khám tự do. Cô hoàn thành chương trình văn bằng hai và sau đó học lấy bằng thạc sĩ về giáo dục y tế và bằng tiến sĩ về Y khoa Trị liệu Osteopathy của Đại học Y khoa Trị liệu Osteopathy Lake Erie.
Có 8 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 31.962 lần.
U nang bã là là một túi cứng, kín và lành tính nằm dưới da và thường tạo thành bướu có dạng tròn gắn vào lớp biểu bì, có thể di chuyển trên các mô bên dưới. U nang bã chủ yếu xuất hiện trên mặt, cổ, vai hoặc ngực (phần có lông của cơ thể). Bệnh này rất phổ biến trong dân chúng và có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. U nang bã không lây và không có nguy cơ phát triển thành ung thư (nói cách khác, chúng là những u lành tính). Tuy nhiên, u nang bã có thể bị nhiễm trùng và làm mất thẩm mỹ. Để bắt đầu quá trình điều trị, bạn hãy bắt đầu với bước 1.
Các bước
Dùng phương pháp điều trị bảo tồn
-
1Dùng gạc ấm chườm lên khối u. Dùng khăn ấm 37-40 °C chườm 3-4 lần mỗi ngày, mỗi lần chườm không quá 10-30 phút cho đến khi khối u khô đi. Gạc ấm sẽ làm giãn các mạch máu lưu thông đến các mô, cải thiện việc cung cấp chất dinh dưỡng vốn cần thiết cho việc sửa chữa tổn thương. Sự gia tăng lưu thông máu cũng giúp rửa sạch chất dịch bị viêm và các chất cặn bã khỏi chỗ sưng.
- Các khối u nang bã có thể không cần điều trị nếu không gây đau đớn cho bệnh nhân; hầu hết các khối u nang bã không nguy hiểm mà chỉ gây phiền toái về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên khi những khối u này bị viêm thì khôn ngoan nhất là phải tìm cách điều trị.
-
2Giữ sạch khối u nang. Thường xuyên rửa kỹ vùng da bằng xà phòng diệt khuẩn không gây kích ứng dưới vòi nước chảy. Dùng vải hoặc khăn sạch thấm khô da, sau đó băng lại bằng gạc vô trùng – giữ cho gạc luôn khô ráo.
- Tránh dùng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da trên vùng u nang bã. Điều này có thể gây kích ứng và nhiễm trùng.
-
3Không bao giờ tự làm vỡ khối u. Loại u nang này sẽ khô tự nhiên; việc làm vỡ khối u sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và có thể gây sẹo vĩnh viễn. Cố gắng cưỡng lại việc này – nếu thấy phiền, bạn hãy đến bác sĩ để loại bỏ nó.
- Nếu khối u tình cờ bị vỡ và gây vết rách trên da, bạn cần rửa thật sạch vùng da với xà phòng sát khuẩn không gây kích ứng.
-
4Tìm sự can thiệp y khoa nếu có dấu hiệu nhiễm trùng rõ rệt. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng – đau, sưng, đỏ và ấm nóng – bạn cần lập tức báo cho bác sĩ biết để được can thiệp đúng mức. Đây là thủ thuật bình thường và bạn không phải lo lắng; tuy nhiên nếu không được điều trị, bạn sẽ bị nhiễm trùng, một tình trạng rất, rất nghiêm trọng.[1]
- Cho dù khối u không có dấu hiệu nhiễm trùng, có thể bạn vẫn muốn đến bác sĩ. Một đường rạch rất đơn giản có thể khiến khối u biến mất chỉ trong một phút. Bạn sẽ tự hỏi tại sao mình lại phải chờ lâu đến thế!
Quảng cáo
Dùng những liệu pháp tại nhà chưa được xác thực
-
1Thử dùng tinh dầu cây trà (tea tree oil). Tinh dầu cây trà là một liệu pháp kháng khuẩn và kháng viêm tuyệt vời. Nó có thể tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy sự liên hệ giữa tinh dầu cây trà và u nang bã.
- Để áp dụng liệu pháp này, bạn chỉ cần nhỏ một hoặc hai giọt tinh dầu cây trà lên vùng tổn thương và băng lại bằng băng y tế. Thực hiện mỗi ngày một lần vào buổi sáng và tháo băng ra vào ban đêm.
-
2Dùng tinh dầu thầu dầu. Dầu thầu dầu có chứa ricin, một hóa chất chống vi khuẩn rất công hiệu. Nhúng vải vào dầu thầu dầu và đắp lên khối u. Đặt gạc nóng lên trên và giữ 30 phút. Sức nóng sẽ giúp dầu thấm vào da dễ hơn. Chất ricin sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Liệu pháp này cũng thiếu bằng chứng khoa học. Dầu thầu dầu có thể chống lại vi khuẩn, nhưng hiệu quả trên khối u nang thì còn mơ hồ. Liệu pháp này có thể không có hại, nhưng cũng có thể không có hiệu quả.
-
3Dùng lô hội. Lô hội chứa hợp chất phenolic, có đặc tính kháng sinh. Thoa lô hội trực tiếp lên vùng tổn thương và xoa nhẹ nhàng cho đến khi ngấm vào da. Lặp lại quá trình này mỗi ngày cho đến khi khỏi nhiễm trùng.
- Lô hội là liệu pháp đã được sử dụng hàng thế kỷ nay. Nó là một trong những phương thuốc tuyệt vời nhất của thiên nhiên. Tuy nhiên, cũng như trên, không có bằng chứng cho thấy nó là liệu pháp hoàn hảo nhất trong việc điều trị u nang bã.
-
4Thử nghiệm với giấm táo. Hợp chất chính tìm thấy trong giấm táo là a-xít acetic. Chất này có đặc tính khử trùng, giúp trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên đặc tính này rất chung chung và không đặc biệt áp dụng cho các khối u nang bã. Nói cách khác, bạn đừng chỉ dựa vào riêng liệu pháp này.
- Bôi giấm lên vùng tổn thương và băng lại. Tháo băng ra sau 3 hoặc 4 ngày. Bạn sẽ nhận thấy một lớp vẩy cứng hình thành bên trên chỗ tổn thương.
- Khi gỡ lớp vẩy ra, mủ sẽ chảy ra cùng với vi khuẩn. Rửa sạch vết thương và băng lại bằng băng mới, không thoa giấm. Sau 2 hoặc 3 ngày, khối u nang sẽ lành.
-
5Sử dụng bồ công anh. Đun sôi một túi thảo mộc bồ công anh khô với 1 lít nước. Tiếp tục đun nhỏ lửa trong 45 phút và uống trà 3-4 lần mỗi ngày. Tiếp tục dùng liệu pháp này trong khoảng 1 tuần.
- Bồ công anh là loại thảo mộc chứa taraxacin, một chất kháng sinh tự nhiên. Tuy nhiên khoa học chỉ dừng lại ở đó. Liệu pháp y khoa sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với liệu pháp thảo mộc trong việc loại bỏ u nang bã.
Quảng cáo
Sử dụng liệu pháp y khoa
-
1Dùng kháng sinh. Một loại thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng hiệu quả sẽ được bác sĩ chỉ định càng sớm càng tốt. Đảm bảo dùng đúng liệu trình điều trị để tình trạng nhiễm trùng không quay trở lại. Khối u nang bã của bạn sẽ biến mất chỉ trong khoảng 1 tuần.
- Flucloxacillin là một trong những chất kháng sinh thông dụng nhất để điều trị các trường hợp nhiễm trùng u nang bã. Uống 1 viên 500 mg sau mỗi 8 tiếng trong 1 tuần để chữa nhiễm trùng.
-
2Phẫu thuật. Can thiệp ngoại khoa là một thủ thuật đơn giản, trong đó khối u nang bã sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Bạn đừng lo lắng – vùng da xung quanh chỗ tổn thương được gây tê bằng thuốc tê tại chỗ. Sau đây là những điều bạn cần biết:
- Sau khi gây tê, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện một đường rạch hình oval ở hai bên vùng tổn thương, hoặc một đường rạch chính giữa trung tâm vùng tổn thương. Nếu khối u nang có kích thước nhỏ, bác sĩ sẽ trích ra thay vì cắt.
- Lớp keratin xung quanh khối u nang sẽ được nặn ra. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ banh vết mổ để giữ hai mép vết rạch mở ra và dùng kẹp để loại bỏ u nang bã.
- Nếu khối u khi lấy ra còn nguyên vẹn nghĩa là ca mổ đã thành công và tỷ lệ chữa khỏi sẽ là 100%.
- Tuy nhiên, nếu khối u bị vỡ, bác sĩ sẽ phải tiến hành thủ thuật nạo, và các mô còn lại sẽ được đốt. Vết thương sẽ được khâu lại sau khi hoàn tất thủ thuật.[2]
- Trong trường hợp khối u nang bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định một liệu trình điều trị bằng kháng sinh trong 1 tuần sau khi can thiệp phẫu thuật.
-
3Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật. Các lời khuyên ở phần đầu tiên cũng thích hợp cho việc chăm sóc sau phẫu thuật. Điều quan trọng nhất là giữ sạch vết mổ và không đụng chạm nhiều. Sẽ không có biến chứng nào xảy ra nếu bạn chăm sóc đúng cách.
- Xác định vết thương có được khâu không. Nếu có, điều quan trọng là ghi nhớ thời điểm cần tháo chỉ (nhiều nhất là 1-2 tuần). Lưu ý: một số loại chỉ khâu sẽ tự tiêu và không cần tháo.
-
4Dùng chất diệt khuẩn thảo mộc để chăm sóc vết thương nếu thích. Bạn có thể dùng một trong hai loại sau đây:
- Lá ổi. Bỏ nguyên các lá ổi vào ấm đất đựng nước sôi trong khoảng 15 phút. Để nguội đến nhiệt độ dễ chịu – âm ấm là tốt nhất. Dùng dung dịch này để rửa vết thương.
- Lô hội. Sau khi rửa kỹ và lau khô vết thương, bôi nhiều gel trong lá lô hội lên vết thương và để khô. Bạn có thể thực hiện mỗi ngày nhiều lần nếu thích.
- Để đề phòng, bạn luôn luôn nên thử một lượng nhỏ các phương thuốc tự pha chế tại nhà để tránh hiện tượng dị ứng. Chỗ thích hợp để thử là cẳng tay khi ngửa bàn tay – vùng da này mịn và tương đối mỏng, do đó sẽ dễ cảm nhận khi xảy ra hiện tượng ngứa hoặc đỏ.
Quảng cáo
Hiểu về các nguyên nhân và biến chứng
-
1Biết rằng sự tăng sinh bất thường của tế bào là một nguyên nhân gây ra u nang bã. Bề mặt da được tạo thành bởi keratin, một lớp tế bào mỏng bảo vệ da. Lớp keratin liên tục bong ra và được thay thế bằng loạt tế bào mới. Tuy nhiên thay vì lột da như bình thường, các tế bào có thể di chuyển sâu vào trong da và tiếp tục tăng sinh. Keratin sẽ tiếp tục được tiết vào trong cơ thể và tạo ra u nang bã.
- Bản thân u nang bã không gây tổn hại và nguy hiểm – đây chỉ là vấn đề thẩm mỹ. Chỉ khi chúng phát triển thành bướu hoặc nhiễm trùng thì hiện tượng tăng sinh bất thường này mới đáng lo.
-
2Lưu ý rằng tình trạng này có thể được kích thích bởi một nang lông bị tổn thương. Nghe có vẻ vô hại nhỉ? Nhưng thậm chí chỉ một nang lông cũng có thể gây u nang bã. Nếu lo lắng mình đang có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, bạn cần biết rằng căn bệnh có thể chỉ có nguyên nhân từ một sợi lông.
- Trong hạ bì - lớp thứ hai của da - có những túi nhỏ gọi là nang lông. Mỗi sợi lông mọc ra từ một trong các túi này. Nang lông bị tổn thương do liên tục bị kích thích hoặc vết thương do phẫu thuật bị tổn thương và lên sẹo, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn.
-
3Biết rằng tình trạng nhiễm trùng sẽ khiến khối u nang bã trở nên trầm trọng hơn. Nếu khối u bị vỡ, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng. Khối u sẽ đau và giống như mụn nhọt. Vết thương sẽ rỉ mủ và có lớp cặn keratin ướt. Vùng da xung quanh sẽ đỏ và sưng nhẹ. Trong trường hợp này, bạn cần tìm cách điều trị y tế.
- Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ ngày càng trầm trọng hơn và tác động đến toàn bộ cơ thể. Mặc dù bản thân u nang bã không đáng lo lắm, nhưng bạn cần hành động khi khối u bị nhiễm trùng.[3]
-
4Biết rằng tình trạng viêm có thể dễ dàng xảy ra. Ngay cả khi không bị nhiễm trùng, u nang bã vẫn có thể bị viêm. Khối u nang bã có thể bị viêm nếu liên tục tiếp xúc với các tác nhân kích thích như chà xát vào chất liệu vải thô ráp.
- May mắn là bạn có thể chữa viêm khá dễ dàng bằng các thuốc kháng viêm không steroid (như ibuprofen) hoặc chỉ cần loại bỏ các yếu tố kích thích.
- Khối u nang bã bị viêm có thể khó loại bỏ vì vùng da dễ bị nhiễm trùng. Nếu cần thiết phải phẫu thuật, có lẽ việc phẫu thuật phải hoãn lại cho đến khi hết viêm.
-
5Lưu ý rằng có thể xảy ra hiện tượng vỡ u nang bã. Khối u nang bã bị vỡ sẽ kích thích phản ứng miễn dịch nếu có vật lạ xâm nhập vào da. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ mủ, còn gọi là áp-xe. Các khối u lớn có nhiều khả năng bị vỡ hơn. Tốt nhất là bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra.[4]
- Khối u nang bã bị vỡ cần được giữ vệ sinh tốt. Đến bác sĩ để được khuyên về cách chăm sóc và các phương pháp điều trị y khoa nào nên áp dụng.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Khối u nang bã ở bộ phận sinh dục có thể rất khó chịu khi đi vệ sinh hoặc khi quan hệ tình dục. Tình trạng này là do khối u bị viêm và đau. Đến bác sĩ nếu xảy ra những biến chứng không đáng có.
- U nang bã không lây và cũng không ác tính. Nếu không bị nhiễm trùng thì chúng không có gì đáng lo.
- Tiên lượng điều trị u nang bã là rất tốt; hầu hết các trường hợp không cần điều trị, và các khối u thường được xử lý thành công bằng việc cắt bỏ.
- Chất được tìm thấy trong u nang bã có độ đặc như kem đánh răng và có thành phần cơ bản là keratin (hợp chất tạo thành lông tóc, móng tay và lớp ngoài cùng của da).
Tham khảo
- ↑ http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000842.htm
- ↑ http://www.bad.org.uk/for-the-public/patient-information-leaflets/cysts---epidermoid-and-pilar?q=Cysts%20-%20epidermoid%20and%20pilar#.U2ge31cVdBZ
- ↑ http://www.webmd.boots.com/skin-problems-and-treatments/guide/cysts-types
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sebaceous-cysts/basics/complications/con-20031599
- Bickley, L. S. (2012). Bates' Guide to Physical Examination and History-Taking 11th edition. Philadelphia: Lippincot, Williams, & Wilkins.
- Hall, J. C., & Sauer, G. (2000). Sauer's Manual of Skin Diseases 8th edition. Philadelphia: Lippincott, Williams, & Wilkins.
- Johnston, R. B. (2012). Weedon's Skin Pathology Essentials. Spain: Churchill Livingstone.
- Obi, E., Baker, C., Teo, J., & Teo, M. (2005). Rapid: Surgery. Victoria, Australia: Blackwell Publishing.