Bài viết này có đồng tác giả là Lydia Shedlofsky, DO, một trong những đồng tác giả viết bài của chúng tôi. Các đồng tác giả viết bài của wikiHow phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập viên để đảm bảo nội dung được chính xác và toàn diện nhất có thể.
Bài viết này đã được xem 6.049 lần.
Tuyến Bartholin nằm trong âm hộ, ở hai bên cửa âm đạo. Chức năng chính của tuyến là tiết dịch nhầy qua ống tuyến Bartholin để bôi trơn âm hộ và âm đạo. Nếu ống tuyến Bartholin bị tắc nghẽn, chất nhầy sẽ tích tụ và gây sưng bên cạnh chỗ tắc nghẽn. Có một số liệu pháp khác nhau để loại bỏ nang tuyến Bartholin. Bạn có thể bắt đầu với các liệu pháp tại nhà được biết là có tác dụng giúp nang tuyến Bartholin tự khỏi, chẳng hạn như sử dụng bồn tắm ngồi. Nếu u nang vẫn còn dai dẳng, bạn có thể chọn các phương pháp điều trị y tế như dùng thuốc giảm đau, phẫu thuật dẫn lưu, mở thông nang, và/hoặc dùng thuốc kháng sinh nếu u nang bị nhiễm trùng. Sau khi điều trị nang tuyến Bartholin, điều quan trọng không kém là thực hiện các biện pháp chăm sóc để đảm bảo hồi phục hoàn toàn.
Các bước
Phần 1
Phần 1 của 3:Sử dụng các liệu pháp tại nhà
-
1Đi khám bệnh để được chẩn đoán nang tuyến Bartholin.[1] Nếu bạn nhận thấy có một khối u đau ở một bên cửa âm đạo, nhiều khả năng đó là nang tuyến Bartholin. Bạn có thể bị đau khi ngồi hoặc giao hợp, nhưng đôi khi không hề đau mà chỉ sưng. Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm tuyến Bartholin, điều quan trọng cần làm là đến bác sĩ để được kiểm tra vùng chậu và chẩn đoán bệnh.
- Ngoài việc thăm khám vùng chậu, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để tìm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Nếu bạn mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục kèm với nang tuyến Bartholin, nguy cơ nhiễm trùng nang sẽ cao hơn (và có thể bạn cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh – vấn đề này sẽ được đề cập thêm ở phần sau).
- Nếu bạn trên 40 tuổi, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết nang để loại trừ khả năng ung thư cơ quan sinh sản nữ.
-
2Sử dụng bồn tắm ngồi mỗi ngày vài lần.[2] Một trong những phương pháp chủ yếu điều trị nang tuyến Bartholin là tắm ngồi đều đặn. Bạn sẽ đổ nước vào chậu tắm ngồi đến mức đủ ngập mông và âm đạo khi ngồi trong nước. Lượng nước không cần sâu hơn mức này, nhưng nếu thích thì bạn cứ đổ nhiều nước để ngâm. (Điều này tùy ý thích của từng người và mục đích ngâm để tận hưởng sự dễ chịu hay chỉ muốn tiện lợi).)
- Bạn nên tắm ngồi mỗi ngày ít nhất 3-4 lần.
- Mục đích của liệu pháp tắm ngồi thường xuyên là để giữ sạch vùng xung quanh nang, giảm đau và/hoặc cảm giác khó chịu, đồng thời giúp u nang tự dẫn lưu một cách tự nhiên.
-
3Đến gặp bác sĩ nếu bệnh không tự khỏi. Nếu u nang không tự dẫn lưu và biến mất sau khi đã điều trị bằng liệu pháp tắm ngồi nhiều ngày, có thể bạn phải đến gặp bác sĩ để trao đổi về phương án phẫu thuật dẫn lưu. Bạn cần sớm thảo luận với bác sĩ về phương án điều trị này, vì nếu không khỏi, u nang sẽ bị nhiễm trùng và hình thành ổ "áp xe."[3] Trường hợp này khó điều trị hơn là chỉ đơn giản điều trị u nang, vì vậy tốt nhất là bạn nên chủ động.
- Phụ nữ dưới 40 tuổi có u nang nhưng không có triệu chứng (không đau, sốt, v.v….) thường không cần can thiệp y khoa.
- Nếu có dấu hiệu sốt kèm nang tuyến Bartholin, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị.
- Để ngăn ngừa nhiễm trùng u nang, bạn nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, nhất là khi bạn không chắc bạn tình có bệnh lây qua đường tình dục hay không; tuy nhiên, bạn không cần kiêng quan hệ tình dục.[4]
-
4Uống thuốc giảm đau.[5] Trong thời gian chờ đợi điều trị nang Bartholin và hồi phục, bạn nên cân nhắc uống thuốc giảm đau để giảm khó chịu ở vùng u nang. Bạn có thể mua thuốc giảm đau không kê toa tại hiệu thuốc. Một số thuốc thông dụng bao gồm:
- Ibuprofen (Advil, Motrin) 400 – 600 mg cách 4-6 tiếng uống một lần khi cần.
- Acetaminophen (Tylenol) 500 mg cách 4-6 tiếng uống một lần khi cần.
Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:Tìm các phương pháp điều trị y tế
-
1Làm phẫu thuật dẫn lưu.[6] Cách hiệu quả nhất để loại bỏ nang tuyến Bartholin dai dẳng là phẫu thuật dẫn lưu. Bạn có thể đến gặp bác sĩ gia đình để được làm thủ thuật (nếu bác sĩ có kinh nghiệm với thủ thuật này), hoặc được giới thiệu đến bác sĩ khác để tiến hành thủ thuật.
- Hầu hết các trường hợp rạch và dẫn lưu là thủ thuật ngoại trú được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ và chỉ cần gây tê cục bộ.
- U nang sẽ được rạch (mở) để dịch bên trong thoát ra ngoài.
- Bác sĩ có thể đặt ống thông vào u nang đến 6 tuần sau phẫu thuật. Điều này thường chỉ được thực hiện trong các trường hợp nang Bartholin tái phát.
- Tác dụng của ống thông là giữ mở u nang để các chất dịch tích tụ bên trong có thể nhanh chóng thoát ra ngoài.
- Lỗ mở u nang sẽ ngăn ngừa dịch tích tụ lại, nhờ đó nang sẽ lành một cách tự nhiên.
-
2Uống thuốc kháng sinh.[7] Nếu nang tuyến Bartholin có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh sau khi phẫu thuật dẫn lưu. Điều quan trọng là bạn phải uống thuốc kháng sinh hết liệu trình điều trị và không bỏ liều thuốc nào, vì việc bỏ sót sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Ngoài ra, nếu xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục cho kết quả dương tính, bạn cũng sẽ được chỉ định uống thuốc kháng sinh, bất kể u nang có bị nhiễm trùng hay không.
- Mục đích uống kháng sinh là ngăn ngừa nhiễm trùng, vì các bệnh lây qua đường tình dục làm tăng nguy cơ nhiễm trùng u nang.
-
3Hỏi bác sĩ về phương pháp "mở thông nang." Nếu nang tuyến Bartholin tái phát, bạn có thể hỏi bác sĩ về thủ thuật gọi là mở thông nang, theo đó nang được phẫu thuật dẫn lưu và được khâu quanh mép nang để giữ mở sau khi phẫu thuật.[8]
- Lỗ mở này tồn tại vĩnh viễn và có vai trò ngăn chặn nang tuyến Bartholin tái phát.
- Thông thường, một ống thông sẽ được đặt sau thủ thuật và được lấy ra vài ngày sau đó vì các mũi khâu đã đủ chắc để giữ mở đường rạch.
-
4Loại bỏ hoàn toàn tuyến Bartholin.[9] Nếu u nang đặc biệt nghiêm trọng hoặc tái đi tái lại, một trong những “giải pháp cuối cùng” là loại bỏ tuyến Bartholin bằng phẫu thuật hoặc bằng laser. Cả hai thủ thuật đều đơn giản và không cần nằm lại bệnh viện qua đêm.
-
5Lưu ý rằng hiện chưa có cách phòng tránh nang tuyến Bartholin nào được biết đến.[10] Nhiều người hỏi liệu có cách nào để phòng tránh (hoặc giảm nguy cơ) phát triển nang tuyến Bartholin không, và câu trả lời của các bác sĩ là chưa có biện pháp nào được biết có thể ngăn ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt bằng các liệu pháp tại nhà và điều trị y tế ngay khi nhận thấy u nang phát triển.
- Tránh thoa các hóa chất mạnh và sản phẩm có hương liệu vào khu vực này có thể giảm kích ứng.
Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:Hồi phục sau phẫu thuật dẫn lưu
-
1Tiếp tục liệu pháp tắm ngồi.[11] Sau phẫu thuật dẫn lưu hoặc thủ thuật mở thông nang, việc cần thiết là tiếp tục tắm ngồi đều đặn trong suốt giai đoạn hồi phục. Đây là biện pháp đảm bảo vệ sinh cho vết thương, tạo điều kiện tối đa cho việc hồi phục và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Liệu pháp tắm ngồi nên được bắt đầu thực hiện sau phẫu thuật 1-2 ngày.
-
2Kiêng giao hợp cho đến khi ống thông được lấy ra.[12] Bạn có thể được đặt ống thông trong vòng 4-6 tuần để mở nang và ngăn ngừa dịch tích tụ sau phẫu thuật. Kiêng giao hợp trong thời gian còn đặt ống thông là điều cần thiết.
- Việc không quan hệ tình dục trong thời gian này cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng nang.
- Sau thủ thuật mở thông nang, cho dù không đặt ống thông, bạn cũng nên tránh giao hợp trong vòng 4 tuần để đảm bảo hồi phục hoàn toàn.
-
3Tiếp tục uống thuốc giảm đau nếu cần thiết.[13] Bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê toa như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol) khi cần. Nếu bị đau nhiều hơn, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về thuốc giảm đau kê toa, chẳng hạn như morphine, trong các giai đoạn đầu của quá trình hồi phục.Quảng cáo
Tham khảo
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001489.htm
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bartholin-cyst/basics/treatment/con-20026333
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001489.htm
- ↑ https://myhealth.alberta.ca/Health/Pages/conditions.aspx?hwid=tw2685#tw2688
- ↑ https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001489.htm
- ↑ http://www.aafp.org/afp/2003/0701/p135.html
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bartholin-cyst/basics/treatment/con-20026333
- ↑ http://www.aafp.org/afp/2003/0701/p135.html
- ↑ http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/bartholins-gland-cyst/treatment.html