Bài viết này đã được cùng viết bởi Luba Lee, FNP-BC, MS. Luba Lee là bác sĩ gia đình được cấp bằng hành nghề tại Tennessee. Cô đã nhận bằng MSN của Đại học Tennessee năm 2006.
Có 13 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 30.382 lần.
Chàm (eczema) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một số bệnh da liễu. Các bệnh này bao gồm "viêm da tiếp xúc," một dạng phản ứng của da với dị nguyên hoặc hóa chất mạnh, nhưng chàm xung quanh mắt thường là viêm da "cơ địa", nghĩa là da phản ứng mà không có tiếp xúc trực tiếp. Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng dù ở độ tuổi nào thì bạn cũng có thể bị viêm da cơ địa quanh mắt và cần biết cách điều trị.
Các bước
Tìm hiểu về bệnh viêm da cơ địa
-
1Tìm hiểu những kiến thức cơ bản. Viêm da cơ địa là một bệnh về da thường xảy ra nhất ở trẻ em. Bệnh có liên quan đến phản ứng dị ứng với môi trường, sốt cỏ khô và hen suyễn, có nghĩa là nếu mắc một trong các bệnh này, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc cả các bệnh khác.
- Viêm da cơ địa là một phản ứng miễn dịch. Thông thường, cơ thể sẽ phản ứng quá mức khi tiếp xúc với một yếu tố kích thích và dẫn đến viêm da, thậm chí ở các vùng da không tiếp xúc.
-
2Nhận biết các triệu chứng. Khi bị viêm da cơ địa (trong thời gian ngắn), bạn sẽ thấy các đốm nhỏ, đỏ, ngứa nổi trên da. Da cũng có thể sưng và đóng vảy. Nếu tình trạng vẫn tiếp diễn, các triệu chứng có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, trở thành các mảng da dày hơn, ngứa và chuyển màu nâu hoặc đỏ.
- Ngoài ra, các nốt mụn có thể tiết dịch lỏng. Da cũng có thể khô và đóng vảy.
-
3Hiểu cơ chế của bệnh viêm da dị ứng. Viêm da dị ứng có thể xuất hiện và tự khỏi sau một thời gian. Khi các triệu chứng trở nặng thì nghĩa là chàm bùng phát. Tuy nhiên, bạn có thể trải qua các khoảng thời gian không có triệu chứng.[1]
-
4Biết cách thức lây truyền của bệnh viêm da dị ứng. Viêm da dị ứng không lây, nghĩa là bạn không bị mắc bệnh thông qua tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, bệnh này có thể di truyền từ cha mẹ sang con.[2]
-
5Hiểu về ảnh hưởng của bệnh viêm da dị ứng đối với thị lực. Bệnh viêm da dị ứng có thể gây ra một số vấn đề liên quan đến thị lực. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ đợt bùng phát chàm xảy ra gần đây ảnh hưởng đến thị lực của bạn.
- Một yếu tố ảnh hưởng đến thị lực là vùng da quanh mắt có thể đỏ và sưng húp gây khó nhìn. Ngoài ra, bệnh này còn làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể và bong võng mạc tự phát, ngay cả khi đã được điều trị.[3]
Quảng cáo
Điều trị chàm quanh mắt
-
1Chườm đá hoặc gạc lạnh quanh mắt. Liệu pháp chườm lạnh làm tê tạm thời các đầu mút thần kinh, giúp giảm cảm giác khó chịu, làm dịu da và bớt ngứa. Cách này cũng làm bong lớp da chết giúp làn da quanh mắt mịn màng và mau lành hơn.
- Rót nước lạnh vào bát với một chút dầu tắm. Nếu thích nước lạnh hơn nữa, bạn có thể thả vài viên đá vào nước.
- Nhúng khăn giấy hoặc khăn bông sạch vào nước. Áp lên vùng da chàm khoảng 5 phút.
-
2Thoa kem dưỡng ẩm lên mặt. Kem hoặc thuốc mỡ là tốt nhất vì có chứa nhiều dầu hơn lotion. Dầu sẽ giúp bảo vệ và dưỡng ẩm cho da hiệu quả hơn.[4]
- Chọn loại kem không mùi, và nhớ tránh xa mắt khi thoa lên mặt.
- Thoa kem dưỡng ẩm mỗi khi da bị khô. Thoa kem ngay sau khi tắm hoặc rửa mặt sẽ rất hiệu quả. Kem dưỡng da làm mềm da, giúp da hồi phục và ngăn ngừa các đợt chàm bùng phát.[5]
-
3Giữ sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái. Tinh thần căng thẳng và sự tiếp xúc với các hóa chất kích thích có thể khiến bệnh chàm trở nặng, vì vậy phương pháp trị liệu toàn diện sẽ rất hữu ích. Liệu pháp hương thơm, mát-xa và các kỹ thuật tương tự có thể giúp giảm stress và tăng cường hệ miễn dịch. Có nhiều cách trị liệu thay thế dành cho da giúp làm dịu da và không gây kích ứng, chẳng hạn như thoa một lớp mỏng dầu dừa chưa tinh chế.[6]
- Nếu đang sử dụng thuốc điều trị chàm, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống thực phẩm bổ sung hoặc áp dụng các phương pháp chăm sóc da, kể cả các liệu pháp thảo mộc.
- Các loại tinh dầu rất đậm đặc và không nên dùng khi chưa pha loãng, đặc biệt là đối với các vùng da nhạy cảm như xung quanh mắt. Ngay cả khi đã pha loãng, bạn vẫn phải thật cẩn thận, đừng dể tinh dầu dây vào mắt.[7]
-
4Hỏi bác sĩ về thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh uống đôi khi được dùng để trị nhiễm trùng có liên quan đến bệnh viêm da. Do vùng da quanh mắt rất nhạy cảm, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh nếu bạn bị viêm da quanh một hoặc cả hai mắt.[8]Quảng cáo
Kiểm soát các đợt bùng phát chàm
-
1Tránh các dị nguyên đã biết. Bệnh chàm thường xảy ra do tiếp xúc với các dị nguyên. Cách tốt nhất để kiểm soát các đợt chàm bùng phát là tránh các yếu tố kích thích. Nếu biết mình mẫn cảm với các chất nào đó, bạn cần hết sức tránh các chất này.
- Nhớ rằng dị nguyên không nhất thiết phải tiếp xúc với vùng da chàm. Cơ thể bạn có thể phát hiện dị nguyên ở vị trí này và phản ứng ở một vị trí khác.
-
2Hạn chế tối đa căng thẳng. Stress có thể tăng nguy cơ bùng phát chàm, vì vậy bạn cần cố gắng hạn chế căng thẳng. Hãy học các phương pháp để giảm stress cho con bạn và bản thân bạn trong đời sống hàng ngày.[9]
- Xác định các yếu tố gây stress. Khi mức căng thẳng tăng cao, bạn hãy xét xem điều gì đã gây ra tình trạng này. Viết ra những thứ khiến bạn lo âu hoặc hồi hộp và tìm giải pháp để giảm căng thẳng. Ví dụ, nếu công việc của bạn quá áp lực, bạn nên đề xuất với sếp xem bạn có thể làm việc từ xa mỗi tuần một buổi được không.[10]
- Thử áp dụng phương pháp thở có ý thức để tịnh tâm. Dành một thời gian nhắm mắt và để cho hơi thở lấp đầy tâm trí. Tập trung hít thở sâu, chậm rãi, và chỉ suy nghĩ về việc hít thở. Tiếp tục tập trung cho đến khi bạn cảm thấy bình tĩnh lại.[11]
- Thử dùng âm thanh của động vật để thiền cùng trẻ. Dạy trẻ giơ tay lên cao, đồng thời hít vào, sau đó vừa hạ tay xuống vừa phát ra các âm thanh dài như tiếng xì xì hoặc vù vù. Bài tập này giúp trẻ thở chậm lại và thoát khỏi những ý nghĩ gây căng thẳng.[12]
-
3Tránh gãi. Bạn sẽ chỉ khiến phát ban càng nặng hơn nếu gãi lên vùng da ngứa. Khi chàm xuất hiện gần mắt, hành động gãi có thể khiến da đỏ và sưng húp.
- Lông mày và lông mi có thể rụng do gãi.
- Nếu ban đêm bạn hoặc con bạn hay gãi trong giấc ngủ, hãy thử đeo găng tay hoặc cắt móng tay để đề phòng.
-
4Uống thuốc kháng histamine. Các thuốc histamine không kê toa như loratadine và fexofenadine có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa. Bệnh này còn liên quan đến các dạng dị ứng khác, chẳng hạn như bệnh sốt cỏ khô, do đó thuốc kháng histamine có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng, đặc biệt là ngứa.[13]
- Tuân theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc kháng histamine mà bạn đã chọn. Đối với hầu hết các loại thuốc kháng histamine không gây buồn ngủ, bạn sẽ uống mỗi ngày một lần. Bắt đầu uống thuốc khi chàm bùng phát.[14]
- Tuy nhiên, nếu bạn khó ngủ do bệnh chàm thì thuốc kháng histamine gây buồn ngủ có thể giúp ích khi uống ban đêm.[15]
-
5Xác định các dị nguyên và yếu tố kích thích. Các dị nguyên và yếu tố kích thích có thể góp phần gây bùng phát chàm. Đôi khi việc thay đổi một sản phẩm như bột giặt hoặc xà phòng cũng có thể giúp điều trị bệnh. Bạn nên cố gắng cách ly với các nguyên nhân gây ra vấn đề bằng cách lần lượt thay đổi các sản phẩm để xác định thứ gì khiến bạn khó chịu. Khi chàm bùng phát, tốt nhất là bạn nên ngừng trang điểm
- Bạn cũng nên ghi lại các thực phẩm, nước hoa, mùi hương và các chất khác mà bạn tiếp xúc, đồng thời ghi chú các đợt chàm bùng phát. Tìm quy luật xung quanh những thứ mà bạn tiếp xúc vào những ngày trước khi bùng phát chàm.
- Bạn có thể đến gặp chuyên gia về dị ứng để xác định các yếu tố gây dị ứng.
- Mặt và vùng mắt thường gặp nhiều vấn đề do phải tiếp xúc với nhiều loại sản phẩm, nhất là ở phụ nữ. Kem chống nắng, mỹ phẩm, xà phòng, nước hoa đều có thể dẫn đến những đợt bùng phát chàm.
-
6Tránh một số thực phẩm. Dị ứng thực phẩm có thuật ngữ riêng (chúng có thể gây phản ứng tức thì), nhưng cũng góp phần làm bùng phát chàm. Các dị nguyên phổ biến thường hiện diện trong bơ lạc, trứng, sữa, cá, gạo, đậu nành và lúa mì.
- Nếu đang cho trẻ mắc bệnh chàm bú sữa mẹ, bạn nên tránh ăn các loại hạt, vì bạn có thể truyền sang cho trẻ.[16]
-
7Chọn loại xà phòng dưỡng ẩm tốt. Khi rửa mặt, bạn hãy chọn loại xà phòng có hàm lượng chất béo cao thay vì loại làm khô da. Bạn cũng nên chọn xà phòng không mùi.
- Tránh dùng xà phòng diệt khuẩn vì chúng có thể làm khô da. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh xà phòng có chứa axit alpha-hydroxy, vì nó có thể loại bỏ độ ẩm trên da. Tìm sữa rửa mặt có ghi "gentle" (nhẹ dịu) và "fragrance-free" (không mùi).
-
8Không nên tắm vòi sen và tắm bồn quá thường xuyên. Việc sử dụng xà phòng và nước nóng quá nhiều có thể khiến tình trạng viêm da cơ địa thêm trầm trọng, đặc biệt là ở vùng da mỏng manh quanh mắt. Bạn hãy hạ nhiệt độ nước và bớt số lần tắm, hoặc tắm bồn mà không ngâm vùng da bị chàm.
-
9Sử dụng máy tạo ẩm. Không khí khô và nóng có thể gây kích ứng da, đồng thời cũng khiến da ngứa và bong tróc nhiều hơn.
-
10Tránh để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhiệt. Điều này bao gồm mọi thứ, từ vòi sen nước nóng, ánh nắng mặt trời trực tiếp, cho đến thời tiết nóng.
- Dùng nước hơi ấm khi tắm vòi sen hoặc rửa mặt. Tránh dùng nước nóng, vì nước nóng có thể gây kích ứng cho da nhạy cảm.
- Đừng ra ngoài trời quá lâu trong thời tiết nóng; sức nóng có thể dễ dàng kích ứng da và gây viêm nặng hơn.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Luôn đi khám nếu bạn nghi ngờ mình bị chàm, vì bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác hơn bạn và có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bạn.
Tham khảo
- ↑ http://kidshealth.org/parent/infections/skin/eczema_atopic_dermatitis.html#
- ↑ http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/eczema-and-atopic-dermatitis.printerview.all.html
- ↑ http://emedicine.medscape.com/article/1197636-clinical#showall
- ↑ http://www.nhs.uk/Conditions/Eczema-%28atopic%29/Pages/Treatment.aspx
- ↑ http://www.nhs.uk/Conditions/Eczema-%28atopic%29/Pages/Treatment.aspx
- ↑ http://www.streetdirectory.com/travel_guide/111278/skin_disorders/from_a_nurse_eczema_treatment_with_coconut_oil.html
- ↑ http://roberttisserand.com/2013/02/essential-oils-and-eye-safety/
- ↑ http://emedicine.medscape.com/article/1197636-medication
- ↑ http://emedicine.medscape.com/article/1197636-treatment
- ↑ http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/basics/stress-relief/hlv-20049495
- ↑ http://www.meditationoasis.com/how-to-meditate/simple-meditations/breathing-meditations/
- ↑ http://www.thedailybeast.com/articles/2010/08/03/meditation-techniques-for-children-how-to-calm-your-kid.html
- ↑ http://www.nhs.uk/Conditions/Eczema-%28atopic%29/Pages/Treatment.aspx
- ↑ http://www.nhs.uk/Conditions/Antihistamines/Pages/Introduction.aspx
- ↑ http://www.nhs.uk/Conditions/Antihistamines/Pages/Introduction.aspx
- ↑ http://www.cfp.ca/content/57/12/1403.full