Bài viết này đã được cùng viết bởi Pippa Elliott, MRCVS. Bác sĩ Elliott là bác sĩ thú y với hơn ba mươi năm kinh nghiệm. Cô tốt nghiệp Đại học Glasgow năm 1987 và làm bác sĩ phẫu thuật thú y trong 7 năm. Sau đó, bác sĩ Elliott làm bác sĩ thú y tại một phòng khám trong hơn một thập kỷ.
Có 7 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 33.570 lần.
Mèo có thể bị áp xe sau khi bị các con vật khác cắn. Vi khuẩn xâm nhập qua vết thương chính là nguyên nhân gây áp xe.[1] Nếu bạn đang lo ngại chú mèo nhà mình bị áp xe, hãy đem nó đến bác sĩ thú y để điều trị vết thương và dùng kháng sinh. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên về cách chăm sóc vết thương của mèo và cho mèo uống thuốc. Khi mèo hồi phục, bạn cũng cần phải nhốt mèo lại và theo dõi vết thương.
Các bước
Chăm sóc y tế cho mèo
-
1Quan sát các dấu hiệu áp xe. Cơ thể sẽ phản ứng với vết cắn bằng cách huy động các tế bào bạch cầu đến chống lại vi khuẩn. Các mô xung quanh vết thương sau đó sẽ sưng và bắt đầu chết. Tình trạng này tạo nên một lỗ hổng chứa đầy mủ gồm vi khuẩn, các tế bào bạch cầu và mô chết.[2] Khi chu trình này tiếp diễn, vết thương sẽ tiếp tục sưng, có thể cứng hoặc mềm. Các dấu hiệu khác của áp xe bao gồm:[3]
- đau hoặc các dấu hiệu đau, chẳng hạn như đi khập khiễng
- một lớp vảy nhỏ, đỏ và ấm ở vùng da xung quanh
- mủ hoặc dịch chảy ra từ vết thương
- rụng lông ở vùng có vết thương
- liếm, chải chuốt hoặc gặm vết thương
- chán ăn hoặc yếu sức
- có lỗ hở chảy mủ
-
2Đem mèo đến bác sĩ thú y. Bạn có thể điều trị trường hợp áp xe nhẹ chảy dịch cho mèo tại nhà, nhưng phần lớn các trường hợp áp xe cần phải điều trị y tế.[4] Khi đến phòng khám thú y, mèo sẽ được khám toàn diện. Thông thường mèo sẽ sốt khi bị áp xe, vì cơ thể mèo đang chống lại tình trạng nhiễm trùng.
- Nếu ổ áp xe hở và chảy dịch, mèo có thể được điều trị không cần thuốc giảm đau.
- Nếu ổ áp xe không hở, có thể bác sĩ sẽ cho mèo dùng thuốc giảm đau để trích áp xe.
-
3Hỏi bác sĩ thú y về thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể lấy mẫu mủ để nuôi cấy và làm kháng sinh đồ.[5] Phương pháp này sẽ giúp xác định loại kháng sinh hiệu quả nhất để điều trị. Sau khi lấy mẫu mủ, vết thương áp xe sẽ được trích mủ (nếu chưa chảy mủ và dịch), làm sạch (rửa sạch mủ và các mẩu vụn) và điều trị bằng thuốc kháng sinh.[6]
- Cho mèo uống thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ và dùng hết liệu trình. Gọi cho bác sĩ nếu bạn gặp khó khăn khi cho mèo uống thuốc.[7]
-
4Chú ý xem có cần dẫn lưu áp xe không. Nhiều trường hợp áp xe đòi hỏi phải đặt ống dẫn lưu, tức là các ống dùng để giữ cho vết thương mở. Các ống này sẽ giúp cho mủ tiếp tục được dẫn lưu khỏi vết thương. Nếu không tiến hành dẫn lưu, mủ có thể tích tụ và gây thêm nhiều vấn đề cho mèo.
- Làm theo chỉ dẫn của bác sĩ thú y về việc theo dõi quá trình dẫn lưu cũng như các biến chứng có thể phát sinh và biết khi nào nên gọi cho bác sĩ.
- Bác sĩ thú y sẽ rút ống dẫn lưu sau khoảng 3-5 ngày đặt ống.[8]
Quảng cáo
Điều trị áp xe cho mèo tại nhà
-
1Nhốt mèo vào phòng trong thời gian hồi phục. Nhốt mèo trong phòng là cách tốt nhất để giữ an toàn cho mèo khỏi tổn thương thêm trong khi chờ vết thương lành lại.[9] Vết thương sẽ tiếp tục chảy dịch một thời gian, vì vậy có khả năng mủ từ vết thương sẽ nhỏ giọt xuống sàn và đồ đạc. Để thảm và đồ đạc khỏi bị bẩn, bạn hãy giữ mèo trong một phòng cho đến khi lành áp xe.
- Nhốt mèo trong căn phòng có bề mặt dễ làm sạch như phòng tắm hoặc phòng giặt.
- Phòng phải đủ ấm cho mèo và cung cấp đầy đủ các tiện nghi khác như thức ăn, nước, hộp cát vệ sinh và vài chiếc chăn mềm hoặc khăn để cho mèo ngủ.
- Thường xuyên kiểm tra mèo trong thời gian nhốt mèo trong phòng và dịu dàng với mèo để đảm bảo nó ăn uống và đi vệ sinh tốt.
-
2Đeo găng tay khi chăm sóc vết thương cho mèo. Vết thương của mèo sẽ rỉ mủ gồm máu, vi khuẩn và các chất dịch khác. Không dùng tay trần chăm sóc vết thương cho mèo. Đảm bảo dùng găng tay vinyl hoặc latex mỗi khi bạn kiểm tra và rửa sạch vết thương của mèo.
-
3Giữ sạch vết thương. Bạn có thể rửa vết thương cho mèo bằng nước ấm.[10] Dùng giẻ hoặc khăn sạch nhúng vào nước ấm, sau đó dùng khăn lau sạch mủ chảy ra từ vết thương. Giặt khăn và tiếp tục rửa cho đến khi sạch mủ.
- Rửa các chất dịch chảy ra xung quanh vết thương với giẻ hoặc khăn sạch nhúng nước ấm.
-
4Cẩn thận loại bỏ vảy trên vết thương. Nếu có vảy hình thành trên miệng ổ áp xe vẫn còn mủ bên trong, bạn có thể bóc lớp vảy ra nhẹ nhàng bằng cách làm ẩm lớp vảy bằng khăn ướt và ấm. Bạn không cần đụng đến lớp vảy nếu vết thương không sưng và không có mủ. Nếu không biết chắc, bạn nên gọi cho bác sĩ trước.
- Để làm bong vảy trên vết thương của mèo, bạn hãy nhúng khăn vào nước ấm, sau đó vắt bớt nước và đắp lên vết thương. Giữ khăn trên vết thương vài phút để làm mềm vảy, tiếp đó nhẹ nhàng dùng khăn lau sạch. Lặp lại quá trình này 2-3 lần cho đến khi vảy và bong ra khỏi vết thương.
- Các ổ áp xe hình thành trong vòng 10-14 ngày, vì vậy bạn hãy liên tục kiểm tra chỗ đóng vảy để xem vết thương có bắt đầu sưng không. Nếu thấy hiện tượng sưng hoặc mủ, bạn nên đem mèo đến bác sĩ thú y.[11]
-
5Hỏi bác sĩ trước khi dùng nước ô xy già. Việc sử dụng nước ô xy già còn gây tranh cãi, vì các nghiên cứu đã cho thấy rằng dùng ô xy già rửa vết thương không chỉ gây xót mà còn khiến cho các mô bị nhiễm trùng lâu lành hơn.[12] Tốt nhất là bạn nên dùng nước trắng hoặc một loại dung dịch sát khuẩn gồm nước và povidone iodine.[13]
- Để an toàn, bạn hãy hỏi bác sĩ thú y để xác định có nên dùng ô xy già rửa vết thương cho mèo không.
- Nếu dùng ô xy già, bạn cần đảm bảo pha loãng ô xy già với nước theo tỷ lệ 1:1. Nhúng bông gòn hoặc gạc vào dung dịch để nhẹ nhàng lau sạch mủ và các mẩu vụn ở rìa vết thương. Không rót trực tiếp dung dịch lên vết thương. Bạn có thể rửa như vậy mỗi ngày 2-3 lần.
-
6Thường xuyên kiểm tra vết thương. Quan sát vết thương của mèo mỗi ngày 2-3 lần, đảm bảo vết thương không sưng. Hiện tượng sưng là dấu hiệu cho thấy vết thương đã bị nhiễm trùng. Nếu vết thương bị sưng, bạn cần đem mèo đến bác sĩ thú y.
- Khi kiểm tra vết thương của mèo mỗi ngày, bạn cần chú ý đến lượng mủ chảy ra. Vết thương phải càng ngày càng ít chảy mủ hơn. Nếu thấy vết thương dường như chảy mủ nhiều hơn hoặc không giảm, bạn cần gọi cho bác sĩ thú y.
-
7Không để cho mèo liếm hoặc gặm vết thương. Điều quan trọng là đảm bảo mèo không liếm chất dịch chảy ra hoặc gặm vết thương, vì vi khuẩn trong miệng mèo có thể trở nên nghiêm trọng hơn hoặc gây nhiễm trùng.[14] Nếu mèo có vẻ như muốn gặm vết thương hoặc liếm chất dịch chảy ra, bạn hãy đưa mèo đến bác sĩ thú y.
- Để ngăn mèo nhay cắn và liếm vết thương, bạn nên đeo vòng cổ Elizabethan cho mèo trong khi chờ vết thương hồi phục.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Kiểm tra chú mèo của bạn sau mỗi trận ẩu đả với những con mèo khác để xem mèo có bị thương không và theo dõi các dấu hiệu áp xe.
- Nếu phát hiện có dấu hiệu áp xe, bạn cần đem mèo đến bác sĩ thú y để kiểm tra và điều trị kháng sinh ngay. Điều này sẽ giảm nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Cảnh báo
- Những con mèo hay đánh nhau không chỉ có nguy cơ áp xe cao mà còn làm lây lan các bệnh nguy hiểm như bệnh virus bạch cầu mèo và bệnh dại. Bạn nên cho mèo tiêm phòng đầy đủ để giữ cho mèo an toàn và khỏe mạnh.
Tham khảo
- ↑ http://www.vetwest.com.au/pet-library/fighting-wounds-and-infections-the-fighting-spirit
- ↑ http://www.nhs.uk/Conditions/Abscess/Pages/Causes.aspx
- ↑ http://www.advancedtissue.com/debunking-myths-wound-care/
- ↑ http://www.petmd.com/cat/conditions/skin/c_ct_abscessation
- ↑ http://www.petmd.com/cat/conditions/skin/c_ct_abscessation
- ↑ http://www.merckvetmanual.com/mvm/emergency_medicine_and_critical_care/wound_management/management_of_specific_wounds.html
- ↑ http://www.petmd.com/cat/emergency/accidents-injuries/e_ct_wound_treatment?page=2
- ↑ http://www.petmd.com/cat/emergency/accidents-injuries/e_ct_wound_treatment?page=2
- ↑ http://www.petmd.com/cat/emergency/accidents-injuries/e_ct_wound_treatment?page=2
- ↑ http://www.petmd.com/cat/emergency/accidents-injuries/e_ct_wound_treatment#
- ↑ http://www.petmd.com/cat/emergency/accidents-injuries/e_ct_wound_treatment?page=2
- ↑ http://www.advancedtissue.com/debunking-myths-wound-care/
- ↑ http://www.petmd.com/cat/emergency/accidents-injuries/e_ct_wound_treatment#
- ↑ http://www.petmd.com/cat/emergency/accidents-injuries/e_ct_wound_treatment?page=2