Bài viết này đã được cùng viết bởi Alexander Knezevic, MD. Alexander Knezevic là bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Macy tại Los Angeles, California. Anh cũng là nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai và là giảng viên lâm sàng của Khoa Mắt thuộc UCLA. Anh có bằng Tiến sĩ Y khoa của Trung tâm Y tế thuộc Đại học Nebraska, và đã hoàn thành chương trình thực tập tại Trung tâm Y tế McGaw thuộc Đại học Northwestern. Bác sĩ Knezevic hoàn thành chương trình nghiên cứu tại Đại học California-Irvine, và có chứng nhận của Hội đồng Nhãn khoa Hoa Kỳ. Ngoài ra, anh còn nhận được giải thưởng Honor Roll của Healthgrades.
Có 13 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 11.048 lần.
Nếu thường xuyên phải đẩy kính về đúng vị trí trên khuôn mặt thì có lẽ đã đến lúc bạn cần điều chỉnh một chút để kính không bị tuột xuống nữa. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể áp dụng một số cách sửa chữa đơn giản tại nhà. Để xử lý vấn đề triệt để hơn, bạn có thể điều chỉnh lại gọng kính cho vừa vặn với khuôn mặt. Sau khi điều chỉnh gọng kính, đôi kính sẽ luôn ở đúng vị trí suốt ngày dài.
Các bước
Tự chỉnh kính tại nhà
-
1Rửa mặt để làm sạch lớp dầu tự nhiên trên da. Da dầu có thể khiến kính hay bị tụt xuống mũi. Bạn hãy chọn một loại sữa rửa mặt tự nhiên giúp loại bỏ dầu thừa và rửa mặt một hoặc hai lần một ngày để đạt hiệu quả cao nhất. Hãy thoa sữa rửa mặt lên da và rửa sạch lại với nước trước khi đeo kính lên xem kính còn bị tuột xuống không.[1]
- Da sẽ tiết ra nhiều dầu hơn trong suốt ngày dài nên hãy mang theo khăn ướt để tiện lau sạch dầu thừa trên mặt.
- Việc thường xuyên sử dụng sữa rửa mặt để làm sạch dầu trên da có thể sẽ khiến da bị khô.
-
2Quấn dây chun vào càng kính để tăng độ bám. Bạn nên dùng hai chiếc chun buộc tóc nhỏ cùng màu với gọng kính để chúng không bị lộ. Luồn một chiếc chun buộc tóc vào khoảng một phần ba càng kính và xoắn nhiều vòng để quấn chặt sợi chun. Làm tương tự với bên càng kính còn lại.[2]
- Bạn nhớ quấn đều dây chun lên càng kính để không bị khó chịu khi đeo.
- Hãy thử các loại dây chun độ dày khác nhau để xem loại vào vừa với càng kính và thoải mái nhất khi đeo kính..
-
3Thoa sáp vào cầu gọng để chống trượt. Sản phẩm sáp bôi kính chống trượt trông giống như một thỏi son dưỡng môi, có công dụng làm tăng ma sát giữa gọng kính và mũi. Bạn chỉ cần mở nắp và bôi một ít sáp lên phần cầu gọng và đeo kính lên xem còn bị trượt nữa không. Nếu kính vẫn bị xê dịch, hãy bôi thêm một ít sáp nữa.[3]
- Bạn có thể mua sáp bôi kính chống trượt trực tuyến hoặc các nhà thuốc ở địa phương.
Cảnh báo: Sáp bôi kính chống trượt sẽ không có tác dụng nếu vốn dĩ kính không vừa với đầu. Nếu là vậy, bạn cần đến tiệm cắt kính để chọn một chiếc mắt kính vừa vặn hơn.[4]
-
4Bọc ống co nhiệt vào càng kính để càng kính ôm chặt hơn. Khi bị tác động bởi nhiệt, ống co nhiệt sẽ co lại theo hình dạng của vật thể trong ống. Bạn hãy luồn một ống co nhiệt vào chỗ càng kính tiếp xúc với tai, cầm súng thổi hơi nóng cách ống co nhiệt khoảng 10-13 cm, sau đó thổi ở mức thấp khoảng 30 giây để ống co lại.[5]
- Bạn có thể mua ống co nhiệt ở các cửa hàng thiết bị điện. Hãy tìm loại ống cùng màu với gọng kính để chúng không bị lộ quá.
- Nếu không có súng thổi hơi nóng, bạn cũng có thể dùng máy sấy và sấy với mức nhiệt cao nhất.
- Không thổi hơi nóng quá lâu để tránh làm hỏng hoặc chảy gọng kính.
- Một vài loại gọng kính có thể có bọc cao su trên càng kính.
Quảng cáo
Điều chỉnh gọng kính
-
1Thay đệm ở mũi nếu kính hay bị tuột xuống mũi. Hãy dùng một chiếc tua vít nhỏ để vặn ốc vào tháo đệm mũi ra, thay một chiếc đệm mũi mới và vặn chặt lại trước khi thay tiếp bên còn lại.[6]
- Bạn có thể mua miếng đệm mũi thay thế trực tuyến hoặc ở tiệm bán kính mắt.
- Bạn cũng có thể chi một số tiền nhỏ để thay đệm mũi trên kính ở tiệm.
Lời khuyên: Nếu gọng kính không có đệm mũi, bạn có thể mua miếng đệm dính và dính vào gọng để giữ kính không bị tuột.
-
2Bóp hai miếng đệm mũi trên gọng kính vào gần nhau hơn nếu chúng có thể điều chỉnh được. Một số loại gọng kính có miếng đệm mũi gắn trên một thanh kim loại nhỏ mà bạn có thể tự điều chỉnh được. Hãy dùng ngón tay cầm chặt cạnh ngoài của miếng đệm và cẩn thận bóp chúng lại gần nhau hơn. Bạn nhớ điều chỉnh hai miếng đệm cho cân để kính không bị lệch.[7]
- Nếu lỡ tay bóp miếng đệm mũi sát nhau quá thì bạn có thể đẩy chúng rộng ra một chút.
- Cẩn thận đừng bẻ miếng đệm mũi quá nhiều, nếu không chúng có thể rơi ra khỏi gọng kính.
- Bạn cũng có thể mang kính đến tiệm kính để điều chỉnh nếu không tự điều chỉnh được.
-
3Điều chỉnh càng kính để kính ôm chặt vào đầu. Khoảng cách giữa hai càng kính sẽ ảnh hưởng tới độ ôm của càng kính so với đầu. Nếu dùng gọng kính kim loại, bạn hãy nắm chắc đầu càng kính bằng tay không thuận, tay thuận dùng kìm bấm kim kẹp vào đuôi càng kính và cẩn thận uốn đuôi càng kính cụp vào phía trong gọng kính để chúng ôm chắc hơn. Nếu dùng gọng kính bằng nhựa, bạn hãy dùng máy sấy tóc làm nóng gọng kính khoảng 1-2 phút, sau đó uốn bằng tay.[8]
- Bạn cũng có thể mang gọng kính đến tiệm để thợ cắt kính điều chỉnh giúp.
-
4Dùng móc tai chống trượt để gọng kính không trượt ra khỏi tai. Móc tai chống trượt là một miếng cao su nhỏ để gắn vào gọng kính và giúp kính không bị tuột. Bạn chỉ cần gắn móc chống trượt vào càng kính và điều chỉnh vị trí để móc ôm khít vào vành tai khi đeo kính. Nhớ gắn móc chống trượt vào cả hai bên càng kính để chiếc kính được cân bằng.[9]
- Bạn có thể mua móc tai chống trượt cho kính mắt trực tuyến hoặc mua ở các tiệm bán kính.
Quảng cáo
Chọn gọng kính đúng kích cỡ
-
1Đo kích cỡ khuôn mặt để xác định kích cỡ gọng kính. Bạn có thể đến tiệm cắt kính để đo kích thước khuôn mặt trước khi mua kính. Thợ cắt kính hoặc nhân viên trong tiệm sẽ giúp bạn xác định kích cỡ tròng kính, độ rộng cầu gọng và độ dài càng kính chính xác đến từng milimet.[10]
- Ví dụ, các số đo chiếc kính mắt của bạn có thể là 55-18-140, trong đó 55mm là độ rộng tròng kính, 18mm là độ rộng của cầu gọng và 140mm chiều dài mỗi bên càng kính.
- Nếu đã có một chiếc kính vừa vặn thì bạn có thể tìm 3 thông số này trên một trong hai bên càng kính để biết kích thước gọng kính.
- Một số ứng dụng hỗ trợ mua kính còn có công cụ có thể thông qua máy ảnh trên điện thoại để ước lượng kích cỡ kính mắt vừa vặn nhất với bạn.
Lời khuyên: Tránh mua gọng kính “một cỡ duy nhất” vì chúng có thể sẽ quá rộng hoặc quá nhỏ so với khuôn mặt và sẽ bị tuột thường xuyên hơn.
-
2Chọn gọng kính có bọc chống trượt ở càng kính để kính ít bị tuột hơn. Bọc chống trượt là phần cao su bọc quanh càng kính để tăng lực ma sát và giúp kính khó bị tuột. Hãy tìm một chiếc gọng kính có kích cỡ phù hợp và có bọc cao su chống trượt ở đầu càng kính, đeo thử và cảm nhận.[11]
- Nếu gọng kính quá chật thì càng đeo lâu bạn sẽ càng cảm thấy khó chịu.
- Bạn có thể mua đệm chống trượt và gắn vào gọng kính nếu không tìm được loại gọng có sẵn đệm chống trượt.
-
3Thử điều chỉnh đệm mũi cho chặt hơn nếu có thể. Nhiều loại gọng kính có phần đệm mũi gắn vào chân đệm bằng kim loại có thể điều chỉnh được. Hãy chọn một chiếc gọng kính kích cỡ phù hợp có loại đệm mũi này ở tiệm kính hoặc trên các gian hàng trực tuyến, nếu đệm mũi quá rộng và không bám chặt vào mũi thì bạn có thể bóp cho chúng khít lại một chút cho vừa vặn hơn.[12]
- Nếu chiếc gọng kính bạn thích không có phần đệm mũi có thể điều chỉnh được thì bạn có thể dán thêm đệm mũi rời vào để kính không bị tuột xuống.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Hãy đến tiệm cắt kính để đo kích cỡ khuôn mặt. Như vậy thì bạn sẽ biết chính xác mình cần chọn gọng kính cỡ nào và chúng sẽ không bị tuột xuống nữa.[13]
Tham khảo
- ↑ https://www.allure.com/gallery/how-to-get-rid-of-oily-skin
- ↑ https://www.selectspecs.com/blog/5-amazing-hacks-to-stop-your-glasses-from-slipping-down/comment-page-1/
- ↑ https://www.selectspecs.com/blog/5-amazing-hacks-to-stop-your-glasses-from-slipping-down/comment-page-1/
- ↑ https://youtu.be/_815Fu-u260?t=22
- ↑ https://youtu.be/OAMCxxHR6CM?t=178
- ↑ https://youtu.be/RzvivuL0VVA?t=41
- ↑ https://youtu.be/aGjgSFt8VXc?t=31
- ↑ https://www.ophthalmologytimes.com/practice-management/tips-avoid-common-adjusting-error
- ↑ https://youtu.be/JAe59ijxemA?t=75