Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Người ái kỷ là người tự xem mình là “cái rốn của vũ trụ”, họ tự tôn thái quá, luôn có nhu cầu được chú ý và ngưỡng mộ nhưng lại thiếu sự thấu cảm. Họ rất dễ tự ái và dễ bị tổn thương trước những lời chỉ trích. Nếu bạn lấy phải một người chồng quá yêu bản thân, hy vọng rằng bài viết này có thể giúp bạn xử lý hoặc kiềm chế hành vi của anh ta.

Phần 1
Phần 1 của 3:

Biết mối quan hệ như thế nào là độc hại

  1. 1
    Xác định xem chồng bạn có phải là người ích kỷ không. Những người yêu bản thân thái quá thường cực kỳ ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình. Cái tôi của họ quá lớn; họ luôn thèm khát được chú ý và thán phục.[1] Họ rất cao ngạo và luôn tìm cách để đứng đầu hoặc đạt được điều họ muốn. Vì lẽ đó, người chồng ái kỷ có thể không yêu bạn bằng yêu bản thân mình. Anh ta chỉ quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của chính mình và không hề đếm xỉa đến nhu cầu và lợi ích của bạn.
    • Người quá yêu bản thân cũng là người thiếu sự đồng cảm, họ không biết đặt mình vào vị trí của người khác hoặc thấu hiểu và quan tâm đến cảm giác của người khác.[2]
  2. 2
    Ngẫm xem có phải chồng bạn có tính đố kỵ quá mức không. Người ái kỷ thường bị ám ảnh với ý nghĩ phải luôn dẫn đầu và được tán thưởng, vì vậy họ thường ghen tỵ khi thấy những người khác thành công. Tính cách này có thể dẫn đến những hành vi chiếm hữu, thậm chí là ngược đãi.
  3. 3
    Tự hỏi liệu chồng bạn có tính kiểm soát hoặc thao túng không. Những người chồng ái kỷ có thể tìm mọi cách để thao túng vợ mình bằng cách cô lập họ khỏi bạn bè và gia đình, từ đó buộc người vợ phải lệ thuộc vào họ. Anh chồng đó cũng có thể cố gắng kiểm soát và điều khiển vợ mình bằng cách không thể hiện sự trìu mến hoặc quan tâm đến vợ.[3]
    • Một số anh chồng ái kỷ có thể dùng thủ đoạn ngược đãi vợ bằng lời nói và cảm xúc. Họ sẽ khiến bạn phải đau khổ hoặc day dứt để chi phối bạn.[4]
    • Họ cũng có thể viện đến các cơn thịnh nộ để khống chế và điều khiển bạn.
  4. 4
    Nghĩ xem có phải chồng bạn hay nói dối không. Những người ái kỷ thường sử dụng những lời nói dối để thao túng người phối ngẫu. Họ chỉ nói một nửa sự thực hoặc bịa ra một phiên bản hoàn toàn khác sự thực để không phải chịu trách nhiệm về bất cứ chuyện gì. Nhiều khi chính người vợ lại bị đổ lỗi.[5] Điều này ảnh hưởng xấu đến người vợ, vì rốt cuộc người vợ phải gánh mọi trách nhiệm, lỗi lầm và cảm giác tội lỗi.
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:

Đối phó với người chồng ái kỷ

  1. 1
    Nói chuyện với chồng. Vì đã là vợ chồng, hai bạn có thể nói chuyện cởi mở và thẳng thắn về những vấn để nảy sinh. Bạn cần giữ sự điềm tĩnh khi nói chuyện với anh ấy. Nhớ dùng giọng nói thuyết phục và thái độ hòa nhã để bày tỏ rằng bạn buồn lòng vì mối quan hệ giữa hai người đang diễn ra như vậy. Tránh dùng giọng điệu và những từ ngữ có tính buộc tội. Những người ái kỷ thường không xử lý tốt trước những lời chỉ trích.
    • Nói với chồng bạn rằng sự ích kỷ của anh ấy khiến bạn có cảm giác như thế nào. Thử nói những câu như "Em cần nói chuyện với anh về cách anh cư xử. Em thấy rất buồn vì...” Nếu bạn đang ngờ rằng anh ta lừa dối bạn hoặc dành quá nhiều thời gian cho những người phụ nữ khác, hãy thử nói “Anh chiếm vị trí rất quan trọng trong lòng em. Em thường nghe thấy anh nói chuyện với cô ấy và em sợ rằng mình không đủ đáp ứng cho anh”. Nếu chồng bạn nói những lời khiến bạn đau lòng, bạn hãy nói “Em rất coi trọng ý kiến của anh; khi nghe anh nói như vậy, em cảm thấy mình hèn mọn và vô giá trị trong mắt anh”. Cố gắng đừng hét lên giận dữ với chồng. Trao đổi thẳng thắn về cảm giác tổn thương và nỗi lo sợ của bạn là cách giao tiếp hiệu quả hơn nhiều.[6]
    • Xem xét phản ứng và tâm trạng của chồng bạn theo thang đo từ 1-10. Nếu mức độ giận dữ hoặc bực tức của anh ta từ 3 trở lên, bạn hãy chờ một thời gian trước khi đề xuất giải pháp. Sẽ phản tác dụng nếu bạn nhắc đến vấn đề này khi chồng bạn đang kích động.
  2. 2
    Đặt câu hỏi để biết do đâu mà chồng bạn cư xử như vậy. Đặt câu hỏi là một cách làm vui lòng người ái kỷ, vì cuộc trò chuyện sẽ xoay quanh anh ấy.
    • Nhắc lại những lời chồng bạn nói với bạn để tỏ ra rằng bạn đang lắng nghe. Như vậy anh ấy sẽ được đặt vào vị trí trung tâm, và điều này có thể sẽ giúp ích khi bạn nói đến những lo ngại của mình sau đó.
    • Phỏng theo những gì chồng bạn nói. Nếu anh ấy nói “Anh thấy chẳng ai biết quý những việc anh đã làm”, bạn hãy đáp lại “Em hiểu cảm giác đó mà. Chắc là khó chịu và buồn bực lắm”[7]
  3. 3
    Dùng đại từ chúng ta thay vì anh. Khi chỉ ra cái sai của chồng hoặc đề nghị anh ấy đến gặp chuyên viên tư vấn hôn nhân và gia đình, bạn nên dùng đại từ “chúng ta” thay vì “anh”. Điều này tạo nên cảm giác chia sẻ trách nhiệm và sai lầm của cả hai mà không ám chỉ tất cả là lỗi của anh ấy, một việc có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực ở những người ái kỷ.
    • Thay vì nói “Em khổ vì sự ích kỷ của anh”, bạn hãy nói “Chúng ta làm tổn thương nhau vì đôi khi chúng ta nghĩ cho bản thân nhiều hơn nghĩ cho nhau”.
  4. 4
    Lựa lời để khiến mọi thứ dường như vì lợi ích của anh ấy. Những người quá yêu bản thân hiếm khi quan tâm đến nhu cầu của người khác. Để đạt được điều mình muốn, bạn cần phải làm như tất cả là vì anh ấy.”
    • Nếu muốn đến nhà bạn bè ăn cơm tối, bạn đừng nói “Em muốn đến nhà anh Thành chị Hương ăn tối”. Hãy nói “Anh chị ấy quý anh lắm; vợ chồng anh chị ấy muốn mời anh đến ăn tối”.[8]
    • Thuyết phục chồng bạn rằng những việc anh ấy làm cho bạn sẽ tạo nên hình tượng tốt. Hãy nói những câu như “Anh mà giúp em dọn dẹp nhà để xe thì mọi người sẽ thấy anh chu đáo với em như thế nào."[9]
  5. 5
    Tiếp cận chuyên viên tư vấn một cách thận trọng. Nhiều người ái kỷ phản ứng rất dữ dội với ý tưởng trị liệu, vì vậy bạn cần lựa lời thận cẩn thận khi đề xuất giải pháp này. Làm sao để anh ấy thấy đây là rắc rối chung của hai vợ chồng và có những vấn đề mà cả hai cùng vượt qua được. Khi đó, bạn có thể thuyết phục anh ấy đồng ý cùng bạn đến gặp chuyên viên tư vấn. Bạn nên nhận trách nhiệm về những hành động của mình thay vì đẩy hết cho anh ấy.
    • Ví dụ, bạn hãy nói "Em muốn đến gặp tư vấn viên để xem làm thế nào để chúng ta giao tiếp với nhau tốt hơn và vui vẻ hơn khi ở bên nhau. Em muốn tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa vợ chồng mình để cả hai đều có được những điều mình muốn”. Cách nói như vậy nghe có vẻ thiện chí.
    • Sẵn sàng cùng nhau đi trị liệu nhiều buổi. Đây là điều quan trọng, vì một buổi trị liệu thường là chưa đủ. Bạn nên cố gắng đi 3-4 buổi. Chuyên gia trị liệu sẽ giúp bạn quyết định việc này.
  6. 6
    Xin lời khuyên một người thân hoặc bạn bè đáng tin cậy. Những lời khuyên của người thân hoặc bạn bè có thể giúp bạn đối phó với anh chồng quá yêu bản thân. Họ cũng có thể nói cho bạn biết vấn đề này diễn ra đã bao lâu. Có phải từ thời niên thiếu anh ấy đã như thế không, hay là hiện tượng này mới xảy ra gần đây?
    • Nói chuyện với các thành viên trong gia đình hoặc chồng bạn về quá khứ của anh ấy. Liệu có điều gì mà hai vợ chồng bạn có thể cùng nhau vượt qua để làm dịu vấn đề không?
    • Hỏi bạn bè và gia đình xem trước kia họ đã làm gì để đối phó với anh ấy. Có thể họ có nhiều kinh nghiệm hơn bạn.
  7. 7
    Cố gắng tìm ra gốc rễ của vấn đề. Đàn ông cũng cảm thấy bất an, và đôi khi họ che giấu nỗi bất an của mình theo những cách khó chấp nhận. Nếu xu hướng ái kỷ của chồng bạn chỉ mới xảy ra gần đây, bạn hãy cố gắng tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra khiến anh ấy bắt đầu cư xử như vậy. Hãy đặt mình vào vị trí của chồng bạn để tìm hiểu xem lý do nào khiến anh ấy lại gây tổn thương.
    • Ví dụ, nếu chồng bạn bị thương, hoặc nếu bạn vừa tìm được việc làm, có thể anh ấy cảm thấy bản thân không xứng với bạn. Có lẽ là chồng bạn đang cố gắng hướng sự chú ý về phía mình.
    • Nếu chồng bạn nói "Cuộc đời anh chẳng được như anh mong muốn" Bạn có thể đáp lại “Có thể anh nói đúng, nhưng vợ chồng mình vẫn có nhiều thứ tốt đẹp khác. Mình sẽ cố gắng cải thiện những chuyện khiến anh không vui.” Sau đó, bạn hãy chỉ ra những mặt tích cực trong cuộc sống và mối quan hệ giữa vợ chồng bạn, giúp anh ấy liệt kê những thứ mà cả hai có thể cùng nhau đem lại những chuyển biến tích cực.
    • Nếu gần đây chồng bạn bị thương, bạn hãy bảo anh ấy “Anh à, em biết bây giờ anh chưa khỏe hẳn, nhưng không phải vì thế mà anh kém giá trị”, hoặc “Dù có việc làm mới thì em cũng không thay đổi cách nhìn về anh. Anh đem lại cho em nhiều thứ quý giá khác chứ không chỉ là tiền."
  8. 8
    Thăm dò xem liệu chồng bạn có chịu thay đổi không. Nếu chồng bạn sẵn sàng thay đổi thì có thể sẽ có cách để hai bạn cùng nhau xử lý vấn đề, bằng không thì khó có hy vọng để cải thiện mối quan hệ giữa hai người.
    • Nói chuyện với chồng bạn về hành vi của anh ấy và chờ xem phản ứng. Bạn có thể bắt đầu một cách thẳng thắn, chẳng hạn như “Em cảm thấy anh không quý em, và mối quan hệ giữa chúng ta là vì anh hơn là em”. Tuy nhiên, cách này có thể không có tác dụng với những người mắc chứng ái kỷ nghiêm trọng. Thay vào đó, bạn hãy gợi chuyện với lời lẽ ve vuốt và đặt anh ấy vào vị trí trung tâm. Bạn có thể nói “Anh là trụ cột trong nhà và có vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ gia đình”, sau đó khéo léo nói về những lo ngại của mình.[10]
  9. 9
    Thưởng những thứ nho nhỏ cho anh ấy. Đôi khi bạn cần bỏ chút công sức để khiến người ái kỷ làm việc gì đó. Hãy thử dùng chiến thuật phần thưởng để khuyến khích chồng phụ giúp bạn. Cách này sẽ khiến anh ấy thay đổi lối suy nghĩ từ “muốn gì được nấy” sang “có qua có lại”.
    • Nếu bạn muốn chồng cắt cỏ trong sân nhà, hãy hứa làm điều gì đó sau khi anh ấy hoàn thành công việc. Ví dụ “Nếu cuối tuần anh cắt cỏ giúp em thì thứ ba tới em sẽ làm món cánh gà và bánh nướng cho anh tụ tập bạn bè chơi bài poker." Nhớ rằng chỉ thưởng sau khi chồng bạn đã làm xong nhiệm vụ. Như thế anh ấy sẽ bắt đầu hiểu ra là phải phụ giúp bạn trước khi được thưởng.
  10. 10
    Quan tâm đến anh ấy. Chồng bạn là bạn đời của bạn và xứng đáng được yêu thương. Tuy nhiên, việc bạn quan tâm đến chồng không có nghĩa là bạn dung dưỡng cho cái tôi của anh ấy. Hãy dành thời gian ở bên chồng, nói những lời trìu mến, nghĩ ra những hoạt động để hai vợ chồng cùng làm với nhau sau giờ làm việc hoặc cuối tuần. Thường xuyên gửi tin nhắn cho nhau. Những người ái kỷ sẽ rất thích thú với kiểu quan tâm này, vì họ có cảm giác được chú ý.
    • Mỗi đêm dành ra nửa tiếng hoặc 45 phút trò chuyện với nhau và kể về những sự kiện xảy ra trong ngày. Để anh ấy lắng nghe mình, bạn hãy nói “Anh và em mỗi người có thể dành ra nửa tiếng kể cho nhau nghe chuyện trong ngày của mình”, hoặc gợi ý đổi vai trò người nói và người nghe giữa các câu chuyện.
    • Khi chọn các hoạt động cuối tuần, bạn nên sắp xếp sao cho chồng bạn cảm thấy anh ấy là trung tâm của sự chú ý. Nếu muốn đi xem phim, bạn hãy nói “Em biết là anh muốn xem bộ phim mới ra. Sao mình không đi xem nhỉ?” Nếu muốn đi dã ngoại, bạn có thể nói “Có vẻ như anh cần xả stress nhỉ; mình đi dã ngoại đi."
  11. 11
    Hãy kiên nhẫn. Nhớ rằng sự thay đổi lớn luôn luôn cần thời gian. Bạn đừng mong chờ người kia thay đổi ngay lập tức. Hãy tiếp tục dịu dàng, nhân hậu, thấu hiểu và yêu thương.
    • Thể hiện sự khiêm nhường để làm tấm gương trái ngược với tính ái kỷ của chồng bạn. Đừng mỉa mai hoặc khiêm nhường giả tạo.
    • Hãy trung thực khi đánh giá sự tiến bộ của anh ấy. Chồng bạn có thực sự cố gắng thay đổi không? Anh ấy có tiếp tục xử tệ với bạn không? Liệu mối quan hệ này có đáng để bạn hy sinh nhiều như vậy không?
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:

Chăm sóc bản thân

  1. 1
    Thiết lập vị trí vững chắc của bạn trong hôn nhân. Bạn phải có chỗ đứng của mình trong cuộc sống vợ chồng. Hãy giành quyền kiểm soát một số vấn đề, dù là về tài chính, nhà cửa, chuyện chăn gối hay bất cứ phương diện nào khác. Người ái kỷ thường tự cho mình là người quan trọng nhất trong mối quan hệ; vì vậy bạn cần cho chồng biết rằng bạn cũng quan trọng không kém gì anh ấy.
    • Sử dụng sự hài hước trong một số trường hợp. Nếu chồng bạn cho rằng anh ấy là người hoàn hảo, bạn hãy dùng sự hài hước để loại bỏ ảo tưởng đó. Hãy giúp chồng bạn nhận ra rằng anh ấy không hoàn hảo, không phải là số một hoặc trung tâm của vũ trụ. Cho anh ấy biết rằng anh ấy là người quan trọng và bạn yêu anh ấy, nhưng những người khác cũng không kém phần quan trọng.
  2. 2
    Nhớ rằng bạn có giá trị của mình. Hầu hết những người ái kỷ cảm thấy họ có quyền hưởng sự ưu đãi; có thể anh ta nghĩ rằng “Mình xứng đáng được đối xử đặc biệt vì mình là người kiếm ra tiền và chi trả cho sinh hoạt trong gia đình”. Tuy nhiên không có điều gì cho phép anh ta đối xử thiếu tôn trọng với bạn hoặc bất cứ người nào khác.
    • Lưu ý rằng có thể sẽ có các vấn đề nảy sinh khi bạn đối mặt với chồng bạn. Hãy đặt ra một số nguyên tắc cơ bản và bám vào đó. Luôn chuẩn bị phương án tạm dừng; có thể cả hai cần thời gian để bình tĩnh lại trước khi tiếp tục trao đổi. Nếu cách này không có tác dụng, bạn hãy tìm chuyên gia tư vấn trước khi tình hình trở nên xấu hơn.
    Adam Dorsay, PsyD

    Adam Dorsay, PsyD

    Chuyên gia tâm lý & Diễn giả TEDx
    Tiến sĩ Adam Dorsay là chuyên gia tâm lý làm việc cho một công ty tư nhân tại San Jose, CA. Ông chuyên giúp những người thành đạt nhưng gặp trắc trở trong tình yêu hôn nhân, giảm stress và lo âu và giúp họ hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Năm 2016, ông đã có bài diễn thuyết trên chương trình TED về nam giới và tình cảm của nam giới. Ông là người đồng sáng lập Project Reciprocity, một chương trình quốc tế tại trụ sở của Facebook và hiện đang tư vấn cho Digital Ocean để hỗ trợ Nhóm An Toàn của họ. Ông nhận bằng tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng năm 2008.
    Adam Dorsay, PsyD
    Adam Dorsay, PsyD
    Chuyên gia tâm lý & Diễn giả TEDx

    Con cái có bố mẹ bị ái kỷ cũng sẽ chọn bạn đời bị ái kỷ. Adam Dorsay, một nhà tâm lý học, nói: “Thật không may là nhiều người có bố mẹ bị ái kỷ cũng chọn vợ/chồng bị ái kỷ vì đó là tất cả những gì họ biết. Họ cảm thấy phải bắt chước mối quan hệ của bố mẹ mình và có một kết quả khác. Họ thường nghĩ rằng họ có thể kết hôn, yêu và cứu rỗi người bạn đời bị ái kỷ. Đáng tiếc là họ sẽ không thể tìm thấy tình yêu ở người ái kỷ.”

  3. 3
    Lấy lại sự tự tin. Mối quan hệ với người ái kỷ có thể tác động tiêu cực đến sự tự tin của bạn. Bạn cần bắt đầu xây dựng lại lòng tự tin của mình. Hãy dùng sự tự tin để xử lý tình huống mà chồng bạn đã đẩy bạn vào và giữ bình tĩnh khi anh ta phản ứng xấu với những nỗ lực đối thoại của bạn.[11]
    • Tìm kiếm thú tiêu khiển. Cảm giác mình là người có giá trị sẽ giúp bạn lấy lại sự tự tin. Bạn có thể tập may vá, học khiêu vũ, bắt đầu chạy bộ hoặc viết lách. Hãy làm điều gì đó đem lại niềm vui cho mình.
  4. 4
    Học cách bỏ đi chỗ khác. Khi chồng bạn nổi giận vì có chuyện gì đó diễn ra không như ý anh ta muốn, hãy nhớ rằng đó chỉ là một cách để anh ta kiểm soát bạn. Hãy quay đi, rời khỏi phòng, ra khỏi nhà hoặc đảo tròng mắt. Điều này sẽ giảm bớt quyền lực của anh ta đối với bạn và giúp bạn mạnh mẽ hơn.
  5. 5
    Thiết lập một hệ thống hỗ trợ. Bạn sẽ cần một mạng lưới hỗ trợ vì chồng bạn không cho bạn điều đó. Hệ thống này có thể bao gồm bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Họ có thể giúp bạn duy trì sự tự tin, mạnh mẽ và cảm giác có giá trị.[12]
  6. 6
    Cân nhắc đến việc ly hôn. Nếu mối quan hệ vợ chồng đã đi đến mức bạo hành, vượt quá khả năng xử lý của bạn hoặc gây hại cho sức khỏe tâm thần và cảm xúc của bạn, vậy thì có lẽ đã đến lúc bạn nên ly thân hoặc ly hôn.
    • Hãy quyết đoán nếu bạn muốn ly hôn. Khi nói chuyện với người tư vấn pháp luật, bạn nên kiềm chế cảm xúc. Thông thường, người ái kỷ sẽ không dằn được cảm xúc, vì vậy bạn cần tỏ ra bình tĩnh, tự chủ. Bạn nên đưa ra các bằng chứng khi thuật lại hành vi của chồng mà không tỏ ra tức giận hoặc ngại ngần. Hãy thẳng thắn và nói sự thật.
    • Trình bày hành vi ái kỷ của anh ta. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng khi gọi chồng bạn là người ái kỷ, vì chuyên viên pháp luật có thể không hiểu điều đó có nghĩa là gì. Thay vào đó, bạn hãy thuật lại những hành vi yêu bản thân thái quá của anh ta.
    Quảng cáo

Bài viết wikiHow có liên quan

Về bài wikiHow này

Adam Dorsay, PsyD
Cùng viết bởi:
Chuyên gia tâm lý & Diễn giả TEDx
Bài viết này đã được cùng viết bởi Adam Dorsay, PsyD. Tiến sĩ Adam Dorsay là chuyên gia tâm lý làm việc cho một công ty tư nhân tại San Jose, CA. Ông chuyên giúp những người thành đạt nhưng gặp trắc trở trong tình yêu hôn nhân, giảm stress và lo âu và giúp họ hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Năm 2016, ông đã có bài diễn thuyết trên chương trình TED về nam giới và tình cảm của nam giới. Ông là người đồng sáng lập Project Reciprocity, một chương trình quốc tế tại trụ sở của Facebook và hiện đang tư vấn cho Digital Ocean để hỗ trợ Nhóm An Toàn của họ. Ông nhận bằng tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng năm 2008. Bài viết này đã được xem 6.842 lần.
Trang này đã được đọc 6.842 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo