Bài viết này đã được cùng viết bởi Liana Georgoulis, PsyD. Bác sĩ Liana Georgoulis là nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép với hơn 10 năm kinh nghiệm, hiện là trưởng khoa lâm sàng của Coast Psychological Services tại Los Angeles. Cô đã nhận được bằng Bác sĩ Tâm lý của Đại học Pepperdine vào năm 2009. Phòng khám của cô cung cấp liệu pháp hành vi nhận thức và các liệu pháp dựa trên bằng chứng khác cho thanh thiếu niên, người lớn và các cặp vợ chồng.
Bài viết này đã được xem 13.604 lần.
Đối phó với người ái kỷ là một việc tương đối khó khăn. Tâm trí bị giới hạn của người ái kỷ ngăn họ nhìn ra bên ngoài bản thân, và thế giới của họ bị ngăn cách hoàn toàn với bên ngoài mà chỉ tập trung vào giới hạn bên trong. Có rất nhiều dạng ái kỷ, và việc đối phó với người ái kỷ có thể khiến bạn nản lòng và gây nguy hiểm cho sức khỏe tinh thần lẫn cảm xúc của bạn. Tuy nhiên, vẫn có một vài cách đối phó cơ bản mà bạn có thể áp dụng khi gặp người ái kỷ.
Các bước
Cách đối phó dài hạn
-
1Nhận diện người ái kỷ. Trước khi đưa ra nhận xét, bạn cần nhớ rằng nhiều người có xu hướng ái kỷ nhưng không hẳn là người ái kỷ. Bằng cách tìm hiểu đặc điểm của người ái kỷ, bạn có thể sớm nhận diện để tránh tương tác với họ và chỉ đối phó với những người mà bạn đã quen biết. Hãy tự hỏi bản thân liệu người đó có những đặc điểm sau không:[1]
- Phóng đại tầm quan trọng của chính mình.
- Thường mong đợi hoặc đòi hỏi sự tán dương và sự chú ý của người khác.
- Rất ít khi quan tâm đến nhu cầu hoặc cảm xúc của người khác.
- Hành xử ngạo mạn hoặc trịch thượng với người khác.
- Tin rằng họ đặc biệt theo cách nào đó và chỉ có người đặc biệt mới có thể thật sự hiểu họ.
- Tin rằng người khác ganh tị với họ.
- Lợi dụng người khác để đạt được những gì họ muốn.
- Bị ám ảnh với việc có sức mạnh to lớn, thành công hoặc tình yêu hoàn hảo.
Nhân viên công tác xã hội y tếKlare Heston, LCSW
Nhân viên công tác xã hội y tếNgười ái kỷ thường không nhận ra hội chứng ái kỷ của chính mình. Theo nhân viên công tác xã hội Klare Heston: “Một số người ái kỷ nhận biết xu hướng của họ, đặc biệt khi người khác chỉ ra điều đó. Số khác thì đắm chìm trong việc ngưỡng mộ bản thân đến mức họ chỉ chú ý đến sự “vĩ đại” của mình và xem đó là sự thật. Nhìn chung, họ không có nhận thức về bản thân.”
-
2Xác định nhu cầu của bạn. Nếu bạn cần ở bên ai đó có thể đồng hành và cùng bạn chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, tốt nhất hãy tránh dành thời gian bên người ái kỷ để có cơ hội gặp gỡ những người đáp ứng được nhu cầu của bạn. Mặt khác, nếu người ái kỷ mà bạn quen biết là người thú vị hoặc vui vẻ, và bạn không cần sự hỗ trợ từ họ, bạn vẫn có thể duy trì tình bạn hoặc mối quan hệ đó trong thời điểm hiện tại.
- Đảm bảo bạn không làm tổn thương chính mình khi tương tác với người ái kỷ. Đây là điều mà bạn cần lưu ý nếu có mối quan hệ thân thiết với người ái kỷ (chẳng hạn như vợ/chồng hoặc cha/mẹ), vì họ sẽ tiêu tốn nhiều thời gian của bạn.
- Nếu bạn cảm thấy kiệt sức trước sự đòi hỏi của người ái kỷ (liên tục yêu cầu sự công nhận, lời ca tụng, sự chú ý và sự nhẫn nại trước sau như một từ phía bạn), hãy xem lại mối quan hệ này.
- Nếu bạn bị bạo hành (chẳng hạn như thao túng, liên tục lăng mạ, hoặc đối xử như thể bạn không hề có giá trị) bởi người thân có đặc điểm ái kỷ, bạn cần bước ra khỏi mối quan hệ đó ngay vì họ gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.
-
3Chấp nhận giới hạn của người ái kỷ. Nếu đó là người thật sự quan trọng với bạn, bạn cần chấp nhận hội chứng ái kỷ của họ. Hãy dừng việc yêu cầu hoặc đòi hỏi sự hỗ trợ hay sự chú ý từ người ái kỷ không có khả năng thực hiện điều đó, vì bạn sẽ không nhận được những gì mình cần mà chỉ cảm thấy nản lòng, thất vọng và khiến mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn.
- Ví dụ, nếu bạn biết người bạn nào đó của mình là người ái kỷ, đừng tiếp tục nói với họ về các vấn đề của bạn. Người ấy không thể đồng cảm với bạn và sẽ nhanh chóng đẩy cuộc trò chuyện về phía họ.
-
4Xác định giá trị bản thân qua hình thức khác. Giá trị bản thân được hình thành từ bên trong thay vì phụ thuộc vào tác động bên ngoài vẫn là lý tưởng nhất. Tuy nhiên, với một số người thì giá trị bản thân tăng mạnh khi người khác khẳng định sự tồn tại của họ qua việc trân trọng bản sắc riêng của họ. Đừng tìm đến người ái kỷ khi bạn cần hình thức nâng đỡ này vì họ không thể cho bạn điều đó.[2]
- Hiểu rằng khi bạn trút bầu tâm sự với người ái kỷ, họ sẽ không thực sự trân trọng những gì bạn chia sẻ. Trên thực tế, họ sẽ thao túng bạn bằng những gì họ biết; vì vậy, hãy cẩn thận khi nói điều thầm kín với người ái kỷ.
- Hãy nhớ rằng người ái kỷ có phương châm sống “Tôi là nhất”. Khi tương tác với họ, bạn sẽ bị cuốn theo phương châm của đó.
-
5Bày tỏ sự thấu cảm với người ái kỷ. Đây là việc nói dễ hơn làm, nhưng bạn hãy nhớ rằng: sâu bên trong vẻ tự tin của người ái kỷ là sự thiếu tự tin nghiêm trọng và nhu cầu được người khác chấp thuận. Bên cạnh đó, người ái kỷ không có cuộc sống trọn vẹn vì họ mất kết nối với một loạt cảm xúc của chính mình.[3]
- Điều đó không có nghĩa là bạn cho phép họ cư xử tùy tiện với mình. Thay vào đó, bạn chỉ cần nhớ rằng người ái kỷ là người không thể kết nối với người khác. Đây là kết quả từ việc được nuôi dạy bởi cha mẹ mắc hội chứng ái kỷ.
- Ngoài ra, hãy nhớ rằng người ái kỷ không hiểu tình yêu vô điều kiện là gì. Mọi việc họ làm chỉ nhằm mục đích phục vụ bản thân - một lối sống vô cùng đơn độc.
- Bạn sẽ có sự thấu cảm dành cho người ái kỷ khi hiểu rằng những hành vi tiêu cực này phản chiếu sự chán ghét bản thân và cảm giác thiếu thốn của chính họ.
Quảng cáo
Cách đối phó ngắn hạn
-
1Tránh chơi trò tâm lý. Rất nhiều người ái kỷ chơi trò tâm lý buộc bạn phải liên tục phòng thủ. Cách tốt nhất để đối phó với những trò này là nhận diện trò chơi và dừng cuộc chơi. Để đối phó với người ái kỷ, bạn phải đặt cái tôi của mình sang một bên.
- Dừng chơi "trò đổ lỗi". Tâm trí của người ái kỷ không có chỗ cho sai lầm - điều đó có nghĩa là họ cần ai đó để đổ tội cho lỗi sai của mình. Thay vì cố gắng tranh cãi hoặc giải thích đó là lỗi của họ, bạn phải biết đặt giới hạn. Hãy ghi chú những gì họ làm để bạn có thể nói bằng giọng không có hàm ý buộc tội như “Đây là bảng kiểm kê cho biết chúng ta cần thêm giấy”.
- Người ái kỷ thường giỏi nói dối. Nếu bạn nhớ điều gì đó khác với họ (đặc biệt khi điều đó gây bất lợi cho họ), đừng vội nghi ngờ bản thân. Tuy nhiên, bạn cũng không nên cố gắng tranh cãi, trừ khi bạn có bằng chứng cụ thể chứng minh là mình đúng. Dẫu vậy, người ái kỷ vẫn tìm cách đổi trắng thay đen để họ không bị mất quyền lợi.
- Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là cố gắng không phản ứng trước hành vi của người ái kỷ. Khi tương tác với người ái kỷ, bạn sẽ khó tránh khỏi những “đòn trời giáng”, sự sỉ nhục và lời nói dối. Đừng vội phản ứng. Việc này giống như trò chơi bắt bóng, chỉ là bạn không cần bắt bóng và ném lại. Trên thực tế, hãy để quả bóng (sự sỉ nhục, trò chơi tâm lý, v.v.) tự lăn đi.
-
2Đừng cố làm hài lòng người ái kỷ. Vì người ái kỷ có cái tôi lớn và chỉ biết nghĩ đến bản thân, nên theo cách nào đó họ vẫn xem bạn là người thấp kém hơn. Bạn có thể chiếm được thiện cảm của người ái kỷ trong khoảng thời gian ngắn, nhưng bạn không nên nghĩ đến việc thỏa mãn hoặc gây ấn tượng với họ về lâu dài.[4]
- Chuẩn bị tâm lý cho việc bị người ái kỷ đánh giá thấp. Bạn sẽ không bao giờ có thể làm tốt những gì họ mong đợi ở bạn - một người dành hết toàn bộ sự chú ý cho họ.
- Cố gắng không để bụng những lời chỉ trích của người ái kỷ. Bạn nên tự nhủ rằng hành động của họ xuất phát từ cách nhìn cuộc sống thiếu cân bằng. Tương tự như vậy, đừng cố gắng tranh cãi quyền lợi với người ái kỷ, vì họ sẽ không chịu nghe bạn nói.
- Nếu họ liên tục hạ thấp danh dự của bạn (bất kể họ là vợ/chồng, cha/mẹ hay cấp trên), hãy tìm ai đó đáng tin cậy (bạn bè thân thiết, người cố vấn, v.v.) để “xả” hết những gì họ nói. Nếu có thể, bạn nên tránh gặp người ái kỷ để lấy lại tinh thần.
-
3Lắng nghe nhiều. Nếu bạn phải tương tác với người ái kỷ, cách đối phó tốt nhất là lắng nghe. Người ái kỷ sẽ đòi hỏi sự chú ý cùng khả năng lắng nghe của bạn, và họ trở nên giận dữ hoặc hậm hực khi bạn không làm theo ý họ. Tất nhiên mọi thứ đều có giới hạn, và nếu người ái kỷ mà bạn quen biết đòi hỏi sự chú ý vào thời điểm không phù hợp, bạn không cần đáp ứng yêu cầu của họ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn xây dựng mối quan hệ bạn bè hoặc mối quan hệ khác với người ái kỷ, hãy chuẩn bị tinh thần để nghe họ nói.
- Khi bị phân tâm, bạn sẽ yêu cầu họ nói rõ hơn về câu chuyện được kể trong lúc bạn nhớ đến chuyện khác để bạn dễ dàng quay lại với cuộc trò chuyện. Ví dụ, bạn có thể nói “Mình đang nghĩ đến chuyện mà bạn nói về X và không nghe rõ những gì bạn vừa nói. Bạn có thể lặp lại điều đó không?”
-
4Khen ngợi một cách thành thật. Rất có thể bạn vẫn sẽ ngưỡng mộ điều gì đó ở người ái kỷ thân cận. Hãy tập trung ca ngợi đặc điểm đó của họ. Như vậy, lời khen của bạn sẽ chân thật hơn và khiến họ có thiện cảm với bạn hơn. Ngoài ra, đây cũng là cách nhắc bạn nhớ điều gì khiến mình tiếp tục giữ người này trong cuộc sống.
- Ví dụ, nếu người ái kỷ mà bạn biết rất giỏi viết lách, bạn nhớ khen ngợi điều này. Chẳng hạn như bạn sẽ nói: “Bạn diễn đạt rất tốt. Mình thích cách bạn triển khai ý một cách rõ ràng”. Họ sẽ nhận ra sự chân thành của bạn và ít đả kích bạn hơn.
- Kể cả khi bạn cho người ái kỷ lời khen và sự tán dương mà họ khao khát, họ vẫn sẽ tìm cách làm tổn thương và kiểm soát bạn vì sự bất an khắc sâu bên trong họ. Hãy luôn cẩn thận vì cách thức thực hiện của họ có thể rất tinh vi.
-
5Mỉm cười và gật đầu. Nếu đó là người ái kỷ mà bạn không thể tránh tiếp xúc, và bạn cảm thấy bản thân khó chấp nhận việc thường xuyên tâng bốc họ, lựa chọn tốt nhất tiếp theo là giữ im lặng. Bạn sẽ không thể làm người ái kỷ hài lòng khi giữ im lặng, nhưng bằng cách không phản bác, họ sẽ ngầm hiểu rằng bạn đồng tình.
- Vì người ái kỷ đòi sự chú ý liên tục, nên mỉm cười và gật đầu là một cách hữu hiệu để đáp ứng yêu của của họ mà không khiến bạn hành xử vượt quá giới hạn. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với những người ái kỷ không có mối quan hệ mật thiết với bạn (chẳng hạn như đồng nghiệp, người thân không sống cùng nhà hoặc bạn bè không quá thân thiết).
-
6Thuyết phục người ái kỷ rằng những gì bạn muốn sẽ có lợi cho họ. Nếu bạn cần điều gì đó từ người ái kỷ, cách thực hiện hiệu quả nhất là diễn đạt sao cho họ nhận thấy lợi ích trong việc đáp ứng yêu cầu của bạn.
- Ví dụ, nếu bạn muốn rủ một người bạn đi ăn ở nhà hàng mới, và cô ấy thường đề cao địa vị xã hội của mình, hãy thuyết phục bằng cách nói “Mình nghe nói đó là chỗ tuyệt vời để gặp được những người có ảnh hưởng trong cộng đồng”.
- Một ví dụ khác là khi bạn muốn tham gia buổi triển lãm với một người bạn và họ thường đánh giá cao sự hiểu biết của mình, bạn có thể nói “Ban tổ chức nói rằng những người thông minh và có đầu óc nhanh nhạy cảm thấy thích thú với buổi triển lãm”.
-
7Nói lời phê bình mang tính xây dựng bằng ngôn ngữ tích cực hoặc trung lập. Người ái kỷ không bao giờ chấp nhận lời phê bình thẳng thắn. Họ sẽ cho rằng bạn ganh tị hoặc xấu tính và thậm chí còn xem thường ý kiến của bạn. Đừng khiến họ bị bẽ mặt, dù bạn có muốn làm như thế. Hãy diễn đạt suy nghĩ của bạn theo cách khiến cho người ái kỷ tin rằng họ vẫn còn quyền lực.[5]
- Ví dụ, nếu bạn cần nhắc nhở khách hàng có đặc điểm ái kỷ thanh toán, hãy nhắc nhở nhẹ nhàng bằng cách nhờ họ nhắc thời hạn thanh toán đã thỏa thuận thay vì nói thẳng rằng họ thanh toán muộn.
Quảng cáo
Áp dụng biện pháp can thiệp
-
1Xác định xem việc can thiệp có phù hợp hay không. Đôi khi bạn cần áp dụng biện pháp can thiệp, đặc biệt khi người ái kỷ là người mà bạn hết mực yêu thương (người yêu, cha/mẹ hoặc con cái). Việc này có thể rất khó khăn vì người ái kỷ sẽ không dễ dàng tin rằng họ có vấn đề.
- Thời điểm tốt nhất để can thiệp là sau khi người ái kỷ gặp phải sự việc có tác động lớn đến cuộc sống của họ (chẳng hạn như bệnh tật, bị sa thải, v.v.) khiến cho cái tôi của họ bị hủy hoại hoặc gạt sang một bên.
-
2Tìm sự hỗ trợ của chuyên gia. Bạn cần sự hỗ trợ của người có kinh nghiệm và trung lập, vì sự việc có thể trở nên tồi tệ và căng thẳng trong quá trình can thiệp. Chuyên gia cũng có thể giúp bạn lên kế hoạch can thiệp và gợi ý cách thực hiện biện pháp can thiệp. Hãy xin lời khuyên từ những người có kinh nghiệm trong việc tương tác với người ái kỷ như chuyên gia trị liệu hành vi, bác sĩ tâm lý hoặc nhân viên công tác xã hội y tế.
- Chuyên gia sẽ trao đổi với bạn về các lựa chọn điều trị. Hình thức trị liệu cá nhân và trị liệu nhóm đều hữu ích và được chứng minh có thể giúp người ái kỷ nhận ra những người khác cũng quan trọng như họ.[6]
- Hãy tự tìm hiểu thông tin và hỏi những người đáng tin cậy xem họ có biết chuyên gia nào không. Chắc hẳn bạn muốn tìm được người có khả năng hỗ trợ giải quyết sự việc này.
-
3Tìm thêm 4 - 5 người hỗ trợ. Đây phải là những người thân thiết với người ái kỷ, hoặc người đã từng bị họ làm tổn thương nhưng vẫn sẵn lòng giúp đỡ họ.
- Đảm bảo những người này không cảnh báo trước với người ái kỷ và không bàn tán về những việc sắp xảy ra.
-
4Lên kế hoạch cho việc can thiệp. Việc này không thể thực hiện một cách nhất thời. Bạn cần xác định rõ thời điểm, địa điểm cùng những gì bạn sẽ nói và làm. Chuyên gia sẽ hỗ trợ để bạn biết điều gì có thể xảy ra khi áp dụng biện pháp can thiệp.
-
5Chuẩn bị sẵn điều cần nói. Đây là những điểm chính mà bạn cần tập trung vào trong quá trình can thiệp. Bạn có thể nói về tổn thương mà gia đình đang chịu đựng từ những vấn đề của người ái kỷ (kèm theo ví dụ cụ thể) và vì sao bạn phải áp dụng biện pháp can thiệp (họ có hành vi bạo hành, hoặc dừng việc vun vén gia đình; nhắc lại, đừng quên đưa ra các dẫn chứng cụ thể).
- Bạn cần đưa ra tối hậu thư cho hành động của họ nếu họ từ chối biện pháp can thiệp. Đó có thể là không tham gia các hoạt động quan trọng với người ái kỷ hoặc kết thúc mối quan hệ. Việc này sẽ củng cố thêm cho nỗ lực mà bạn bỏ ra để thuyết phục họ thay đổi.
-
6Nói rõ việc người ái kỷ đang làm tổn thương chính họ. Điều quan trọng là bạn cần bày tỏ sự thấu cảm trong quá trình can thiệp vì bạn thực hiện việc này là để giúp người ái kỷ trở nên tốt hơn. Hãy để người ái kỷ biết rằng việc thay đổi sẽ tốt cho họ và mọi người xung quanh.
- Dùng mệnh đề ở ngôi thứ nhất. Cách nói này sẽ hạn chế việc đặt người ái kỷ vào thế phòng thủ. Ví dụ, “Anh có cảm giác như bị phớt lờ khi em liên tục nói về bản thân” hoặc “Em cảm thấy anh liên tục muốn em hỗ trợ về mặt tinh thần mà không làm điều tương tự cho em”. Một lần nữa, hãy chỉ ra sự việc khiến bạn cảm thấy tổn thương.
-
7Chuẩn bị tinh thần cho khả năng thất bại của việc can thiệp. Bạn cần nhớ rằng việc can thiệp không đồng nghĩa với việc người ái kỷ sẽ thực sự làm những gì họ cần để trở nên tốt hơn. Tương tự như vậy, quá trình trị liệu cho người ái kỷ không phải lúc nào cũng hiệu quả, nên bạn cần chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.Quảng cáo
Lời khuyên
- Bạn không thể thắng khi tranh luận với người ái kỷ, kể cả khi thắng, bạn vẫn thua. Giải pháp hữu ích nhất là tránh xa và hạn chế giao tiếp với họ.
Cảnh báo
- Hạn chế tiếp xúc với người ái kỷ và cắt đứt liên lạc khi cần. Nếu dành quá nhiều thời gian cho người ái kỷ, bạn và họ có thể trở nên phụ thuộc lẫn nhau đến mức gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển cảm xúc của bạn.
- Chú ý đến sức khỏe tinh thần của bạn khi đối phó với người ái kỷ là việc hết sức quan trọng. Nếu chất lượng cuộc sống của bạn giảm sút vì họ, bạn cần tránh xa họ, kể cả khi đó là cha/mẹ, vợ/chồng hoặc cấp trên của bạn.
Tham khảo
- ↑ https://www.psychologytoday.com/us/blog/fulfillment-any-age/201802/the-ultimate-guide-identifying-narcissist
- ↑ https://opentextbc.ca/socialpsychology/chapter/the-feeling-self-self-esteem/
- ↑ https://lesley.edu/article/the-psychology-of-emotional-and-cognitive-empathy
- ↑ https://www.helpguide.org/articles/mental-disorders/narcissistic-personality-disorder.htm/
- ↑ https://www.psychologytoday.com/us/blog/evolution-the-self/201110/the-narcissists-dilemma-they-can-dish-it-out
- ↑ http://psychcentral.com/disorders/sx36t.htm