Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Chúng ta ai cũng những khoảnh khắc mơ mộng hoặc bay bổng trong thế giới tưởng tượng của riêng mình. Chẳng khó bắt gặp những lúc bạn để tâm trí lang thang vẩn vơ khi lẽ ra phải tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Tuy nhiên, có một số người lại thường xuyên chìm trong mộng ảo để đối phó với cuộc sống thường nhật hoặc tự mua vui cho bản thân. Kiểu mơ mộng này – còn được gọi là chứng nghiện mơ mộng – có thể ngăn cản người ta trải nghiệm các tương tác đa dạng với mọi người xung quanh và tận hưởng cuộc sống.[1] Nếu bạn nghĩ rằng mình là người nghiện mơ mộng, hãy tìm hiểu về hiện tượng này và học cách đối phó với nó.

Phần 1
Phần 1 của 2:

Hiểu về chứng nghiện mơ mộng

  1. 1
    Xác định xem bạn có phải là người nghiện mơ mộng không. Bởi hầu như ai cũng có lúc mơ mộng, bạn có thể đinh ninh rằng những cảnh tưởng tượng sống động và thường xuyên của mình là bình thường. Nhưng nếu là người nghiện mơ mộng, có lẽ bạn sẽ cảm thấy khổ sở vì khó kiểm soát được những giấc mộng ảo của mình. Bạn cũng có thể bực bội vì nó chen vào cuộc sống của bạn, đôi khi khiến bạn phải xấu hổ. Bạn cũng có thể phải thường xuyên phải vật lộn để che giấu hành vi này. [2]
    • Thuật ngữ "maladaptive dreaming" (nghiện mơ mộng) được đặt vào năm 2002, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là một chứng rối loạn chính thức trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (The Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders.)[3]
  2. 2
    Xem xét yếu tố bạo hành như một nguyên nhân khả dĩ. Nhiều người nghiện mơ mộng có điểm chung là bị ngược đãi từ thời thơ ấu. Những hình ảnh tưởng tượng ban đầu có thể dần dần trở thành một thế giới ảo mộng thoát ly hiện thực. Người ta bắt đầu thực sự bị ảnh hưởng bởi thói quen mơ mộng quá mức vào những năm đầu của tuổi thiếu niên.[4] Nếu bạn từng bị bạo hành và đang chống chọi với chứng nghiện mơ mộng, hãy tìm sự hỗ trợ của chuyên gia sức khoẻ tâm thần.
    • Ví dụ, những cảnh bắt đầu chỉ là mơ mộng của một đứa trẻ có thể biến thành những cảnh tưởng tượng rất chi tiết sau khi xảy ra bất cứ dạng bạo hành hoặc sang chấn tâm lý nào.
  3. 3
    Nhận biết các đặc điểm của chứng nghiện mơ mộng. Ngoài tình trạng bị bạo hành thời niên thiếu, những yếu tố về cảm giác vận động cũng là một đặc điểm chung của những người nghiện mơ mộng. Đó thường là các cử động lặp đi lặp lại như tung một quả bóng hoặc xoay một vật nào đó trong tay trong khi mơ mộng.[5] Các đặc điểm khác có thể bao gồm:[6]
    • Khao khát được mơ mộng mãnh liệt đến mức có thể so sánh với chứng nghiện
    • Những cảnh mơ mộng vô cùng chi tiết và phức tạp
    • Diễn theo các kịch bản tưởng tượng nhưng vẫn phân biệt được hiện thực và mơ mộng (không như tâm thần phân liệt hoặc loạn thần)
    • Gặp khó khăn trong những hoạt động đơn giản hàng ngày (như ăn uống, tắm, ngủ) vì luôn mơ mộng
  4. 4
    Nhận biết và tránh các tác nhân kích thích. Tác nhân kích thích là một sự kiện, nơi chốn, cảm giác hoặc ý nghĩ khiến bạn bắt đầu hoặc quay lại với những cảnh mơ mộng. Hãy xác định các tác nhân khiến bạn mơ mộng. Bạn có thể ghi chú về thời gian mà bạn bắt đầu mơ mộng và sự kiện gì đã xảy ra ngay trước đó. Ví dụ, bạn có thể nhận thấy mình bắt đầu thả hồn vào thế giới mộng ảo khi bước vào một phòng nào đó trong lúc buồn chán. Hãy nhận biết các tác nhân kích thích đó và lên kế hoạch cụ thể để tránh.
    • Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng tránh một chỗ nào đó trong nhà, kế hoạch của bạn có thể như sau: Làm việc trong bếp thay vì trong phòng ngủ. Ra khỏi nhà – đi dạo một vòng. Đến quán cà phê để làm việc thay vì ở nhà.[7]
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 2:

Đối phó với chứng nghiện mơ mộng

  1. 1
    Ngủ đủ giấc. Có nhiều việc bạn có thể làm để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tránh caffeine hoặc rượu trước khi ngủ, vì những thứ này có thể đánh thức bạn giữa đêm hoặc làm xáo trộn giấc ngủ. Cố gắng duy trì nếp ngủ đều đặn, đi ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày. Bạn cũng có thể tạo một thông lệ trước giờ ngủ, chẳng hạn như đánh răng, tắm, và đọc sách. Thông lệ này sẽ báo hiệu cho não biết là đã sắp đến giờ ngủ.[8]
    • Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ không ngon hoặc không đủ giấc có thể khiến những cơn mộng mơ xảy ra thường xuyên hơn.[9] Nó còn có liên quan đến tình trạng suy giảm trí nhớ, phản ứng chậm, giảm khả năng tập trung và mơ mộng đến mức ám ảnh.
  2. 2
    Duy trì một cuộc sống bận rộn cả ngày. Đừng để cho tâm trí có thời gian cho những giấc mộng ban ngày. Hãy chọn các hoạt động buộc trí não phải tập trung như đọc sách hoặc chơi ô chữ. Bạn cũng có thể bắt tâm trí và cả cơ thể phải bận rộn cùng lúc, chẳng hạn như chơi bóng rổ hoặc khiêu vũ. Những hoạt động giao tiếp xã hội như đi uống cà phê với bạn bè hoặc tham gia một sự kiện với đồng nghiệp cũng hữu ích.
    • Có một thuyết cho rằng mơ mộng là một kỹ thuật tự xoa dịu để người ta tự an ủi, vỗ về bản thân.[10] Trong trường hợp này, bạn hãy thử chọn các hoạt động thư giãn như nấu nướng, tập yoga hoặc đi làm móng cùng bạn bè.
  3. 3
    Đếm số lần mơ mộng để giảm bớt các cơn mộng ảo ban ngày. Ngừng mơ mộng hoàn toàn có thể rất khó. Thay vào đó, bạn hãy theo dõi xem mình mơ mộng bao nhiêu lần trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó tự bảo bản thân giảm dần dần. Ví dụ, bạn có thể hẹn giờ trong 3 phút và ghi lại số lần bạn bắt gặp mình mơ mộng trong khoảng thời gian đó. Lặp lại quá trình này cho đến khi số lần bắt đầu giảm.[11]
    • Có thể ban đầu bạn không phát hiện được những lúc mình đang mơ mộng, và khi đồng hồ báo hết giờ thì bạn vẫn đang chìm trong một cảnh tượng ảo. Không sao! Bạn hãy để cho chuông báo cắt ngang cơn mông mơ cho đến khi bạn học được cách theo dõi hành vi của mình.[12]
    • Hẹn giờ cũng là một hình thức tự theo dõi hiệu quả giúp bạn chủ động giảm mơ mộng. Vì đây là một phương pháp sửa đổi hành vi, kết quả của nó sẽ có hiệu lực lâu dài.[13]
  4. 4
    Ghi nhật ký để giúp tâm trí tập trung. Mặc dù có rất ít nghiên cứu về chứng nghiện mơ mộng và cách điều trị, những người tham gia diễn đàn online về hiện tượng này cho biết rằng biện pháp ghi nhật ký có thể giúp ích. Khi viết nhật ký là bạn đang sắp xếp các ý nghĩ của mình và nhờ đó bạn có thể tránh lạc vào thế giới ảo mộng.[14] Ghi lại các cảnh mơ mộng là cách có thể giúp bạn chậm lại và sống trong hiện thực. Bạn cũng có thể viết về việc thói quen mơ mộng đã ảnh hưởng đến cảm xúc của mình như thế nào và nó đóng vai trò gì trong cuộc sống của bạn.
    • Mặc dù vẫn cần phải nghiên cứu thêm để biết vì sao việc ghi nhật ký có thể giúp đỡ cho những người nghiện mơ mộng, nhưng đây là một liệu pháp đã được chứng minh là có thể làm chậm lại quá trình suy nghĩ, cho phép bạn có không gian để tự khám phá bản thân và giảm căng thẳng.
  5. 5
    Cố gắng biến những mộng mơ của bạn trở nên hữu ích. Khi đã nhận ra những cơn mơ mộng và tác nhân kích thích, bạn hãy để ý xem hiện tượng này tác động đến cảm giác của bạn như thế nào. Bạn có thể nhận thấy một số cơn mơ mộng khiến bạn lo âu hoặc hoang tưởng, một số khác thì tiếp thêm năng lượng hoặc động lực cho bạn. Nếu bạn thường xuyên có cùng các giấc mơ ban ngày lặp đi lặp lại khuyến khích bạn làm việc gì đó, hãy cân nhắc phấn đấu biến các mục tiêu mộng mơ thành sự thật.[15]
    • Ví dụ, có thể tâm trí bạn thường xuyên vẽ ra khung cảnh bạn sống ở nước ngoài và có một nghề nghiệp khác. Những thứ dường như chỉ là mộng mơ cũng có thể trở thành hiện thực nếu bạn thực hiện các bước để di chuyển đến đâu đó và tìm một công việc mới.
  6. 6
    Cân nhắc nói chuyện với một chuyên gia trị liệu. Nghiện mơ mộng chưa được công nhận là một chứng bệnh và các nghiên cứu về hiện tượng này vẫn còn ở giai đoạn đầu, do đó chưa có khuyến nghị nào về thuốc điều trị. Thực ra nhiều bác sĩ có thể còn chưa biết về hiện tượng này. Tuy vậy, bạn vẫn có thể đến gặp chuyên gia trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần để họ giúp bạn khắc phục các vấn đề tiềm ẩn dẫn đến chứng nghiện mơ mộng.
    • Ví dụ, nếu bạn nhận thấy mình trôi vào thế giới mơ mộng mỗi khi căng thẳng hoặc bồn chồn, bạn có thể làm việc với nhà trị liệu để lập các chiến thuật đối phó với stress hoặc cảm giác tức giận.
  7. 7
    Tim kiếm các cộng đồng trên mạng. Chứng nghiện mơ mộng cho đến giờ vẫn chỉ bắt đầu được nhận biết, nghiên cứu và điều trị. Cách dễ nhất để thảo luận và tìm lời khuyên về hiện tượng này là tìm các trang web của những người dùng mắc chứng nghiện mơ mộng.[16]
    • Nhớ theo dõi các tiến bộ y khoa trong việc nghiên cứu chứng nghiện mơ mộng. Khi nhiều nghiên cứu được tiến hành, có thể sẽ có các phương pháp điều trị và cơ chế đối phó mới mà bạn có thể tiếp cận.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Việc chia sẻ với những người khác có thể giúp bạn vượt qua vấn đề của mình và giúp họ hiểu bạn.
  • Hãy tâm sự với ai đó! Bạn không cô đơn đâu! Có nhiều người cũng giống như bạn vậy.
  • Nhớ rằng nghiện mơ mộng không phải lúc nào cũng có hại! Bạn có thể sử dụng nó để thư giãn hoặc thậm chí để đạt được điều gì đó hữu ích, chẳng hạn như một cảnh trong cuốn sách bạn đang viết hoặc một cách trang trí mới mẻ cho căn phòng của mình. Nếu bạn không thể kiểm soát được nữa thì đã đến lúc bạn cần tìm sự giúp đỡ.

Cảnh báo

  • Chứng rối loạn mơ mộng quá mức thường được chẩn đoán nhầm thành rối loạn giảm chú ý và rối loạn tăng động giảm chú ý, đôi khi còn bị nhầm với rối loạn nhân cách. Nếu bạn nghi ngờ mình nghiện mơ mộng và được chẩn đoán mắc một chứng rối loạn tương tự, hãy nói chuyện với chuyên gia trị liệu hoặc bác sĩ. Có thể là bạn đang điều trị một chứng bệnh mà bạn không mắc phải.
  • Tránh cố gắng tự đối phó với chứng nghiện mơ mộng bằng chất kích thích hoặc rượu. Cảm giác chếnh choáng say sưa thực sự là tác nhân kích thích các cơn mơ mộng quá mức.

Bài viết wikiHow có liên quan

Về bài wikiHow này

Noel Hunter, Psy.D
Cùng viết bởi:
Nhà tâm lý học lâm sàng
Bài viết này đã được cùng viết bởi Noel Hunter, Psy.D. Noel Hunter là nhà tâm lý học lâm sàng tại Thành phố New York. Cô là giám đốc và người sáng lập của MindClear Integrative Psychotherapy. Cô chuyên sử dụng phương pháp tiếp cận nhân văn, dựa trên sự hiểu biết về sang chấn, để điều trị cho những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần. Hunter có bằng cử nhân tâm lý học của Đại học Nam Florida, bằng thạc sĩ tâm lý học của Đại học New York và bằng tiến sĩ tâm lý học của Đại học Long Island. Cô đã xuất hiện trên các kênh National Geographic, BBC News, CNN, TalkSpace và tạp chí Parents. Cô là tác giả của cuốn Trauma and Madness in Mental Health Services. Bài viết này đã được xem 2.646 lần.
Trang này đã được đọc 2.646 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo