Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Khi bậc cha mẹ thao túng tinh thần bằng cách phủ nhận, lấn át và kiểm soát khả năng nhận thức về thực tại của chính bạn, hẳn bạn sẽ không biết phải làm thế nào.[1] Không quan trọng bạn đã thành niên hay chưa, hành vi thao túng tinh thần (còn gọi là gaslight), đặc biệt nếu đến từ bậc làm cha mẹ, có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và bất lực. May mắn là bạn có thể từng bước bảo vệ bản thân về mặt cảm xúc, giữ khoảng cách với người thao túng tinh thần, nỗ lực hướng tới gia cảnh lành mạnh hơn và nâng cao vị thế của chính bạn.

1

Đừng chấp nhận những lời nói dối thao túng tinh thần.

  1. Nghe theo trực giác và tin vào trí nhớ của bạn về điều đã xảy ra. Có thể bạn sẽ hoàn toàn bực mình và rối bời khi người thao túng tinh thần nói rằng: “Mẹ không nói/làm như vậy” hoặc “Đó không phải là những gì đã xảy ra” để chối bỏ hành vi xấu của họ. Thậm chí, họ có thể cố thay đổi nguyên tắc hoặc mong đợi của bạn sau khi điều gì đó thực sự xảy ra. Chẳng hạn, nếu cha mẹ nói rằng bạn có thể đi chơi đến 10 giờ tối, nhưng khi bạn về nhà đúng giờ thì họ lại khẳng định rằng bạn lẽ ra phải về nhà lúc 9 giờ.[2]
    • Nếu bạn cảm thấy an toàn khi đối mặt với người thao túng tinh thần, hãy trả lời rằng: “Không. Con nhớ mẹ đã nói gì. Mẹ dặn con là…”
    • Nếu như không muốn tranh cãi với người cha/mẹ thao túng, bạn có thể nói: “Con không để bị cuốn vào chuyện này đâu” và đi ra chỗ khác. Nếu như bạn không thể rời đi, hãy cố gắng bỏ ngoài tai lời của họ.[3]
    • Thậm chí, nếu cha mẹ muốn bạn phải cảm thấy ăn năn hoặc hối lỗi về những lời nói dối của họ, hãy giữ vững lập trường. Đừng xin lỗi hay tự quở trách bản thân. Nhận thức của bạn và sự thật quan trọng hơn!
    Quảng cáo
2

Đối mặt với những lời lăng mạ hoặc buộc tội ngay lúc đó.

  1. Nếu bạn cảm thấy an toàn để làm việc đó, hãy bảo vệ bản thân bằng cách đặt ra những ranh giới rõ ràng. Khi ai đó dùng lời lẽ cay độc vượt qua giới hạn về cảm xúc của bạn, có thể bạn sẽ thực sự bị tổn thương, giận giữ hoặc buồn bã. Hãy lắng nghe phản ứng của cơ thể và nhận thức rằng bạn được phép cảm nhận theo cách này. Sau đó, phản kháng bằng cách nói với người thao túng tinh thần về việc bạn cảm thấy như thế nào, và bạn không muốn nói chuyện với họ nữa nếu điều này tiếp tục diễn ra. Nếu cha mẹ phớt lờ giới hạn cảm xúc của bạn, hãy cố gắng rời khỏi phòng hoặc thoát khỏi tình huống đó.[4]
    • Bạn có thể nói rằng: “Con mong dượng nói chuyện với con nhẹ nhàng hơn.”
    • Đáp lại tông giọng hoặc những lời nói gây tổn thương của người phụ huynh thao túng tinh thần như sau: “Con cảm thấy khó mà nói chuyện với mẹ khi mẹ cứ gọi con là ‘đồ ngu’.”
    • Đáp lại những lời buộc tội như “Mày quá nhạy cảm rồi” hay “Nếu con không làm vậy thì mẹ đã không phạt con” bằng cách nói rằng: “Con hiểu vì sao mẹ nghĩ như vậy, nhưng con thì thấy khác, nên con nghĩ điều này thật không công bằng.”[5]
3

Đặt ra ranh giới về mặt vật lý.

  1. Dành thời gian ra khỏi nhà, rời khỏi đó hoặc khóa trái cửa phòng. Nếu bạn sống ở nhà và vẫn còn đi học, hãy tham gia nhiều câu lạc bộ hoặc đội năng khiếu sau giờ học để giảm bớt thời gian ở nhà. Nếu bạn sống xa nhà, hãy đưa ra quy tắc về mức độ thường xuyên của việc giao tiếp với cha mẹ. Nếu như cảm thấy an toàn để đặt ra những ranh giới này trong cuộc hội thoại, bạn nên nói chuyện với cha mẹ về điều đó.[6]
    • “Con muốn mẹ chỉ đến phòng trọ của con vào buổi tối thay vì cả ngày cuối tuần.”
    • “Mỗi ngày, con sẽ đến nhà bạn để học nhóm và về nhà sau bữa tối.”
    • “Con sẽ gọi cho cha vào mỗi thứ Bảy, trong tuần nếu có việc gấp cha cứ nhắn tin. Vì con đi học và làm thêm suốt không nghe máy được.”
    Quảng cáo
4

Viết hoặc ghi âm lại những lời tự nhận thức về bản thân.

  1. Thử cách này nếu bạn cảm thấy không thể đối diện với người thao túng tinh thần. Mặc dù bạn là một người tuyệt vời có nhiều thứ để cống hiến, nhưng sẽ rất khó để nói chuyện rành mạch khi đối diện với người thao túng tinh thần. Hãy phủ nhận những lời lẽ tiêu cực mà cha mẹ nói với bạn và nhắc nhở bản thân về giá trị của mình bằng cách lặp đi lặp lại những khẳng định tích cực (bằng lời hoặc trong nhật ký bí mật).[7]
    • “Cảm giác của mình quan trọng hơn.”[8]
    • “Mình xứng đáng được chăm sóc và yêu thương.”
    • “Mình đang có trách nhiệm với bản thân khi nói rõ nhu cầu chính đáng với cha mẹ, không phải là ích kỉ.”
    • Động viên bản thân bằng các công việc hoặc hoạt động mà bạn thích, chẳng hạn như: “Mình thực sự đã làm rất tốt trong trận bóng đá ở trường ngày hôm nay.”[9]
5

Xây dựng lại lòng tự tôn của bạn.

  1. Theo đuổi các hoạt động và dành thời gian với người đề cao bạn. Bạn xứng đáng với tình yêu thương và sự công nhận từ những người xung quanh, vì thế hãy dựa vào những mối quan hệ mang lại niềm vui trong cuộc sống. Bạn có thể tự đăng ký hoặc rủ bạn bè cùng tham gia các hoạt động tình nguyện, sở thích hoặc loại hình rèn luyện thể chất mới để chứng minh bản thân có thể làm những gì.[10] Nếu như cảm thấy khó khăn trong việc xác định mình là ai, bạn có thể tìm đến cố vấn tâm lý - người sẵn lòng giúp bạn tạo động lực để xây dựng ý niệm mạnh mẽ về sự tự tin.[11]
    • Hãy ghi âm lại câu này: “Tôi yêu bản thân. Tôi có giá trị. Tôi xứng đáng.” Nghe bản ghi này hoặc lặp lại điều đó nhiều lần mỗi ngày.[12]
    • Thực hành các bài tập thư giãn như thiền hoặc yoga.
    Quảng cáo
6

Thu thập bằng chứng để bảo toàn khả năng nhận thức về thực tại.

  1. Dùng phương tiện kỹ thuật số ghi lại hoặc tìm nhân chứng cho hành vi của người thao túng tinh thần bạn. Khi có bằng chứng cho thấy những lời nói dối của họ ngược lại với thực tế, bạn có thể khẳng định những gì mình biết là đúng. Hơn nữa, nếu tình trạng bạo hành leo thang, bạn có thể trình bằng chứng cho cơ quan chức năng.[13]
    • Bạn có thể dùng điện thoại để ghi âm hoặc quay video hành vi bạo hành bằng lời nói hoặc nói dối của người thao túng tinh thần.
    • Nếu như có bạn bè đáng tin cậy hoặc biết chuyên gia sức khỏe tâm thần nào đó, hãy gọi cho họ và giữ máy khi bạn đang xung đột cha mẹ để có nhân chứng cho sự việc này.
    • Bạn cần thận trọng khi lưu trữ bằng chứng vì người thao túng tinh thần có thể tìm thấy. Hãy tải những bản ghi âm, hình ảnh hoặc video lên dịch vụ đám mây để sao lưu.
7

Đừng trông đợi lời xin lỗi hay sự thay đổi về tính cách.

  1. Giải phóng năng lượng cảm xúc bằng cách buông bỏ mối quan hệ. Dù thực sự rất khó để buông bỏ mối quan hệ với ai đó, nhưng đây là bước quan trọng để hướng đến một cuộc sống mới với những mối quan hệ tích cực. Đối tượng thao túng tinh thần thường là những người bị rối loạn nhân cách ranh giới hoặc rối loạn nhân cách ái kỷ - họ sẽ không bao giờ thừa nhận, cảm thấy hối hận hay thực sự xin lỗi về cách họ đối xử với bạn. Bạn xứng đáng được nhiều hơn như thế! Khi lựa chọn rời đi thay vì chờ đợi lời xin lỗi, bạn đã mở ra cho mình cánh cửa để theo đuổi các mối quan hệ có ý nghĩa và mang tính xây dựng hơn với những người khác trong cuộc sống.[14]
    • Phát triển mạng lưới hỗ trợ bằng cách dành nhiều thời gian hơn với bạn bè hoặc thành viên khác trong gia đình - những người công nhận cảm xúc và nhận thức của bạn.[15]
    Quảng cáo
8

Cắt đứt quan hệ giao tiếp nếu như bạn là người lớn.

  1. Chọn khi nào thì gọi điện, nhắn tin và ghé thăm cha mẹ. Bậc phụ huynh thao túng tinh thần có thể cố khiêu khích đối với lời giải thích mà bạn đưa ra, đồng thời tranh cãi về mong muốn cắt đứt quan hệ giao tiếp. Hãy trả lời rõ ràng và dứt khoát bằng cách cho họ biết bạn sẵn lòng giao tiếp ở mức độ nào. Khi lựa chọn cắt đứt quan hệ giao tiếp, bạn sẽ có thể ưu tiên hạnh phúc của mình hơn mối quan hệ độc hại.[16]
    • “Con rất sẵn lòng về nhà vào những ngày Tết, còn trong năm thì con không muốn ghé.”
    • “Con chỉ cảm thấy có thể nói chuyện với dượng khi có ai khác ở đây, chẳng hạn như mẹ hoặc chị con.”
    • Nếu vị phụ huynh thao túng tinh thần vẫn cố gắng nhắn nhủ điều gì đó đến bạn thông qua bạn bè hoặc người thân khác trong gia đình, hãy nói: “Đây là vấn đề riêng giữa em và cha/mẹ/dì/dượng, vì thế em mong là chúng ta hãy cùng uống cà phê thật vui và tránh nhắc đến họ.”
    • Tham gia những hội nhóm hỗ trợ đối với người vượt qua giai đoạn bị thao túng tinh thần hoặc xâm hại lòng tự tôn.
9

Cân nhắc thực hiện liệu pháp trị liệu gia đình.

  1. Hướng tới việc hàn gắn và hòa giải với người thao túng tinh thần bạn. Khi tiếp nhận liệu pháp trị liệu gia đình, cả nhà có thể cùng trò chuyện với bác sĩ tâm lý nhằm xác định những khúc mắc và cách giải quyết vấn đề.[17] Nếu như cảm thấy mình không được lắng nghe ở nhà, bạn có thể bày tỏ quan điểm với bác sĩ trị liệu. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng sẽ rất khó để người thao túng tinh thần đồng ý thực hiện liệu pháp trị liệu và họ thường phủ nhận việc mình chính là vấn đề.[18]
    • Để tìm bác sĩ trị liệu, hãy hỏi bác sĩ gia đình hoặc xem trên mạng. Bạn cũng có thể tìm đến nhà thờ, tổ chức sức khỏe tâm thần tại địa phương hoặc chương trình hỗ trợ nhân viên của công đoàn để được giới thiệu.
    Quảng cáo
10

Nói chuyện với cố vấn tâm lý.

  1. Củng cố lòng tự tin và giải quyết hoàn cảnh khó khăn này thông qua trị liệu tâm lý. Trong suốt hoặc sau thời gian chịu đựng bị thao túng tinh thần, việc tự hoài nghi về những niềm tin và nhận thức của bản thân, thậm chí là cảm thấy tuyệt vọng hoặc trầm cảm là điều bình thường. Bạn có thể tìm đến cố vấn tâm lý hoặc nhà trị liệu để hỗ trợ quá trình phục hồi thông qua nguồn thông tin về sức khỏe tâm thần tại trường học hoặc nơi làm việc, bác sĩ gia đình hoặc các tổ chức về lĩnh vực này tại địa phương. Để chắc chắn rằng bạn gặp được cố vấn tâm lý giỏi, hãy tìm chuyên gia về sức khỏe tâm thần được cấp phép trong khu vực.[19]
    • Nếu như không có bằng lái xe, bạn có thể trao đổi với cố vấn tâm lý qua mạng.
    • Nếu như không đủ khả năng tài chính để điều trị tâm lý, hãy tham gia nhóm hỗ trợ tại địa phương dành cho những người đang bị ngược đãi về mặt tinh thần.[20]
    • Ngoài ra, bạn có thể tìm trên mạng những phòng khám đào tạo tại địa phương (nơi bạn có thể gặp gỡ sinh viên hoặc nhà trị liệu lâm sàng), cũng như các tổ chức sức khỏe tâm thần cộng đồng có dịch vụ tư vấn miễn phí.[21]
11

Báo cáo hành vi có khả năng ngược đãi nếu bạn là trẻ em.

  1. Những lời lăng mạ, bác bỏ và mắng mỏ là dấu hiệu của hành vi hành hạ về tinh thần.[22] Nếu như cha mẹ không tôn trọng ranh giới của bạn, thường xuyên thao túng tinh thần và khiến bạn cảm thấy bất an khi ở nhà, hãy tìm kiếm sự trợ giúp. Không ai có quyền đối xử với bạn theo cách đó, dù cho là đấng sinh thành. Bạn có thể báo cáo hành vi hành hạ về tinh thần bằng cách tâm sự với người lớn đáng tin cậy như bác sĩ, huấn luyện viên, người chăm sóc hoặc giáo viên.
    • Giáo viên, người chăm sóc hoặc huấn luyện viên ở trường là những người lớn có tiếng nói, họ có thể giúp bạn làm chứng tại cơ quan có thẩm quyền về hành vi nghi ngờ ngược đãi tinh thần và xâm phạm danh dự của cha hoặc mẹ bạn.
    • Để biết thêm thông tin về vấn đề ngược đãi trẻ em và được giới thiệu đến các cơ quan chức năng thích hợp, hãy gọi đến đường dây nóng 111 – Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.[23]
    Quảng cáo

Bài viết wikiHow có liên quan

Thuyết phục bố mẹ cho nghỉ họcThuyết phục bố mẹ cho nghỉ học
Đối phó với cha mẹ thích kiểm soátĐối phó với cha mẹ thích kiểm soát
Phạt Một Đứa trẻ HưPhạt Một Đứa trẻ Hư
Bế em béBế em bé
Đối phó với trẻ bám dính cha mẹĐối phó với trẻ bám dính cha mẹ
Làm người Cha tốtLàm người Cha tốt
Dạy trẻ em chạy xe đạpDạy trẻ em chạy xe đạp
Trở thành Cha Mẹ TốtTrở thành Cha Mẹ Tốt
Liệu có sao không khi bạn giấu cha mẹ về mối quan hệ của mình?Nếu bạn không cho cha mẹ biết về mối quan hệ của mình thì sao
Kích thích Chuyển dạ tại NhàKích thích Chuyển dạ tại Nhà
Rèn luyện kỷ luật cho trẻ 4 tuổiRèn luyện kỷ luật cho trẻ 4 tuổi
Ngăn ngừa Rụng tóc Sau khi Sinh conNgăn ngừa Rụng tóc Sau khi Sinh con
Tránh phải phá thaiTránh phải phá thai
Tăng Cơ hội Mang Song thai của BạnTăng Cơ hội Mang Song thai của Bạn
Quảng cáo

Về bài wikiHow này

Lena Dicken, Psy.D
Cùng viết bởi:
Nhà tâm lý học lâm sàng
Bài viết này đã được cùng viết bởi Lena Dicken, Psy.D. Lena Dicken là nhà tâm lý học lâm sàng tại Santa Monica, California. Với hơn tám năm kinh nghiệm, tiến sĩ Dicken chuyên trị liệu cho chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn do chuyển đổi cuộc sống và những khó khăn trong quan hệ tình cảm. Cô sử dụng phương pháp kết hợp các liệu pháp tâm động học, liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp dựa trên chánh niệm. Dicken có bằng cử nhân y học tích hợp của Đại học Hawaii tại Manoa, bằng thạc sĩ tâm lý học tư vấn của Đại học Argosy Los Angeles và bằng tiến sĩ tâm lý học về tâm lý học lâm sàng của Trường Tâm lý học Chuyên nghiệp Chicago tại Westwood. Công việc của Dicken đã được giới thiệu trên GOOP, tạp chí Chalkboard Magazine, cũng như vô số bài báo và podcast khác. Cô là nhà tâm lý học được cấp phép tại bang California. Bài viết này đã được xem 3.232 lần.
Trang này đã được đọc 3.232 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo