Bài viết này đã được cùng viết bởi Mandolin S. Ziadie, MD. Tiến sĩ Ziadie là nhà nghiên cứu bệnh học được cấp phép hoạt động ở Nam Florida chuyên về giải phẫu bệnh và lâm sàng. Cô đã lấy được bằng y khoa của Trường Đại học Y Miami vào năm 2004 và hoàn thành chương trình nghiên cứu về Bệnh lý Nhi tại Trung tâm Y tế Trẻ em năm 2010.
Có 8 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.
Bài viết này đã được xem 9.935 lần.
Hầu như bất kỳ ai cũng sẽ được chuyên gia y tế lấy máu và phân tích trong phòng thí nghiệm tại thời điểm nào đó trong đời. Hình thức xét nghiệm máu phổ biến nhất là xét nghiệm công thức máu toàn bộ hay xét nghiệm huyết đồ (CBC). Xét nghiệm này đo lường mọi tế bào và những thành phần khác nhau trong máu, chẳng hạn như hồng cầu (RBC), bạch cầu (WBC), tiểu cầu và huyết sắc tố (hemoglobin - Hb).[1] Những nội dung khác có thể được bổ sung vào xét nghiệm CBC, chẳng hạn như xét nghiệm liên quan đến nồng độ cholesterol hay lượng đường trong máu. Để hiểu rõ những chỉ số sức khỏe và bớt phụ thuộc hoàn toàn vào bác sỹ, học cách đọc kết quả xét nghiệm máu là ý kiến không tồi. Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ trở lại gặp bác sỹ để thảo luận thêm về kết quả xét nghiệm khi cần thiết.
Các bước
Hiểu Xét nghiệm CBC Cơ bản
-
1Hiểu cách mọi kết quả xét nghiệm được định dạng và trình bày. Mọi kết quả xét nghiệm máu, bao gồm CBC và những xét nghiệm khác, phải bao gồm một số nội dung cơ bản như: tên và mã y tế của bạn, ngày hoàn thành và in kết quả, tên xét nghiệm, phòng xét nghiệm và bác sỹ yêu cầu, kết quả thực tế, giá trị bình thường của những chỉ số được kiểm tra, thông số bất thường (được đánh dấu) và dĩ nhiên, rất nhiều từ viết tắt cũng như đơn vị đo lường.[2] Với những ai không thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mọi kết quả xét nghiệm máu có vẻ giống nhau và gây bối rối. Tuy nhiên, hãy dành chút thời gian và xác định toàn bộ những nội dung cơ bản này, cách chúng được sắp xếp giữa các dòng và cột.
- Một khi đã làm quen với cách trình bày của kết quả xét nghiệm, bạn có thể nhanh chóng đọc lướt và phát hiện những chỉ số bất thường (nếu có) được đánh dấu. Thông thường, chỉ số quá thấp được thể hiện bởi chữ cái "L" còn "H" được dùng cho chỉ số quá cao.
- Bạn không cần phải nhớ khung giá trị thông thường của bất kỳ thành phần đo lường nào bởi chúng luôn được in kèm trong kết quả xét nghiệm để tham chiếu.
-
2Phân biệt giữa tế bào máu thông thường và những gì một kết quả bất thường có thể thể hiện. Như trình bày ở trên, tế bào chính trong máu bao gồm hồng cầu và bạch cầu. Hồng cầu chứa huyết sắc tố, protein vận chuyển oxy đến mọi mô trong cơ thể. Bạch cầu thuộc hệ miễn dịch và làm nhiệm vụ tiêu diệt những vi sinh vật gây bệnh như vi-rút, vi khuẩn và ký sinh trùng.[3] Lượng hồng cầu thấp có thể là biểu hiện của thiếu máu (dẫn đến không cấp đủ oxy cho cơ thể), quá nhiều hồng cầu (hội chứng tăng hồng cầu) có thể là dấu hiệu của bệnh về tủy xương.[4] Lượng bạch cầu thấp (hội chứng giảm bạch cầu) cũng có thể là biểu hiện của một vấn đề về tủy xương hoặc tác dụng phụ của việc dùng thuốc, đặc biệt là hóa trị liệu. Mặt khác, lượng bạch cầu cao (hội chứng tăng bạch cầu) thường cho thấy cơ thể đang đấu tranh chống nhiễm trùng. Một số thuốc, đặc biệt là steroid, có thể làm tăng lượng bạch cầu trong máu.
- Chỉ số hồng cầu bình thường không giống nhau ở nam và nữ. Nam giới thường có nhiều hơn 20-25% lượng hồng cầu bởi họ thường có thể hình to lớn với nhiều mô cơ hơn và vì vậy, cần nhiều oxy hơn nữ giới.
- HCT - dung tích hồng cầu (phần trăm thể tích hồng cầu trên thể tích máu) và MCV (thể tích trung bình hồng cầu) là hai chỉ số đo lường của hồng cầu và thông thường, chúng đều cao hơn ở nam giới bởi họ cần nhiều oxy hơn.
-
3Nhận biết chức năng những thành phần cơ bản khác trong máu. Hai thành phần đã được đề cập đến trong xét nghiệm CBC là tiểu cầu và huyết sắc tố. Như đã ghi chú ở trên, huyết sắc tố là phân tử gốc sắt vận chuyển oxy từ phổi theo hệ tuần hoàn, trong khi đó, tiểu cầu là một phần của hệ thống làm đông máu của cơ thể, giúp ngăn ngừa mất máu quá nhiều khi bị thương.[5] Không đủ huyết sắc tố (do thiếu sắt hoặc vấn đề về tủy xương) dẫn đến thiếu máu. Lượng tiểu cầu thấp (hội chứng giảm tiểu cầu) có thể là biểu hiện của việc tủy xương có vấn đề hoặc sự viêm nhiễm nghiêm trọng.
- Nồng độ hồng cầu và huyết sắc tố có quan hệ mật thiết bởi huyết sắc tố là phân tử nằm trong hồng cầu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp hồng cầu dị dạng không chứa huyết sắc tố (bệnh thiếu máu do hồng cầu hình lưỡi liềm).
- Nhiều hợp chất có tác dụng "làm loãng" máu, nghĩa là chúng ức chế sự dính kết của tiểu cầu và ngăn ngừa máu đóng cục. Những hợp chất phổ biến bao gồm: cồn, nhiều loại thuốc (ibuprofen, aspirin, heparin), tỏi và mùi tây.
- CBC cũng bao gồm kiểm tra nồng độ bạch cầu ái toan (Eos), bạch cầu nhân đa hình (PMN), lượng huyết sắc tố trung bình trong hồng cầu (MCH), thể tích trung bình hồng cầu (MCV) và tỷ số trung bình của huyết sắc tố trong hồng cầu (MCHC).
Quảng cáo
Hiểu những Xét nghiệm và Hồ sơ khác
-
1Hiểu hồ sơ lipid là gì. Hồ sơ lipid là nhóm những xét nghiệm chuyên sâu hơn, hỗ trợ cho việc chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.[6] Bác sỹ sẽ kiểm tra kết quả hồ sơ lipid trước khi quyết định sự cần thiết của thuốc điều chỉnh giảm cholesterol. Hồ sơ lipid điển hình bao gồm xét nghiệm cholesterol toàn phần (gồm toàn bộ lipoprotein có trong máu), cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao - HDL (loại "tốt"), cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp - LDL (loại "xấu") và triglyceride, chất béo thường được tích trữ ở tế bào mỡ. Có cholesterol toàn phần nhỏ hơn 200 mg/dL và tỷ lệ HDL trên LDL tốt (gần mức 1:2) là cần thiết để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- HDL tách cholesterol thừa khỏi máu và chuyển đến gan để tái sử dụng. Mức HDL mong muốn là trên 50 mg/dL (lý tưởng: trên 60 mg/dL).[7] HDL là chỉ số duy nhất bạn mong muốn đạt giá trị cao trong nhóm xét nghiệm máu này.
- Khi bị thương hay bị viêm, LDL đưa cholesterol dư thừa vào thành mạch máu và do đó, có thể dẫn đến xơ vữa động mạch (tắc nghẽn động mạch). Mức LDL mong muốn là dưới 130 mg/dL (lý tưởng: dưới 100 mg/dL).
-
2Nhận biết ý nghĩa của xét nghiệm đường huyết. Xét nghiệm đường huyết đo lường lượng glucose luân chuyển trong máu, thường được thực hiện sau khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ.[8] Xét nghiệm này thường được yêu cầu khi có nghi ngờ về bệnh tiểu đường (loại 1 hoặc 2, hay tiểu đường trong thời kỳ thai nghén). Tiểu đường xuất hiện khi tuyến tụy không sản xuất đủ hoóc-môn insulin (hoóc-môn này đưa glucose ra khỏi máu) và/hoặc tế bào cơ thể không tiếp nhận glucose được insulin chuyển đến như bình thường. Do đó, người bị tiểu đường có nồng độ glucose cao mãn tính trong máu (hội chứng tăng đường huyết), thường lớn hơn 125 mg/dL.[9]
- Người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao ("tiền tiểu đường") thường có nồng độ glucose trong máu nằm trong khoảng 100-125 mg/dL.
- Những nguyên nhân khác khiến nồng độ glucose trong máu cao bao gồm: căng thẳng trầm trọng, bệnh thận mãn tính, cường giáp, viêm hay ung thư tuyến tụy.
- Không đủ glucose trong máu (ít hơn 70 mg/dL) được gọi là hạ đường huyết và là kết quả của việc uống quá nhiều insulin, nghiện rượu và suy giảm chức năng (gan, thận, tim).
-
3Tìm hiểu về CMP. Đó là một bảng chuyển hóa toàn diện, đo lường nhiều thành phần khác trong máu, chẳng hạn như chất điện giải (phân tử tích điện, điển hình là muối khoáng), các chất khoáng khác, protein, creatinine, enzyme gan và glucose.[10] Nó được dùng để xác định tình hình sức khỏe tổng quan, nhưng đồng thời cũng cho biết tình trạng thận, gan, tuyến tụy, mức điện giải (cần cho sự truyền dẫn thần kinh bình thường và co giãn cơ) cũng như cân bằng axít/bazơ. CMP thường được yêu cầu cùng CBC như một phần kiểm tra máu toàn diện của kiểm tra y tế hay sức khỏe định kỳ.
- Natri là chất điện giải cần thiết cho tuần hoàn dịch trong cơ thể. Nó cho phép tế bào thần kinh cũng như cơ hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, quá nhiều natri có thể dẫn đến cao huyết áp (áp suất máu cao) và làm tăng nguy cơ đau tim. Mức thông thường nằm trong khoảng 136-144 mEq/L. Những chất điện giải khác như kali có thể được bao gồm trong phần này.
- Enzyme gan (ALT và AST) tăng cao trong máu khi gan bị viêm hoặc bị tổn thương — thường là hậu quả của quá nhiều rượu bia và/hoặc thuốc (được kê đơn, không kê đơn và trái phép) hay nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan. Bilirubin, albumin và protein toàn phần có thể được bao gồm trong phần này.
- Nếu nồng độ cretinine và nitơ urê trong máu (BUN) quá cao, có thể bạn có vấn đề về thận. BUN nên ở mức 7-29 mg/dL trong khi với creatinine, con số này nên từ 0,8-1,4 mg/dL.
- Những thành phần khác trong CMP bao gồm albumin, clorua, kali, canxi, protein toàn phần và bilirubin. Nồng độ cao hay thấp của những thành phần này có thể là dấu hiệu cho việc bạn đang mắc bệnh.
Quảng cáo
Lời khuyên
- Nhớ rằng có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đên kết quả xét nghiệm máu (tuổi cao, giới tính, căng thẳng, độ cao / khí hậu nơi bạn sống). Vì vậy, cho đến khi trao đổi với bác sỹ, đừng vội vàng kết luận.
- Bạn có thể tìm hiểu mọi đơn vị đo nếu muốn, nhưng điều này không thật sự cần thiết bởi so sánh giữa các chỉ số với giá trị thông thường của chúng mới là điều quan trọng.
Cảnh báo
- Hiểu kết quả xét nghiệm máu của bạn có ý nghĩa thế nào khi so sánh với những giá trị bình thường là điều quan trọng để giúp bạn giải mã chúng, nhưng chỉ chuyên gia sức khỏe mới đủ trình độ để diễn dịch và dựa vào đó, đưa ra những chẩn đoán chính xác.
Tham khảo
- ↑ http://www.medicinenet.com/complete_blood_count/page2.htm#tocd
- ↑ https://labtestsonline.org/understanding/features/lab-report/
- ↑ http://www.medicinenet.com/complete_blood_count/page6.htm
- ↑ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anemia/basics/definition/con-20026209
- ↑ http://www.medicinenet.com/complete_blood_count/page6.htm
- ↑ https://labtestsonline.org/understanding/analytes/lipid/tab/test/
- ↑ https://labtestsonline.org/understanding/analytes/lipid/tab/test/
- ↑ https://labtestsonline.org/understanding/analytes/glucose/tab/test
- ↑ http://www.newhealthguide.org/Blood-Test-Codes.html