Tải về bản PDF Tải về bản PDF

Lô hội có thể làm dịu làn da bị cháy nắng, nhưng nếu ăn hoặc uống lô hội thì liệu có lợi không? Nhiều người cho rằng việc ăn lô hội có thể chữa một số bệnh thông thường như ợ nóng, táo bón và viêm đường tiêu hoá. Tuy có rất ít bằng chứng ủng hộ nhận định này, nhưng lô hội là một nguồn thực phẩm phổ biến trong nhiều nền văn hoá, đặc biệt là ở châu Á và Mỹ la tinh.[1] Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những điều cần biết về cách chọn đúng loại lô hội, cách chuẩn bị và thêm lô hội vào công thức nấu các món ăn yêu thích của bạn.

1

Sử dụng lô hội barbadensis Miller

  1. Đây là loài lô hội thường được quảng cáo là có nhiều lợi ích nhất. Ngay cả khi nó không được ghi tên, bạn cũng có thể nhận ra loài lô hội này khi nhìn vào những chiếc lá dày, rộng và nhiều thịt của nó. Cây có lá mọc theo chiều thẳng đứng và có hoa màu vàng.[2]
    • Lô hội không ăn được còn gọi là lô hội "chinensis" – nếu bạn muốn mua lô hội để ăn thì đừng chọn loài này!
    • Lô hội ăn được thường có bán tại một số cửa hàng thực phẩm và ở chợ. Nếu bạn tìm thấy lô hội ở quầy nông sản thì nó là lô hội ăn được.[3]
    Quảng cáo
2

Ăn khẩu phần nhỏ hoặc thêm lô hội vào các công thức nấu ăn

  1. Nếu ăn quá nhiều lô hội, bạn có thể bị chuột rút và tiêu chảy nặng. Lô hội có tính nhuận tràng và có thể gây ra một số tác dụng phụ khó chịu ở đường tiêu hoá. Tuy vậy, bạn sẽ không gặp phải vấn đề gì nếu ăn từng phần nhỏ. Bạn cũng có thể hạn chế tác dụng phụ này bằng cách chỉ cho một lượng nhỏ lô hội vào các công thức nấu ăn.[4]
    • Cho đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về lượng an toàn khi sử dụng lô hội làm thực phẩm, nhưng nói chung là không nên dùng nhiều. Tốt nhất là bạn chỉ nên dùng một lượng nhỏ lô hội (khoảng 1/4 thìa cà phê hoặc ít hơn).
    • Nếu bạn mua các sản phẩm lô hội chế biến sẵn, hãy làm theo hướng dẫn về khẩu phần ghi ngoài bao bì. Các sản phẩm này thường có hàm lượng ít hơn 10 ppm (phần triệu) chiết xuất từ lô hội.[5] Nó không phải là loại thực phẩm mà bạn có thể ăn nhiều!
    • Bạn chỉ nên ăn lô hội như món ăn vặt thỉnh thoảng một lần. Có một số bằng chứng cho thấy, ăn lô hội thường xuyên (trong ít nhất 3 tuần) có thể dẫn đến bệnh viêm gan cấp tính.[6]
3

Cắt lá lô hội thành từng khúc

  1. Rọc hết gai và cắt lá lô hội thành từng khúc dễ xử lý. Gai lá, phần đuôi nhọn và 1/3 đầu lá là những phần không ăn được, do đó bạn có thể bỏ đi. Tiếp theo, bạn sẽ cắt lá lô hội thành 2 hoặc 3 khúc để dễ lấy gel hơn.[7]
    • Bạn có thể cắt lá lô hội thành khúc dài tuỳ ý – chỉ cần dễ nạo gel ra là được.
    • Nếu muốn dùng lá lô hội để nấu nướng, bạn có thể cắt thành các khúc nhỏ hơn khi đã lấy gel ra.
    Quảng cáo
4

Lấy gel ra khỏi lá

  1. Gọt bỏ phần vỏ ở mặt dẹt của lá lô hội để lộ ra phần gel bên trong. Bạn sẽ thấy lá lô hội có một mặt dẹt hơn mặt kia. Sau khi gọt vỏ ở mặt dẹt của lá lô hội, bạn sẽ thấy phần gel trong suốt bên dưới. Dùng thìa hoặc dao để nạo phần gel ra. Dao gọt rau củ cũng có tác dụng nếu bạn có sẵn. Kỹ thuật này gọi là “phi lê”, và khi đã thành thạo thì bạn sẽ lấy được gel ra dễ dàng trong một mảnh.[8]
    • Luôn rửa gel bằng nước để loại bỏ nhựa (latex) . Nhựa lô hội có tính nhuận tràng mạnh nên hãy tránh ăn!
5

Rửa sạch nhựa khỏi lá hoặc gel

  1. Nhựa lô hội là một chất nhuận tràng rất mạnh. Cầm lá hoặc gel lô hội (tuỳ vào thứ mà bạn định ăn) dưới vòi nước mát để rửa sạch nhựa. Bạn có thể cho vào rổ để rửa cho dễ hơn – chỉ cần nhớ đảo qua đảo lại cho sạch tất cả các mặt.[9]
    • Chỉ 1 g nhựa lô hội ăn vào cũng có thể dẫn đến suy thận, thậm chí tử vong. Nhẹ nhất thì bạn cũng bị đau bụng nghiêm trọng và tiêu chảy.[10]
    Quảng cáo
6

Pha gel lô hội với nước hoặc nước quả để uống

  1. Cắt gel lô hội thành nhiều khối nhỏ để xay hoặc trộn dễ dàng hơn. Gel lô hội không có mùi vị mạnh nên sẽ không làm thay đổi nhiều hương vị của nước hoặc nước quả (nếu có), nhưng nó có thể làm thay đổi chút ít về kết cấu và độ nhớt của nước vì có độ đặc.[11]
7

Trộn gel lô hội với sinh tố để nguỵ trang hương vị

  1. Cắt gel lô hội kiểu hạt lựu và đem ướp lạnh, sau đó thả vào món sinh tố trái cây yêu thích của bạn. Gel lô hội có vị tươi mát rất hợp với món sinh tố, nhất là khi bạn muốn biến tấu một chút. Hương vị tương đối nhẹ của lô hội sẽ không làm thay đổi độ cân bằng của đồ uống, tuy nhiên ban đầu bạn chỉ nên dùng ít thôi cho chắc.[12]
    • Các loại hoa quả ngọt có hương vị đậm đà có thể giúp át đi vị hơi đắng của lô hội.
    Quảng cáo
8

Dùng gel lô hội ướp lạnh để cân bằng tính nhiệt của sốt chấm

  1. Cắt gel lô hội kiểu hạt lựu và để vào tủ lạnh qua đêm, sau đó cho vào công thức nấu ăn yêu thích của bạn. Trước khi trộn lô hội với các nguyên liệu khác, bạn nên rửa lại lần nữa cho khỏi nhớt. Vị thanh mát của gel lô hội sẽ tạo hiệu ứng làm mát khi trộn với ớt và các gia vị có tính nhiệt.[13]
    • Lô hội có vị khá nhạt nên nó không thay đổi hương vị của món sốt chấm là mấy. Tuy nhiên, có thể bạn cần nêm lại gia vị sau khi cho lô hội vào.
9

Ăn gel lô hội chần nước đường với sữa chua nếu thích vị nhẹ dịu

  1. Cho gel lô hội cắt hạt lưu vào xoong cùng với đường và nước cốt chanh. Sử dụng 1 cốc (200g) đường và nước cốt một quả chanh. Đun trên lửa nhỏ vừa, thỉnh thoảng khuấy cho đến khi gel lô hội săn lại như những quả nho và chất lỏng không còn nhớt. Thời gian này mất khoảng 10 phút.[14]
    • Sau khi chần nước đường xong, bạn hãy múc gel lô hội lên bát sữa chua, và thế là món ăn đã sẵn sàng!
    • Lô hội nấu chín có vị nhẹ hơn, do đó bạn có thể thích ăn kiểu này nếu thấy lô hội sống quá đắng với khẩu vị của bạn.[15]
    Quảng cáo
10

Cho lá lô hội vào món salad hoặc sốt salsa để có vị giòn

  1. Băm nhỏ lá hoặc vỏ lô hội sau khi đã bỏ gai. Gai lô hội không ăn được, nhưng phần còn lại của lá thì ăn được – chỉ cần bạn nhớ rửa sạch. Cắt sợi mỏng, cắt hạt lựu hoặc bào nhỏ.[16]
    • Lô hội có tính mát nên nó hợp với món salad cay hoặc sốt salsa có tính nhiệt.
11

Mua nước hoặc nước ép lô hội

  1. Đây là lựa chọn dễ nhất nếu bạn không muốn tự thu hoạch lô hội. Lấy gel lô hội ra khỏi lá thì không khó nhưng lại hơi mất công. Nếu bạn muốn dùng loại chế biến sẵn thì ở các cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khoẻ cũng có bán nước hoăc nước ép lô hội đóng chai.[17]
    • Nước ép lô hội chỉ là gel lô hội trộn với nước quả (thường là nước cam chanh). Bạn nên kiểm tra nhãn sản phẩm để xem trong đó có thành phần gì trước khi mua.
    • Bạn có thể rót nước lô hội trong chai ra uống hoặc trộn với món sinh tố yêu thích của bạn.
    Quảng cáo
12

Đề phòng các tác dụng phụ khó chịu

  1. Ăn lô hội có thể gây tiêu chảy và chuột rút. Nó cũng có thể gây kich ứng da hoặc nổi mề đay, đặc biệt nếu bạn bị dị ứng với các cây trong họ loa kèn, chẳng hạn như hành hoặc tuy líp. Nếu bạn nhận thấy bất cứ tác dụng phụ nào, hãy ngừng ăn lô hội ngay lập tức.[18]
    • Không ăn lô hội nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Nó có thể gây hại cho em bé.[19]
    • Lô hội là một chất nhuận trường, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng cơ thể hấp thụ thuốc mà bạn đang uống. Nếu bạn đang uống thuốc trị bệnh mãn tính, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi ăn hoặc uống lô hội.[20]

Lời khuyên

  • Đựng lô hội tươi trong hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh. Lô hội sẽ còn giữ được chất lượng tốt đến 1 tuần.[21]

Cảnh báo

  • Nếu bạn đang cân nhắc ăn lô hội để trị bệnh, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước – bác sĩ sẽ cho bạn biết nó có an toàn không và có thể đề nghị các lựa chọn khác nếu không phù hợp.[22]
  • Nhiều công dụng được cho là của lô hội không có bằng chứng chứng minh. Hãy thận trọng khi ăn lô hội vì có các lo ngại khi sử dụng dài ngày.[23]

Về bài wikiHow này

Luba Lee, FNP-BC, MS
Cùng viết bởi:
Hội đồng kiểm duyệt y tế
Bài viết này đã được cùng viết bởi Luba Lee, FNP-BC, MS. Luba Lee là bác sĩ gia đình được cấp bằng hành nghề tại Tennessee. Cô đã nhận bằng MSN của Đại học Tennessee năm 2006. Bài viết này đã được xem 13.095 lần.
Trang này đã được đọc 13.095 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

Quảng cáo